Cuối năm 2003, trong chương trình “trao đổi học giả” giữa Viện Nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) với Đại học Ulster, tại Ben-phát (Belfast), Bắc Ai-len, Vương quốc Anh, tôi có dịp tới thăm và trao đổi về chủ đề nhân quyền với một số giáo sư của trường và được mời giảng bài về quyền con người ở Việt Nam cho một lớp sinh viên. Các sinh viên khá tò mò về Việt Nam và vấn đề nhân quyền ở nước ta. Và tôi đã mở đầu bài giảng bằng việc kể câu chuyện: Người mang độc lập, tự do, nhân quyền đến cho Việt Nam chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người từng làm bồi bàn tại một khách sạn ở thủ đô Luân Đôn (Anh).

Tôi đi thẳng vào chủ đề: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người dân Việt Nam sống rất cực khổ và chưa bao giờ được hưởng các quyền con người, quyền công dân; chế độ chính trị là chế độ quân chủ; không có hiến pháp. Năm 1945, hơn 2 triệu người dân ở miền Bắc Việt Nam, bằng 1/10 dân số Việt Nam khi đó, bị chết đói. Năm 1911, Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc) đã đến nước Pháp và các nước phương Tây, như lời Người nói là để "xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta...". Nguyễn Tất Thành đã chọn con đường đi làm thuê để ra nước ngoài, vừa học tập, vừa hoạt động cách mạng. Đầu tháng 6-1911, Nguyễn Tất Thành xin làm phụ bếp trên tàu biển mang tên Amiral Latouche Tréville, có hành trình qua nhiều quốc gia, để được đi đến nhiều nơi. Trên con tàu này, Nguyễn Tất Thành đã đến nước Pháp và nhiều quốc gia thuộc địa của Pháp. Năm 1912, Nguyễn Tất Thành đến Mỹ, sống và làm việc tại thành phố Brúc-lin; cuối năm 1913, Người sang Anh, thời gian đầu làm việc tại một khách sạn ở phía tây Luân Đôn, sau đó chuyển sang làm phụ bếp tại Khách sạn Carlton, trên phố Hây Ma-kít (Haymarket). Tại nền của khách sạn này, nay là tòa nhà New Zealand, trên bức tường ở mặt tiền, Hội Hữu nghị Việt-Anh đã gắn một tấm biển ghi dòng chữ: “Hồ Chí Minh (1890-1969) - Người khai sinh ra nước Việt Nam, đã làm việc tại khách sạn Carlton, năm 1913”.

Tôi nói đến đó, bỗng có nhiều cánh tay giơ lên muốn chất vấn. Tôi mời một sinh viên. Anh ta đứng dậy, tỏ ý nghi ngờ điều tôi vừa nói, rồi bình luận:

- Tôi không nghĩ một người bồi bàn lại có thể trở thành nhà chính trị, một nguyên thủ của một quốc gia như Việt Nam?

Một sinh viên khác có ý kiến:

- Với tri thức của một người bồi bàn, thì làm sao Hồ Chí Minh có thể lãnh đạo Việt Nam đánh thắng hai đế quốc là Pháp và Mỹ?

sinh-vien-ngoai-quoc-ton-kinh-bac
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một câu lạc bộ thiếu nhi, nhân dịp Người sang thăm nước
Cộng hòa Nhân dân An-ba-ni (tháng 8-1957). Ảnh tư liệu

Hai câu hỏi đó được nhiều sinh viên tỏ ý tán đồng. Tôi điềm tĩnh trả lời:

- Nguyễn Tất Thành làm việc, bôn ba ra nước ngoài để có điều kiện mở rộng tầm mắt và hoạt động chính trị, để tìm đường cứu nước, chứ không phải để kiếm sống. Ông sinh ra trong một gia đình trí thức, có truyền thống yêu nước; trước khi đến Pháp, Nguyễn Tất Thành đã là một trí thức, một nhà giáo. Với trí tuệ anh minh, ông đã tự học, làm nhiều nghề, nắm vững và sử dụng thành thạo các ngôn ngữ, như: Pháp, Anh, Trung, Nga... Thời kỳ ở Pháp, ông từng viết báo, làm Tổng biên tập tờ Người cùng khổ và có quan hệ với nhiều chính khách, trí thức lớn, trong đó có họa sĩ Pi-cát-xô. Ông là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (năm 1920). Dưới sự lãnh đạo của ông và Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc chúng tôi đã giành được độc lập. Và người bồi bàn, làm bánh ngọt ở khách sạn Carlton, Vương quốc Anh năm xưa đã trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…

Các sinh viên ngày càng bị lôi cuốn bởi câu chuyện. Cuối cùng tôi dẫn chứng một cách thuyết phục: “Nguyễn Ái Quốc không chỉ là một nhà chính trị, một nhà tư tưởng, mà còn là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhiếp ảnh gia, một họa sĩ, một nhà thơ... Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (vào năm 1990) với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất”.

Về vấn đề nhân quyền, theo chủ đề bài giảng, tôi dẫn giải sinh động: “Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Về nội dung, đó là bản tuyên ngôn “kép”: Tuyên ngôn độc lập cho dân tộc và tuyên ngôn về quyền con người cho mọi người dân Việt Nam. Các bạn biết đấy, chỉ trong một năm, Nhà nước Việt Nam ra đời với một thể chế chính trị-pháp lý hiện đại, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, trong đó Hiến pháp 1946 (bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam), đã quy định đầy đủ các quyền công dân và quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Bài giảng của tôi kết thúc, cả hội trường ồn ào với nhiều bình luận, thể hiện sự tôn kính đối với Bác Hồ: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đúng là một thiên tài, là một con người có nghị lực và ý chí phi thường, xứng đáng là lãnh tụ của nhân dân, là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất!...

Cao Đức Thái

Theo http://www.qdnd.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: