Tiểu phẩm là thể loại báo chí đã có lịch sử hàng trăm năm nay. Xuất hiện đầu tiên trên báo chí nước Pháp, trong khoảng cuối thế kỷ 18 (tiếng Pháp gọi là Feuilleton, gốc ở từ Feuille, nghĩa là những tờ giấy rời). Chính vì thế, tiểu phẩm là những bài báo ngắn gọn, có tính châm biếm, gây cười thường đăng trong những góc dưới hoặc ấn phẩm phụ của các tờ báo.
Phẩm chất đặc trưng để bạn đọc nhận dạng, cũng là phẩm chất tạo ra tính chiến đấu của tiểu phẩm chính là yếu tố hài hước, châm biếm. Tiểu phẩm là phương tiện để người cầm bút đả kích, giễu cợt những thói hư tật xấu, những cái cũ kỹ lạc hậu; thậm chí là lên án cái ác, sự bất công và những chiêu trò mị dân, lừa bịp trong đời sống xã hội. Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã xuất hiện nhiều cây bút lừng lẫy trong thể loại tiểu phẩm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là cây bút tiêu biểu nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thể loại tiểu phẩm báo chí nhằm phục vụ các mục tiêu đấu tranh chính trị. Trước đó, như Người tâm sự: “Lúc ở Pa-ri, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp nhưng không biết làm thế nào để nêu lên được”. Người đã học cách viết báo rồi ra báo. Người sử dụng báo chí để tố cáo kẻ thù xâm lược và vận động, tuyên truyền nhân dân các nước thuộc địa đấu tranh giành độc lập, tự do. Trong cả cuộc đời hoạt động sau này, tiểu phẩm là thể loại báo chí quen thuộc nhất, được Bác Hồ sử dụng nhiều nhất.
Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Nội dung các tiểu phẩm báo chí của Hồ Chí Minh rất phong phú, phản ánh nhiều khía cạnh biểu hiện khác nhau trong bản chất phản động, vô nhân đạo của kẻ thù – thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai; phê bình những khuyết điểm, hạn chế, lạc hậu trong nội bộ dân tộc ta. Nội dung vạch trần, châm biếm kẻ thù dân tộc, kẻ thù giai cấp chiếm phần lớn trong các tác phẩm của Người. Ngay trong nội dung này, ngòi bút của Hồ Chí Minh cũng đề cập đến nhiều khía cạnh rất phong phú. Dưới nhãn quan của một nhà chính trị từng trải, nhạy bén, tinh tường khi nhìn nhận, đánh giá các sự kiện, tiểu phẩm Hồ Chí Minh luôn nhanh nhạy phát hiện bản chất, mâu thuẫn của các hiện tượng tưởng chừng như đơn giản, điểm huyệt cái xấu xa, tàn bạo đằng sau bộ mặt đạo đức giả của kẻ thù. Những vấn đề Người viết đều mang tính thời sự nóng hổi, kịp thời, liên hệ chặt chẽ với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
Với ý thức “cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là bài hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh”, tiểu phẩm của Hồ Chí Minh không những có tính thời sự phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị mà còn phù hợp với đối tượng. Người khuyên các nhà báo “Mỗi khi viết bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai ? Viết để làm gì ? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc?”. Người phê bình các nhà báo “những chữ tiếng ta có mà không dùng” lại đi dùng chữ nước ngoài, làm giảm sự trong sáng của tiếng nói dân tộc. Chính Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về những điều đó. Trong tiểu phẩm, người thường dùng chữ phổ thông giản dị, cách đặt câu gọn gàng, dễ hiểu. Tiểu phẩm của Người ngắn gọn mà chặt chẽ, “nói có sách, mách có chứng”. Các tiểu phẩm như: “Nhân đạo Mỹ”, “Sinh hoạt kiểu Mỹ”, “Chết mà chưa hết nhục”, “Đạo đức Mỹ”, “Nhất trên thế giới”…có dung lượng chỉ trên dưới 200 chữ, bằng một tin ngắn trên báo nhưng có dung lượng thông tin rất cao, rất sâu sắc.
Với sự nhạy bén về chính trị, bằng phương pháp nhìn nhận, xem xét khoa học, tinh tế, với nhiều thủ pháp điêu luyện và giản dị… tiểu phẩm Hồ Chí Minh có tính tư tưởng sâu sắc, tính chiến đấu cao, tạo nên cái cười sâu cay mà vẫn ý nhị, sắc sảo mà vẫn khách quan, quyết liệt mà rất thời sự. Đồng chí Trường Chinh đã nhận định chung về phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Về văn phong, cách nói hoặc cách viết của đồng chí Hồ Chí Minh có những nét rất độc đáo; nội dung khẳng khái, thấm thía, đi sâu vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim và lý trí của người ta; hình thức sinh động, giản dị dễ hiểu, giàu tính dân tộc và tính nhân dân”. Nhận định chung đó cũng rất xác đáng đối với riêng thể loại tiểu phẩm của Người.
Nghệ thuật ngôn từ trong tiểu phẩm báo chí của Hồ Chí Minh rất linh hoạt, đa dạng; bao gồm nghệ thuật sử dụng vốn từ thuần Việt; nghệ thuật phiên âm tiếng nước ngoài với tính cách một thủ pháp nghệ thuật châm biếm; nghệ thuật sử dụng từ trong dấu ngoặc kép với mục đích châm biếm… Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất khéo sử dụng thành ngữ, tục ngữ, thơ trong tiểu phẩm. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin được điểm qua nghệ thuật lẩy Kiều trong các tiểu phẩm của Người.
Lẩy Kiều, nhại Kiều vốn đã thành một truyền thống văn hóa của nhân dân ta. “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du là một đỉnh cao chói lọi của nền văn học Việt Nam, một “bách khoa toàn thư” về đời sống xã hội của đất nước trong giai đoạn lịch sử đầu thế kỷ 19. Nhân dân ta thường có hình thức dựa vào những câu Kiều, hay bộ phận của câu, hoặc cách diễn đạt ý trong Kiều để vui cười, để biểu đạt tâm tư, nguyện vọng và đôi khi để thi thố tài năng. Hồ Chí Minh đã sử dụng phương pháp này trong tiểu phẩm để diễn đạt ý một cách sinh động, dễ hiểu, đồng thời tạo ra tiếng cười mỉa mai, diễu cợt kẻ thù. Kiều vào tiểu phẩm của Hồ Chí Minh rất tế nhị, nhuần nhuyễn. Có khi Người chỉ lấy một câu, hòa trộn vào văn xuôi. Thậm chí có trường hợp câu ca dao Người sáng tác chỉ mang hơi hướng, phong vị của Kiều mà thôi. Trong một tiểu phẩm lên án âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm vận động, ép buộc đồng bào công giáo di cư vào Nam với những luận điệu như: Chúa đã vào Nam rồi, ai vào Nam mới có linh hồn, vào Nam sẽ có cuộc sống vật chất bảo đảm… Hồ Chí Minh đã lấy hai câu nhại Kiều để dẫn đề: “Thiên đường của Diệm ở đâu ?/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Trên Báo Nhân Dân ngày 7-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Đế quốc Mỹ bi và bí”. Tác giả viết như một hoạt cảnh nhỏ với hai nhân vật là Giôn-xơn – đương kim tổng thống và Ken-nơ-đi, tổng thống Mỹ bị ám sát chết trước đó. Đây là lời của Giôn: “Very bad Ken ? Hôm Ken chết, tôi hí hửng mừng được làm tổng thống… Nhưng…. Xin mời Ken hãy rốn ngồi/ Để cho tôi kể khúc nhôi đoạn trường”. Câu nhái Kiều được sử dụng ở đây thật mỉa mai, tức cười đối với một Tổng thống Hoa Kỳ. Cuối bài, tác giả lại dựa vào hai câu Kiều: “Gió đâu sịch bức mành mành/ Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao” để viết thành “Bỗng cơn gió sịch bức mành/ Zôôn tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao”. Hai câu Kiều được sử dụng một cách linh hoạt với sự bổ sung và đảo các thành phần để tạo hiệu quả biểu hiện độc đáo. Ở câu trên, “bỗng” được đưa lên đầu câu làm tăng thêm sự bất ngờ, như là sự giật mình thảng thốt. Câu dưới không còn 8 chữ mà thành 9 chữ do thêm chữ “Zôôn”. Sự phá thể thơ ở đây cũng có thể tạo nên cái cười, nhờ vào sự liên tưởng bất ngờ giữa ngữ nghĩa văn bản và hoàn cảnh thực tế. Hai câu lẩy Kiều để vào chuyện – vào giấc mơ, hai câu lẩy Kiều để kết thúc giấc mơ, góp phần làm cho toàn cảnh tiểu phẩm mang phong vị một hoạt cảnh hài hước.
Ở tiểu phẩm “Không chắc có tiền mua tiên cũng được” đăng Báo Cứu quốc ngày 4-11-1952, Hồ Chí Minh giễu cợt chính sách của Mỹ dùng tiền viện trợ để mua chuộc và kiềm chế các nước khác: “Có tiền mà cậy chi tiền/ Có tiền như Mỹ, cũng phiền lắm thay”. Câu Kiều “Có tài mà cậy chi tài”, được Bác thay bằng “tiền” để chế giễu đế quốc Mỹ. Trong tiểu phẩm này, ta còn thấy sự kết hợp tài tình giữa một thành ngữ với thủ pháp lẩy Kiều để tạo nên một kết cấu hoàn chỉnh với lập luận chặt chẽ, thuyết phục người đọc.
Qua các tiểu phẩm báo chí của Hồ Chí Minh, ta có thể nhận thấy sức làm việc không mệt mỏi, một bản lĩnh chính trị tuyệt vời, một trình độ ngôn ngữ tiếng Việt điêu luyện bậc thầy, một bản lĩnh nghề nghiệp trác việt của một nhà báo, nhà chính trị thiên tài. Tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh đã tạo thành và để lại một đỉnh cao, một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử phát triển thể loại này. Đó là một trong những di sản báo chí quý báu mà Người để lại cho nền báo chí cách mạng Việt Nam./.
NGUYỄN HỒNG (Lược thuật theo sách Tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2000)
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)