Trong ngăn thứ hai của chiếc hộp đựng bút bằng gỗ đặt trên bàn làm việc tầng 2 Nhà sàn trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có cuốn “Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Cuốn sách rất nhỏ, cỡ 7x8,9 cm, gồm 112 trang, có số kiểm kê BTHCM 748/G-562. Cuốn Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được xác định, nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ khoa học. Qua nghiên cứu hồ sơ khoa học lưu tại kho tư liệu của Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, chúng tôi đã biết được nguồn gốc xuất xứ, nội dung lịch sử cũng như sự xuất hiện của cuốn sáchtại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 1959, gần 14 năm trên cương vị người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, đó là việc sáng lập ra Quốc hội- cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và xây dựng Hiến pháp.

Sau ngày tuyên bố Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu Chính phủ lâm thời đã sáng suốt xúc tiến ngay cuộc Tổng Tuyển cử để bầu Quốc hội và dự thảo Hiến pháp. Sắc lệnh số 34/SL ký ngày 20/9/1945 đã quyết định thành lập Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp của Chính phủ gồm 7 người: Hồ Chí Minh, Đặng Thanh Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, trong đó Người làm Trưởng Ban. Tháng 11-1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thông qua. Đó là đạo luật cơ bản của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là “Hiến pháp dân tộc, dân chủ, công bình của các dân tộc”.

Theo Hồ Chí Minh “Hiến pháp 1946 chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”(1).

Theo đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc thể hiện sâu sắc tư tưởng của Hồ Chí Minh. Với trí tuệ uyên bác, với quan điểm lấy dân làm gốc, Người đã đưa vào bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta những điều luật ngang tầm với nền chính trị tiên tiến trên thế giới lúc bấy giờ và nhiều điều vẫn còn giá trị nóng hổi tính thời sự cho đến tận hôm nay. Để có được bản Hiến pháp (năm 1946) dân tộc, dân chủ, công bình của các giai cấp, thực hiện khát vọng quyền lực thuộc về nhân dân, Hồ Chủ tịch đã không chỉ dựa vào các nghiên cứu, các trí thức nổi tiếng mà Người rất trọng dụng (như các đồng chí Phan Anh, Trần Văn Chương, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, Đặng Thai Mai, Nguỵ Như Kon Tun…). Thêm vào đó, Người còn trực tiếp nghiên cứu và tham khảo những văn bản tiêu biểu của nền lập pháp quốc tế; cùng với những tri thức đã tích luỹ được trong những năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, trong những năm lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chuẩn bị kỹ cho ngày lập quốc với bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử và sau đó là Hiến pháp 1946. (Về sự ra đời và nội dung tóm tắt Hiến pháp 1946 có thể xem thêm ở bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946)” ở Thông tin tư liệu số X- Tháng 9/2011 của Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch).

Sau Hiệp định Giơnevơ (năm 1945), cách mạng Việt Nam đã chuyển sang thời kỳ mới với những nhiệm vụ mới. Tình hình trong nước và trên thế giới đều có những yếu tố thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Trong điều kiện đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta, thích hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đó. Nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nhưng so với tình hình mới và nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay thì nó không thích hợp nữa. Vì vậy mà chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp ấy”(2)

Tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (họp ngày 25/1/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Quốc hội sửa đổi Hiến pháp. Đề nghị của Người được Quốc hội chấp thuận. Người lại được bầu làm Trưởng bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ngày 27/2/1957, trong phiên họp đầu tiên của Ban sửa đổi Hiến pháp, Hồ Chủ tịch đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo: “Bản Hiến pháp chúng ta thảo ra sẽ là một bản Hiến pháp phát huy tinh thần tiến bộ của Hiến pháp 1946, đồng thời phải phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta do cuộc cách mạng phản đế, phản phong thắng lợi đã đem lại, phản ánh đúng đắn con đường đang tiến lên của dân tộc ta. Nó sẽ là một bản Hiến pháp của một nước dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Nó phải là một bản Hiến pháp bảo đảm được các quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở công nông liên minh do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nó phải thật sự bảo đảm nam nữ bình quyền và dân tộc bình đẳng”(3).

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 27/2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra Bộ Chính trị bàn một số vấn đề cơ bản về Hiến pháp sửa đổi. Tháng 7/1958, Dự thảo Hiến pháp đã được đưa ra thảo luận trong tất cả cán bộ chủ chốt của các cơ quan ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Sau đợt thảo luận đó, Dự thảo Hiến pháp đã được chỉnh lý lại và ngày 1/4/1959 được công bố để toàn dân thảo luận và đóng góp ý kiến xây dựng. Những ý kiến đóng góp của nhân dân đã được Ban sửa đổi Hiến pháp tiếp thu, nghiên cứu và thảo luận kỹ càng và trên cơ sở của việc nghiên cứu và thảo luận đó, Bản Dự thảo Hiến pháp đã được chỉnh lý lại. Tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội tổ chức từ ngày 18 đến ngày 31/12/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp báo cáo kết quả quá trình dự thảo Hiến pháp sửa đổi.  Ngày 31/12/1959, sau khi xem xét, thảo luận, Quốc hội đã thông qua Bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ngày 1/1/1960 Chủ tịch đã ký Sắc lệnh 01/Sl công bố bản Hiến pháp mới.

Hiến pháp mới là Hiến pháp thực sự dân chủ, là sức mạnh động viên nhân dân cả nước ta phấn khởi giành những thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh chống Mỹ - ngụy ở miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà.

Bản Hiến pháp 1946, ngoài lời nói đầu, có 7 chương và 70 điều, thì Hiến pháp mới công bố ngày 1/1/ 1960 ngoài lời nói đầu có 10 chương và 112 điều. Nếu Hiến pháp 1946 có những chế định về “Nghị viện nhân dân” thì Hiến pháp mới thay bằng Quốc hội. Sự thay đổi này cho thấy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh và các nhà lập pháp Việt Nam, Nghị viện nhân dân trong Hiến pháp 1946 khẳng định một bước chuyển căn bản từ chế độ dân chủ thuộc địa, thực dân phong kiến sang chế độ dân chủ nhân dân. Sang Hiến pháp 1960, việc tổ chức bộ máy nhà nước kiểu mới mà đại diện tập trung là Quốc hội đã thể hiện rõ sự định hướng phát triển chế độ nhà nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cùng với những chế định về bộ máy nhà nước và Quốc hội, Hiến pháp mới cũng quy định rõ về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Hành chính địa phương các cấp, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Các chế định đã thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc tổ chức và quản lý nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Hiến pháp mới là kết tinh những thắng lợi của nhân dân ta trong cách mạng và đã được đông đảo nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, sẽ là một mẫu mực tổ chức của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Việc Quốc hội thông qua Hiến pháp mới “rất thích hợp với những thắng lợi mới, tiến bộ mới của nhân dân ta” là một sự kiện vô cùng quan trọng trong đời sống mọi mặt của nhân dân ta. Hiến pháp mới sau khi được ban hành đã thực sự đặt cơ sở cho việc thi đua xây dựng và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, khuyến khích đồng bào miền Nam đấu tranh bền bỉ để đòi tự do, dân chủ và thống nhất nước nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam.

Sau khi Hiến pháp được công bố, toàn bộ nội dung Hiến pháp mới đã được in thành những cuốn sách nhỏ dạng bỏ túi. Đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Toàn bộ nội dung Hiến pháp mới được in ra là để phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Việc in cuốn Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dạng bỏ túi này giống như các văn bản khác của “Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi” để trình Quốc hội hay đưa đi các nơi để thảo luận, xin ý kiến, vì thế sách không có in nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản. Sách in khổ nhỏ là quán triệt tinh thần tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh sách nên in khổ nhỏ vừa tiết kiệm giấy, vừa tiện bỏ túi đem theo người để tiện cho việc nghiên cứu, học tập.

Một trong số những cuốn Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như vậy đã được gửi riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là cuốn sách được đặt trên bàn làm việc tầng 2 Nhà sàn. Ở góc trên cùng bên trái mặt bìa trước có chữ “Bác” được viết bằng bút mực màu xanh. Các nhân chứng lịch sử như đồng chí Vũ Kỳ, đồng chí Cù Văn Chước - nguyên Trưởng phòng Hành chính - Quản Trị Văn phòng Phủ Chủ tịch, đồng chí Trần Văn Vượng - cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch đều xác định chữ “Bác” không phải chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng không phải chữ của các đồng chí trong Văn phòng Phủ Chủ tịch. Theo các đồng chí có thể là của một trong các đồng chí tham gia trong Ban công tác của “Ban dự thảo Hiến pháp sửa đổi” đã viết chữ này. Chữ “Bác” có nghĩa là chỉ để gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh chứ không phải gửi cho ai khác mà điều đó còn thể hiện sự kính trọng Hồ Chủ tịch, vị “Trưởng ban” Ban dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Và ở ngay sau trang đầu cuốn sách ảnh chân dung của Người cũng được in rất trang trọng.

Dù ở bìa sau của cuốn Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không in nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản nhưng ở trang 3 có in 6 dòng chữ với nội dung “Đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khoá thứ nhất, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 31 tháng chạp 1959 và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố ngày 1 tháng giêng 1960”. Nội dung 6 dòng chữ đó cho thấy cuốn sách chỉ được in sau ngày Hiến pháp công bố. Như vậy, khoảng thời gian cuốn Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xuất hiện ở nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc được xác định là trong năm 1960.

Tuy trong cuốn Hiến pháp không có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng với tư cách người trực tiếp chỉ đạo, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng bản Hiến pháp với tất cả tâm huyết, tư tưởng, tình cảm, chắc chắn Người đã đọc và đọc lại nhiều lần. Điều đó còn có nghĩa bản in cuốn Hiến pháp dạng bỏ túi này không có lỗi chính tả, lỗi in hay lỗi nội dung. Đúng như khi đánh giá về Hiến pháp mới, Người đã nhấn mạnh: “Bản Hiến pháp này sẽ phát huy hơn nữa lòng yêu nước và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, sẽ động viên nhân dân ta đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng thi đua hơn nữa để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (4).

Cuốn Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một vật chứng quan trọng, minh chứng cho những hoạt động cách mạng kiên cường, bền bỉ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước và trong thời gian Người sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch trên cương vị là người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Bản thân Người đã rất trân trọng cuốn Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên Người đã đặt nó cũng rất trang trọng trong ngăn chiếc hộp đựng bút trên bàn làm việc, bên cạnh tấm bưu thiếp có hình V.I. Lênin - người thầy cách mạng suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính trọng và đi theo con đường V.I. Lênin đã chọn.

Cuốn Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gốc đã được đưa vào bảo quản đúng kỹ thuật, đúng chế độ trong kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thay vào vị trí vốn có của nó là một cuốn Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm lại khoa học, chính xác để phục vụ công tác trưng bày và tuyên truyền giáo dục tại Khu Phủ Chủ tịch./.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, t.4,tr.440

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd,t.9,tr.585 

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd,t.8,tr.322       

(4) Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005, tr.728     

 Nguyễn Thị Thu/Phòng Sưu tầm – Kiểm kê- Tư liệu

Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: