Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với Lãnh đạo Thành ủy
Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VĂN KHÁNH
Vốn khiêm nhường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không bao giờ tự cho mình là người khởi xướng con đường đổi mới. Trên anh và trước anh, có Bác Hồ và các Tổng Bí thư tiền nhiệm, những người đau đáu cả cuộc đời lo nghĩ cho dân, xả thân vì đất nước. Nhưng cả dân tộc này vẫn nhớ công anh trong tiến trình phát triển đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là một người trong đội ngũ học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung thành tuyệt đối với khát vọng hòa bình và độc lập, tự do cho đất nước, là người quyết chí, bền gan thực hiện cho bằng được hoài bão giải phóng dân tộc, giải phóng con người và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Anh Cúc, anh Út, anh Mười (theo cách gọi thân thương của người miền Nam) là người luôn xuất hiện ở những địa bàn và vào thời điểm khó khăn nhất của cách mạng nước ta. Anh không tự cho mình là người phát sáng, nhưng luôn luôn cần mẫn thực thi sáng tạo, như "cây vĩ cầm thứ hai" của Lê Duẩn, Trường Chinh trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiến hành cách mạng XHCN, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện. Và khi lịch sử trao anh chỗ đứng của người nhạc trưởng - trọng trách Tổng Bí thư của Đảng - điều hành bản đại hợp xướng đổi mới trong toàn dân, kiên quyết bảo vệ con đường mà Bác Hồ và biết bao thế hệ những người cộng sản, những người yêu nước Việt Nam đã đổ máu hy sinh để lựa chọn và tự nguyện đồng hành.
Là người con của châu thổ sông Hồng, nhưng dường như cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có duyên nợ sâu nặng với miền Nam, với Thành phố Hồ Chí Minh "rực rỡ tên vàng". Tham gia hoạt động từ thời chớm tuổi thanh niên, nhiều lần bị địch bắt, tù đày, nhưng mỗi khi thoát khỏi lao tù, anh lại lao vào phong trào, bất chấp hiểm nguy. Những năm tháng cam go, anh bám đất, bám dân ở đồng bằng Nam Bộ, đứng chân ngay trong sào huyệt kẻ thù, rất nhiều lần trên cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Văn Linh là người cộng sự đắc lực nhất, gánh chịu gian nan, góp phần cùng Lê Duẩn xây dựng "Đề cương cách mạng miền Nam". Vốn là người bộc trực và thẳng thắn, trước sự chờ đợi vì lúng túng về đường lối từ Trung ương ở buổi đầu chống Mỹ, cả miền Nam ngột ngạt trong không khí khủng bố, cách mạng bị tổn thất nặng nề, lắng nghe được tiếng nói ấm ức của dân, có khi, anh không kìm chế được bức xúc: "Tại sao ta cứ đấu tranh chính trị đơn thuần mãi, nó thì dùng súng mà ta cứ dùng cùi chỏ mà đánh thì làm sao thắng được". Từ thực tiễn miền Nam, anh và các đồng chí lăn lộn ở chiến trường đã góp phần quan trọng cùng Bộ Chính trị phát triển, hoàn thiện con đường giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chính vì thế, với tài năng và sự sáng tạo trong tổ chức thực hiện, chỉ đạo thực tiễn, Nguyễn Văn Linh đã góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.
Tiếp tục sự nghiệp của Tổng Bí thư tiền nhiệm, "đổi mới là vấn đề có tầm quan trọng sống còn", đồng chí Nguyễn Văn Linh là người cộng sự đắc lực của đồng chí Trường Chinh cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị tích cực chuẩn bị cho Đại hội VI, "Đại hội kế thừa và quyết tâm đổi mới". Đảm nhận cương vị Tổng Bí thư của Đảng giữa lúc tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, kinh tế, xã hội trong nước gặp khó khăn trầm trọng, đứng trước những nguy cơ bất ổn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo chủ động, sáng tạo, vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, kiên trì thực hiện đổi mới, nhưng kiên quyết bảo vệ các nguyên tắc: Định hướng XHCN, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; thực hiện chủ trương "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Sự kiên định, nguyên tắc, bình tĩnh trước mọi hiểm nguy và biến cố của đồng chí Nguyễn Văn Linh bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của Đảng đã thấm sâu vào tâm can, được thử thách qua những năm tháng sống chết cùng dân. Từ nhân dân, anh tìm thấy cội nguồn sức mạnh và sức sáng tạo. Chính vì thế, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, Nguyễn Văn Linh thể hiện tác phong giản dị, gần gũi, sâu sát, thân thiện với đồng chí, đồng bào, luôn lắng nghe ý kiến của các giới quần chúng; chú ý nghiên cứu, tìm tòi những nhân tố mới, sáng tạo, tích cực từ cơ sở để đúc kết xây dựng những điển hình, góp phần làm sáng tỏ quan điểm, đường lối của Đảng.
Có thể nói, gần gũi với dân, tôn trọng dân, muốn nghe tiếng nói thật lòng từ dân, là nét đặc trưng cơ bản của phong cách Nguyễn Văn Linh. Trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, tháng 6-1987, đồng chí khẳng định: "Tiếng nói của đại đa số nhân dân về cơ bản thường là chính xác. Do đó, mọi chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trước khi đem ra thực hiện, nhất thiết phải tổ chức thu thập cho được ý kiến của nhân dân".Theo đồng chí, chân lý "dân là gốc", tưởng chừng rất đơn giản, mọi người thừa nhận dễ dàng, nhưng trên thực tế, việc làm hoàn toàn không đơn giản, nhất là khi Đảng đã cầm quyền. Ngay sau ngày thống nhất cả nước, toàn Đảng chuẩn bị Đại hội IV, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã lên Đài Truyền hình thành phố phát biểu, mong đồng bào các giới cùng suy nghĩ, bàn bạc góp ý kiến cho Đảng: "Xây dựng chủ nghĩa xã hội là công việc của toàn dân. Đây là chuyện liên quan đến vận mạng chung của Tổ quốc. Là chuyện liên quan tới cuộc đời mỗi người Việt Nam ta. Liên quan đến đời ta và đời con cháu ta sau này... Để xây dựng đất nước ta, ta có kế gì hay? Bà con ta có nguyện vọng gì? Bà con cứ mạnh dạn phát biểu, không ngại trúng trật, dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ".
Đồng chí Trần Tình, nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, từng là thư ký giúp việc anh Linh từ những ngày ở R kể lại: Để nghe được tiếng nói thật lòng của dân, tiếng nói thật của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, anh Nguyễn Văn Linh bao giờ cũng muốn tạo ra không khí thật tự nhiên, thật chân tình. Từ chỗ để tiếp xúc, bố trí ghế ngồi cho đến cách nói năng, xưng hô, sao cho người phát biểu cảm thấy như đang nói chuyện ở nhà mình. Tất nhiên là không có đón rước linh đình, khẩu hiệu chào mừng, không có nhiều cán bộ ban, ngành, báo chí đi theo, không có cán bộ địa phương ghi chép. Anh nói: "Nhiều cán bộ sát dân theo kiểu ấy thì ai dám nói".
Thời kỳ sau giải phóng, khi làm Bí thư Thành ủy, anh Linh đề nghị tổ chức cuộc gặp riêng với trí thức thành phố. Anh biết, đây là tầng lớp đang "ngổn ngang trăm mối tơ vò". Phát động tự do tư tưởng, đề nghị mãi mà chẳng ai nói cho. Cuối cùng, anh Linh phải "chọc tức" Tiến sĩ nông học Châu Tâm Luân: Thời trước, dưới chế độ Thiệu - Kỳ, tôi nghe tiếng tăm anh, đấu tranh hăng lắm, bất chấp cả hiểm nguy. Giờ đây, đất nước còn bộn bề khó khăn. Đảng, Nhà nước cũng chỉ mới đang phấn đấu làm sao cho dân bớt nghèo, bớt khổ. Trong cách làm cũng có cái được, cái chưa. Cán bộ, đảng viên cũng có anh tốt, anh chưa tốt. Đấu tranh với cái xấu, cũng có lúc hiểm nguy. Nhưng đấu tranh vì lẽ phải, phê phán cái xấu, cái sai, nếu anh bị ở tù, tôi sẽ đem cơm tiếp tế cho anh.
Sau Đại hội VI, quyết tâm đổi mới đã rất rõ. Nhưng, mới chỉ là những chủ trương, đường lối lớn. Đi vào tổ chức thực hiện, còn muôn vàn khó khăn. Bỏ tập trung quan liêu, bỏ tư duy bao cấp đâu có thể một sớm một chiều. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mong muốn tháo gỡ từ cơ sở, "không thể xa cơ sở như cá không thể ra khỏi nước"... Sau "khoán chui", Vĩnh Phú bị lên án, nhưng cũng từ mảnh đất này, đang có những nhân tố mới xuất hiện. Ở đây, có phong trào "khoán màu" làm ba, bốn vụ, lại có cả "chợ lao động". Anh muốn được xem, được nghe trực tiếp từ người lao động. Vậy là chuyến đi khảo sát "bí mật" xã Văn Xuân, huyện Vĩnh Lạc được tổ chức rất đơn giản, gọn nhẹ, không báo trước. Anh Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi ấy đang là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, hồi tưởng: Hôm ấy, mình lo sốt vó. Anh Linh không cho cán bộ đón tiếp, không cho bảo vệ vòng trong, vòng ngoài. Anh đi thăm đồng ruộng, hỏi chuyện bà con làm đồng. Anh đề nghị được gặp dân, nhưng chủ yếu phải là nông dân không có chức sắc gì, thương binh, bộ đội phục viên. Cuộc trò chuyện diễn ra ở ngay nhà kho hợp tác xã tềnh toàng. Gần kết thúc, anh Ngọ mới nói: "Hôm nay bà con ta được trực tiếp nói với Tổng Bí thư của Đảng". Tất cả đều ngỡ ngàng, cảm động. Bữa trưa hôm ấy, địa phương cũng chỉ dám tiếp anh ngô luộc, cơm nếp, đặc sản quê nhà. Trên đường về, anh Linh nói: "Chuyến đi hôm nay thành công nhất".
Trong cuộc đời hoạt động, đồng chí Nguyễn Văn Linh vừa là lãnh tụ, vạch hướng, chỉ đường, vừa là chiến sĩ tiên phong thực hiện. Anh thường tâm sự với anh em: "Muốn gần dân, phải hiểu dân, chia sẻ khó khăn cùng dân. Trong đời sống đừng tạo ra khoảng cách. Mình là đảng viên, phải biết chặt chẽ với mình". Thời kỳ cấm vận, khó khăn, ở thành phố, cũng như bao người, anh khuyến khích vợ con nuôi chim cút, nuôi heo để cải thiện đời sống chung. Khi là Tổng Bí thư, anh kiên quyết chỉ đi chiếc xe Lada. Anh băn khoăn đi đây, đi đó trong nước bằng chuyên cơ, mỗi chuyến, chi phí hơn trăm triệu đồng. Anh xót xa, cơ quan đại diện ở nước ngoài, vài ba người cũng sắm xe Toyota, "cứ nghĩ mình đã tiêu hết cả một năm xuất khẩu lạc của một huyện, lại thấy lương tâm áy náy".
Anh Trần Tình bồi hồi xúc động, sâu lắng cả chặng đường theo giúp việc anh Linh: "Bây giờ người ta thường nói tư duy nhiệm kỳ. Nhưng một nhiệm kỳ, sống và làm việc được như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cũng đáng để đời cho dân, cho nước"./.
Theo nhandan.com.vn
Kim Yến (st)