Những ngày tháng 5, lần tìm lại những di vật thời chiến, ông Trịnh Đình Thi, 86 tuổi, thôn Thạch Tổ, xã Thanh Hà (Thanh Liêm - Hà Nam) vẫn còn bồi hồi, xúc động khi nhớ lại chuyện được thủ trưởng đơn vị giao trọng trách đi đón Bác Hồ về thăm đơn vị.

Trong căn nhà cấp 4 khang trang, treo những tấm huy chương trang trọng trên tường, ông Thi niềm nở tiếp khách với giọng hào sảng của một người lính Cụ Hồ năm xưa.

Ông Thi kể, năm 1945 khi đó dù đang còn học trình độ sơ yếu lược nhưng sớm giác ngộ cách mạng nên đã tích cực tham gia hoạt động ở địa phương. Những năm sau đó ông tham gia vào Đội tự vệ dân quân rồi chuyển sang đội du kích tập trung của xã. Tháng 7 năm 1950, ông được kết nạp vào Đảng khi tuổi còn khá trẻ.

ky-niem-nguoiu-linh-gia
Ông Trình Đình Thi và những hồi ức về Bác Hồ

“Thời điểm đó, quân địch còn tạm chiếm ở đây nhiều lắm nên người dân địa phương phải đi sơ tán về đình Bồng Lạng thuộc xã bên. Ban ngày tôi ở trong đấy, đêm đến lại về hoạt động. Lúc đó, cấp trên phân công tôi vào tổ trinh sát địa phương gồm có 5 người với nhiệm vụ là xem quân số của các bốt địch đóng quân có đông hay không và nắm bắt hoạt động bọn phản động chỉ điểm ở địa phương".

Ông Thi cho biết thêm, sau này tổ trinh sát của ông còn phối hợp với đơn vị chủ lực của tỉnh Hà Nam Ninh cũ là Tiểu đoàn 632, nhằm bám sát địa phương trong vùng địch hậu. Tháng 9 năm 1950, ông được chuyển thẳng vào bộ đội chuyên nghiệp.

Vào bộ đội chiến đấu một thời gian, đầu năm 1951, ông Thi được cử sang Vân Nam – Trung Quốc học trinh sát pháo binh mặt đất. Sau hai năm học bên nước bạn, đầu năm 1953, ông trở về nước tiếp tục hoạt động cách mạng bí mật ở Tuyên Quang.

Lúc này đơn vị ông, Trung đoàn 45 pháo binh đang đóng quân bí mật ở trong rừng, để chuẩn bị tham gia Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954.

Thời gian này, thực dân Pháp đang đóng quân ở Nà Sản (Sơn La) để củng cố hầm hào, lực lượng cho trận quyết chiến với ta ở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đúng thời điểm này, ông Thi được thủ trưởng của Binh chủng và Binh đoàn Pháo binh cử đi đón Bác Hồ về thăm, động viên chiến sĩ trước ngày ra trận.

Ông Thi vẫn còn nhớ như in lần đầu được đón Bác Hồ về đơn vị. Dù đó chỉ là lần duy nhất ông được tiếp xúc với Bác song những hình ảnh, cử chỉ ân cần của Người vẫn còn để lại niềm xúc động về sự gần gũi, giản dị của Bác Hồ.

Ông Thi kể lại, quãng đường từ đơn vị ra địa điểm đón Bác Hồ khoảng trên 3 cây số đường rừng. Trước khi đi, đơn vị giao cho ông một chiếc đèn bão, đi cùng theo là 2 chiến sĩ cảnh vệ, một cậu dắt theo con ngựa để đón Bác. Dù đường đi khá vất vả song nhóm ông cũng đã đón được Bác cùng với 3 đồng chí khác về đơn vị.

Ông ôn tồn kể tiếp: “Lúc đi về thì nghĩ, mình chỉ là một anh chiến sĩ, lại được giao cho trọng trách vinh dự đi đón vị lãnh tụ của dân tộc nên cũng rất ngần ngại, sợ sệt. Nhưng dọc quãng đường đi về, thấu hiểu được tâm lý của chiến sĩ nên Bác chủ động hỏi chuyện trước.

Lúc đó, tôi báo cáo với Bác là đơn vị cử mình đi đón và mời Bác lên ngựa. Bác nhìn thấy cậu cảnh vệ dắt theo con ngựa liền bảo:

- Đây có phải là con ngựa đâu?”. Tần ngần một lúc, biết tôi không hiểu. Rồi Bác hỏi tiếp:

- Quê chú ở đâu?

- Dạ, thưa Bác...cháu ở Hà Nam ạ- Tôi đáp lại với giọng nhỏ nhẹ.

- À, Hà Nam quê nhà chú đấy à. 6 tháng đi chân, 6 tháng đi tay!

Quả thực, lúc đó tôi cũng không hiểu ý Bác nói gì, mãi đến sau này mới hiểu là vùng quê mình thuộc vùng chiêm trũng phải đi thuyền nan, chèo bơi vào mùa nước lũ.

Giọng Bác ôn tồn, nhỏ nhẹ, gần gũi lắm. Bác còn hỏi tôi học bên nước bạn thì có nhớ nhà không? Giờ về nước rồi chắc đang mong mỏi tham gia chiến dịch lắm nhỉ. Tôi đáp lại rằng: "Dạ, chúng cháu mong từng ngày lắm ạ!"

Sau khi về gần tới hội trường của đơn vị, tôi liền chạy trước báo cáo với thủ trưởng Trung đoàn. Thủ trưởng quay lại thì không thấy Bác đâu, lúc đó tôi hoảng sợ quá, không biết làm thế nào. Khoảng 15-20 phút sau thì tất cả đồng thanh vỗ tay hoan hô đón Bác từ phía dưới hội trường đi lên.

Sau này hỏi ra tôi mới biết, Bác bảo hai cậu chiến sĩ cảnh vệ kia dẫn đi thăm khu bếp và đi từ phía sau vào hội trường.

Sau khi đơn vị hành quân lên Nà Sản (Sơn La) để tiêu diệt địch, một bộ phận của đơn vị ông Thi về Mường Thanh, một bộ phận chạy sang Sầm Nưa - Thượng Lào. Đơn vị ông quay về thì nhận được lệnh tổ Đảng phổ biến chuẩn bị tham gia chiến dịch Trần Đình. Lúc bấy giờ, trong suy nghĩ của những chiến sĩ trẻ cũng không biết đó lại là một bí danh của Điện Biên Phủ, mãi đến khi đơn vị hành quân đến ngã ba Tuần Giáo họ mới biết vì địch rải truyền đơn khắp nơi trên đường.

Sau này theo chủ trương của Bộ Chính trị về việc thay đổi phương thức chiến lược từ đánh nhanh, thắng nhanh sang phương châm đánh chắc, tiến chắc. Đơn vị pháo binh của ông Thi có 2 tiểu đoàn với 24 khẩu súng đã tham gia mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vào 17h ngày 13 tháng 3 năm 1954.

Ba ngày sau chiến dịch, ông Thi được Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng Huân chương chiến công hạng 3 ngay tại mặt trận này. Sau này, ông Thi cũng được thủ trưởng tin cậy, giao phó đi đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đơn vị.

Ngân ngấn nước mắt, ông Thi kể: “Năm 1966, đơn vị tôi đang đóng quân ở Phú Thọ được lệnh chuẩn bị hành quân thì nhận được tin em trai gọi điện từ ga Hàng Cỏ là bố mất, về ngay. Thấy vậy, thủ trưởng đơn vị cho phép tôi về gia đình một hai hôm chịu tang, nhìn mặt bố lần cuối. Mấy ngày ròng đi bộ về đến ga Hàng Cỏ, tôi đi tàu về ngay trong đêm. Về nhà được có hơn một ngày tôi cũng phải đi ngay lên đơn vị, lúc đó chị ruột đã mắng tôi là bất hiếu với cha mẹ. Nhưng tôi nghĩ, mình được ưu tiên thế là tốt rồi, mọi người không hiểu thì cũng chịu vì chiến tranh ác liệt, nhiệm vụ của người lính là thế”.

Ông bảo, đất nước mình thời đó chiến tranh ác liệt, máu đồng bào đã thấm đẫm khắp dải đất hình chữ S này, nhiều người đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ.

Với ông, còn sống sót trở về là một may mắn. Và suốt thời gian chiến đấu gian khổ ấy cho đến bây giờ, kỷ niệm được đi đón Bác vẫn in đậm trong tâm trí, mãi mãi ông không thể quên./.

Lê Chung Anh

Theo Báo Công lý

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: