Sau gần 10 năm làm bồi tàu, thủy thủ cho các hãng vận tải đường biển của Pháp, anh Nguyễn đã có thể nói tiếng Pháp thành thạo. Nhưng con đường từ nói đến viết về những vấn đề lý luận chính trị - xã hội phức tạp vẫn còn một chặng gian nan nữa phải vượt qua để có một vốn từ vựng, thuật ngữ chuyên môn phong phú; một năng lực tư duy, diễn đạt trong sáng kiểu Pháp, sao cho đáp ứng được yêu cầu của thị hiếu phương Tây và trình độ độc giả Pháp. Những khó khăn này không thể vượt qua ngay một lúc, phải phục xuống mà học, học trong thư viện, học trực tiếp với người thầy cùng sống một nhà là luật sư Phan Văn Trường, học với những đồng chí đảng viên xã hội trong Ban biên tập các báo cánh tả đã sửa bài giúp cho mình…

Được một người bạn Pháp làm báo khuyến khích và giúp đỡ, anh Nguyễn bắt tay vào tập viết. Bắt đầu từ những mẩu tin ngắn từ 5 đến 10 dòng, dần dần kéo dài ra đến 15, 20 dòng. Khi đã có thể viết được một cột báo, rồi một cột rưỡi, anh bạn lại khuyên: Bây giờ nên viết ngắn lại, phải viết cho thật chặt chẽ, xem cái gì lôi thôi dài dòng, không cần thiết thì bỏ nó đi. Câu cú phải gãy gọn, ý tứ phải minh bạch, chữ nào không hiểu thì phải hỏi, chớ có dùng lung tung… Nhờ khiêm tốn học hỏi và kiên trì rèn luyện, từ những mẩu tin, bài báo nhỏ, Người đã tiến lên viết được những bài báo dài, có chủ đề lớn. Các bài của Nguyễn Ái Quốc đều được đăng trên các báo cánh tả, do quỹ báo nghèo, nên không mấy khi có nhuận bút. Người phải vừa đi làm để kiếm sống, chiều tối dự mít tinh, đêm về mới cặm cụi viết. Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ đầu chủ yếu đề cập đến các vấn đề ở thuộc địa, đang còn mới mẻ đối với đa số độc giả Pháp lúc ấy; lại được chứng minh bằng những dẫn chứng cụ thể về người thực, việc thực, kèm theo những số liệu, sự kiện chính xác, không thể chối cãi, nên có sức thuyết phục và tính chiến đấu cao.

Sau khi đến Liên Xô, tham gia một khóa học ngắn hạn, trình độ lý luận Mác-Lê-nin được nâng lên, Người đã có thể viết được những bài phát biểu, tham luận, bài báo, luận văn quan trọng, đề cập đến những chủ đề lớn của thời đại cách mạng vô sản, về mối quan hệ khăng khít giữa phong trào cộng sản với phong trào giải phóng dân tộc, giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế. Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc đã giúp cho các đồng chí cộng sản và nhân dân châu Âu hiểu rõ hơn số phận đau khổ của công nhân, nông dân, phụ nữ… ở thuộc địa cũng như lòng yêu nước và khả năng cách mạng to lớn của họ một khi có tổ chức đảng lãnh đạo, dẫn dắt. Xuất phát từ vị trí của người dân thuộc địa, Người đã có thể mạnh dạn đưa ra những ý kiến riêng, dám bác bỏ những quan điểm sai trái đi chệch khỏi đường lối của Lê-nin, dũng cảm đấu tranh, phê phán khuynh hướng xô vanh, coi nhẹ vai trò của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa...

con-duong-nha-bao-1
Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Ảnh tư liệu

Những bài báo, luận văn được viết trong thời kỳ này đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngòi bút chính luận Nguyễn Ái Quốc, thể hiện một tư duy sắc sảo, có tính đột phá về lý luận, gây được tiếng vang rộng rãi trong bạn bè quốc tế. Thành quả đó không phải chỉ do tài năng bẩm sinh mà là kết quả của một quá trình kiên trì, gian khổ học tập, rèn luyện. Để viết báo giỏi, ngoài tài năng, còn phải có kiến thức rộng, muốn thế - như lời Người từng nhắc nhở - mỗi người làm báo phải biết ít nhất một ngoại ngữ để có thể tham khảo thông tin, kinh nghiệm, thành tựu về nội dung và kỹ thuật làm báo của thế giới. Bác Hồ là tấm gương sáng về mặt này: Thạo tiếng Pháp, giỏi tiếng Anh, tiếng Trung, biết tiếng Nga, ngoài ra còn có thể giao tiếp những điều thông thường với khách nước ngoài bằng vài thứ tiếng khác nữa.               

Nhưng học nước ngoài không phải là để rập khuôn, bắt chước mà học hỏi có chọn lọc, để nâng cao tri thức, bản lĩnh, từ đó mà sáng tạo ra phong cách riêng, phù hợp với ngôn ngữ, tư duy của người Việt Nam. Theo hướng đó, nhà báo Hồ Chí Minh đã hình thành cho mình một phong cách báo chí không thể trộn lẫn: Viết ngắn gọn, giản dị, lời ít, ý sâu, diễn đạt trong sáng, hấp dẫn - một phong cách vừa bác học, vừa dân gian, hiện đại mà lại rất Việt Nam.

“Lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí”(1), Người thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ân cần góp ý về nội dung và hình thức của báo chí cách mạng, mong sao cho nó phát huy hết sức mạnh tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, dẫn đường cho quần chúng trong cuộc sống, chiến đấu, lao động và học tập. Vì vậy, một quan điểm cơ bản được Người thường xuyên đặt ra cho các nhà báo trước khi viết là phải trả lời câu hỏi: “Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào?”, nghĩa là mỗi bài viết phải xác định rõ đối tượng, mục đích để có cách viết riêng, giọng điệu riêng cho phù hợp. Đối tượng chính của báo chí cách mạng ta đại đa số vẫn là nhân dân lao động, còn ít chữ, viết sao cho họ có thể hiểu được, nhớ được, để làm được. Vì vậy phải bỏ đi những câu chữ rườm rà, uyên bác kiểu hàn lâm, xa lạ với ngôn ngữ thường ngày của họ.

Ngày nay, với sự phát triển của dân trí, trình độ tư duy và ngôn ngữ của dân ta đã được nâng cao, đã có thể nói và hiểu được nhiều vấn đề trừu tượng. Tuy nhiên, những đặc điểm trong phong cách báo chí cùng những lời nhắc nhở ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là những bài học quý báu cho những người làm công tác thông tin, báo chí, tuyên truyền, giáo dục lý luận... để thực hiện điều nhắc nhở của Người: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”(2)./.

GS SONG THÀNH (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

(1) Bài nói tại Đại hội lần thứ ba Hội Nhà báo Việt Nam, in trong “Hồ Chí Minh - Về công tác văn hóa văn nghệ”, ST, H.1971, tr.57.

(2)Hồ Chí Minh Toàn tập, xb lần 2, t.5, tr.306.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: