Vào hai buổi chiều tháng 3-1990 và tháng 12-1991, khi đang là cán bộ của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (trực thuộc Viện Mác - Lê-nin - Hồ Chí Minh), tôi được đồng chí Nguyễn Văn Linh mời lên làm việc. Lần thứ nhất, đồng chí là Tổng Bí thư của Đảng và tiếp tôi tại nhà số 2, phố Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội. Lần thứ hai, khi là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí tiếp tôi tại khu khách sạn Hồ Tây.
Cả hai lần gặp, tôi đều muốn tranh thủ được tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Nhưng những vấn đề mà đồng chí nói với tôi đều tập trung vào chủ đề Bác Hồ và cách mạng miền Nam, còn những vấn đề khác mà tôi hỏi, đồng chí nói sẽ trả lời vào dịp thuận tiện. Tiếc rằng, sau đó tôi không có may mắn được gặp lại đồng chí nữa!
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tại Lớp bồi dưỡng cán bộ hoạt động công khai
ở Sài Gòn, mở tại vùng giải phóng năm 1967. Ảnh tư liệu
Đồng chí Nguyễn Văn Linh (ngoài cùng bên trái) cùng
các đồng chí Phạm Văn Xô (Hai Xô), Phạm Thái Bường (Ba Bường),
Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh tư liệu
Các đồng chí Trung ương Cục miền Nam trên đường vượt Trường Sơn
ra Hà Nội họp tháng 4-1973. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư
Trung ương Cục, Trưởng đoàn (thứ tư từ trái sang). Ảnh tư liệu
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp mặt thân mật đoàn đại biểu phụ nữ
TP Hồ Chí Minh ngày 20-10-1990. Ảnh tư liệu
Lần gặp đầu, tôi mạnh dạn đưa đồng chí Nguyễn Văn Linh xem bản tiểu sử của đồng chí mà tôi đã viết trước đó. Xem xong, đồng chí nói: “Về cơ bản, bản viết này là đúng, song hôm nay tôi mời chú đến đây không phải để “giải quyết” vấn đề tiểu sử, mà tôi muốn kể cho chú nghe về Bác Hồ kính yêu mà tôi vinh dự được một số lần tiếp xúc với Người…”.
Lần gặp đầu, bằng giọng trầm lắng, đồng chí kể: "Tôi được biết tên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ngay từ năm 1929, khi tôi hoạt động tại Hải Phòng trong tổ chức học sinh đoàn, do Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng lãnh đạo. Tôi cũng đã được tuyên truyền về cuốn sách "Đường Kách mệnh" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ cuối năm 1929 trong lúc đang hoạt động tại Hải Phòng. Do ảnh hưởng những tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tôi hoạt động ngày thêm hăng hái. Ngày 1-5-1930, tôi hăng hái đi rải truyền đơn trên đường phố Hải Phòng và bị địch bắt, kết án tù chung thân và đày đi giam tại Côn Đảo. Chỉ có đi rải truyền đơn kêu gọi thợ thuyền đứng lên, mà phải chịu bản án tù chung thân, thật quá “đắt”. Song qua đó, tôi hiểu rằng, bọn thực dân khi ấy rất sợ phong trào cách mạng dâng cao trên toàn cõi Đông Dương. Tôi bị giam tại Côn Đảo hai lần. Lần thứ nhất từ năm 1930 đến năm 1936. Lần thứ hai từ năm 1941 đến năm 1945. Những năm tháng bị địch giam cầm tại Côn Đảo, tôi đã ra sức học tập những tác phẩm của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Những tác phẩm của Người viết sâu sắc lắm, đọc là hiểu ngay, nhưng rất uyên bác. Chỉ có một người thật sự tài giỏi và tâm huyết với nhân dân thì mới viết được những lời lẽ như thế. Sự phân tích của Người trong các tác phẩm hiện lên những tư tưởng lớn. Tôi còn nhớ tinh thần một câu nói nổi tiếng của Người là, nếu không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Chỉ có theo lý luận cách mạng tiền phong, Đảng cách mạng mới làm nổi vai trò trách nhiệm cách mạng tiền phong. Trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ Côn Đảo trở về, tôi lao ngay vào hoạt động cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi hoạt động tại miền Nam. Mấy lần muốn lên Việt Bắc mong được gặp Bác Hồ, nhưng tiếc rằng, ý nguyện đó không thực hiện được".
Năm 1963, sau ba năm tiến hành phong trào Đồng khởi ở miền Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 15 (năm 1959), đồng chí Nguyễn Văn Linh được triệu tập ra Hà Nội để báo cáo với Trung ương và Bác Hồ về tình hình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Vừa đặt chân tới Hà Nội, có người đến báo: "Mời đồng chí đến gặp Bác Hồ". Đồng chí Nguyễn Văn Linh kể lại: "Tôi nhớ lúc ấy Bác làm việc tại một căn nhà đầu tiên trong khu nhà khách Hồ Tây. Vừa bước vào nhà, tôi đã thấy trên bàn làm việc của Bác trải tấm bản đồ miền Nam. Sau ít phút, tôi thấy Bác đi từ trên gác xuống. Bác mặc một bộ đồ màu nâu và đi chân đất. Da dẻ Bác hồng hào, với gương mặt quắc thước. Hình ảnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc năm xưa mà tôi đã có lần thấy trên sách, báo, nay hiện ra trước mắt tôi với tất cả niềm cảm phục sâu sắc và niềm kính yêu vô hạn. Tôi chưa kịp chào, Bác đã nói:
- Chú Cúc ở miền Nam đã ra đấy hả?
- Vâng, thưa Bác! Tôi đứng lên chào Bác. Bác nói:
- Mời chú ngồi.
Rồi Bác hỏi tiếp:
- Đồng bào miền Nam có mạnh khỏe không?
- Thưa Bác, đồng bào rất mạnh khỏe và đánh Mỹ cũng rất hăng.
Bác tỏ ý hài lòng. Ngừng một lát, Bác lại hỏi:
- Chú chỉ trên bản đồ cho Bác biết hiện nay Trung ương Cục đóng ở đâu?
Tôi chỉ cho Bác vị trí Trung ương Cục đóng lúc bấy giờ tại tỉnh Tây Ninh. Bác nói:
- Các chú chọn Tây Ninh làm trụ sở Trung ương Cục là đúng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh kể rằng, bà con ta ở Tây Ninh rất yêu Nước, cùng đồng bào miền Nam chiến đấu rất hăng hái. Nhiều người được tuyên dương anh hùng. Tây Ninh là một tỉnh miền Đông Nam Bộ. Trong kháng chiến thường thiếu gạo ăn, nhiều người phải ăn mì, ăn sắn mà cũng không đủ. Đã có lúc Trung ương Cục phải điều hai trung đoàn xuống miền Tây lấy gạo. Nói đến chuyện gạo, Bác lại hỏi:
- Các chú ăn một tháng hết bao nhiêu cân gạo?
- Thưa Bác, bộ đội phải chiến đấu, nên được ăn khoảng từ 25 đến 30 cân, còn những anh chị em ở cơ quan dân chính đảng được ăn khoảng từ 10 đến 15 cân.
- Ưu tiên cho bộ đội như thế là tốt, nhưng làm sao có đủ gạo để ăn?
Đồng chí Nguyễn Văn Linh báo cáo với Bác là Trung ương Cục đã phát động nhân dân, cán bộ, bộ đội khai phá những vùng đất có thể trồng được lúa. Hơn nữa, do làm tốt công tác dân vận, địch vận, nên những bà con ở vùng giải phóng có thể ra vùng địch kiểm soát để mua gạo, thực phẩm về ăn. Đã có một số lần cán bộ ngầm vận động binh lính địch chở gạo đến bán cho bộ đội ta.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh bồi hồi nhớ lại: "Nghe tôi báo cáo như vậy, Bác rất xúc động và khen làm được như vậy là tốt. Bác xúc động làm tôi cũng không nén nổi niềm xúc động trào dâng. Xúc động bởi khi gặp tôi, Bác không hỏi ngay vấn đề chiến lược, sách lược đấu tranh, vấn đề chính trị, quân sự, mà hỏi ngay đến đời sống của bộ đội, cán bộ, sức khỏe của đồng bào. Chỉ có những vị lãnh tụ thực sự thương dân mới như vậy. Bác không chỉ quan tâm đến "thế sự" mà còn rất quan tâm đến "nhân tình". Bác bao giờ cũng nghĩ tới đồng bào, chiến sĩ, lo lắng từ miếng cơm, manh áo, cọng rau, quả cà. Điều đó đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều".
Đồng chí Nguyễn Văn Linh kể tiếp: "Khi làm việc với Bộ Chính trị, Bác cũng ngồi dự. Bác cho phép tôi được nói trước. Tôi báo cáo với Bác và Bộ Chính trị: Khi nhận được Nghị quyết 15, toàn Đảng bộ và nhân dân miền Nam rất phấn khởi, tổ chức học tập Nghị quyết với tinh thần cách mạng tiến công. Sau một thời gian đấu tranh chính trị, nay chuyển sang đấu tranh vũ trang và chỉ có đấu tranh vũ trang mới hy vọng giành được thắng lợi cuối cùng. Đương nhiên, đấu tranh vũ trang, xét cho cùng, cũng là một trong những biểu hiện của đấu tranh chính trị. Đã có thời điểm, nhờ đấu tranh chính trị quyết liệt mà các điền chủ miền Nam phải trả lại ruộng đất cho chính quyền cách mạng và chính quyền cách mạng đã chia ruộng đất đó cho nông dân. Ở một số nơi tuy chính quyền cách mạng chưa hạ được chính quyền địch từ cấp tỉnh trở lên, nhưng chính quyền địch cấp xã, ấp đã bị chính quyền cách mạng đánh đổ, nhân dân phấn khởi và tin tưởng. Tôi nói đến hai chữ "đánh đổ", Bác nói chêm vào: "Phải đánh đổ, nhất định phải đánh đổ". Hai tiếng ấy vang mãi trong lòng đồng bào xông lên đồng khởi. Đó là tiếng nói của một vị lãnh tụ từng trải trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đó là tiếng kèn hiệu lệnh thôi thúc các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tại miền Nam lúc đó, tiếng nói của Bác chính là lời kêu gọi đồng bào nổi dậy, dùng bạo lực cách mạng để đánh đổ chế độ áp bức, chế độ tay sai của chủ nghĩa thực dân mới. Hai chữ "đánh đổ" mà Bác nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bao hàm nội dung lý luận rất cơ bản, thể hiện rõ tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và duy lý luận chiến lược của Bác trong việc chỉ đạo cách mạng miền Nam.
Cuối năm 1968, đồng chí Nguyễn Văn Linh lại có dịp ra Hà Nội công tác. Ở Hà Nội một thời gian, đồng chí được gặp Bác. Lúc này sức khỏe của Bác đã yếu. Gặp đồng chí, Bác hỏi ngay:
- Từ khi ra miền Bắc công tác, chú có nhận được tin tức gì về tình hình phong trào cách mạng miền Nam không?
Đồng chí Nguyễn Văn Linh thưa với Bác là thường xuyên nhận được báo cáo của Trung ương Cục miền Nam gửi Bộ Chính trị và xin sự chỉ đạo. Bác khen: "Thế là tốt". Theo kế hoạch dự kiến, thời điểm đó, Bác sẽ cùng các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh sang làm việc với Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, song, do sức khỏe yếu, nên Bác không đi được.
Thời gian ở lại Hà Nội, thỉnh thoảng đồng chí Nguyễn Văn Linh lại được gặp Bác. Lúc này Bác ốm, phải nằm nghỉ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh vô cùng xúc động khi thấy bên giường của Bác luôn treo tấm bản đồ miền Nam. Mỗi lần đồng chí vào thăm Bác, nhìn bản đồ, lại thấy thêm những mũi tên xanh, đỏ. Đỏ là tượng trưng cho quân ta, còn xanh là tượng trưng cho quân địch. Mỗi ngày trên bản đồ lại thấy vẽ khác đi. Điều đó chứng tỏ Bác theo dõi tình hình miền Nam rất sát. Đồng chí được biết, mỗi tuần mấy lần, các đồng chí ở Bộ Tổng tham mưu vẫn cử các sĩ quan tác chiến đến báo cáo cho Bác nghe tình hình chiến sự ở miền Nam. Bác nằm nghe và chăm chú nhìn bản đồ để theo dõi.
Trong những ngày ở Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Linh có vinh dự được Bác mời ăn cơm. "Tôi thấy hôm ấy Bác ăn rất ngon. Ăn xong một bát, Bác bảo anh Vũ Kỳ xới thêm bát nữa. Anh Vũ Kỳ xới bát cơm sau hơi xốp xốp, áng chừng độ nửa bát thôi. Ăn xong, Bác bảo. “Thôi, chú đi nghỉ nhé, mai còn làm việc”. Nói xong, Bác lên lầu; anh Vũ Kỳ đi theo. Một lúc sau, anh Vũ Kỳ quay lại, nói nhỏ với tôi: "Bác lại bắt đầu đau đấy. Mọi khi Bác chỉ ăn được có nửa bát, nhưng hôm nay Bác dặn tôi là có chú Cúc ở miền Nam ra, chú phải xới cho Bác hai bát đấy nhé, nhớ xới xốp xốp thôi. Bác ăn để chú Cúc thấy Bác còn khỏe, khi về, chú ấy còn nói với đồng bào, chiến sĩ miền Nam là Bác còn khỏe để đồng bào, chiến sĩ yên tâm chiến đấu". Nghe anh Vũ Kỳ nói vậy, tôi càng xúc động, từ những việc nhỏ như thế, Bác cũng vì đồng bào miền Nam!
Hôm Bác mất, một số đồng chí trong Bộ Chính trị và đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng có mặt. Đồng chí Nguyễn Văn Linh kể: "Tôi nhớ lúc ấy Bác không còn nói được nữa. Bác chăm chú nhìn các đồng chí trong Bộ Chính trị và tôi. Bác nắm tay tôi và tôi cúi xuống nắm chặt tay Bác. Qua cái nắm tay, tôi hiểu rằng, đây không phải chỉ Bác bắt tay cá nhân tôi, mà qua tôi, Bác muốn tỏ rằng, đồng bào miền Nam luôn luôn ở trong trái tim Bác. Cũng qua cái nắm tay đó, Bác muốn gửi gắm niềm tin vào nhân dân miền Nam nhất định thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tôi nhớ có lần Bác nói với đồng chí Lê Duẩn là Bác muốn vào miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn thưa với Bác là khi nào cách mạng thành công, miền Nam giải phóng thì mời Bác vào. Bác bảo, lúc ấy thì còn nói làm gì. Bác muốn vào bây giờ, lúc mà đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu. Gian khổ như thế, sự có mặt của Bác là cần thiết. Theo đề nghị khẩn thiết của Bác, Bộ Chính trị hứa chuẩn bị, song lúc ấy, sức khỏe của Bác đã quá yếu, nên không thể đi được. Mỗi lần nhớ đến chuyện Bác muốn vào Nam là tôi lại vô cùng xúc động. Các đồng chí khác được gần Bác hơn, hiểu Bác nhiều hơn. Riêng tôi, do liên tục công tác tại miền Nam, nên ít có dịp được gặp Bác, song tôi luôn hướng về Bác với tất cả lòng kính yêu vô hạn.
Sau Lễ Quốc tang Bác Hồ, tôi thu xếp trở lại miền Nam. Về đến nơi, tôi thấy đồng bào và chiến sĩ đâu đâu cũng làm lễ tưởng niệm Bác. Đồng bào và chiến sĩ hiểu rằng, càng thương nhớ Bác bao nhiêu thì càng phải chiến đấu kiên cường bấy nhiêu để xứng đáng với tấm lòng của Bác. Tại thị xã Trà Vinh, tôi thấy bà con chung sức chung lòng cùng nhau xây đền thờ Bác. Đền thờ ở ngay trong lòng địch. Địch biết, nhưng lờ đi, không dám can ngăn. Bà con hạ quyết tâm: Nếu địch đến khủng bố, đàn áp thì đồng bào nhất quyết đấu tranh. Tại Sài Gòn, có những tác giả tuy không thân cộng sản, nhưng cũng có bài viết về Bác khá xúc động. Báo chí Sài Gòn đã đăng những bài viết đó. Tôi được biết, một số binh lính, sĩ quan của chính quyền đối lập, tuy không dám tổ chức tưởng niệm Bác, nhưng họ đã khóc. Tình cảm dân tộc trào dâng ngay cả trong một số người khác chiến tuyến".
"Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác". Đồng chí Nguyễn Văn Linh cứ nhắc đi nhắc lại câu nói đó với thái độ hết sức trân trọng. Một nhà cách mạng kiên cường, lại được tư tưởng của người thầy Hồ Chí Minh soi sáng, nên con đường cách mạng của đồng chí ngày càng vững bước đi lên.
Hai lần được gặp và làm việc với đồng chí Nguyễn Văn Linh là hai lần tôi có thêm tư liệu để viết về đồng chí. Cũng qua hai lần đó, tôi thấy rõ cái tâm rất trong sáng của một nhà cách mạng đã trải qua thời kỳ hoạt động bí mật, tiếp đó là qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và tiến vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nghe giọng nói trầm lắng của đồng chí, những ngôn từ chất phác, mộc mạc đến đơn sơ, tôi thấy thể hiện rõ bản chất của một nhà cách mạng bản lĩnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là người suốt đời chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng và Bác Hồ. Tình người, tình đời sáng lung linh. Con người ấy đã làm nên lịch sử và cũng đã đi vào lịch sử./.
PGS, TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Theo qdnd.vn
Minh Thu (st)