Đồng chí Nguyễn Văn Linh là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản hết mực kiên cường, trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí là người lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, nhân dân và Quân đội ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; là Tổng Bí thư đã lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt thác ghềnh những năm đầu thời kỳ đổi mới, là nhân cách mẫu mực của người cộng sản, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Lý tưởng cao đẹp, bản lĩnh kiên cường

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (tên thật là Nguyễn Văn Cúc) xuất thân từ một gia đình công chức nghèo yêu nước ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Mặc dù sớm được cắp sách đến trường và có tư chất thông minh, ham học, song người thiếu niên yêu nước Nguyễn Văn Cúc không an phận tiến thân bằng con đường trở thành công chức trong bộ máy chính quyền thực dân mà sớm dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân. Năm 1929, khi mới 14 tuổi, Nguyễn Văn Cúc đã tham gia các hoạt động yêu nước, tiếp đó tham gia cao trào cách mạng 1930-1931 do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động. Bị thực dân Pháp bắt, tra tấn dã man, mặc dù còn ở tuổi vị thành niên, đồng chí đã nêu cao khí phách anh hùng của người cách mạng, lòng yêu nước sắt son, bình tĩnh, hiên ngang không chút run sợ, chấp nhận bản án phát lưu chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Chính lòng yêu nước, chí khí kiên cường của những người cộng sản trẻ tuổi tại phiên tòa đặc biệt xét xử chính trị phạm ở Kiến An ngày 26-1-1931 đã có tiếng vang lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào yêu nước trong các tầng lớp nhân dân lúc bấy giờ. Tiếp đó, những người yêu nước, trong đó có Nguyễn Văn Linh, với một niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng, với nghị lực phi thường đã biến nhà tù Côn Đảo - nơi địa ngục trần gian, thành trường học lớn của cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Công Hòa, nguyên Bí thư Thành ủy lâm thời Hải Phòng, bạn chiến đấu thân thiết của đồng chí Nguyễn Văn Linh những năm 1930-1945, kể lại: “Thời gian ở Côn Đảo, tôi bị giam chung với anh Cúc nên mới thấy rõ, thấy hết những nét đáng yêu, đáng quý, đáng phục của anh Cúc. Bị giam cầm mà anh vẫn phát huy ý chí phấn đấu. Do có học hành chữ nghĩa đàng hoàng, anh được ra làm lao công trong tù và lập tức tận dụng cơ hội này để liên lạc với anh em, học tập rất chăm chỉ; cứ rảnh tay anh lại kiếm cái để đọc, để học. Thấy vậy có người nói nửa đùa nửa thật “tù chung thân không có ngày về mà học làm gì? Học để ra nghĩa trang à”. Anh Cúc vẫn cứ cặm cụi học. Ông Phạm Văn Đồng rất quý và ra sức kèm cặp anh về mọi mặt và anh Cúc đã không phụ lòng ông” (1).

nhan-cach-mau-muc
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Nông trường Tam Đảo (Vĩnh Phúc), tháng 9-1987.
Ảnh tư liệu.

Năm 1936, từ Côn Đảo trở về, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Cúc lại lao vào những hoạt động cách mạng trong các xóm thợ, làng quê, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong công nhân ở Hà Nội, rồi được Trung ương cử về lập lại Thành ủy Hải Phòng. Khi phong trào cách mạng ở Hải Phòng được phục hồi và phát triển sâu rộng, đồng chí được Trung ương điều vào hoạt động ở Sài Gòn, làm Phó bí thư Thành uỷ. Đầu năm 1941, đồng chí Nguyễn Văn Linh bị bắt tại Vinh, bị xử 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Như vậy chỉ từ năm 1931 đến năm 1945, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã hai lần bị bắt, bị giam cầm 10 năm ở địa ngục trần gian Côn Đảo.

Không có lòng yêu nước mãnh liệt, không có ý chí nghị lực phi thường thì đồng chí không thể vượt qua được những gian nan thử thách đó. Lý tưởng cao đẹp đấu tranh cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đã giúp ông vượt qua mọi gian nan thử thách. Hai lần trong chốn lao tù thực dân Pháp ở Côn Đảo với những đòn tra tấn hết sức dã man vẫn không làm nhụt ý chí đấu tranh cách mạng của ông. Đồng chí Nguyễn Thanh Hà-người cùng bị đày ra Côn Đảo với đồng chí Nguyễn Văn Linh kể lại: “Kẻ thù vô cùng hiểm độc, chúng muốn giết dần, giết mòn chúng tôi bằng cách bắt làm lao động khổ sai, hay giam cầm cố trong các xà lim tối tăm bẩn thỉu. Tới bữa cơm, chúng lùa chúng tôi ra hàng ba. Thằng cai ngục đứng chắn ngay cửa dùng roi mây quất trót trót lên đầu, lên lưng chúng tôi, máu tuôn xối xả. Mỗi bữa cơm là một bụm máu. Chúng tôi thường phải ăn cơm trộn máu. Ngày nào cũng như ngày nào, vẫn ca cơm lẫn đầy thóc sạn với mấy lát cá khô “ký ninh” (khô đã mục đắng như thuốc ký ninh). Một hôm, sau bữa ăn, chúng tôi xếp hàng đi vào khám. Tôi đi gần anh Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) không hiểu sao tên gác-dan Tây quất anh mấy roi gân bò làm anh ngã quỵ. Không một chút sợ hãi, anh Mười quay ngoắt lại nhìn trừng trừng tên này. Trong ánh mắt anh như có tia máu. Tôi không bao giờ quên được nét mặt đầy căm hờn và đôi mắt rực lửa của anh. Anh Mười là một trong những tấm gương bất khuất đầy bản lĩnh khi đối mặt với quân thù" (2).

Vào giữa thập niên 1980, đất nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội, lạm phát phi mã, đời sống cán bộ, nhân dân cực kỳ khó khăn. Trên thế giới, công cuộc cải tổ ở Liên Xô (trước đây) và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lâm vào bế tắc do những sai lầm trong quan điểm đường lối, chế độ xã hội chủ nghĩa ở những nước này đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trong bối cảnh đó, một số người hoang mang dao động. Với bản lĩnh vững vàng, sự quyết đoán dũng cảm, khôn khéo, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã giữ vững đường lối đúng đắn của Đảng, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, không chấp nhận đa nguyên đa đảng, phát huy dân chủ, đồng thời giữ vững kỷ luật, kỷ cương.

Lý tưởng cách mạng, bản lĩnh kiên cường đã giúp đồng chí Nguyễn Văn Linh không những vượt qua những biến động chính trị trên thế giới, những hiện tượng tiêu cực trong nước, mà còn đấu tranh thắng lợi và thuyết phục những quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trong nội bộ Đảng. Đồng chí Lê Khả Phiêu nhớ lại: “Khi tôi được phân công Thường trực Bộ Chính trị, có lần tôi đến thăm anh (Nguyễn Văn Linh). Anh tâm sự với tôi: "Đời cách mạng rất gian nan. Người cán bộ, đảng viên tự nguyện đứng trong hàng ngũ Đảng thường cũng trải qua nhiều gian nan. Trong quá trình công tác ai cũng có khuyết điểm, vấp váp; trong đấu tranh phê bình nội bộ, có lúc đồng chí còn hiểu sai lệch về mình, chê bai, chụp mũ cho thế này thế khác. Gặp những khúc quanh ấy, ta phải biết đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân, của Đảng lên trên. Rồi thời gian và lịch sử sẽ làm rõ”. Anh Linh nói tiếp: “Bản thân tôi cũng vậy, hồi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, tôi ra khỏi Bộ Chính trị, về lại trong Nam làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh…”. Nghe anh tâm sự, tôi nghĩ rằng thời gian đó là một thử thách với anh, thử thách làm sáng chói thêm nhân cách và bản lĩnh của anh" (3).

Tấm gương giản dị, cần kiệm

Cuộc đời 83 tuổi, gần 70 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều gian truân, thử thách của phong trào cách mạng, đảm đương nhiều chức vụ khác nhau, từ Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam…, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao và thực hiện đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từng có nhiều câu chuyện cảm động về tấm gương thủy chung, phong cách sống giản dị của đồng chí Nguyễn Văn Linh.                               

Chị Nguyễn Thị Bình, con gái đồng chí Nguyễn Văn Linh, kể lại: “Vâng lời cha mẹ, chị em chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc ở cơ quan, đối xử chan hòa, đoàn kết với đồng nghiệp, giữ cách sống bình dị như mọi người quanh mình. Trong những năm tháng khó khăn, thiếu thốn sau giải phóng, nhà nhà đều phải lo toan cho cuộc sống hằng ngày, tuy cha tôi có một số tiêu chuẩn ưu đãi, nhưng đồng lương của cha mẹ, chị em chúng tôi cộng lại vẫn quá ít so với nhu cầu khi các cháu ra đời. Nhà có mảnh vườn còn rộng, cha tôi nói chặn lại dành nuôi thêm gà, vịt, trồng thêm rau trái. Tôi còn nhớ rõ những ngày ấy, bước chân ra khỏi cơ quan là tôi đạp thẳng tới Cầu Sắt mua cám cho cút, tới nhà dựa xe vào tường là vội vàng dọn chuồng, rồi trộn cám cho ngày mai, mang giỏ trứng đi bỏ mối, nhiều bữa 9, 10 giờ đêm mới ăn cơm chiều. Gia đình chị tôi nuôi heo, không biết bao nhiêu mồ hôi công sức phải đổ ra cho tới ngày một con xuất chuồng. Những đêm heo bị bệnh, 1, 2 giờ sáng, vợ chồng còn hì hụi đánh gió, chích thuốc cho chúng. Cha thấy chúng tôi vất vả cũng xót xa lắm, ông động viên và nhắc chúng tôi nghỉ tay ăn cơm, lúc rảnh việc ông giúp cho cút ăn, thay nước uống. Mỗi khi đọc báo nói về cách chăn nuôi, hay có giới thiệu giống mới, ông để riêng sang bên đưa cho chúng tôi tham khảo. Khi bán heo, gia đình làm bữa liên hoan nhỏ, ông cười rất vui nghe chúng tôi tính toán kết quả lao động của mình" (4).

Còn rất nhiều điều về nhân cách cao đẹp của đồng chí Nguyễn Văn Linh mà các chính khách, các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân tìm thấy để học tập, noi gương. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: “Tưởng niệm anh (Nguyễn Văn Linh), tôi nghĩ điều thiết thực nhất là chúng ta hãy học tập noi gương anh về phẩm chất đạo đức của người cộng sản trọn đời kiên trung với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn đi sát thực tiễn phát triển lý luận, chống giáo điều bảo thủ, dám đổi mới sáng tạo, sống giản dị, liêm khiết, trung thực. Và chúng ta hãy ra sức phấn đấu đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX và các Nghị quyết Trung ương khóa IX đã đề ra" (5).

----------

(1) Nguyễn Văn Linh-Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, Nxb CTQG, Hà Nội, 2003, tr. 278.

(2)  Nguyễn Văn Linh-Tiểu sử, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.70, 71.

(3)  Nguyễn Văn Linh-Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, tr.28.

(4)  Sđd, tr.656, 657.

(5)  Sđd, tr.36.

PGS, TS TRỊNH ĐÌNH TÙNG - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: