Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy nổi bật lên tư tưởng lớn vì con người và sự chăm lo cho hạnh phúc của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao vai trò và vị trí của con người. Người cho rằng con người không những là động lực của cách mạng, mà còn là đối tượng phục vụ của cách mạng. Nhưng khi nói tới con người là Chủ tịch Hồ Chí Minh nói ngay tới đạo đức của con người. Và Bác cho rằng: Đó là cái gốc của một con người, hơn nữa là của một con người cách mạng.

nguoi can bo khong co dao duc thi tai gioi2
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở
Chiến khu Việt Bắc.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong tác phẩm “Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp” đã viết:

“Trong luận điểm về cách mạng của Hồ Chí Minh, trung tâm là luận điểm về con người. Luận điểm về con người thể hiện ngay trong con người Hồ Chí Minh, con người lao động, con người cách mạng, con người của lý tưởng, con người của hành động, con người luôn luôn vươn lên phía trước.

Luận điểm về con người của Hồ Chí Minh là luận điểm về các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động, tin ở dân, dựa vào dân, bồi dưỡng sức dân, phát huy năng lực của dân. Lực lượng cách mạng theo Hồ Chí Minh là lòng dân, có lòng dân là có tất cả, mất lòng dân là mất hết”. Nước lấy dân làm gốc.

Hồ Chủ tịch đánh giá rất cao vai trò của con người, cũng vì thế Người đánh giá cao vai trò của cán bộ, đảng viên. Ngày 20 tháng 2 năm 1947, nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hoá, Người nói: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết tháng 10 năm 1947, Bác viết: “Có cán bộ tốt việc gì cũng xong. Muôn việc thành công và thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém. Đó là một chân lý nhất định”.

Báo Sự thật số 77, trong bài “Cán bộ tốt và cán bộ xoàng, Bác lại viết: "Đi đến nơi nào có cán bộ tốt thì cảnh tượng tốt bày ngay ra trước mắt… Nơi nào cán bộ xoàng thì vùng đó đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật thì việc gì cũng uể oải, lúi xùi”. Và cuối cùng Bác viết: "Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì việc gì cũng mĩ mãn".

Và rất nhiều lần khác, Bác đã nói với chúng ta, người cán bộ tốt phải là người có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Người còn nói: “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”. Và Người nhấn mạnh “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Vấn đề đạo đức cách mạng là một vấn đề lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm hàng đầu trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Yêu quý con người, tin tưởng ở con người, nhưng Bác cũng luôn luôn đòi hỏi rất cao đối với con người. Ngay trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” viết từ năm 1927, một tác phẩm nhập môn của người cách mạng, Bác Hồ đã nêu lên 23 điều trong tư cách một người cách mạng, trong đó Người đã nói tới những đức tính cần kiệm, vị công vong tư, nói thì phải làm, phải biết hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất...

Sau Cách mạng Tháng Tám, trên Báo Cứu quốc ngày 12-10-1945, Bác lại viết: “Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.

Trên Báo Sự thật ngày 2-9-1947, Bác lại viết: "Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình… siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân thì cũng như bắc dây leo trời", "Một hột gạo, một đồng tiền, tức là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác. Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối. Thậm chí là chợ đen, chợ đỏ, thụt két, buôn lậu. Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính".

 

 

 

Tiết mục văn nghệ chào mừng Hội nghị tổng kết 3 năm Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (Hà Nội, tháng 5-2011). Ảnh: Xuân Thu

Tại chiến khu Việt Bắc, trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” Bác lại dành hẳn một chương nói về “Tư cách và đạo đức cách mạng” để nói khá kỹ về tư cách của một Đảng chân chính cách mạng và đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Bác đã nêu rõ: "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng", "Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân", "Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ…".

Đối với cán bộ, đảng viên Bác nói cần có 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Đó là đạo đức cách mạng. Bác chỉ rõ: "Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được 4 chữ chí công vô tư, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm, thí dụ những bệnh sau đây: Bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ… và những bệnh khác: bệnh hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh…".

Đặc biệt những năm cuối đời, biết mình sắp sửa phải đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng thể hiện sự lo lắng của Người, mối quan tâm sâu sắc của Người đối với Đảng ta, đất nước ta, nhân dân ta, và nhất là cán bộ, đảng viên ta.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã viết: "Xem một đôi bức ảnh Hồ Chủ tịch, có người nói mắt Người có hai con ngươi và tin rằng vì chỗ đó, Người là một ông Thánh. Làm gì có chuyện hoang đường như thế! Mắt Hồ Chủ tịch cũng như mắt mọi người, nhưng sáng hơn mắt mọi người nhiều lắm vì Người biết nhìn, nên nhìn thấy những cái mọi người không nhìn thấy: Hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to…".

Và chính vì tầm nhìn sâu xa ấy, mà Bác đã dặn lại chúng ta những điều tâm huyết, đặc biệt trong tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và trong Di chúc của Người. Đây là những tác phẩm có giá trị không chỉ cho những thế hệ hôm nay, mà còn cho những thế hệ mai sau để tiếp tục cuộc hành trình lịch sử của mình.

Song, học Hồ Chủ tịch khó hay dễ? Và chúng ta có thể học được tấm gương đạo đức của Bác hay không? Điều này thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng, gần 60 năm trước đã trả lời rồi: “Học Hồ Chủ tịch thực ra dễ lắm, vì những điều Hồ Chủ tịch dạy chúng ta đã sẵn có trong tâm hồn, trong trí óc. Chúng ta hãy hồi tỉnh lại, chúng ta sẽ thấy hiểu Hồ Chủ tịch hơn nhiều và làm những điều Hồ Chủ tịch dạy sẽ không khó nữa" (Hồ Chủ tịch hình ảnh của dân tộc Việt Nam - Tháng 8-1948).

Còn Bác Hồ thì nói với chúng ta: “Người đảng viên, người cán bộ tốt, muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào, thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt ngày càng thêm ra”.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa, nhưng Người đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh và một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời.

Nguyên Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân khi vào thăm khu nhà Bác ở, đã ghi vào sổ cảm tưởng 10 chữ: “Một cuộc đời cách mạng - Một tấm gương liêm khiết”.

Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

"Ôi giữa lòng ta Bác đến tự bao giờ
Bác vĩ đại nhưng chẳng làm ai kinh ngạc
Mỗi buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác
Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu…"

Một nhà thơ miền Nam lại viết Hãy suy nghĩ về Người, để mà yêu đất nước nghe con”. Học và làm theo Bác là công việc suốt đời. Nhớ Bác, học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng là để chúng ta xây dựng Đảng ta trở thành một Đảng đạo đức và văn minh, như Bác hằng mong muốn./.

Theo Bùi Công Bính/Báo Nam Định online
Huyền Trang (st)
 

Bài viết khác: