Những lời dạy của Bác khiến tôi hăng say công tác

Là Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên trong những năm sau hòa bình đến tận những năm 1960 -1961, tôi có vinh dự được gặp Bác nhiều lần. Vì Hưng Yên lúc đó là tỉnh rất khó khăn, một tỉnh thuần nông ở giữa đồng bằng Bắc Bộ, song chớm mưa là úng, chớm nắng là hạn, hàng năm cấy trồng rất bấp bênh. Giữa lúc đó Bác về thăm, động viên cán bộ và nhân dân Hưng Yên làm thủy lợi.

Tôi nhớ nhất đợt Bác về vào tháng 7-1958. Đúng 20 giờ ngày 20-7-1958, Bác về tới cơ quan Tỉnh ủy, Bác nói với chúng tôi: Các chú làm vất vả, kết quả tốt, kỳ này Bác về ngủ ở đây với các chú.

nhung ngay thang ben bac
Bác Hồ làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên
về sản xuất vụ mùa và chống hạn(ngày 3-7-1958)

Tôi báo cáo với Bác và xin ý kiến Bác về chương trình làm việc ngày 3-7-1958. Vào sáng ngày 3-7-1958, tôi báo cáo với Bác khoảng 20 phút, nghe xong, Bác hỏi:

- Bao nhiêu chiến sỹ thi đua? Ai là người đào đất giỏi nhất?

- Tại sao nơi có nhiều đảng viên, nơi có ít đảng viên?

Tôi lần lượt trả lời những câu hỏi của Bác, Bác cho thông qua.

Bác hỏi thêm:

- Tại sao Phạm Thị Vách làm được nhiều?

Tôi báo cáo với Bác xuất xứ và kết quả làm được của Phạm Thị Vách. Bác cho ghi chép tỉ mỉ về thành tích của Phạm Thị Vách, Bác cho kiểm tra lại. Sau này, đồng chí Phạm Thị Vách được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Báo cáo với Bác xong chúng tôi mời Bác ra Hội trường nói chuyện, động viên cán bộ, nhân dân làm thủy lợi và sản xuất vụ mùa giỏi. Kết thúc hội nghị, chúng tôi mời Bác về cơ quan nghỉ tại ngôi nhà tre, lợp lá, Bác ngồi nghỉ và trao đổi một số công việc cho chúng tôi.

Vào bữa cơm, Bác cùng chúng tôi ngồi vào bàn ăn, đồng chí phục vụ của Bác mang tới một túi gồm có một nắm cơm, một khúc cá kho, một ít thịt cùng một chai nước được mang theo. Trên bàn ăn, anh Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chính tỉnh đã bày thức ăn và cơm do nhà bếp cơ quan chuẩn bị.

Bác mở gói cơm của Bác ra, Bác nói:

- Cơm của Bác, Bác ăn. Cơm của các chú, các chú ăn.

Chúng tôi thưa:

- Xin Bác cho chúng cháu cùng ăn cơm của Bác ạ!

Bác rất vui và đồng ý cho chúng tôi cùng ăn cơm của Bác, đồng chí Nguyễn Khai xới cơm, bát cơm nào cũng chỉ trên lưng bát. Bác nói:

- Chú Khai, chú xới cơm vơi như này, chú làm việc sao đầy đặn được?

Đồng chí Khai xới thêm cơm vào tất cả các bát. Bác và chúng tôi cùng ăn cơm, Bác nói chuyện rất dí dỏm.

Bữa cơm ăn sắp xong, trên mỗi đĩa đều còn lại ít thức ăn. Bác kéo một bát thức ăn chỉ còn một chút ít nước để cạnh Bác. Sau đó Bác hỏi:

- Các chú có ăn thức ăn thừa của ai không?

Mọi người nói:

- Thưa Bác, chúng cháu không ăn thừa ạ.

Bác nói:

- Các chú không ăn thừa, sao các chú lại để thừa, ai ăn thừa của các chú? Đây là phần Bác, Bác ăn.

Mọi người đều vui vẻ ăn hết thức ăn còn lại.

Từ ngày đó tới nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng lời dạy của Bác vẫn khắc sâu trong lòng tôi. Bác phê bình nhưng phương pháp của Bác tạo cho mọi người được phê bình vui vẻ nhận ra khuyết điểm của mình. Bác góp ý mỗi người đúng lúc. Những lời dạy của Bác tạo cho chúng tôi sự hăng say trong công tác, trong học tập. Tôi nguyện phấn đấu, thực hiện tốt những lời Bác dạy.

Trần Duy Dương kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005

Là thực hay mơ

Xuân Canh Tý năm 1960.

Bấy giờ tôi còn đang công tác ở Ủy ban Hành chính khu Hoàn Kiếm. Tôi được phụ trách Công giáo của năm khối: Nhà Chung, Ấu Triệu, Chân Cầm, Phủ Doãn và Ngô Quyền

Tối 30 Tết, khoảng 7 giờ 15 phút, tôi lững thững đi bộ đến chỗ họp mặt. Nhưng trụ sợ vắng ngắt, cuộc họp lưu lại đến 11 giờ đêm mới bắt đầu, để đón giao thừa và nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ luôn.

Tôi bèn quay về. Gần đến nhà, thấy thấp thoáng bóng công an sau các cột đèn và gốc cây ven đường. Gặp trưởng công an khối, tôi hỏi:

- Có việc gì thế đồng chí?

Anh không trả lời vào câu hỏi của tôi, chỉ cười và thay cho lời chào:

- Bác đi chơi về đấy à?

Tôi trả lời và vào nhà. Tự dung thấy bồn chồn, bèn lại trở ra đi loanh quanh. Qua số nhà 35 Phủ Doãn, người trong nhà trông thấy mời tôi uống nước. Tôi vừa ngồi xuống ghế, chén nước bưng lên chưa kịp uống thì một anh công an bước vào bảo tôi:

- Mời bác về nhà ngay, có khách!

Tôi vội vàng đứng lên, ra đến cửa nhìn về phía nhà mình thấy có ba xe ô tô không cùng kiểu nhau đỗ từ bao giờ, tôi bước nhanh khi nghe thấy tiếng con trai tôi reo:

- Bác Hồ! Bác đến nhà ta!

Vừa tới cửa tôi đã nghe thấy Bác hỏi:

- Gia đình ta chuẩn bị đón giao thừa chưa?

Không kịp đến gần, bởi lúc này Bác đã đến gần bếp rồi, nhưng tôi cũng nói to lên:

- Dạ, thưa Bác chưa ạ!

Bây giờ, ông cụ tôi mới từ trên gác xuống. Tôi thấy hai cụ ôm nhau rất thắm thiết. Tôi rất xúc động, đứng lặng đi một lúc không biết nói gì và cũng chẳng biết làm gì. Tôi đã từng nhìn thấy Bác và gặp Người đôi lần trong các cuộc họp của Mặt trận và Ủy ban Thành phố. Nhưng hạnh phúc được Người nói chuyện, được Người đến nhà, được nói chuyện với Người thì quả thật, tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới, ngay cả trong mơ. Niềm hạnh phúc này lớn quá, đột ngột quá, khiến tôi lúng túng. Người tôi đờ ra, chân tay như bị thừa, lưỡi tôi cứng lại, thậm chí tôi không chào được Bác nữa. Bác từ bếp trở ra. Tôi như chợt tỉnh cơn mê, vội vàng lấy chiếc ghế mây (cả nhà chỉ có mỗi một chiếc ghế, mà bây giờ tôi vẫn giữ làm kỷ niệm) để mời Bác ngồi. Bác không ngồi ngay. Người bê hai cái ghế đẩu kê sát nhau và mời:

- Ông cụ ngồi đây!

- Bà cụ ngồi đây!

Đợi khi cả hai cụ tôi ngồi rồi Bác mới chịu ngồi. Tôi định đi pha nước mời Bác thì đồng chí Trần Danh Tuyên, bấy giờ là Bí Thư Thành ủy, đi cùng Bác gạt đi:

- Thôi, thôi không phải nước non gì cả, ngồi quây quần lại đây cho ấm cúng để Bác nói chuyện.

Thế là cả gia đình tôi ngồi xung quanh Bác. Bác bế cậu con trai út của tôi cho ngồi vào lòng và hỏi:

- Ông cụ năm nay 79 phải không? Mỗi bữa cụ ăn được mấy bát cơm? Cụ có ngủ được nhiều không?

- Vâng cảm ơn Cụ hỏi thăm. Tôi ăn được mỗi bữa ba bát cơm và tuy tuổi cao nhưng cũng ngủ được nhiều. Bác lại hỏi:

- Cụ chuyên chữa về gì?

- Thưa cụ tôi chuyên trị các bệnh về phụ nữa và trẻ em ạ.

- Cụ làm thuốc thế có châm cứu không?

- Dạ thưa tôi cũng có châm cứu.

- Nghề châm cứu là nghề rất quý. Nghề này đã chữa được nhiều bệnh mà lại đỡ tốn thuốc. Như vậy thì rất tốt.

Quay sang tôi, Bác hỏi tiếp:

- Chú là con trưởng à?

Tôi vội vàng thưa Bác:

- Dạ thưa Bác, vâng ạ.

- Chú công tác ở Ủy ban Hành chính khu Hoàn Kiếm phụ trách một cụm hả? Một cụm thì có mấy khối?

- Vâng ạ, cháu phụ trách một cụm gồm có năm khối.

Tôi trả lời Bác như một cái máy. Bởi vì nỗi xúc động nghẹn ngào vẫn dâng trong lòng.

… Bác chủ động hỏi thăm tất cả, từng người một trong gia đình từ lớn đến nhỏ. Ai cũng nhận thấy Bác thật là gần gũi, thân thiết biết bao. Bác như người bà con thân thuộc không hề có sự cách biệt giữa Chủ tịch Nước và người dân thường, mà lại là người Công giáo. Tôi đang suy nghĩ miên man thì lại nghe người hỏi:

- Năm nay chú gói được bao nhiêu chiếc bánh chưng? Đã chuẩn bị Tết được những gì?

- Dạ, cháu thực hiện đúng lời Bác dạy: “Tiết kiệm là quốc sách”. Mậu dịch đã gói bánh chưng sẵn rồi, ăn chiếc nào ra mua chiếc ấy cho đỡ lãng phí.

Trước khi ra về, nhìn cả gia đình tôi ấm cúng, con cháu quây quần xung quanh cụ tôi, Bác chúc:

- Tôi xin chúc cụ sống 100 tuổi và chúc “Tứ đại đồng đường”.

Người nắm chặt hai bàn tay cụ đưa ra bắt tay. Cả nhà tôi đi theo tiễn Bác. Tôi nhìn rất lâu bóng dáng của Bác. Bước lên ô tô rồi, Người vẫn còn vẫy tay. Nhìn theo chiếc ô tô đã khuất ở đầu phố, tất cả chúng tôi hãy còn bàng hoàng như vừa tỉnh sau một cơn mê tuyệt đẹp…

Bùi Xuân Tuấn kể, Châu Minh ghi
Trích trong sách Nơi đây Bác viết
Tuyên ngôn độc lập, Hà Nội, 1985

Nhiệm vụ đặc biệt

Sau Hiệp định sơ bợ, cơ quan Bộ Tổng tham mưu được kiện toàn thêm một bước. Đồng chí Hoàng Văn Thái xin đồng chí Vũ Anh cho tôi về làm Trưởng Ban 2. Tôi thấy lần này trong cơ quan của Bộ Tổng Tham mưu có cả người Ba Lan, người Đức, người Nhật. Chắc đây là các sĩ quan tham mưu quân đội nước ngoài mà ta cần tận dụng kinh nghiệm buổi đầu. Nhưng tôi chỉ về cơ quan Bộ Tổng Tham mưu được hơn một tháng thì được lệnh đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Với quân hàm Thiếu tá, tôi đóng vai sĩ quan bảo vệ Phái đoàn đàm phán của Chính phủ ta tại Đà Lạt. Nguyễn Tường Tam, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm phó đoàn. Nhưng thực chất mọi công việc đều do đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm. Trưởng đoàn Pháp là Mác Ăng-đrê (Max André), cựu Thống đốc ngân hàng Pháp - Hoa.

Một buổi tối đầu tháng 4 năm 1946, tôi được Bác Hồ gọi lên giao nhiệm vụ. Bác kéo tôi vào phòng riêng, cho tôi hút thuốc, ăn kẹo, hỏi han tình hình sức khỏe gia đình. Bác khen tôi đã làm tốt việc mua vũ khí vừa rồi. Bác nói:

- Như vậy là chú có tiến bộ. Hiện nay, cách mạng đang gặp nhiều khó khăn. Ta đã kí Hiệp định sơ bộ nhưng bọn Pháp đang tìm mọi cách để phá hoại. Trước sau, chúng vẫn âm mưu cướp nước ta một lần nữa…

- Thế tại sao ta còn hòa hoãn với chúng làm gì ạ! Cháu thấy ta đánh nó luôn ngay từ đầu lại còn dễ, bây giờ để nó vào tận Hà Nội rồi thì khó đấy!

Không để Bác nói hết, được dịp tôi tuôn ra một tràng những thắc mắc đã chứa chất trong lòng tôi bấy lâu nay. Đồng chí Vũ Anh đã mấy lần giải thích nhưng tôi vẫn không thông…

Bác ôn tồn giải thích:

- Như vậy là chú mới biết một mà chưa biết mười. Chỉ mới biết đánh mà chưa biết hòa. “Vấn đề không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận định một cách khách quan những điều kiện trong nước, ngoài nước mà chủ trương cho đúng…”.

Bằng những lời lẽ giản dị, dễ hiểu, Bác phân tích cho tôi hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử của việc kí Hiệp định sơ bộ, Thường vụ Trung ương Đảng và bản thân Bác đã phải suy nghĩ phân tích để đi đến quyết định kí kết. Qua những lời lẽ của Bác tôi mới hiểu ra rằng Hiệp định sơ bộ chính là một thắng lợi của ta, ta đã lợi dụng được mâu thuẫn trong hàng ngũ địch, đuổi được nhanh quân Tưởng về nước, quét sạch bọn phản động tay sai. Nhân dân ta có điều kiện tập trung vào kẻ thù chủ yếu là thực dân Pháp. Điều quan trọng nữa là Hiệp định sơ bộ cho ta thêm thời gian quý báu để khôi phục và phát triển cơ sở kháng chiến ở miền Nam, xây dựng lực lượng mọi mặt ở miền Bắc, chuẩn bị kháng chiến lâu dài…

Nghe đến đâu tôi sáng mắt ra đến đấy. Tôi nhớ lại những ngày Bác còn ở Côn Minh đàm phán với Phái đoàn Mĩ. Lúc bấy giờ trong tay Bác đã có gì đâu. Một Cụ già mảnh khảnh, vừa phải đi bộ hàng nghìn cây số đến, vừa trải qua những trận sốt rét rung giường, thế mà làm cho tổng hành dinh của cả một đạo quân Mĩ phải thán phục kính nể.

Còn bây giờ, giữa lúc vận nước nghìn cân treo sợi tóc, bốn phía kẻ thù bao vây, kẻ nào cũng binh hùng tướng mạnh, hằm hè như muốn nuốt chửng nước Việt Nam ta vừa mới giành được độc lập chưa đầy một năm. Bây giờ nhìn lại bức ảnh chụp các phái đoàn sau lúc kí Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1945 tại 38 Lý Thái Tổ, chúng ta càng thương Bác biết bao nhiêu. Vẫn một Cụ già mảnh khảnh, lọt thỏm vào giữa các đại biểu các nước Mĩ, Anh, Pháp, Tàu… Nhưng chính trong giây phút lịch sử đó, chính phủ Pháp phải long trọng đặt bút kí văn bản hiệp định công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ riêng, nghị viên riệng, quân đội riêng, tài chính riêng… Đó chính là kết quả của gần một thế kỉ đấu tranh liên tục không biết mệt mỏi và hết sức kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Buổi tối hôm đó, sau khi giải thích cho tôi về ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định, Bác kéo tôi lại gần và nói nhỏ:

- Chính vì thế mà sắp tới ta cử Phái đoàn đến Đà Lạt tiếp tục đàm phán buộc Pháp phải nghiêm chỉnh thực hiện các điều khoản đã kí kết. Lần này Bác cử chú đi theo đoàn với hai nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ thứ nhất là bảo vệ phái đoàn, đặc biệt là bảo vệ anh Văn. Kẻ địch nham hiểm lắm, không được chủ quan coi thường. Nhiệm vụ thứ hai là chú tìm mọi cách để Bác và anh Văn thường xuyên liên lạc kịp thời. Mọi diễn biến của hội nghị Bác phải nắm được ngay trong ngày và chuyển gấp những ý kiến của Bác đến tận anh Văn và chỉ riêng anh Văn thôi.

Nhận nhiệm vụ ở chỗ Bác ra về tôi hết sức lo lắng. Chỉ còn hơn một tuần nữa đoàn đã lên đường mà biết bao nhiều công việc phải chuẩn bị. Tôi phải mang theo hai nhân viên, một điện đài, một mật mã. Những việc này hồi theo học lớp tình báo của quân Tưởng ở Côn Minh tôi cũng đã học qua, nhưng để biết chứ chưa làm bao giờ. Ở Ban 2 Bộ Tổng Tham mưu tôi cũng đã có triển khai bộ phận này nhưng vẫn còn bỡ ngỡ lắm. Mà công việc lại phải hết sức bí mật, tuyệt đối không được trao đổi với ai trừ ngành nghiệp vụ. Ngay ngành nghiệp vụ thì phần việc của người nào cũng chỉ người đó biết.

Tuy vậy cuối cùng mọi việc cũng chuẩn bị xong.

Ngày 15 tháng 4 năm 1948, phái đoàn lên đường bằng hai chiếc máy bay khởi hành từ sân bay Gia Lâm. Với bộ quân phục ka-ki màu sáng thẳng nếp, mang lon Thiếu tá, tôi chững chạc bước lên thang máy bay cùng với các thành viên của đoàn… Có lẽ tôi được vinh dự là một trong những người đầu tiên thực hiện Sắc lệnh 33/SL của Chính phủ kí ngày 22 tháng 3 năm 1946 quy định về cấp bậc, quân phục, quân hiệu của quân đội ta.

Nhớ hôm sang báo cáo với Bác toàn bộ công tác chuẩn bị và nghe Bác dặn dò thêm trước lúc lên đường. Bác bảo mặc quân phục vào cho Bác xem. Bác đừng lùi ra, ngắm tôi, cặp măt thân thiết như cha đối với con, khen tôi có dáng đẹp và nói:

- Chuyến này đi về chú sẽ chuẩn bị đi Pa-ri với Bác. Bác sẽ phong chú làm Trung tá cận vệ. Còn Bí thư của Bác sẽ là Đại tá.

Nhưng tôi đã thưa ngay với Bác:

- Thôi Bác cứ để cháu ở nhà, cháu còn chuẩn bị đánh nhau với chúng nó. Cháu không biết tiếng Pháp, sang Pa-ri lớ ngớ lắm…

Khi chiếc đa-côt-ta nghiêng cánh liệng một vòng trên bầu trời Hà Nội, tôi nhìn thấy dòng sông Hồng màu đỏ uốn khúc giữa màu xanh bao la của cánh đồng lúa đang thì con gái. Tôi còn kịp trông thấy một đàn bò đang gặm cỏ.

Máy bay nhằm hướng Nam lướt nhanh. Tôi vẫn cố nhìn xuống để may ra có thể trông thấy làng quê mình. Trong tiếng máy êm êm, đều đều, tôi bỗng hồi tưởng lại thời thơ ấu đói nghèo, nhớ lại ngày rời làng ra đi. Thế mà đã hơn mười năm rồi…

Chặng đầu tiên máy bay hạ cánh xuống Plây Cu.

Chặng thứ hai là Pắc-xế.

Ngày thứ ba nghỉ.

Ngày thứ tư máy bay hạ cánh xuống sân bay Cẩm Ly, Đà lạt…

Chưa bao giờ tôi thấy một thành phố đẹp như thế. Những biệt thự xinh xinh trên các ngọn đồi. Đã sang tháng Tư, Hà Nội bắt đầu nóng. Còn ở đây thì mát lạnh. Những vườn rau xanh mướt, hoa nở bốn mùa.

Đoàn ta ở khách sạn Pa-lát sang trọng đầy đủ tiện nghi. Ngay đêm đầu tiên mới đến, anh Văn bảo tôi khẩn trương triển khai máy móc điện về Hà Nội báo cáo tình hình với bác.

Do sự ngoan cố của phía Pháp, hội nghị Đà Lạt kéo dài gần một tháng mà không đi đến kết quả. Cuộc đấu tranh diễn ra phức tạp. Và hằng ngày qua bộ phận thông tin, mật mã do tôi phụ trách, Bác cho ý kiến trên những vấn đề lớn, còn những vấn đề cụ thể thì do đồng chí Võ Nguyên Giáp toàn quyền quyết định.

Trong thời gian này có một việc đáng ghi nhớ. Sau những phiên họp đầu tiên, tôi thấy dịch mật mã của ta quá phức tạp, mất rất nhiều thời gian, có những việc khẩn cấp không đáp ứng được yêu cầu, tôi liền nghĩ ra một bảng mã mới, đơn giản, bằng hình thức thay chữ: A thay bằng b, chữ b thay bằng chữ c… Kết quả ta nhận được nhanh hơn, nhưng chỉ vài hôm là điện bị lộ và lập tức được lệnh ngừng lại. Đây lại thêm một “cú liều” nữa của tôi, nhưng lần này không thành công, hay nói cách khác là chỉ thành công một nữa…

Trong thời gian ở Đà Lạt, anh Văn có đi vài nơi, vừa thăm hỏi đồng bào, vừa nắm thêm một số tình hình. Tất nhiên mỗi lần như thế tôi phải tổ chức bảo vệ chu đáo. Ở đây bọn địch hoạt động khá trắng trợn, dám bắt cóc đồng chí Phạm Ngọc Thạch là một thành viên của phái đoàn.

Chính nhờ những buổi đi thăm này mà đồng bào phản ánh với phái đoàn Chính phủ có chừng 100 ngôi mộ của chiến sĩ ta đã hi sinh hồi chiến đấu bảo vệ Đà Lạt cuối năm 1945 đầu năm 1946 khi bọn Pháp nấp sau lưng quân Anh đánh lên đây.

Đêm ấy tôi thấy anh Văn thức khuya, suy nghĩ rất nhiều. Sáng hôm sau, anh sang phòng tôi rất sớm, kéo tôi ra ngoài sân, nói nhỏ, vừa đủ nghe:

- Sáng nay trong lúc phái đoàn họp, cậu ra nắm tình hình mộ chí của các liệt sĩ. Nếu thuận lợi thì vận động đồng bào quyên góp rồi tổ chức xây mộ chí cho anh em… Đây là thời cơ thuận lợi nhất để làm việc này. Hiệp định sơ bộ vừa mới kí. Phái đoàn Chính phủ ta đang có mặt ở đây, chúng nó sẽ không dám ngăn cản.

Kết quả đạt được rất tốt. Một khu nghĩa trang đã được xây dựng, hàng trăm ngôi mộ rải rác trong rừng Đà Lạt đã được quy tập về, phần lớn là các chiến sĩ dân quân tự vệ… Đây là một việc làm có ý nghĩa sâu sắc, được Bác biểu dương và khen ngợi. Một việc làm nhỏ thôi nhưng cảm hóa được trái tim của hàng triệu con người… Những chiến sĩ được nằm yên nghỉ trong nghĩa trang đó dưới những hàng thông vi vu của Đà Lạt, những thân nhân của các liệt sĩ quê từ nhiều miền của đất nước sẽ mãi mãi nhớ đến tấm lòng nhân ái đẹp đẽ của vị tướng Tổng tư lệnh…

Sau này có dịp nghe Bác Hồ nói đến đạo làm tướng trong đó nhấn mạnh “nhân tướng” là quan trọng nhất, tôi càng thấy rõ ý nghĩa sâu sắc của việc làm ở Đà Lạt năm ấy mà tôi đã vinh dự được tham gia.

Thượng tướng Phùng Thế Tài kể, Thể Kỉ ghi
Trích trong sách Bác Hồ - Những kỉ niệm không quên
Nxb. Quân đội Nhân dân, năm 1996

Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: