Ở Vân Nam

Những năm 1937-1938, tôi ở Xì Xuyên, tức Chỉ Thôn – một ga nhỏ trên đường sắt của Công ty Việt Điền. Lần đầu tiên gặp Bác, tôi không thể nào ngờ rằng. Bác là một vị Lãnh tụ vĩ đại. Hôm ấy, tôi đang cắt tóc cho một khách hàng thì thấy bên kia đường có hai người đứng ngó sang. Đó chính là đồng chí Lý (tức anh Phùng Chí Kiên).

Sau nhiều cuộc họp với anh em công nhân, nắm vững được tình hình, Bác và anh Kiên mở một lớp huấn luyện cho chi bộ. Chương trình học sơ lược của chủ nghĩa Mác Lênin và tình hình thế giới, tình hình Đông Dương và cách mạng tư sản dân quyền.  Sau đó lại học công tác chi bộ và lề lối làm việc của chi bộ. Khi giảng bài, Bác rất ít nói. Bác giảng về duy vật biện chứng thường chỉ đặt vấn đề khêu gợi cho chúng tôi tìm hiểu. Bác lại hay lấy việc trước mắt, thâu lượm được trong tình hình công nhân làm dẫn chứng. Bác nói nôm na như người kể chuyện. Nói xong lại hỏi chúng tôi có hiểu được không, hiểu như thế nào? Thấy chúng tôi hiểu được chút ít, Bác lại hỏi rộng ra, lại đặt vấn đề, gợi cho chúng tôi suy nghĩ.

Một lần, do giận quá, tôi có đánh vợ tôi mấy cái. Bác phê bình tôi, đã là một đảng viên sao còn hành động như thế? Bác nói: Về việc đoàn thể thì rất có thể chỉ vì hành động sai lầm cỏn con như thế mà lộ bí mật. Bác nói rất thấm thía. Tuyệt nhiên, Bác không gắt gỏng hay bực bội, nên tôi nghe ra ngay. Bác phê bình mà thành câu chuyện tâm sự, thấu vào tận ruột, tận gan.

Bác ở Xì Xuyên một tháng rồi Bác đi. Bác giao nhiệm vụ ở lại phải tiếp tục gây cơ sở, phải tích cực vận động Kiều bảo ủng hộ Trung Quốc kháng Nhật. Bác nói ủng hộ phải thiết thực. Nên lập quỹ ủng hộ Trung Quốc kháng chiến. Chúng tôi làm một cái hòm, mời chính quyền địa phương đến niêm phong. Ai ủng hộ đồng bào thì tự tay bỏ vào đó. Bác nói việc này nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, không được coi thường. Nhân dân Trung Quốc sẽ biết rõ người cách mạng Việt Nam chân chính.

Hai tháng sau, Đảng triệu tập tôi lên hội họp. Tôi lại có vinh dự được gặp Bác lần thứ hai. Bác bắt tay tôi, cười hỏi tôi có khỏe không, có đánh vợ nữa không? Rồi Bác nói: “Tôi ở nhà anh nhiều, hôm nay tôi thiết anh một bữa”.

Tôi không được gặp Bác suốt mấy năm sau nữa. Đến cuối năm 1944, ngày hôm đó, tôi đang cắt tóc cho khách thì thấy một ông già gầy ốm, râu đen, tóc đốm bạc, bước vào. Tôi giật mình nhìn ra là đồng chí Trần. Tôi mừng quá. Khách cắt tóc xong, tôi mời Bác lên gác. Bác hỏi tôi ngay về tình hình Đảng, tình hình kiều bào, tình hình Hội giải phóng của ta và tình hình bọn Quốc dân Đảng ở Vân Nam.

Tôi báo cáo với Bác là cơ sở Đảng tốt, kiều bào rất hướng về Hội Giải phóng, Hội đã mạnh. Về tình hình Quốc dân Đảng thì bọn Vũ Hồng Khanh đã giải tán Quốc dân Đảng, lập Mặt trận Việt Nam cách mạng đồng minh Vân Nam phân hội để tranh giành quần chúng với ta. Tôi báo cáo thêm là chúng tôi không vào Hội ấy, để dứt khoát phản đối chúng.

Bác nhận định ngay: Không vào là sai rồi. Tại sao không vào? Chúng mở cửa cho ta vào nắm quần chúng, sao ta lại quay đi? Chúng mở được Hội thì chúng có khả năng tập hợp quần chúng. Ta phải lợi dụng khả năng ấy. Phải vào mà biến tổ chức địch thành tổ chức ta. Sau này, chúng tôi vâng theo lời Bác, quả thấy hiệu nghiệm. Kết quả cuối cùng là bọn Vũ Hồng Khanh phải bỏ Mặt trận Việt Nam cách mạng đồng minh Vân Nam phân hội, lại dựng lại cái xác Quốc dân Đảng. Đó là một thất bại lớn của chúng….

Bác lại ở Y Liêng độ một tuần. Tuy Bác còn rất mệt cũng bảo tôi triệu tập anh em công nhân đến để Bác nói chuyện. Bác nhận định: “Tình hình mới của cách mạng bây giờ cần chuyển hoạt động về nước. Lực lượng chủ yếu để giải phóng dân tộc cũng là lực lượng trong nước. Ngoài này là phụ. Đồng chí nào về nước được thì lên về. Đồng chí nào không về được thì ở bên này, tiếp tục ủng hộ Trung Quốc kháng Nhật, vận động đồng bào đoàn kết, củng cố các tổ chức quần chúng cứu nước. Ở ngoài này, bây giờ đang gặp hoàn cảnh khó khăn, các đồng chí phải tùy thời cơ mà hoạt động cho khéo, nghĩ cho chín chắn, làm cho chín chắn. Hội Giải phóng có phức tạp, phải củng cố đoàn kết cho tốt”

Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi lại được gặp Bác ở Bắc Bộ phủ. Gặp tôi, Bác hỏi: “Chú đã có chỗ ở chưa, đã ăn chưa, quần áo đã đủ mặc chưa?”. Tôi cảm động không trả lời Bác được. Bác vẫn giản dị, thân mật như cũ. Tôi thấy Bác không phải là Lãnh tụ, không phải là Chủ tịch Nước mà như người cha, người chú trong gia đình.

Hoàng Quang Bình kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta
Nxn, Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2005

Bảo vệ đồng chí Vương

… Một hôm đồng chí Vũ Anh giao nhiệm vụ cho tôi phải bảo vệ một nhân vật quan trọng tên là Vương (Bí danh của Bác Hồ). Tôi hỏi đồng chí Vương là ai? Cách bảo vệ như thế nào? Đồng chí Vũ Anh bảo đồng chí Vương là một nhà cách mạng nổi tiếng, hiện nay đồng chí Vương đang ở nhà một đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc tên là Trần, nhà ở cùng phố với nhà tên Long Vân, tỉnh trưởng Vân Nam.

Tôi muốn hỏi thêm một vài điều nhưng đồng chí Vũ Anh bảo không được tò mò.

Bước đầu, nhiệm vụ cụ thể đồng chí Vũ Anh giao như sau: Cứ khoảng 7 giờ tối, tìm cách lảng vảng trước cổng nhà đồng chí Vương ở nhờ. Khi thấy đồng chí Vương ra cổng đi đâu đó, thì cứ theo sau, khoảng cách từ 6 đến 10 mét và sẵn sàng bảo vệ khi cần. Vũ khí dùng để bảo vệ, đồng chí Vũ Anh giao cho một cái búa, sau thêm con dao, không có súng ống gì cả.

Ngay đêm đầu tiên làm nhiệm vụ, tôi đã nhận ra ông Vương cũng chính là ông Trần mà trước đó, tôi đã gặp lần đầu tiên ở Vĩnh An Đường, Thì ra đây là nhân vật mà suốt mấy tháng trời từ cuối năm 1939 đến đầu năm 1940, đồng chí Vũ Anh cùng các đồng chí ở chi bộ Vân Quý ra công tìm kiếm để bắt liên lạc. Từ đó, tôi càng cảm thấy trách nhiệm của mình thật to lớn.

Một hôm, đồng chí Vũ Anh bố trí cho tội gặp đồng chí Vương tại một quán nước vắng, để chính thức giới thiệu tôi với Bác. Đồng chí Vũ Anh nói với Bác bằng tiếng Trung Quốc:

- Đây là chú Nghĩa, một đảng viên, mọi điều tôi đã dặn kĩ, xin tiên sinh yên tâm.

Bác nhìn tôi một lúc lâu, tỏ vẻ hài lòng. Có lẽ vì thấy tôi khỏe mạnh, mặt mũi sáng sủa, chưa đầy 20 tuổi mà đã là đảng viên…

Suốt một tuần đầu, Bác chỉ nói với tôi bằng tiếng Trung Quốc, sau đó mới dùng tiếng Việt. Cũng chỉ đôi ba lần Bác hỏi tôi tình hình gia đình, quê quán… Nhiều lần tôi thấy Bác nhìn tôi với tất cả tình thương yêu như muốn gửi vào trong đó tất cả nỗi nhớ quê hương, đất nước. Nhưng do nguyên tác hoạt động bí mật, cả Bác và tôi đều phải làm như không hề quen biết nhau… Mọi việc đều do đồng chí Vũ Anh sắp xếp. Thời gian, địa điểm tôi chỉ được báo trước một ngày. Tôi phải có nhiệm vụ đến quan sát trước, tìm địa thế có lợi, dự kiến mọi tình huống. Nhất là từ khi được đồng chí Vũ Anh cho biết đồng chí Vương chính là Nguyễn Ái Quốc, đã bị đế quốc Pháp kết án tử hình, đã bị cảnh sát Hồng Công bắt năm 1931 và suýt bị nguy hiểm đến tính mạng nếu không được vợ chồng luật sư Lô-zơ-bai tìm cách giải thoát, tôi càng thấy hết sức nặng nề. Trong thâm tâm, với bản tính hiếu động của tuổi trẻ, tôi cũng thấy thích thích nhiệm vụ được giao, vì nó mang màu sắc trinh thám. Do đó, mỗi lần nhận nhiệm vụ tôi đều đem hết tâm sức nghiên cứu phương án tốt nhất và lòng tự nhủ lòng, lần này cũng phải bỏa đảm an toàn như lần trước.

Dạo đó, tuy hiểu biết về Đảng, về chủ nghĩa Mác - Lê-nin còn hạn chế, nhưng từ khi được sự tiếp xúc với Bác, tôi bắt đầu ý thức được rằng, nhiệm vụ mà tôi đang được giao, tuy nhiều đêm chỉ đi theo Bác như một cái bóng, Bác vào đâu, tôi chỉ lảng vảng ở ngoài cổng như một người khách qua đường… một trọng trách đặc biệt có liên quan đến vận mệnh của dân tộc.

Tháng 4 năm 1940, Bác quyết định đi kiểm tra tình hình cơ sở dọc đường sắt, chủ yếu là trên các ga chính: Nghi Lương, Chi Thôn, Khai Viễn, Hổ Khẩu…

Bác đóng vai một công nhân đốt lửa, dừng lại khá lâu ở ga Chỉ Thôn. Ga này có hàng mấy trăm công nhân Việt kiều, trong đó có anh Hoàng Quang Bình, một cơ sở của ta, mở hiệu cắt tóc ở gần ga để làm nơi liên lạc. Anh Phùng Chí Kiên cùng đi với Bác và dẫn Bác đến nhà anh Hoàng Quang Bình. Ban ngày Bác đi khảo sát tình hình, ban đêm Bác tranh thủ mở lớp huấn luyện. Mỗi lớp chỉ 5-7 người, thậm chí chỉ có 3-4 người. Thời gian học cũng chỉ vào buổi tối. Cứ như thế, những hạt giống cách mạng được Bác gieo trồng ngày càng phát triển.

Tuy nhiên qua khảo sát tình hình, Bác đã thay đổi ý định ban đầu là tìm đường về nước bằng con đường qua Lào Cai. Có nhiều lí do để Bác thay đổi quyết định, trong đó có lí do sau vụ Yên Bái, bọn mật thám Pháp tăng cường chú ý đến hướng này.

Chừng hơn một tháng sau Bác trở lại Côn Minh tiếp tục hoạt động, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc trở về nước bằng con đường khác.

Tin Pa-ri thất thủ đã làm cho cả Côn Minh náo động, báo chí đăng tít lớn đưa tin nước Pháp đã bị Đức chiếm.

Trước tình hình đó, Bác triệu tập bộ phận hải ngoại của Đảng ở Vân Nam họp đề ra phương hướng hoạt động mới.

Đó là một đêm tháng sáu. Không khí ở Côn Minh oi bức không khác gì ở ta. Bác cùng đồng chí Phùng Chí Kiên, đồng chí Vũ Anh ngồi họp trong ngôi nhà nhỏ, nơi anh Kiên vẫn dùng để khai hội và là tòa soạn của báo Đ.T. Tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ thật cẩn mật ở bên ngoài cuộc họp này

Cuộc họp diễn ra gần như suốt đêm. Sau này đồng chí Vũ Anh cho biết nội dung cuộc họp rất quan trọng. Do Pháp đã mất nước vào tay Đức ngày 20 tháng 6 năm 1940, nên Bác quyết định phải mau chóng trở về nước hoạt động, chuẩn bị mọi mặt, chờ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Bác nói: Lúc này mà chậm trễ là có tội với dân tộc.

Hội nghị nhất trí với đề nghị của Bác, nhưng ai cũng phân vân là không biết lấy vũ khí ở đâu mà cướp chính quyền. Bác đã giải thích:

- Khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một điều rất quan trọng của cách mạng. Nhưng nếu bây giờ có vũ khí thì lấy ai mà vác vũ khí. Cho nên cứ tìm cách về nước đã, về nước tuyên truyền giác ngộ quần chúng, khi quan hệ đã giác ngộ thì ta sẽ có vũ khí.

Nghe đồng chí Vũ Anh nói tôi cảm thấy trong lòng rất sung sướng. Thế là mình sắp được về nước rồi. Và tự mình nghĩ làm sao để có vũ khí đây? Từ đó vấn đề vũ khí cứ ám ảnh mãi trong tôi. Có lần tôi lân la hỏi chuyện một vài lính Tưởng và bỗng nghĩ ra chuyện có thể mua vũ khí của bọn này, rồi chuyển dần về trong nước.

Trong những ngày này, việc bảo Vệ Bác ngày càng vất vả. Hầu như đêm nào Bác cũng đi. Có thời gian đi cả ban ngày và thường xuyên cải trang, lúc mặc com-lê, khi mặc áo dài, lúc đi giày vải, khi đi dép, lúc đội mũ cứng, khi đội mũ mềm, loại mũ có cái lưỡi trai thò ra phía trước có đính khuy. Phương thức bảo vệ vẫn là phương thức “hình với bóng”. Nghĩa là Bác đi trước tôi đi sau. Bác đi đâu tôi bám theo đó. Nếu vào chỗ nào lâu khoảng 2-3 giờ, Bác ra ám hiệu cho tôi biết trước bằng cách lấy mùi xoa lau mồ hôi trán. Những lúc như vậy tôi thường chọn một chỗ ngồi thật kín đáo để quan sát, chứ không đi lại lảng vảng ngoài cửa.

Đó là những ngày Bác phải khẩn trương chuẩn bị nhiều việc để chuẩn bị về nước. Một mặt Bác điện cho anh Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không đi Diên An học tập nữa mà quay lại Quế Lâm ngay. Một mặt Bác liên hệ với các cơ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị cho Bác đi Trùng Khánh gặp đồng chí Chu Ân Lai, đại diện của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bên cạnh chính phủ Tưởng Giới Thạch.

Sau ngày 20 tháng 6 năm 1940, tức là ngày Pa-ri thất thủ, vấn đề “Hoa quân nhập Việt” bắt đầu được đặt ra đối với Tưởng Giới Thạch. Với tầm nhìn xa của một Lãnh tụ thiên tài, Bác đã hình dung ra từng đường đi nước bước của cách mạng Việt Nam trong những ngày sắp tới.

Bác đi Trùng Khánh được hơn một tuần thì ở nhà đồng chí Vũ Anh và đồng chí Phùng Chí Kiên nhận được thư của cụ Hồ Học Lãm, một nhân vât thời kì Đông du trước đây, có một thời gian phục vụ trong quân đội Tưởng nhưng chỉ là để chờ thời. Còn tấm lòng cụ thì luôn luôn hướng về Tổ quốc. Lúc này cụ đã nghỉ hưu ở Quý Châu, thủ phủ Quý Dương. Trong thư cụ cho biết hiện nay Trương Phát Khuê và Tiêu Văn đang có âm mưu dựng Trương Bội Công, từng làm quan cho Tưởng đến cấp tướng, đã nghỉ hưu, thành một ngọn cờ nhằm tập hợp số thanh niên Việt Nam ở Trung Quốc chuẩn bị cho “Hoa quân nhập Việt”.

Theo cụ Lãm cho biết thì từ trước tới nay Trương Bội Công chưa bao giờ hoạt động cách mạng, do đó cũng chưa tham gia một tổ chức cách mạng nào. Ông ta dựa vào thế lực của bọn Tưởng chỉ nhằm mưu đồ cá nhân. Vì không có uy tín nên Trương Bội Công muốn mời cụ Lãm tham gia, nhằm lợi dụng uy tín của cụ Lãm để lôi kéo lớp thanh niên của ta. Cụ Lãm nêu ý kiến với các đồng chí Vũ Anh và Phùng Chí Kiên nên nhanh chóng thu xếp gặp Trương Bội Công để nếu có thể thì “giả vờ” gia nhập tổ chức này để kiếm đường về nước cho thuận tiện. Cụ cũng báo cho các anh biết là cụ sẽ nhận lời, tham gia với Trương Bội Công nhằm phá ý đồ đen tối của bọn này, không để chúng tự ý làm bậy mang tiếng xấu cho cách mạng Việt Nam.

Bộ phận hải ngoại lại nhóm họp tại nơi ở của đồng chí Phùng Chí Kiên để thống nhất ý kiến. Sau khi bàn bạc mọi người nhất trí là nên lợi dụng tổ chức của Trương Bội Công để tìm đường về nước.

Rất may là mọi việc vừa làm xong thì Bác từ Trùng Khánh về. Bác nhất trí và quyết định chuyển hướng sang Quảng Tây để mở đường về nước, càng sớm càng tốt.

Mấy ngày sau, tại một khu rừng thông thuộc ngoại thành Liễu Châu, bộ phận hải ngoại của Đảng nhóm họp, thành phần gồm các đồng chí Vũ Anh, Phùng Chí Kiên, Cao Hồng Lĩnh, có thêm đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp.

Đây là cuộc họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc đối sách thật khôn khéo với Lí Tế Thâm, Trương Phát Khuê và một số nhân vật người Việt Nam khác chính kiến, với tư tưởng chỉ đạo là thêm bạn bớt thù, tập hợp mọi lực lượng tập trung cho nhiệm vụ cấp bách trước mắt là giải phóng dân tộc. Vấn đề quan trọng thứ hai là bắt đầu chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ Tám sẽ triệu tập vào đầu năm sau khi tất cả đã về đứng chân trong nước.

Do đó, việc nhanh chóng di chuyển xuống phía Nam để chuẩn bị về nước cũng được bàn bạc kĩ lưỡng trong hội nghị. Nhờ tài ngoại giao khéo léo của Bác, đường từ Quế Lâm đến Tĩnh Tây khá thuận lợi, được Li Tế Thâm cấp tiền lộ phí, cấp giấy giới thiệu đi đường với danh nghĩa “Hoa Nam công tác đoàn”, đóng dấu son Trung Chính đỏ chói (Trung Chính là tên hiệu của Tưởng Giới Thạch, khắc vào con dấu hành chính quốc gia, đóng vào các giấy tờ quan trọng”.

Bác đến Tĩnh Tây thì có đoàn của đồng chí Hoàng Văn Thụ từ trong nước sang gặp. Đồng chí Hoàng Văn Thụ từng hoạt động nhiều năm ở Cao Bằng. trình độ giác ngộ của nhân dân vùng biên giới tương đối cao, cán bộ lãnh đạo có nhiều đồng chí từng trải, trước có đồng chí Hoàng Đình Giong, nay có đồng chí Bác Vọng (tức đồng chí Lã). Cao Bằng lại đã có khu du kích Sóc Giang ở vùng Lục Khu ngay dọc biên giới Việt - Trung. Do đó việc Bác về Cao Bằng đã được quyết định dứt khoát.

Tất cả những điều này về sau tôi được nghe đồng chí Vũ Anh kể lại, chứ thực ra khi Bác và các anh rời Côn Minh, tôi được giao nhiệm vụ ở lại cùng với một số đồng chí khác do đồng chí Phạm Việt Tử phụ trách. Nhiệm vụ của bộ phận ở lại là tiếp tục gây dựng cơ sở, chuẩn bị mọi mặt để phát triển phong trào cách mạng trong nước, việc cấn kíp trước mắt là quyên tiền mua vũ khí gửi về.

Đêm trước ngày lên đường đi Quảng Tây, Bác gặp riêng tôi căn dặn nhiều điều. Bác cứ nhắc đi nhắc lại là phải cố gắng học tập mọi mặt để nâng cao trình độ hiểu biết.

- Nghĩa bây giờ là một đảng viên cộng sản rồi. Nghĩa phải chín chắn hơn, phải luôn luôn điềm tĩnh, không được manh động. Đã là người đảng viên thì phải lấy việc hoạt động cách mạng, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân làm lẽ sống của đời mình.

Tôi hứa với đồng chí Vũ Anh sẽ cố gắng thực hiện đúng những lời anh dặn, hứa xứng đáng với sự giúp đỡ thương yêu của anh trong mấy năm qua. Từ lâu, trông thâm tâm tôi coi anh như bố nuôi của mình. Quả thực nếu không có sự cưu mang của anh trong nững ngày tôi bơ vơ kiếm việc làm rồi sau đó từng bước giác ngộ dẫn dắt tôi đi theo con đường cách mạng thì không biết cuộc đời tôi sẽ ra sao…

Rất may cho tôi, phải xa đồng chí Vũ Anh, tôi lại có đồng chí Phạm Việt Tử, một đồng chí vừa có trình độ học vấn cao lại vừa là người có cách sống chan hòa, cởi mở, giàu lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Nguyên trước đây đồng chí là người cách mạng trong nước, bị lộ, phải chạy sang Trung Quốc. Đầu tiên, đồng chí sang Liễu Châu rồi phiêu bạt sang Vân Nam. Thời kì đầu đến Côn Minh, cuộc sống rất khó khăn, đồng chí Phạm Việt Tử phải lần hồi làm thuê để kiếm sống và tiếp tục hoạt động.

Theo chỉ thị của Bác, chúng tôi tiếp tục vận động Việt Kiều tham gia tổ chức “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng Nhật hậu viện hội”. Sau đó chúng tôi đổi tên là “Việt Nam giải phóng hội” do đồng chí Phạm Việt Tử làm hội trưởng.

Tôi thường được các anh giao nhiệm vụ giữ trật tự, canh gác cho các anh diễn thuyết hoặc hội họp. Ở đây ngoài số Việt kiều yêu nước ủng hộ cách mạng, còn có một số lừng chừng, không kể một số ra mặt phản bội như bọn Vũ Hồng Khanh, chuyên dựa vào quân Tưởng để tìm cách làm khó dễ cho các hoạt động của ta. Do nhiệm vụ phải quên tiền để mua vũ khí tôi phải đi nhiều nơi, nhưng nếu không tìm được giấy thông hành do chính quyền Vân Nam cấp thì không thể ra khỏi Côn Minh được, bởi bọn Vũ Hồng Khanh không lạ gì tôi. Chỉ cần chúng rỉ tai bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch là tôi bị bắt ngay. Chính vị vậy mà trước khi đi, Bác đã dặn chúng tôi hết sức khôn khéo và đặc biệt là phải giữ bí mật. Sở dĩ lúc này quân Tưởng chưa đụng đến tôi vì trên danh nghĩa tôi vẫn là hội viên của “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng Nhật hậu viện hội”, một tổ chức mà chính bọn Tưởng đã cấp giấy phép hoạt động.

Lúc này một ý nghĩa bỗng thoáng qua đầu tôi. Muốn đi lại được tự do, đặc biệt là muốn về nước được dễ dàng, tôi phải tìm cách có được giấy tờ hợp pháp, do đó phải tìm cách tạm làm việc cho nó. Mà trong các cách tạm làm thì chấp nhận làm tình báo cho chúng là tốt nhất. Gặp dịp chúng đang tìm cách tuyển một số Việt kiều vào làm việc cho cơ quan tình báo để chuẩn bị cho việc “Hoa quân nhập Việt” sắp tới, tôi báo cáo với tổ chức ý định của mình và được chấp nhận. Các anh chấp nhận cho tôi đi học lớp quân chính tình báo. Sau lớp học, tôi được chính quyền Tưởng tin cậy, phong cấp thiếu hiệu, ngang với thiếu tá và có đầy đủ giấy tờ đi lại đặc biệt kèm theo.

Việc quyên tiền mua súng tiến hành có kết quả. Cụ Lê Lương và tôi lân la đến binh công xưởng ở Côn Minh hỏi mua súng, bày cách cho bọn chúng lấy trộm súng đi bán, tất nhiên là phải hứa với bọn chúng sẽ hết sức bí mật, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã mua được mười khẩu. Số lượng tuy ít nhưng đối với phong trào cách mạng nhà lúc này là rất quý. Do đó, các anh cử tôi mau chóng chuyển về Nước. Cùng đi với tôi lần này có đồng chí Trương, một thanh niên xông xáo, khỏe mạnh, người cùng quê với Bác. Mặc dầu chúng tôi đi sau nhưng khi về đến gần biên giới, đang đổ dốc thì gặp đoàn của Bác cũng vừa về tới nơi. Bác khen tôi hoạt động tốt, có hiệu quả.

Lúc này đang là những ngày Tết Tân Tị (1941). Hoa nở trắng biên giới. Trong lòng tôi bỗng trào lên nỗi nhớ nhà vô hạn. Tính đến nay tôi đã xa quê hương, xa Tổ quốc gần mười năm. Gần mười năm không một dòng tin, không hiểu bố mẹ tôi, các em tôi bây giờ ra sao? Số tiền 20 đồng chủ thuê tôi, gán trước cho gia đình tôi, không biết có đủ trang trải nợ nần và làm vốn để nuôi sống cả nhà trong cái thời buổi khó khăn này không? Tôi là con cả trong gia đình, nhưng chưa có cách gì đỡ đần cho cha mẹ được. Nhà có mấy sào vườn, mấy sào ruộng thì đã bán hết trả nợ lúc tôi còn ở nhà. Bố tôi phải lên tận rừng xanh, núi đỏ, cùng với mấy người bạn chặt gỗ, chặt nứa làm bè xuôi về để bán lấy tiền mua gạo. Nhưng một chuyến đi cũng lắm gian truân. Đó là nói chuyện trước đây. Còn bây giờ tuổi già, sức yếu, bố tôi liệu còn đi bè, đi thuyền gì được nữa không?

Đứng ở bên này biên giới, đăm đăm nhìn về Tổ quốc, nghĩ đến cha mẹ và các em, nước mắt tôi tự nhiên ứa ra lúc nào không biết. Tôi muốn giấu đi nhưng đồng chí Vũ Anh đã kịp nhìn thấy. Đồng chí thấu hiểu tình cảm của tôi. Nhân đó tôi đề đạt nguyện vọng cho tôi được về trong nước hoạt động.

Nhưng nguyện vọng của tôi đã không được chấp nhận. Đồng chí Vũ Anh động viên tôi: “Đã làm cách mạng thì phải luôn luôn biết đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Hiện nay cách mạng đang cần nhiều súng, đồng chí phải cố gắng trở lại Côn Minh, tiếp tục vận động đồng bào quyên góp thêm vũ khí và chuyển về càng sớm càng tốt”.

Trở lại Côn Minh, theo chỉ dẫn của Bác, chúng tôi duy trì mọi hoạt động hợp pháp trong thành công “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng Nhật hậu viện hội”, tuyên truyền giác ngộ quần chúng và quyên góp tiền mua thêm vũ khí. Lần này, chúng tôi đến xưởng làm vũ khí của tổ chức Quốc dân đảng ở Côn Minh và mua được thêm sáu khẩu nữa cùng với vài khẩu súng lục và hơn chục lựu đạn.

Đầu năm 1942, tôi phụ trách đưa số vũ khí này về nước, sau đó được Bác và đồng chí Vũ Anh cho ở lại Pác Bó làm nhiệm vụ bảo vệ Bác.

Thượng tướng Phùng Thế Tài kể, Thể Kỉ ghi
Trích trong sách Bác Hồ - Những kỉ niệm không quên
Nxb. Quân đội Nhân dân, năm 1996

 Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: