Là cán bộ của Văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1949 đến năm 1954, chị Dương Thủy Liên đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ảnh tư liệu.
Tôi công tác ở Văn phòng Bác từ năm 1949 đến năm 1954. Trước đó, tôi làm việc ở Văn phòng Bộ Tổng Chỉ huy Bộ Quốc phòng. Thời kháng chiến, văn phòng giúp việc Bác rất ít người, gồm có tôi, anh Vũ Ðình Huỳnh và một vài đồng chí khác. Các đồng chí canh gác, bảo vệ sức khỏe cho Bác được ở gần, các bộ phận hành chính như chúng tôi thì ở xa Bác, nhưng gần làng. Tôi phụ trách việc đọc và tập hợp thư ở các nơi, các đơn vị bộ đội, các cháu thanh, thiếu niên gửi Bác nhân dịp 19-5, dịp năm mới, sau đó báo cáo lên Bác.
Tháng 10 năm 1954, Bác từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Văn phòng Bác được bổ sung thêm người, vì công việc đối nội, đối ngoại của Bác mở rộng nhiều nên có thêm một bộ phận có nhiệm vụ thu nhận tặng phẩm các nơi, các đoàn thể, cá nhân gửi biếu Bác, đồng thời chuẩn bị, đặt tặng phẩm để Bác tặng cá nhân, đoàn thể và khách nước ngoài.
Giản dị và tiết kiệm trong sinh hoạt
Làm việc ở Văn phòng Bác là chính, nhưng đôi khi tôi còn đảm nhận việc thêu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Công việc này giúp tôi có điều kiện được gần Bác và học tập được rất nhiều, trước hết là đức tính giản dị, tiết kiệm. Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Tôi nhớ mãi chiếc áo gối mầu xanh hòa bình của Bác, anh Cần (người phục vụ Bác) đưa tôi vá đi vá lại, miếng vá nọ chồng lên miếng vá kia. Cầm chiếc áo gối của Bác, tôi rưng rưng nước mắt. Tôi nói với anh Cần:
- Thôi anh đừng bắt tôi vá áo gối cho Bác nữa. Anh thay chiếc áo gối khác cho Bác dùng. Anh Cần nói:
- Tôi đã đề nghị với Bác thay áo gối mới, nhưng Bác không đồng ý. Chị chịu khó vá giúp tôi.
Tay cầm kim mà tôi không đưa nổi mũi kim. Tôi xúc động và thương Bác quá chừng! Bác giản dị và tiết kiệm quá, chắt chiu như người cha lo cho một gia đình lớn, như cảnh nhà đông con mà còn túng thiếu.
Những năm tháng giúp việc ở Văn phòng Bác, tôi nhớ mãi những kỷ niệm không bao giờ quên.
Ở Việt Bắc, một buổi Bác đi công tác về muộn, lúc qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Anh Kháng thấy thế nói với tôi:
- Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo.
Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền nhổm dậy bảo tôi:
- Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.
Tôi lặng người đi thương Bác vô cùng. Ðã mệt không ăn được cơm mà lại nấu cháo bằng cơm nguội. Cháo nấu bằng cơm nguội rời rạc, ăn không ngon nhưng không biết làm thế nào, tôi đành phải chấp hành. Nếu không làm theo lời Bác dặn sẽ bị phê bình.
Món ăn giản dị
Là Chủ tịch nước, nhưng Bác rất thích các món ăn dân dã. Bác thích món vó bò, cà dầm tương, mắm, canh cua với rau chuối thái ghém, cá bống kho lá gừng... Ðồng chí Lê Viết Lượng gửi biếu Bác một lọ cà dầm mắm. Bác rất thích. Ðến bữa cơm Bác nói:
- Các cô, các chú ăn thịt, cá, để phần Bác món cà dầm mắm.
Ở rừng có thời kỳ thiếu rau. Bác nói với tôi:
- Thiếu rau ta có nhiều mít, cô làm món nhút để ăn cho đỡ xót ruột, ở quê Bác hay ăn món nhút này lắm.
Tôi thú thực với Bác là không biết cách làm. Bác lại bày cách cho tôi làm món nhút (chế biến từ quả mít xanh).
Những bữa ăn tươi, Bác bảo ông Trung, người nấu ăn cho Bác ra văn phòng gọi tôi và chị Cúc vào chuẩn bị nấu ăn. Bác nói:
- Chú Trung để hai cô trổ tài làm bếp cho Bác cháu mình thưởng thức.
Ông Trung làm thịt gà sẵn. Tôi chặt rút xương ra, băm thịt, trộn gia vị, nhồi vào đùi gà đem hấp. Bác ăn và khen ngon. Chị Cúc làm món bít-tết cũng được Bác khen ngon, vì chị làm rất công phu.
Bác cháu cùng ăn rất vui. Bác đưa ra nhận xét:
- Gia vị đối với các món ăn Việt Nam rất quan trọng. Thiếu gia vị món ăn giảm giá trị rất nhiều.
Khi nghe Bác nói điều này tôi lại chợt nhớ có lần được nghe các đồng chí bảo vệ Bác kể lại, Bác đã từng làm phụ bếp trên tàu vượt đại dương khi còn trẻ, từng là phụ bếp cho ông vua bếp nổi tiếng Ét-cốp-phi-e. Bác rất thành thạo trong việc chế biến các món ăn và trình bày các món ăn cho đẹp, hấp dẫn. Hồi ở Việt Bắc, có lần đi công tác, Bác cháu dừng lại bên bờ suối nấu ăn. Bác bảo các chú nấu cơm để Bác rán trứng cho. Bác làm rất thạo. Trứng rán xong mà cơm chưa chín, trong lúc chờ đợi, Bác cắt khoanh trứng bày lên đĩa thành hình rất đẹp, nhìn đĩa thức ăn sinh động hẳn lên. Anh em cười thán phục. Bác bảo:
- Khi có điều kiện làm cho ngon hơn, đẹp hơn thì ta cứ làm.
Bác rất quan tâm phụ nữ và các cháu thiếu nhi
Cuối năm 1950 Bác đi dự lễ tổng kết Chiến dịch Biên giới. Tôi và chị Lịch ở nhà trực cơ quan. Khi về, Bác không quên gửi cho chị Lịch và tôi mấy chiếc kẹo sô-cô-la, nói là quà chiến lợi phẩm sau Chiến dịch Biên giới. Nhận được quà chúng tôi vô cùng xúc động. Bác bận nhiều công việc, mà luôn chu đáo, một chút quà nhỏ của Bác khiến chúng tôi nghĩ rằng Bác chú ý những việc lớn, song không quên những việc nhỏ. Trong cuộc sống, Người lúc nào cũng tình cảm, chu đáo và tế nhị.
Ở gần chỗ Bác có các cháu là con của các đồng chí lãnh đạo khác, như các con anh Trần Duy Hưng, anh Trường Chinh... Lâu lâu, vào Chủ nhật Bác lại cho đón các cháu vào chỗ Bác. Các cháu đến, Bác bảo tôi vào tổ chức cho các cháu vui chơi. Chiều Chủ nhật các cháu lại về với bố mẹ. Nhà tôi kể lại rằng:
“Một hôm bà Trường Chinh đến thăm Bác có dắt theo cháu bé. Cháu ở lại chơi với Bác rất vui. Bác bảo cháu: Ở đây với Bác nhé, cháu bé vui vẻ nhận ngay. Nhưng đến chiều thấy mẹ về, cháu bé chạy theo. Bác tiễn cháu nước mắt rưng rưng. Bác nói: Cái nghiệp mình thế, không có gia đình”. Thế nhưng Bác lại bảo bố trí cho các gia đình cán bộ ở gần cơ quan.
Theo Dương Thúy Liên/nhandan.com.vn
Cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, từ năm 1949 đến 1954
Huyền Trang (st)