Nh ng ngay thßng   bOn Bßc H   phan 15
Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12/1920,
đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Gặp Bác ở Pari

 Năm 15 tuổi, tôi làm tàu cho hãng Năm Sao và sang Pháp. Đến Pháp, tôi ở Mácxây rồi lên Lơ Havơrơ làm thủy thủ cho một hãng tàu xuyên Đại Tây Dương. Tháng 7 – 1922, tôi vừa đi Nam Mỹ về  thì một người Mỹ phụ trách Công đoàn đưa cho xem mấy tờ báo. Báo Người cùng khổ do Nguyễn Ái Quốc làm. Những bài báo đọc lên cứ thôi thúc người ta hành động, nhưng tôi và các anh em không hiểu lên hành động như thế nào. Chợt nảy ra ý đi tìm Nguyễn Ái Quốc. Anh em bàn nhau rồi cử tôi đi.

Tôi đi Pari, tôi lần đến Tòa báo Người cùng khổ ở đường Mácsêđê Patơriácsơ (Marché des Patriarches) thuộc quận 6. Chờ mãi đến 5 giờ chiều, tôi được biết hôm nay đồng chí Nguyễn Ái Quốc không đến tòa báo. Theo địa chỉ tòa báo cho, tôi đến tìm đồng chí ở Gôbơlanh, nhà số 6, tầng hai. Tôi hồi hộp lắm.

Một người trạc 30, 32 tuổi gì đó, cao, gầy, trắng trẻo đứng trước mặt tôi, tươi cười thân mật mở cửa mời tôi vào. Tôi theo đồng chí Nguyễn Ái Quốc vào nhà, thoải mái tự nhiên ngay, không rụt rè nữa. Đôi mắt trầm ngâm, đồng chí hỏi tôi tỉ mỉ từng điều nhỏ và nghe chăm chú. Chuyện trò thân mật, thời gian đi nhanh quá, một loáng đã 9 giờ tối. Tôi phải cáo từ ra về. Tôi về nhà trọ nằm nghĩ mãi. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc có tiếng tăm như thế mà giản dị, thân mặt, khiêm tốn vô cùng. Gặp đồng chí tôi càng thêm kính phục và cảm động.

Lần thứ hai tôi đến Pari, đồng chí Nguyễn Ái Quốc lại đưa tôi đi xem triển lãm hội họa và Bảo tàng Luvơrơ. Khoảng gần chiều, tôi cần ra tàu về Lơ Havơrơ. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc căn dặn tôi rất nhiều điều, tôi nhớ nhất và thấm thía nhất câu: “Cần luôn luôn nhớ làm nhiệm vụ của người dân mất Nước. Anh em nên thương yêu nhau, vui vẻ, đoàn kết với nhau. Đoàn kết cả với công nhân Pháp, nhân dân Pháp và các nước thuộc địa. Chúng ta đều là người nghèo khổ bị áp bức, bóc lột như nhau…”.

Về Lơ Havơrơ, anh em xúm lại hỏi. Tôi nhất nhất kể lại hết, không sót cái gì. Anh em phấn khởi lắm. Từ đó, theo lời đồng chí Nguyễn Ái Quốc, anh em bí mật chuyển báo về Nước và đến những nơi có Việt kiều ở. Anh em quyên góp tiền gửi ủng hộ Báo Người cùng khổ và mua Báo Người cùng khổ, Báo Nhân đạo, Tạp chí Bôn sê vích, đưa hàng trăm tờ về Nước.

Tháng 4 – 1923, tàu của tôi cập bến Lơ Havơrơ. Tôi lại về Pari tìm đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Câu đầu tiên tôi nói là báo cho đồng chí biết rằng Báo Người cùng khổ đã được anh em chuyển nhiều và đều đặn về Nước. Đồng chí nghe thấy thế vẻ vui mừng lộ rõ trên mặt. Đồng chí dặn: “Cố gắng làm cho anh em quyết tâm hơn nữa”.

Tàu đi biển luôn, một dạo tôi thưa đến Pari, chỉ thỉnh thoảng viết thư đến đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Một lần tôi viết hỏi đồng chí: “Tôi đọc sách thấy hay nói ông Mác, tôi chưa hiểu, xin đồng chí giải thích cho tôi biết”. Tôi nhận được ngay thư trả lời, không những đồng chí giải thích cho tôi rõ về Mác là ai mà còn giải thích tỉ mỉ về chủ nghĩa Mác và khuyên tôi chịu khó xem. Từ đó, tôi đọc sách Mác. Chữ gì không hiểu thì mò từ điển. Vẫn chưa hiểu thì viết thư hỏi đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Lần cuối cùng tôi gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Pháp là vào cuối năm 1923. Đến năm 1925, tôi vào Đảng Cộng sản Pháp. Trong khoảng đó mấy lần tôi vào Pari đến tìm đồng chí nhưng đều không gặp. Hóa ra đồng chí đã rời Pháp từ lâu rồi.

Giữa năm 1929, đồng chí Trần Phú trên đường từ Liên Xô về Nước có ghé qua Pari. Một hôm, cùng tôi đi viếng mộ các chiến sĩ Công xã Pari, đồng chí Trần Phú bảo tôi: “Lần đầu tiên tôi được biết đến sự nghiệp vĩ địa của các chiến sĩ Công xã Pari là ở Trường Hoàng Phố do đồng chí Nguyễn Ái Quốc giảng cho nghe”. Tôi nghĩ bụng: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi đến đâu là đào tạo người đến đó. Nếu mình không gặp đồng chí thì không biết nay thế nào. Nhớ lại khi bỏ Nước ra đi, tôi những đinh ninh không trở về quê hương nữa. Thấy khổ, thấy nhục nhưng không hiểu nên làm ra sao. Gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng chí nhắc: “Nhớ làm nhiệm vụ của người dân mất Nước”, vạch cho tôi thấy con đường chân chính giải phóng dân tộc là gắn liền với con đường giải phóng giai cấp. Rồi được các đồng chí, được anh em công nhân Đảng Cộng sản Pháp giáo dục, giúp đỡ tôi trở thành một đảng viên cộng sản. Từ đó, tôi ngày đem nung nấu trong lòng ý nghĩ “chết cũng phải về Nước”, về làm nhiệm vụ của người dân mất Nước, của người cộng sản.

Bùi Lâm kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2005

Những ngày ở Quảng Châu và ở Xiêm

Hồi ấy vào những năm 1924 – 1925, thực dân Pháp thi hành chính sách “khai thác thuộc địa” để bồi đắp cho vết thương chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Chúng bóc lột dân ta thậm tệ. Công nông cùng cực đã đành, mà các tầng lớp khác cũng sống trong cảnh “trứng để đầu gậy”.

Hồi ấy

Trong cảnh tối tăm khủng khiếp, người ta lo sợ và chán ghét những cái gì bảo thủ; người ta trông mong mộ cái gì mới, sáng sủa!

Đêm sao đêm mãi tối mò mò

Đêm đến bao giờ mới sáng cho?

Ngọn đèn ngờ trộm khêu càng nhỏ

Tiếng chó kinh người cắn vẫn to

Con trẻ ấm oe đã muốn dậy

Ông già thúng thắng hãy còn ho

Nhắn nhủ láng giềng ai dậy đó ?

Dậy thì lên tiếng gọi nhà nho.

Bài thơ vô danh ấy đã phản ánh một phần cảnh tượng và tâm tình của người dân Việt Nam hồi ấy.

“Láng giềng ai dậy đó?”. Mặc dù đế quốc phong kiến hết sức bưng bít, nhưng tiếng súng Cách mạng Tháng Mười đã vượt qua “Vạn lý trường thành”, vượt qua Thái Bình Dương mà lọt vào tai người dân Việt Nam. Đầu óc họ đã có một tia sáng mờ mờ, đã nghe lảng vảng một danh hiệu mới: “Nhà chí sĩ thanh niên Nguyễn Ái Quốc”. Người ta thì thào với nhau câu chuyện Xô-viết công nông binh đi đôi với cái tên “Nguyễn Ái Quốc”.

Nhưng Xô-viết là thế nào? Nguyễn Ái Quốc bây giờ ở đâu? Ở Nga, ở Pháp, hay ở Tàu? Có trời mới biết!

Thế rồi, hai cụ Phan về Nước và đùng một cái, tiếng bom Sa Diện của chí sĩ Phạm Hồng Thái vang dội giữa tiếng khóc đám tang cụ Phan Châu Trinh, giục những người thanh niên ấy đứng lên hành động: Biểu tình, truy điệu, bãi công, bãi khóa. Họ tổ chức công khai và có cả hội kín nữa. Kẻ ra Bắc, người vào Nam, có người tìm đường ra nước ngoài. Đám thanh niên ấy, có thể hình dung như “đàn kiến phải lửa” chạy tứ phía để tìm đường ra khỏi chỗ nóng. Hễ đụng đầu nhau là tâm sự, bàn tính. Ý kiến của họ còn phân vân. Nhưng họ đều giống nhau ở một chỗ: Mọi người đều muốn hoạt động để cứu Nước, cứu mình. Giữa những thanh niên quen thuộc nhau tự nhiên có sự phân công, kẻ đi, người ở, đặt quan hệ với nhau. Còn đi đâu, chưa nhất định. “Chẳng sang Tàu, cũng sang Tây” để gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các tổ chức cách mạng. Tôi cũng ở trong đám thanh niên ấy.

Tôi đi vào Sài Gòn; ở đây tôi giao du quen biết được nhiều người cùng lứa tuổi, thầy có, thợ có.

Trong dịp này, tôi cũng được gặp cụ Phó Bảng Sắc. Khi ấy cụ đã trong ngoài 60 tuổi, người xương xương, nước da ngăm ngăm, hai gò má cao, với bộ râu không dày không thưa. Cụ luôn luôn mặc bộ áo quần bà ba đen. Phong cách con người phong sương khí cốt. Cụ thường gần gũi với anh em thanh niên. Thường khi cụ đến nhà chúng tôi ở, chúng tôi đều gọi cụ bằng “bác”. Một hôm tôi đến hiệu thuốc Phúc Sinh Đường gặp cụ. Cụ hỏi:

- Cháu đến đây làm gì?

- Thưa lâu ngày, cháu đến thăm bác.

- Cháu đến thăm, bác cũng thế này. Chẳng đến thăm, bác cũng thế này. Các cháu đương tuổi thanh niên, phải học hành và làm việc. Đến thăm bác có ích gì?

Cụ ít nói, nhưng thanh niên chúng tôi cảm thấy ở cụ có một tình yêu sâu sắc đối với mình.

Vào khoảng tháng 9 năm 1926… Đêm cuối cùng, trước khi rời Sài Gòn, tôi đến thăm cụ và nói chuyện ra đi của mình. Cụ bấm tôi ra cửa hàng bán chè của một người Hoa kiều, bên cạnh tiệm thuốc. Ngồi đầu ghế, cụ bảo người bán chè bán cho hai bát, một bát có trứng gà, một bát không, rồi cụ chỉ bát chè có trứng bảo tôi ăn. Tôi không dám từ chối. Ăn xong, cụ trả tiền, hai người đứng dậy đi. Cụ nói sẽ:

- “Bác không có gì dặn cháu cả. Cháu ra đi cố gắng. Bác nghe nói “Quốc” đương ở Quảng Châu. Nếu cháu gặp thì nói bác vẫn khỏe, đừng lo…cứ cố gắng làm việc…Trung với Nước tức là hiếu với bác…Cháu đi”.

Ngậm ngùi quyến luyến, trong đầu tôi lúc ấy dường như thấy phong độ và phẩm cách của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã phảng phất biểu hiện phần nào ở bậc lão thành đáng kính ấy.

Ở Quảng Châu

Khoảng tháng 7 năm 1926, hai anh em Phan Trọng Bình và Lợi ở Quảng Châu về Sài Gòn gặp tôi. Hai anh kể cho tôi biết quá trình đi của các anh và nói đã gặp ông Nguyễn. Tất nhiên, các anh không kể hết và cũng không nói đã học hành như thế nào, tôi cũng không muốn hỏi kỹ. Chỉ biết là lần đầu tiên chuẩn bị ra đi, tôi thấy sung sướng hồi hộp…Anh Bình bảo tôi viết một bức thư bí mật, báo cáo qua tình hình từ khi các anh về và giới thiệu ba người chúng tôi (anh Ngô Thiêm và một người nữa lâu ngày tôi quên tên, và tôi). Ngoài phong bì để địa chỉ: Quảng  Châu thị, Huệ Ái Đông lộ, Trần Nhi cô, chuyển giao Lương… nữ sĩ. Tôi bụng bảo dạ, mừng thầm, thư này chắc sẽ đến tay anh Nguyễn…

Một đêm tháng chín, với bộ quần áo công nhân, chúng tôi ra bến tàu Khánh Hội, xuống chiếc tàu Đại Phúc Tinh. Mấy anh thủy thủ đón sẵn. Lập tức người ta đưa chúng tôi lần mò trong đám tối mịt, rồi đưa vào một nơi, đóng cửa lại. Lấy tay sờ soạng, chúng tôi thấy mình đang ở trong một cái khuông rất hẹp, ngồi đứng đều không được. Tôi thấp mà phải co lại như con tôm mới có thể nằm xuống. Còn hai anh kia thì đứng nghiêng nghiêng. Hồi lâu chúng tôi mới biết đấy là mạn tàu hai mê. Đứng trong mạn tàu, mình nghĩ mình như thân kiến, nhưng lại nghĩ: Chuyến này mà thoát, gặp được anh Nguyễn…thì cũng thỏa. Cứ như thế từ 12h đêm trước đến 2h chiều hôm sau, tàu ra khỏi hải phận, bọn “ma tà” lên bờ, người ta mới dám mở cho chúng tôi ra. Mọi người đã đẫm mồ hôi, như kẻ bị chết trôi mới vớt lên.

Anh em công nhân đưa chúng tôi vào buồng, hòa sữa cho uống. Thế là thoát. “Con chim đã sổ lồng”.

Độ năm ngày đêm, đến Hương Cảng, tàu bốc hàng xong. Nhưng vì không có hàng đi Quảng Châu, anh em công nhân lại tìm cách gửi chúng tôi sang chiếc tàu “Quảng Tây”. Lại bị giấu một lần nữa; nhưng lần này không phải vì chính trị, mà là kinh tế: Không có tiền tàu… Lần này, chúng tôi không phải là kiến nữa, mà là những con vịt. Ngồi lom khom dưới đáy tàu, nước đến nửa ống chân. Hơn một tiếng đồng hồ, đợi người soát vé, anh em đưa chúng tôi lên.

Chúng tôi được đưa vào một gian buồng đặc biệt của anh công nhân thợ máy, tên là Lý Hoa. Anh cho chúng tôi ăn kẹo, bánh, hút thuốc lá.

Khoảng năm giờ chiều, tàu đến Quảng Châu. Chúng tôi được đưa đến một nơi, thấy có anh em công nhân nằm ngồi la liệt, người xem báo, kẻ nói chuyện. Sau đó, một anh công nhân rủ chúng tôi đi ăn cơm. Ăn uống xong lại ngủ một đêm. Anh công nhân ấy lại đưa chúng tôi đến một nơi khác, bảo chúng tôi với một người khác nữa. người ấy đưa chúng tôi đi…

Lên cầu thang gác thứ 3, có mấy cậu bé đưa chúng tôi vào. Trong số các cậu bé, sau này tôi biết có đồng chí Lý Tự Trọng. Một lúc nữa, có một người thanh niên đến, tuổi chừng trên hai mươi, ăn mặc lối học sinh, có vẻ hoạt bát, linh lợi, tự giới thiệu là Hoài.

Sau khi chúng tôi kể chuyện đường đi của mình, anh Hoài cho biết những người thủy thủ trên tàu đã có tổ chức và đám người công nhân ở nhà kia là những người bãi công ở Hương Cảng, được Chính phủ Quảng Đông đưa về nuôi dưỡng và cho học tập.

Gian nhà này ở trong một căn nhà dài, đối diện với trường Đại học Quảng Châu. Trong nhà, trên tường chính giữa ngoảnh mặt ra, có chân dung Mác, Ăng-ghen, Lê-nin. Hai tường hai bên treo chân dung Xta-lin và Tôn Trung Sơn đối diện nhau. Phía ngoài cửa ngoảnh vào, treo chân dung Phạm Hồng Thái. Đây là lần đầu tiên, được nhìn các chân dung kể trên một cách rõ ràng. Chúng tôi bảo nhau nhìn cho “no”. Ở trong Nước, chúng tôi chỉ được ở nơi thầm kín, đâu mà được thấy cái cảnh các vị ấy sum họp một nhà và được nhìn trong ánh sáng như thế này. Đứng nhìn, đi nhìn, mà hình như các vị cũng đương nhìn mình và nhìn cả từng bước đi của mình nữa…

Sau đó, một vài đồng chí đến gặp chúng tôi hỏi tình hình trong Nước. Có lẽ vừa hỏi mà cũng vừa khảo sát chăng! Có một người mặc quần áo học sinh Trung Quốc, trạc chừng ngoài ba mươi tuổi, mắt sáng, gò má cao, vui vẻ, hoạt bát, nói năng hùng biện, tên là đồng chí Lương: Một người thì mặt hơi to, thường đeo kính, béo hay mặc âu phục, tên là Trương. Một người nữa, mặc bộ quần áo Trung Sơn (trong suốt thời gian chúng tôi ở Quảng Châu, lúc nào cũng chỉ thấy mặc có một bộ này), dáng người mảnh khảnh, cao, trán rộng, mắt sáng, giọng nói khoan thai, ấm áp,… vui tính nhưng ít cười, gọi là đồng chí Vương.

Trong một buổi nói chuyện thân mật về tình hình trong Nước, chúng tôi kể từ chuyện quan trường, vua chúa thối tha, đến chuyện gặp cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Văn Trường, đến chuyện anh em em thanh niên bồng bột nông nổi, chuyện Bắc, Nam còn thành kiến, v.v… Tóm lại, trong khi kể chuyện chúng tôi tỏ ra bi quan nhiều. Cuối cùng, đồng chí Vương nói, đại ý: Cũng vì khó khăn, còn nhiều điều xấu như thế, cho nên chúng ta phải làm cách mạng. Người cách mạng phải là người lạc quan chủ nghĩa, tin tưởng ở sự thắng lợi cuối cùng, v.v…

“Lạc quan chủ nghĩa”. Sau này tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Nhưng khi ấy, tôi đã thấy nó là một liều thuốc chữa trúng bệnh của tôi. Nhờ thuốc ấy, sau này mỗi khi gặp khó khăn nguy hiểm, tôi đã vui vẻ vượt qua!

Trong cuộc nói chuyện, chúng tôi thấy đồng chí Vương tuy xa Nước đã lâu, nhưng đồng chí biết rất thành thuộc tình hình trong Nước: Năm nào Pháp cướp lúa gạo của ta chở sang Pháp bao nhiêu, năm nào ngân hàng Pháp được lời bao nhiêu, v.v… cho đến chuyện tên toàn quyền Va-ren đã cướp đồ cổ của Việt Nam chở sang Pháp bao nhiêu hòm nó có mấy người bồi, mấy con chó. Mỗi con chó của nó ăn mỗi tháng bao nhiêu. Với tiền nuôi chó ấy, một người nông dân Việt Nam ăn được hàng năm, hay bằng mấy lần tiền lương hàng tháng của một công chức nhỏ người Việt, v.v… Những con số chân thật và mỉa mai ấy làm cho chúng tôi căm thù và ứa nước mắt…

Ngày khai mạc lớp học, anh em đến đầy đủ. Trước buổi khai mạc, gần năm mươi anh em chúng tôi đều phải viết bản “Ngôn chỉ”, nói rõ nghề nghiệp và động cơ của mình ra ngoài. Khi làm lễ khai mạc, hội viên cử đại biểu lên phát biểu ý kiến. Tôi cũng là một người “bị” anh em cử đứng lên nói. Tôi lúc ấy thật là lúng túng; đứng lên, tim đập thình thịch, mặt đỏ bừng rồi tái mét, trông một người thành hai ba người, cái bàn hình như nâng lên rồi lại hạ xuống. Một hồi, tôi mới nói được.

Địa điểm lớp học, hình như ở đường Văn Minh thì phải, đối diện với một Hội quán Tổng Nông hội, cách nhau một quảng trường. Ở đấy vừa là Hội quán vừa là ký túc xá của lớp huấn luyện cán bộ Nông vận tỉnh Quảng Đông. Hàng ngày chúng tôi cũng sang ăn cơm ở đó. Sau khi lớp chúng tôi mở, Tổng Nông hội mở tiệc trà hoan nghênh.

Ngoài cửa lớp học, treo một cái biển có chữ lớn: “Đặc biệt chính trị huấn luyện ban”. Tiền chi phí của lớp học do Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp một phần, các tổ chức giúp một phần, anh em sĩ quan và học sinh quân Việt Nam ở trường Hoàng Phố hàng tháng bớt tiền lương đóng góp một phần.

Chương trình học đại khái là: Trước hết, học “nhân loại tiến hóa sử” nhưng chủ yếu là học từ thời kỳ tư bản chủ nghĩa đến đế quốc chủ nghĩa. Đối với tôi khi ấy, chưa nói gì nội dung sâu xa, ngay hiểu được những danh từ “tờ-rớt”, “xanh-đi-ca”, v.v… thật là nhức óc. Sau đó học đến lịch sử vận động giải phóng của Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ và lịch sử mất Nước của Việt Nam. Chúng tôi cũng học các thứ chủ nghĩa như: Chủ nghĩa Găng-đi, chủ nghĩa Tàm Dân một cách có phê phán và chủ nghĩa Mác – Lê-nin, kết hợp với lịch sử Cách mạng Tháng Mười.

Về phần tổ chức, chúng tôi học lịch sử và tổ chức ba Quốc tế và các tổ chức phụ nữ, thanh niên quốc tế, quốc tế cứu tế đổ và quốc tế nông dân.

Phần cuối cùng là phần vận động quần chúng và tổ chức quần chúng như vận động công nhân và hệ thống tổ chức công hội, vận động nông dân và tổ chức nông hội; thanh niên học sinh cũng vậy. Trong khi học vận động quần chúng, có tổ chức tuyên truyền thực tập. Một người đóng vai là người đi tuyên truyền. Nhiều người khác đóng vai là những người công nhân, nông dân hay học sinh ngồi nghe và đặt ra câu hỏi để người nói trả lời. Sau đó anh em phê bình và rút kinh nghiệm.

Đối với tôi, hệ thống tổ chức công nhân, nào tổ chức ngang, nào tổ chức dọc, vẽ lên bảng như màng nhện, thật rối như canh hẹ.

Ngoài việc lên lớp, sau mỗi tuần có “báo cáo học vấn” ở các tiểu tổ. Mọi người lần lượt báo cáo về lí luận của mình đã biết được. Nếu có sai thì anh em bổ sung cho. Có cả viết “học báo” nữa. Thường có những cuộc phê bình và tự phê bình.

Trong những buổi học, đồng chí Vương là người phụ trách giảng nhiều nhất. Đồng chí Lương (tức Hồ Tùng Mậu) và đồng chí Hoài là người trực tiếp hướng dẫn, giải đáp.

Trong khi học, chúng tôi thấy đồng chí Vương giảng rất dễ hiểu. Đồng chí Vương nhớ những con số rất tài, ai cũng phải khâm phục. Thường khi các đồng chí giảng viên cũng phải hỏi con số ở đồng chí Vương. Đồng chí Vương còn khéo léo dùng những con số để cắt nghĩa những vấn đề phức tạp làm cho học sinh dễ hiểu. Đồng chí nói: Cần chú ý tác dụng của con số, vì nó là những tài liệu thực tế làm cho con người ta trông thấy sự thật. Như Lê-nin thường nói: Người nông dân tin con số hơn lý thuyết. Dù khó nhưng cũng phải cố gắng nhớ.

Mọi người rất thích đồng chí Vương đến giảng hay tham gia các cuộc báo cáo học vấn ở tổ. Vì cũng một vấn đề ấy mà được đồng chí Vương giảng hay giải đáp thì mọi người dễ nắm được vấn đề hơn là với đồng chí Lượng hay đồng chí Hoài. Nhờ có cách giảng dạy khéo léo ấy, mà chúng tôi tuy trình độ còn thấp kém, và chỉ được học tập trong thời gian ba, bốn tháng (vì đi lâu, đế quốc nghi) nhưng sơ bộ chúng tôi hiểu được. Mọi người lại rất sợ đồng chí Vương hỏi. Vì đồng chí Vương hỏi những câu mới nghe rất thường, dễ trả lời, nhưng khi bị hỏi vặn lại, hỏi sâu vào, thì anh em rất lúng túng.

Đồng chí Vương thường dạy chúng tôi chú ý về thái độ đối với quần chúng. Đồng chí nói: “Đế quốc Pháp nó dạy cho thanh niên mình hỏng, Tây không ra Tây, Nam không ra Nam, như thế không gần được với quần chúng”.

Đồng chí Vương công việc rất nhiều, nhưng không bao giờ đến chậm giờ giảng. Ngoài thì giờ làm việc, đồng chí còn viết bài trên báo Thanh niên, Phụ nữ, Quân nhân cách mạng. Nghe nói đồng chí còn nhận dạy chữ quốc nghĩ cho mấy anh em làm bồi ở Hương Cảng về ở Quảng Châu nữa.

Lợp học bế mạc, chúng tôi được tổ chức vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, chúng tôi đi viếng mộ Phạm Hồng Thái và mỗi người đều tuyên thệ “nguyện hiến thân cho Tổ quốc, dù hi sinh cũng không từ”. Rồi chúng tôi được phái đi công tác, phần lớn về Nước. Riêng tôi và một đồng chí nữa được phái đi công tác vận động Việt kiều ở Xiêm. Lúc ấy vào khoảng tháng hai năm 1927. Đến tháng tư, ở Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch phản bội, tuyên bố tuyệt giao với Liên Xô. Nghe nói đồng chí Vương cũng đi. Đồng chí Vương đi đâu?

Mùa Thu năm 1928, ở Ban Đông thuộc Phi Chít (Trung bộ nước Xiêm) có ông Chín xuất hiện. Ở U Don ít lâu, Thầu Chín ra Sa Côn, nơi có đông kiều bào hơn và cũng đã có trường học cho trẻ em, có Hội hợp tác của thanh niên. Nhưng ở đây, kiều bào còn chậm tiến và mê tín. Thầu Chín đến Sa Côn cũng sinh hoạt và công tác như ở U Don. Ngoài việc dịch sách và huấn luyện cho anh em thanh niên, Thầu Chín thường bày cho kiều bào tổ chức diễn kịch, thường là kịch lịch sử Việt Nam mất Nước. Trong thời gian Thầu Chín ở Sa Côn, cán bộ được giáo dục rất nhiều về công tác quần chúng./.

Lê Mạnh Trình kể
Trích trong Bác Hồ, hồi kí,
 NXB. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: