Ngày 11-10-1947 tôi được giao nhiệm vụ phục vụ Bác Hồ, hôm đó đúng vào ngày Bác di chuyển chỗ ở. Nghe tin báo địch sẽ nhảy dù xuống một số địa điểm, vì vậy nửa đêm chúng tôi đã phải lên đường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc
Ðoàn chúng tôi đi trước để chuẩn bị địa điểm. Ðến Tràng Xá, chúng tôi mượn nhà dân để đón Bác, sau đó mới làm lán để Bác ở.
Ở Tràng Xá, Tân Hồng, anh em vận động nhân dân ủng hộ đội võ trang tuyên truyền. Dân có gì ủng hộ nấy. Nhiều nhà có lợn, gà đã đem cúng cho người ốm khỏi bệnh, nên họ ủng hộ một con chó. Tôi về báo cáo Bác, Bác nói:
- Mình đang thiếu thốn, dân ủng hộ gì cũng quý cả, cần gì cứ phải gà với lợn. Nhưng các chú phải ghi lại để sau này có điều kiện hoàn trả lại cho dân, cho tương xứng với cái người ta đã ủng hộ mình.
Biết là nhân dân rất tình cảm, yêu quý những người cách mạng, đã ủng hộ một cách vô tư, nhưng nhớ lời Bác dặn, sau đó chúng tôi đã mua thuốc lào mang đến làm quà cho mỗi nhà một bánh.
Lán của Bác lúc đầu làm ở phía ngoài bìa rừng, sau có tin Pháp nhảy dù mới làm sâu vào bên trong. Thời gian này Bác phải di chuyển chỗ ở đến nhiều nơi.
Năm 1947 lên Bản Ca. Năm 1948 ở chân đèo De và ăn Tết ở đó. Ở Tràng Xá một thời gian Bác lại chuyển lên Khuôn Tát ở nhà anh Thảo. Ở Khuôn Tát cứ sáng dậy nấu ăn xong lại lên núi, được ba, bốn ngày thì không ở đó nữa mà lên Bản Ca (cuối năm 1947). Ðồng chí Lê Giản đưa Bác đi, Bác cũng đi bộ. Ở Bản Ca một thời gian, năm 1948 chuyển về chân đèo De, ở một cái lán bên cạnh “Trại nhi đồng”.
Năm 1949 sang Tân Trào ở nhà anh Quyết, dưới chân núi Hồng. Thời gian này Bác di chuyển chỗ ở liên tục. Bác lên ở Bản Ca hai lần. Lần thứ nhất, giặc Pháp nhảy dù, đồng chí Lê Giản đưa Bác lên Bản Ca. Lần thứ hai vào năm 1951 Bác lại lên Bản Ca ở xã Thành Công.
Năm 1951 tôi đánh bóng bị đau tức ngực sau đó bị ốm, Bác cho tôi đi nghỉ cùng anh Tô (đồng chí Phạm Văn Ðồng), anh Ðẩu và anh Trần Quý Kiên. Tôi đi nghỉ trở về thì Bác đã chuyển lên đèo Cón, ở ngã ba, một đường đi Bắc Cạn, một đường đi Thành Công, một đường rẽ vào chỗ Bác ở.
Tôi và đồng chí Phúc được chọn vào phục vụ Bác cùng một đợt. Lần đầu tiên vào gặp Bác chúng tôi rất lúng túng. Chúng tôi chào Bác bằng Cụ, Bác cười và bảo đừng gọi thế, gọi Bác thôi.
Bác hỏi tên hai chúng tôi, khi biết chúng tôi tên là Nga và Phúc, Bác nói:
- Bác đặt tên mới cho hai chú là Kiên, Quyết. Các chú phải làm việc như thế nào cho xứng đáng với cái tên của mình.
Tôi còn nhớ mấy anh em phục vụ Bác lúc đó: Đồng chí Trung, đồng chí Dũng và tôi. Tôi được Bác đổi tên là Kiên, đồng chí Phúc đổi tên là Quyết, đồng chí Lộc nấu ăn đổi tên là Ðồng và bác sĩ Chánh đổi tên là Tâm. Cùng với những người bảo vệ được Bác đặt tên Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Ðịnh, Thắng, Lợi, những cái tên được Bác đặt mang nhiều ý nghĩa, thể hiện quyết tâm, đồng lòng kháng chiến. Dù được giao nhiệm vụ gì chúng tôi cũng cố gắng làm thật tốt.
Trong thời gian phục vụ Bác chúng tôi được Bác rất quan tâm. Nhưng Bác quan tâm một cách công bằng chứ không thiên vị ai.
Năm 1950, sau chiến thắng Biên giới, Bác được nhân dân tặng một số quần áo may sẵn, Bác không dùng mà làm quà thưởng cho anh em chúng tôi. Nhưng trong số quần áo đó có nhiều loại khác nhau. Bác tặng chúng tôi, rồi đề nghị bắt số hay nhường nhau, chứ Bác không tự tay thưởng từng người một. Bác bảo làm thế cho công bằng.
Khi anh Lộc, người nấu cơm cho Bác bị ốm, rồi qua đời, Bác buồn lắm. Anh Bảy (đồng chí Phan Mỹ) nói tìm người thay anh Lộc nấu ăn cho Bác. Thấy thế Bác nói:
- Cũng không cần thiết lắm, Bác ăn uống cũng dễ. Trong nhà này cử một chú ra nấu ăn đỡ phải tìm người. Mà các chú cũng phải học mà nấu ăn, sau này về nhà khi có khách còn biết nấu các món ăn. Các chú đóng một quyển sổ nhỏ, gửi mấy cô phụ vận ở Văn phòng Trung ương nhờ các cô ấy ghi cách nấu nướng về mà thực tập.
Do đó năm ấy không lấy người ngoài vào nữa mà chuyển đồng chí Trung sang nấu ăn cho Bác.
Ðồng chí Trung chuyển sang nấu ăn cho Bác nhưng cứ băn khoăn, đi bộ đội mà chẳng được đánh trận nào, súng đeo rách cả vai áo. Ðồng chí Trung xin chuyển sang chỗ anh Ninh. Biết việc này, một buổi tối Bác cháu cùng ngồi sinh hoạt bên bếp lửa, Bác đem câu chuyện chiếc đồng hồ ra kể với ý nhắc chúng tôi hãy yên tâm với công việc được giao. Bác cũng cho gọi đồng chí Trung lên và nói:
- Công tác cách mạng do Ðảng phân công, mỗi người một việc, các chú làm nhiệm vụ bảo vệ, hãy làm tốt việc được phân công đã.
Tuy thế, đến cuối năm 1952 đồng chí Cẩn được cử về thay đồng chí Trung nấu ăn cho Bác. Ðồng chí Trung được chuyển sang quân đội.
Những năm kháng chiến, Bác ở trên Chiến khu Việt Bắc, mà ở Chiến khu cũng không được an toàn lắm, cứ phải di chuyển chỗ ở luôn. Thấy thế một số đồng chí thì thầm với nhau:
- Về Thái Nguyên ở có tốt hơn không, làm gì cứ phải ở bí mật, di chuyển mãi thế này cho vất vả.
Bác nghe các đồng chí nói vậy thì giải thích:
- Có bí mật mới có công khai, cũng như có kháng chiến mới có thắng lợi.
Theo cuốn “Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ”, do Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản. NXB Thông tấn, Hà Nội - 2003).
Theo Báo Nhân Dân điện tử
Huyền Trang (st)