bac-ho-p16-2

Những lần gặp Bác

Hồi mới 21 tuổi, tôi làm việc dưới các tàu biển. Khoảng cuối năm 1925, tôi sang làm cho một tàu binh Pháp ở Quảng Châu, đậu ở Sa Điện thuộc tô giới Pháp ở Quảng Châu. Nhờ quan hệ với các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mà tôi được gặp đồng chí Vương (mãi về sau này, tôi mới biết đó là đồng chí Nguyễn Ái Quốc).

Đồng chí Vương hỏi chuyện tôi, hỏi hoàn cảnh lính ta dưới tàu chiến Pháp, hỏi tình hình đồng bào trong Nước. Tôi được dịp thổ lộ những uất ức của tôi. Đồng chí Vương chăm chú lắng nghe. Nghe xong, đồng chí Vương nói, tôi không nhớ được, chỉ nhớ là đồng chí Vương nhấn mạnh vào nhiệm vụ đấu tranh chống đế quốc Pháp và tuyên truyền tư tưởng yêu Nước cho tôi. Rồi đồng chí lại hỏi tôi được học đến đâu. Tôi nói nhà nghèo, chẳng được học mấy. Đồng chí Vương bảo tôi: “Đấy, các đồng chí cũng thất học. Chúng ta cần giúp đỡ nhau học thêm….

Cách đó không lâu, tôi được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trong buổi lễ kết nạp, đồng chí Vương cũng có mặt. Từ đó, mỗi tuần hai kỳ. tôi từ Sa Điện sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị mở cho một số anh em chúng tôi do đồng chí Vương và đồng chí Ích hướng dẫn. Ngoài giờ huấn luyện chính trị, đồng chí Vương còn dạy chúng tôi học thêm văn hóa, như dạy học tiếng Anh chẳng hạn. Những lúc gần gũi như thế, tôi thấy đồng chí Vương không bỏ qua việc gì, dù nhỏ, nhằm uốn nắn, giáo dục chúng tôi. Một hôm nhân một câu chuyện gì đó về lính thủy, chúng tôi gọi anh em là họ. Đồng chí Vương cười và hỏi: Đấy là anh em mình cả sao lại gọi là họ? Lời nói thật là ôn tồn và tôi nhận ra rằng gọi như thế tức là đã có ý bỉ thử, phân chia người này với người khác.

Việc học tập chính trị và văn hóa đang tiến hành, một hôm trong buổi họp chung, đồng chí Vương nói hiện nay trong Nước đang cần người về hoạt động và hỏi chúng tôi ai tình nguyện về Nước. Tôi giơ tay xin về. Đồng chí Vương gặp riêng tôi, hỏi tôi đã nghỉ việc chưa, đã sẵn sàng chưa? Đồng chí dặn tôi khi về Nước thì tìm cách mở rộng phong trào, đưa bà con vào các phường họ, các hội ái hữu, tương tế. Đồng chí Vương dặn dò tôi cặn kẽ, tỉ mỉ nhất là vấn đề giữ bí mật. Trước khi chia tay, đồng chí Vương lại bảo tôi phải chú ý một điểm: Mình ở ngoài nước về, thường là có mật thám theo. Cho nên mới về Nước không nên đi lung tung ngay, chưa nên vào nhà ai vội. Không những thế, nếu cần còn phải đóng vai người chơi bời để mật thám không chú ý….

Tôi từ biệt đồng chí Vương vào khoảng tháng 9 – 1926. Nhiệm vụ chính mà các đồng chí giao cho tôi là tổ chức đường giao thông Hải Phòng – Hương Cảng (Hồng Kông), để đưa thanh niên trong Nước ra ngoài và chuyển tài liệu sách báo từ bên ngoài về Nước.

Đến tháng 10 – 1929, tôi được kết nạp vào An Nam Công sản Đảng, nhận nhiệm vụ lên Thượng Hải gây cơ sở trong Việt Kiều và lính khố xanh, khố đỏ ở đó. Một buổi chiều đầu năm 1930, Thượng Hải lạnh và có tuyết, tôi gặp lại đồng chí Vương. Gặp tôi, đồng chí vẫn vồn vã như xưa. Sáng hôm sau, tôi đến gặp đồng chí Vương ở một khách sạn. Tôi được dịp trình bày hết công việc của tôi. Đồng chí Vương dặn tôi hoạt động trong binh lính phải hết sức cẩn trọng. Anh em hăng hái nhưng trong tay sẵn có vũ khí dễ manh động.

Tôi còn gặp đồng chí Vương vài lần khác nữa. Đồng chí Vương nói, muốn đẩy mạnh công tác phải có sự giúp đỡ của Đảng anh em. Người cộng sản hoạt động ở bất kỳ nước nào cũng phải chịu sự lãnh đạo ở nước đó. Nghe lời căn dặn của đồng chí, chúng tôi phối hợp công tác với các đồng chí Đảng anh em. Ngay trong những bước đầu ấy, chúng tôi đã thấy được cụ thể thế nào là tinh thần quốc tế cộng sản mà mình mới nhận thức trên lý thuyết. Trước đây, tôi nghĩ đối với các đồng chí Trung Quốc, vấn đề chỉ là đặt quan hệ bình thường. Đến nay, tôi mới hiểu nguyên tắc công tác của những người cộng sản hoạt động ở nước ngoài.

Vào khoảng tháng 7, tháng 8 năm 1930, đồng chí Vương lại có dịp qua Thượng Hải. Đồng chí đến cơ quan chúng tôi họp và góp thêm nhiều ý kiến về việc vận động binh lính Việt Nam ở Thượng Hải. Tôi nhớ trong buổi họp ấy, đồng chí có bảo chúng tôi là phải kết hợp tinh thần quốc tế vô sản với lòng yêu Nước chân chính – đồng chí Vương nói không nên chỉ hô hào thợ thuyền, dân cày chung chung. Không nên nói vô sản một cách cứng nhắc. Trước mắt chúng ta là phải đánh đổ thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Cho nên, phải khơi dậy lòng yêu Nước của mọi người. Đối với anh em binh lính, ta nên khơi dậy nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, rồi chuyển qua khơi dậy lòng yêu Nước, thương nòi. Như thế mới đi vào lòng người ta được.

Nguyễn Lương Bằng kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2005

Kỷ niệm về đồng chí Nguyễn Ái Quốc

… Người Việt Nam đầu tiên tôi gặp ở Mạc Tư Khoa là anh Nguyễn Thế Rục, một thanh niên khỏe mạnh, miệng luôn luôn chúm chím cười, chân đi như người có việc gấp. Anh Rục giúp tôi rất nhiều trong những ngày mới đến Liên Xô vì anh là người duy nhất nói giỏi tiếng Nga trong các bạn sinh viên Việt Nam tại trường Phương Đông. Anh cũng là người học giỏi nhất. Anh điềm đạm, rất chân tình và chân thành. Tôi được quen nhiều ông thầy Nga nhất là giáo sư Đuya-rê người Ba Lan là nhờ anh giới thiệu. Lúc đó mọi người không gọi chúng tôi là người Việt Nam đâu mà là người Anh-đô-ki-ay tức là người Đông Dương. Anh em chúng tôi mỗi người đều có một bí danh, bí danh của anh Rục là Phông Sông, còn bí danh của tôi là Gia-ô, chữ Gia-ô xuất phát từ chữ giáo vì tôi là một nhà giáo.

Nhờ quen với giáo sư Đuya-rê, một nhà kinh tế học nên tôi được hướng dẫn tốt, giáo sư nói tiếng Pháp rất thạo và vợ giáo sư là một kỹ sư người Pháp. Trong đám sinh viên Việt Nam đến Liên Xô trước tôi 6 tháng có anh Trần Phú, tức Lích-vay và anh Nguyễn Xích tức Bùi Lâm tức Minh Khang, vì tôi là người làm báo nên anh em cử tôi phụ trách bích báo của nhóm sinh viên Việt Nam. Được nhận vào Trường Phương Đông lúc đầu theo lớp anh Trần Phú, tuy đến muộn tôi cũng theo kịp. Nhưng muốn được học tốt hơn tôi xin vào lớp mới (3 năm) dạy bằng Pháp văn, trong lớp đó cùng học có anh Vơladimêrốp tức Nguyễn Bốn và Borigocnưi tức Trần (Xồi). Học lớp dạy trực tiếp tiếng Nga thì phải bỏ nhiều thì giờ vì Nga văn là một thứ tiếng khó học. Nhờ học tiếng Pháp là thứ tiếng tôi đã thạo nên hiểu nhanh hơn và tôi có nhiều thì giờ đi thư viện có thể nói tôi là người đi thư viện nhiều nhất. Anh Rục đối với tôi rất thân mật, anh là người Việt Nam được nhận là đoàn viên Cômxômôn đầu tiên, anh cũng là người giới thiệu tôi vào đoàn.

Tháng 4-1927 đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu sang Liên Xô gặp chúng tôi tại Trường Phương Đông, lúc đầu đến khách sạn Quốc tế người ta gọi đồng chí là đồng chí Vương, người gầy, má hơi hóp. Về sau mới biết đó là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đến Trường Phương Đông lúc đó chỉ có 3 sinh viên trường đã từng gặp đồng chí là anh Trần Phú, anh Lê Hồng Phong đã từng gặp đồng chí ở Hương Cảng, còn anh Nguyên Thế Rục gặp đồng chí ở Paris. Đồng chí Vương gặp chúng tôi như những người quen biết lâu ngày, đồng chí đưa giấy căn cước đã xé làm đôi cho chúng tôi xem và nói với chúng tôi rằng trước kia đồng chí tưởng là một vật không cần đến nữa, nhưng từ khi ở Quảng Châu bị lộ, nhờ có nó đồng chí mới thoát khỏi bọn mật vụ của Tưởng. Trong khi đồng chí Vương được đưa đi nghỉ ở Crimê thì anh em Mạc Tư Khoa họp nhau bàn về việc tổ chức nhóm cộng sản Việt Nam. Những người dự cuộc họp tại buồng ngủ của anh Nguyễn Xích có anh Nguyễn Thế Rục, anh Trần Phú, Ngô Đức Trì (tức Ieman), anh Nguyễn Xích và tôi tức Giao-ô, anh Lê Hồng Phong lúc đó còn học Trường phi công ở Lêningrát nên không có mặt. Chúng tôi thảo luận rất náo nhiệt là cần hay chưa cần tổ chức nhóm cộng sản người Việt Nam. Rút cuộc ý kiến nên tổ chức nhóm cộng sản Việt Nam ngay đã được đa số tán đồng. Anh Phông Sông và tôi là hai đoàn viên Cômxômôn cố nhiên là người mong muốn mình trở thành người cộng sản chính thức. Nhóm quyết định cử anh Trần Phú làm Bí thư.

Khi đồng chí Vương từ Crimê trở về đến thăm và biếu chúng tôi mấy đồ chơi làm bằng ốc xà cừ để từ biệt, thì chúng tôi liền trao cho đồng chí Vương bản quyết nghị và danh sách các đồng chí cộng sản trong nhóm vừa tổ chức để đồng chí đưa lên Kimintec. Về sau bức thư của Bộ Phương Đông gửi Trường Đại học Cộng sản Stalin kèm theo chữ ký của đồng chí đại diện bộ phận La tinh và đồng chí Nguyễn Ái Quốc, còn giữ tại Viện Bảo tàng Cách mạng Nước ta. Trong bức thư ngày 24-6-1927 đó có ghi tên 5 đồng chí trong nhóm cộng sản mới thành lập, đồng chí Nguyễn Ái Quốc sau đó sang Châu Âu rồi về Thái Lan (lúc đó gọi là Xiêm La). 5 anh em chúng tôi trở thành người cộng sản kể từ năm 1927. Con đường đi từ lòng yêu Nước chân chính đến chủ nghĩa Cộng sản trong đời tôi bắt đầu từ đó. Anh Nguyễn Thế Rục về Pháp, anh Lê Hồng Phong về Mạc Tư Khoa lại vào học Trường Đại học Phương Đông. Qua năm 1929 một tin từ Hồng Kông báo cho biết việc phân khai giữa Đại hội của Hội thanh niên Cách mạng đồng chí bấy giờ, trong Nước anh em đã đặt ra sự cần thiết tổ chức môt đảng cộng sản. Anh Ngô Sĩ Quyết và anh Quốc Anh bỏ Đại hội thanh niên về Nước rồi Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập ở Bắc Trung kỳ. Anh Lê Hồng Phong và tôi báo cáo tin đó lên Đông Phương bộ, anh Đuy-cơ-ru, đại diện Đoàn thanh niên Pháp trong Quốc tế thanh niên cùng chúng tôi ban bạc sưu tầm tài liệu để Đông Phương bộ nghiên cứu. Ông Míp và ông Wôn phụ trách về Đông Dương trong Đông Phương bộ cũng nghiên cứu về vấn đề tổ chức đảng cộng sản thống nhất trên toàn cõi Đông Dương. Anh Trần Phú bị ốm không tham gia được. Bức thư của Quốc tế Cộng sản gửi cho những người cộng sản Đông Dương xuất hiện từ những sự nghiên cứu tình hình một các tỉ mỉ đó. Bức thư khuyên những người cộng sản phải nhanh chóng thống nhất thành một đảng cộng sản trên toàn Đông Dương. Sự chia rẽ thành những nhóm cộng sản kình địch nhau là rất nguy hại. Bức thư đó được gửi sang đảng cộng sản Pháp có chữa ít dòng để thích hợp với hoàn cảnh công khai của những người cộng sản Pháp, còn gửi cho những người cộng sản Đông Dương thì vẫn để nguyên bản, sự chú ý tỉ mỉ đó là một bài học cho những người làm công tác bí mật. Nhân anh Trần Phú về Nước, Quốc tế Cộng sản giao cho anh cầm bức thư ấy về. Chính anh đã dựa vào những luận điểm cơ bản trong bức thư ấy đưa vào các tài liệu nói về phong trào thuộc địa, nhất là dựa vào đề cương thuộc địa (thèses coloniales) của Đại hội thứ 6 của Quốc tế Cộng sản, những tài liệu tình hình trong Nước thì anh Trịnh Đình Cửu cung cấp để thảo ra luận cương chính trị đầu tiên của Đảng ta. Tháng 6-1930, sau khi tốt nghiệp tôi chuẩn bị về Nước. Từ Liên Xô về tôi phải đi vòng sang Pháp để tìm đường về Sài Gòn có thể qua Hồng Kông. Anh Lê Hồng Phong đưa cho tôi một địa chỉ. Sang Pháp chuyến này phải đi theo tàu buôn Liên Xô đến Hăm-bua rồi từ Hăm-bua đến biên giới Đức, Bỉ. Các đồng chí người Đức tiếp tôi ở Béc-lanh rất niềm nở, giúp tôi chu đáo và đã nói với tôi những lời vàng ngọc “Bạn về làm việc cho phong trào cộng sản quốc tế, chúng tôi rất tin cậy ở bạn”. Những lời căn dặn đó tôi còn nhớ đến nay. Kết hợp công tác giải phóng dân tộc với công tác giải phóng giai cấp công nhân là khâu quyết định của mọi thắng lợi của phong trào cộng sản quốc tế. Các bạn Đức cho tôi đi theo một chiếc xe đầy hàng từ Đức đến gần biên giới Bỉ rồi từ đó tôi được dẫn bò qua hàng rào dây thép gai phân chia biên giới hai nước. Khi qua lọt hàng rào thép gai đến nhà trọ tôi chia tay người bạn Đức. Chúng tôi ôm hôn nhau với tình thân thiết bạn bè, về Bỉ rồi thì coi như đến nước Pháp không xa nữa. Đến Paris tôi chỉ ở lại vài hôm phải chuẩn bị hành lý để mau chóng về Mác-xây.

Đến Sài Gòn thoát lên bến không phải là khó lắm nhưng vì chưa bắt được mối lỡ ra bị tóm thì không lợi nên tôi phải ngược lên Hồng Kông. Đến Hồng Kông tìm khách sạn mà anh Lê Hồng Phong đã trao địa chỉ cho, nhưng không may địa chỉ đó đã lộ nên chưa thấy ai tiếp mình cả, chỉ thấy một người Tàu cao cao hình như đến để dò la gì. Tôi ba chân bốn cẳng phải bỏ nơi đó đến một khách sạn khác nhờ người ta làm cho một giấy bảo đảm đi mua vé tàu đi trên một chiếc quan thuyền từ Hồng Kông đi Sán Đầu. Tôi đi trên thuyền không biết tiếng Quan thoại mà cũng chả biết tiếng Quảng Đông, giao thiệp với người ta tôi chỉ viết mấy chữ nho học khi còn bé nên xem ra cũng có ích. Đến Sán Đầu tôi tiếp tục bỏ tiền mua giấy bảo đảm đi Thượng Hải. Đến Thượng Hải bấy giờ mới thấy cái đồ sộ của nó. Tô giới Anh, Mỹ, Nhật rất lớn, tôi biết tô giới Pháp ở ngay bên cạnh nhưng không dám bén mảng tới, lúc đó tôi đóng vai một công tử, thuê ngay một phòng khá đắt tiền tại phố Thiên Tân nhưng ăn uống thì rất dè sẻn, một gói bánh bao ăn hai bữa trừ cơm.

Việc thứ nhất là phải tìm cách bắt liên lạc với một cơ quan của Đông Phương bộ tại Thượng Hải, trong buổi đó tôi đến một tờ báo Trung Quốc đăng quảng cáo tìm chỗ dạy tiếng Pháp. Hai ngày sau có một người lạ mặt đến tìm tôi với chiếc ảnh nhỏ của tôi đã để lại Mạc Tư Khoa. Họ trao lại cho tôi một hộp diêm nhãn Hương Cảng làm mật hiệu, thế là sớm hôm sau tôi đã đến cơ quan tiếp đón của Bộ Phương Đông. Đến đó tôi không ngờ gặp đồng chí Vương và đồng chí Trần Phú. Chúng tôi rất vui mừng khi gặp lại nhau. Hai đồng chí ta đến đó để trình bày luận cương chính trị cùng điều lệ của Đảng để Bộ Phương Đông đóng góp ý kiến. Chúng tôi cùng nhau duyệt kỹ bản luận cương chính trị và điều lệ của Đảng Cộng sản Đông Dương một lần nữa. Ở lại đó mấy ngày rồi chúng tôi mới mua vé tàu về Hương Cảng.

Nghĩ cũng hay hay, không biết một tiếng Tàu, chỉ nhờ cuốn tự vị Pháp Anh và một ít chữ nho, tôi đã thực hiện việc bắt liên lạc với cơ quan Bộ Phương Đông ở Thượng Hải, xong công việc đó tôi không còn lo gì nữa vì đã có đồng chí Vương. Về đến Hương Cảng, đồng chí Vương lúc này còn gọi là đồng chí Lý đưa tôi và anh Trần Phú về cơ quan, đồng chí Lý rất cẩn thận đi qua cơ quan trên 100m ngoảnh lại nhìn không thấy ai theo mình mới trở lại đưa chúng tôi vào nhà, ở đấy đã có anh Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Trì, cô Đức và cô Thuần Đức nói tiếng Tàu rất thành thạo, anh Mậu phụ trách liên lạc với các thủy thủ người Trung Quốc, chuẩn bị đầy đủ cho chúng tôi về Sài Gòn, anh Trần Phú, Ngô Đức Trì và tôi cùng về một chuyến tàu. Trước khi từ biệt Hương Cảng chúng tôi bắt tay đồng chí Lý tỏ vẻ cảm ơn đồng chí đã săn sóc chúng tôi chu đáo. Đồng chí Lý lúc này vẫn gầy, thỉnh thoảng ho khọt khẹt nhưng đôi mắt đầy sức sống từ biệt chúng tôi, bắt tay với đầy niềm tin vào tương lai.

Trích hồi ký Bùi Công Trừng
Theo sách Mãi mãi đi theo con đường của Bác Hồ
Nxb. Lao động, Hà Nội 1999

Gặp Bác ở Liên Xô (1933-1938)

Năm 1931, cùng một lúc có tin đồng chí Trần Phú mất sau khi bị thực dân Pháp tra tấn dã man trong nhà tù, báo chí của đế quốc Pháp đăng tin là Bác đã hy sinh trong nhà tù Anh ở Hồng Kông vì “bị bệnh lao quá nặng”. Đầu năm 1933, một hôm tôi có việc đến cơ quan Quốc tế Cộng sản đang ngồi trong phòng của một đồng chí thì có điện thoại bảo tôi đừng về vội. Khi họ báo cho biết có thể ra về được, tôi ra đến cửa thì thấy Bác đang nói chuyện với người lái xe. Sau đó mấy hôm, đang đi ngoài đường tôi trông thấy Bác nhưng cũng không đến chào hỏi vì tổ chức chưa giới thiệu chính thức.

Vài hôm sau, một đồng chí Việt Nam nữa với tôi được gọi đến Quốc tế Cộng sản. Bác đợi chúng tôi ở tầng gác thứ Tư. Thấy Bác, tôi mừng quá và chào: Anh! Bác niềm nở cười. Hôm đó, chúng tôi gặp Bác để báo cáo Bác nắm rõ tình hình trong Nước những năm qua và thảo ra một số tài liệu để gửi về Nước. Từ đó về sau, trong nội bộ, Bác là người lãnh đạo nhóm học sinh Việt Nam ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Trong khi còn học ở Trường Lê nin, Bác liên hệ với nhóm Việt Nam rất chặt chẽ. Thường thường buổi tối, Bác đến nói chuyện về kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, nhất là Bác chú ý bồi dưỡng cho anh em về đạo đức cách mạng, đặc biệt là tinh thần đoàn kết. Đôi khi trong những anh em đó, có người còn ít tuổi và cũng chưa được rèn luyện mấy trong trường đấu tranh cách mạng, có những chuyện xích mích lặt vặt có tính chất cá nhân. Bác phải phân xử cả những việc như vậy. Điều mà Bác muốn làm cho anh em thấm nhuần là cần bỏ những tính tự cao tự đại, tự tư tự lợi, những biểu hiện vô kỷ luật, vô tổ chức và phải luôn luôn đoàn kết, đặt lợi ích cách mạng lên trên hết. Bác thường nói với anh em: “Nếu chúng ta ở đây, chỉ có mấy người mà không đoàn kết được với nhau thì còn nói gì đến khi về Nước đoàn kết nhân dân, quần chúng để đánh thực dân, cứu Nước?”.

Học xong Trường Lê nin, Bác chuyển hẳn sang Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời làm việc ở Quốc tế Cộng sản. Bác dạy nhóm Việt Nam về tổ chức và lịch sử Đảng. Trong khi nói chuyện với anh em về kinh nghiệm đấu tranh của mình, Bác thường dùng những ví dụ cụ thể, thiết thực, vì phần đông anh em trình độ còn thấp (phần nhiều từ Pháp sang và trước đó là đầu bếp hoặc thủy thủ). Ví dụ nói đến đoàn kết thì Bác lấy câu chuyện bó đũa, cả nắm khó bẻ, lấy ra từng chiếc thì dễ bẻ gẫy… Đọc báo Đảng bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Anh có bài nào nói đến cuộc đấu tranh thắng lợi của quần chúng các nước, Bác đều dịch ra cho anh em nghe, một là để bồi dưỡng tinh thần quốc tế chủ nghĩa cho các đồng chí, hai là để tăng thêm sự tin tưởng của anh em ở lực lượng cách mạng.

Bác rất chú ý dạy cho anh em cách viết qua việc duyệt các bài báo hoặc những tài liệu do anh em dịch ra tiếng Việt. Bác luôn chú ý làm cho anh em viết một cách đơn giản, dễ hiểu, không dùng nhiều danh từ và nếu dùng thì dùng cho đúng. Văn dịch hoặc văn viết, nếu Bác thấy lủng củng khó hiểu tức thì Bác gạch đi, bảo viết lại hay dịch lại.

Mùa Thu năm 1934, các đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai sang Liên Xô. Cùng sang với hai đồng chí có hai đồng chí ở nước ngoài và một đồng chí người Nùng. Đồng chí Lê Hồng Phong phụ trách về Đảng của nhóm này. Còn Bác thì phụ trách chung cả nhóm cũ và cả nhóm này. Tuy có nhóm mới nhưng Bác vẫn săn sóc cả 2 nhóm cũ, mới như nhau. Bác tham gia mọi hoạt động của cả hai nhóm rất tích cực. Bác rất lo lắng về việc học hành của anh em, nhất là đối với những người còn kém, học chậm. Có hôm tôi đến chỗ Bác, thấy Bác đang viết một bài lục bát. Bác bảo đấy là bài địa lý lịch sử Việt Nam để dạy cho mấy anh em. Có người lớn tuổi, dạy thế nào cũng cứ quên, nên Bác phải làm thế này để dạy cho dễ nhớ.

Thường ở trường anh em học môn gì, sau giờ học Bác vẫn kiểm tra lại, một là xem anh em có hiểu mục đích, hai là để xem học có thiết thực không, có dính liền với thực tế, với đấu tranh cách mạng không; ba là những danh từ trong bài có đúng không, anh em đọc có hiểu nghĩa không. Do đó, mà nhiều khi được Bác bổ sung thêm cho bài học, anh em hiểu thêm nhiều. Bác làm điều này một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không phải quy định giờ để kiểm tra, mà là hỏi han trong khi nói chuyện bình thường, thành ra không có không khí gò bó, khiến cho anh em phải lo “trả bài” cho Bác.

Nguyễn Khánh Toàn kể
(Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: