Một trong những cống hiến đặc sắc của Hồ Chí Minh cả mặt lý luận và thực tiễn về vấn đề Đảng là Người đã kết hợp một cách đúng đắn và nhuần nhuyễn tính giai cấp, tính tiền phong, tính trí tuệ, tính đạo đức và tính quần chúng trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam và rèn luyện đảng viên. Trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta, một nước thuộc địa, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là "sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước". Như vậy ngay từ đầu, Đảng đã bắt rễ sâu trong "miếng đất màu mỡ" của dân tộc  mang trong mình sự gắn bó chặt chẽ vấn đề giai cấp và dân tộc và Hồ Chí Minh đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác-Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, kết hợp giác ngộ dân tộc với giác ngộ giai cấp trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin.

Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2 - 1951), Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam"(1). Năm 1953, Hồ Chí Minh viết: “ Đảng lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc…Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân”(2). Năm 1957, Hồ Chí Minh khẳng định lại: “ Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc”(3). Trong giai đoạn cách mạng xã hội  chủ nghĩa, năm 1961, Người nhắc lại: "Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư thiên vị"(4).

Nói tới một đảng cộng sản chân chính trước hết phải nhận thức đó là đảng của giai cấp công nhân, tức là nói tới tính giai cấp, đảng mang bản chất giai cấp công nhân. Đảng ta từ lúc ra đời và suốt quá trình xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân. Những biểu hiện cụ thể là xác định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đi tới chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn thấp là chủ nghĩa xã hội. Nền tảng tư tưởng  của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin. Nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt là tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, kỷ luật nghiêm minh tự giác, đoàn kết thống nhất.

Cùng với tính giai cấp, Đảng phải giữ vững tính tiền phong, nghĩa là Đảng luôn luôn ở vị trí đi đầu, dẫn đầu, hăng hái, tích cực nhất.. Đảng đứng mũi chịu sào, đi tiên phong, có mặt trong quần chúng nhưng không bao giờ đứng trên hoặc theo đuôi quần chúng.

Những vấn đề đó từ Mác đến Lênin, đặc biệt là Lênin đã khẳng định và nhiều lần nhấn mạnh, sau đó Hồ Chí Minh đã cụ thể hoá vấn đề "trở thành dân tộc" trong lý luận Mác-Lênin phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam nơi mà chủ yếu là nông dân và các thành phần yêu nước khác, còn giai cấp công nhân chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Dưới ánh sáng lý luận Mác- Lênin và từ thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh  khẳng định bản chất giai cấp công nhân mà không triệt tiêu vấn đề dân tộc trong Đảng; nói "Đảng của dân tộc Việt Nam" mà không làm mất và giảm lập trường giai cấp; ngược lại là một minh chứng hùng hồn cho "Đảng của giai cấp công nhân". Bản chất giai cấp của Đảng càng sâu sắc thì tính dân tộc càng đậm nét; tính dân tộc càng đậm nét thì càng làm cho tính giai cấp sâu sắc hơn. Hai tính chất này bổ sung cho nhau để khẳng định một đảng cách mạng chân chính theo đúng nguyên lý Đảng kiểu mới của Lênin, nhưng ra đời và trưởng thành ở một nước thuộc địa.

Căn cứ vào luận điểm kinh điển và tuân thủ những quan điểm của Lênin về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản thì chỉ cần khẳng định Đảng ta là "Đảng của giai cấp công nhân" là đủ. Nhưng một sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh là Người đã bổ sung một vế "đồng thời cũng là Đảng của dân tộc Việt Nam". Vì thế, cần thấm nhuần bản lĩnh và trí tuệ của Người trên mấy mặt:

Một là, về mặt bản chất giai cấp của Đảng thì chỉ có một, đó là Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, nhưng cơ sở xã hội của Đảng là toàn dân tộc. Mọi công dân Việt Nam - chớ không phải chỉ có giai cấp công nhân - qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.

Hai là, Đảng có trách nhiệm to lớn không chỉ đối với giai cấp công nhân, mà còn đối với nhân dân lao động và cả dân tộc. Trách nhiệm này vừa có tính chiến lược lâu dài, là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, công bằng, văn minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới, vừa mang tính lợi ích cụ thể. Hồ Chí Minh khẳng định: "Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hoá lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hoá tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân"(5). Trách nhiệm này đồng thời cũng là vinh dự của Đảng. Bởi vì nếu Đảng làm được điều đó thì Đảng vừa "bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta"(6). Đảng ta không thiên tư thiên vị, lo việc cho cả nước. Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Đó là một trong những lý do làm cho Đảng ta vĩ đại.

Ba là, Đảng của dân tộc Việt Nam nghĩa là Đảng có một cội nguồn vững chắc tạo nên sức mạnh to lớn cho Đảng là dân tộc; đó là những "đồng bào" tuy chưa phải là đảng viên nhưng vẫn luôn tự hào nói tới "Đảng ta". Vì vậy, nói tới Đảng của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền, thì một yêu cầu cơ bản, xuyên suốt đối với Đảng là Đảng phải gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng.

Tóm lại, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam là một luận điểm mới của Hồ Chí Minh, bổ sung vào học thuyết về Đảng Cộng sản của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Hạt nhân sáng tạo thể hiện trí tuệ và bản lĩnh của Hồ Chí Minh ở luận điểm này là những yếu tố yêu nước và dân tộc, trên lập trường giai cấp công nhân, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trước đây, trong thập kỷ ba mươi, có lúc Hồ Chí Minh bị hiểu lầm, bị đánh giá là nặng về dân tộc, nhẹ về giai cấp, là người "dân tộc chủ nghĩa". Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy việc gắn bó hữu cơ giữa giai cấp và dân tộc là hoàn toàn đúng đắn. Bước vào thập kỷ sáu mươi, khi phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang tồn tại cả khuynh hướng giáo điều và xét lại, nhưng Hồ Chí Minh vẫn đầy đủ bản lĩnh, không sợ bị quy kết vào khuynh hướng xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin. Người cũng không rơi vào bệnh dập khuôn, giáo điều mà vươn tới tầm nhìn biện chứng, sáng tạo giữa tính giai cấp và tính quần chúng, giữa giai cấp và dân tộc. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong cách mạng giải phóng dân tộc, mà cả trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn hiên nay, Đảng ta xác định xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Đảng ta nhấn mạnh việc học tập và vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Gốc rễ của vấn đề là Đảng gắn bó với dân, lấy dân làm gốc. Đảng đồng hành cùng dân tộc. Đảng lãnh đạo nhưng dân làm chủ. Bác Hồ dạy “có dân là có tất cả”. Nếu “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại” (7). Đảng ta trong công cuộc đổi mới đã rút ra bài học quan trọng: “ Từ trước đến nay, bất cứ việc gì đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, của toàn Đảng, được nhân dân và toàn Đảng đồng lòng góp sức thì nhất định thắng lợi (8). Gần đây, trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4-2006), một trong những vấn đề đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nêu lên là Đảng ta xác định bản chất giai cấp của Đảng: “ Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”(9). Đây chính là Đảng ta đã thật sự trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất giai cấp của Đảng. Quán triệt sâu sắc và làm đúng điều này là một động lực của tiến trình cách mạng.

PGS. TS. Bùi Đình Phong

Chú thích:

1, Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb CTQG 1995, t6, tr 175

2, Sdd, t.7, tr.230-231

3, Sdd, t. 8, tr.295

4,  Sdd, t.10, tr.467.

5- 6, Sdd, t10, tr 4

7, Sdd, t.5, tr.286

8, ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb.CTQG, H,tr. 61

9, Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thứ X, Nxb. CTQG, H, 2006, tr. 130

Theo Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: