Một thoáng gặp Bác

Ngày 27-8-1960, tôi được đơn vị cử đi bảo vệ cuộc thực tập diễu binh của các lực lượng vũ trang tại sân bay Bạch Mai. Khu vực tôi phụ trách là dọc phố Phương Liệt. Tôi đoán chắc thế nào cũng có Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương Đảng và Chính phủ tới duyệt cuộc diễn tập này. Lòng tôi vui mừng, phấn khởi nhưng cũng vô cùng lo lắng làm sao giữ trật tự được tốt, xe qua lại được nhanh chóng bảo đảm an toàn cho lãnh tụ trong phạm vi, trách nhiệm của mình.

Trật tự đường phố mỗi lúc một ổn định hơn.

19 giờ 45 phút. Hai chiếc ô tô từ phía trường bay Bạch Mai tiến ra. Xe lướt nhanh. Tôi thoáng thấy bóng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi trong xe. Tôi vừa mừng, vừa sung sướng vì đã được góp phần bảo vệ Người. Trật tự đường phố được bảo đảm an toàn, xe của Người đi được dễ dàng.

Hai chiếc xe vừa đi thêm được một quãng gần tới chỗ đường xe lửa cắt ngang thì cũng là lúc còi tàu rúc lên và đường bị ngăn lại. Nghĩ đến nhiệm vụ bảo vệ Người, tôi rất lo lắng, tôi chạy lại gần xe, sửa vội lại vành mũ cho ngay ngắn. Tôi tiến lên đứng nghiêm trang chào Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi lùi lại mấy bước để quan sát xung quanh. Nhưng chưa kịp đứng yên thì một đồng chí ngồi trong xe đã gật đầu ra hiệu gọi tôi lại:

- Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi chị.

Sửng sốt cả Người vì sung sướng và cảm động, tôi quay vào phía trong xe chưa kịp báo cáo thì Người đã hỏi:

- Cô làm gì?

- Thưa Bác cháu là cảnh sát hộ tịch ạ.

- Công an Hà Nội có bao nhiêu cô?

- Thưa Bác nữ công an công khai có độ 15, 16 người ạ.

Người tôi nóng ran, miệng tôi ấp úng vì phải báo cáo với Bác một con số chưa chính xác mấy. Thấy tôi lúng túng, Bác lại chuyển sang chuyện khác.

- Trong công tác các cô có gặp khó khăn gì không?

- Thưa Bác, khó khăn cũng có nhưng thuận lợi cũng nhiều, dù gặp khó khăn đến đâu nhưng Đảng và Bác đã giao nhiệm vụ, chúng cháu đều quyết tâm hoàn thành được ạ.

Rồi Bác lại quan tâm đến chuyện sinh hoạt, hỏi han gia đình, học hành, tu dưỡng…

Xe bắt đầu mở máy, tôi đứng nghiêm chào, Bác Hồ đáp lại và xe từ từ chuyển bánh.

Tôi phấn khởi mải nhìn theo phía sau chiếc xe…

Phạm Thị Sơn Cước kể
Trích trong sách Những năm tháng bên Bác
Nxb.Công an nhân dân, Hà Nội, 1985

Bác với bộ đội phòng không

… Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đại đoàn 320 lần lượt giải phóng các tỉnh đồng bằng. Hòa bình lập lại, tôi được trên cho đi học văn hóa rồi đi học pháo binh dài hạn ở nước ngoài. Trước đó, ngày 21 tháng 9 năm 1954, đại đoàn cao xạ đầu tiên mang tên 367 đã được thành lập ở Thái Nguyên. Bác gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ mau chóng nắm vững vũ khí khi tài về làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội. Bác nói: “Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc”.

Năm 1960 trở về nước được bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trường Pháo binh Việt Nam, sau đó được điều về giữ chức Tham mưu trưởng pháo binh. Cuối năm 1961, do tình hình trên không ngày càng diễn biến phức tạp, Mĩ - ngụy tăng cường cho máy bay vào thả dù biệt kích sâu vào nội địa, bộ đội phòng không tăng cường thành Bộ Tư lệnh Phòng không, tôi được điều về giữ chức Tư lệnh.

Trước khi nhận nhiệm vụ mới, tôi được Bác gọi lên. Tôi nhớ nhất một lời dạy của Bác hôm đó:

- Chức chú bây giờ to hơn thì chú càng phải thương yêu chiến sĩ nhiều hơn.

Việc tôi hay quát nạt cấp dưới và chiến sĩ, nhiều năm trước đây Bác đã biết và đã thường xuyên nhắc nhở. Lần này, Bác nhắc lại làm cho tôi vừa ân hận, vừa cảm động. Tôi tự trách là “tiến bộ chậm” để Bác phải nhắc nhiều về cái tính nóng nảy của mình.

- Chức chú càng to hơn thì chú càng phải thương yêu chiến sĩ nhiều hơn…

Lời nói mộc mạc mà thực thấm thía. Tôi biết Bác độ lượng và thương tôi nhiều.

Tôi nhận bàn giao xong của anh Hoàng Kiện thì vừa đến Tết Nhâm Dần (1962). Đang bận túi bụi với công việc tổ chức biên chế thì sáng mùng 1 Tết, có điện từ Tiểu đoàn 220 báo cáo lên: Bác Hồ đến thăm đại đội 109 tại trận địa Vĩnh Tuy.

Sáng hôm ấy trời nắng đẹp, một chiếc xe đỗ ngay trước cổng doanh tại. Bác từ trong xe bước ra giữa tiếng reo vui của các chiến sĩ: “Bác đến! Bác đến!”. Mọi người chạy ùa cả lại vây quanh Bác, Bác hiền từ đứng giữa đàn con cháu. Bác thân mật thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ về tình hình sức khỏe, tình hình học tập, nhất là học văn hóa. Bác cũng hỏi cả việc ăn Tết năm nay có được đầy đủ không? Đồng chí chính trị viên đại đội báo cáo với Bác. Nghe xong, Bác vui vẻ khen và nói:

- Năm qua, các chú học tập, công tác tốt, năm nay các chú phải cố gắng hơn nữa để đạt thành tích cao hơn.

Bác còn căn dặn đơn vị phải tiếp tục học tập rèn luyện để nâng cao hơn nữa trình độ quân sự, chính trị, văn hóa, phải thường xuyên có ý thức phòng gian, bảo mật.

Trước khi Bác ra về, đồng chí chính trị viên đã thay mặt cán bộ, chiến sĩ chúc Tết Bác và hứa sẽ quyết tâm làm theo những lời Bác dạy.

Mùa Xuân năm 1963, Bác Hồ kính yêu lại dành cho bộ đội phòng không - không quân vinh dự lớn được đón Bác đến thăm. Đại đội 129 trung đoàn 260 đóng quân tại trận địa Tiên Hội, Đông Anh được thay mặt Quân chủng đón Bác.

Hôm ấy là ngày 3 tháng 2 năm 1963, ngày kỉ niệm thành lập Đảng. Cán bộ chiến sĩ đang lao động xã hội chủ nghĩa xây dựng vườn hoa thì Bác đến. Bác hồng hào nở nụ cười rạng rỡ.

Bác âu yếm hỏi:

- Mỗi chú được bao nhiêu bánh chưng ăn Tết?

Hầu như tất cả mọi người cùng một lúc trả lời:

- Thưa Bác được hai chiếc ạ!

Đưa tay chỉ vào những cây phi lao mới trồng quanh vườn hoa, Bác hỏi:

- Cây này có quả ăn không?

- Thưa Bác không ạ.

Bác lại hỏi:

- Thế trồng nhãn có quả ăn không?

- Thưa Bác, có ạ!

Bác tươi cười nói:

- Vậy trồng nhãn tốt hơn. Cây phi lao nên trồng ngoài hàng rào.

Sau đó, Bác đi xem nơi ăn ở của đơn vị. Bác khen nhà bếp sạch, nhưng phê bình nhà ngủ chưa gọn. Bác nói:

- Hôm nay chắc là Chủ nhật nên nội vụ của các chú chưa được tốt.

Trước khi lên xe ra về, Bác chỉ vào hai hàng cây xà cừ mới trồng hai bên đường, Bác bảo:

- Cứ tính từ cổng đơn vị, mỗi chiều ngược xuôi 500 mét, đơn vị các chú phải chăm sóc cho thật tốt.

Sau lần được Bác đến thăm đó, Đại đội 129 càng chú trọng xây dựng kỉ luật, trật tụ nội vụ, nền nếp tác phong, không những trong những ngày thường mà cả trong những ngày nghỉ. Cũng ngay trong mùa Xuân đó, cán bộ chiến sĩ đại đội đã kịp thời trồng nhãn thay cho những cây phi lao trong vườn hoa. Anh em còn lấy gạch xếp thành chữ “vườn hoa Bác đến thăm”, để kỉ niệm một ngày đáng nhớ.

Chúng tôi luôn nhớ lời phê bình của Bác: “Hôm nay chắc là Chủ nhật nên nội vụ các chú chưa thật tốt”. Bác đã giáo dục chúng tôi duy trì tốt trật tự, kỉ luật cả ngày thường cũng như ngày nghỉ, bộ đội phòng không phải thường xuyên sẵn sàng chiến đấu cao, nên yêu cầu xây dựng trật tự, kỉ luật, tác phong càng phải hết sức chặt chẽ. Hôm đó, Bác còn chỉ bảo chúng tôi cả việc trồng và chăm bón cây. Từ đó, một phong trào trồng cây ăn quả từ đại đội 129 lan nhanh khắp Quân chủng. Và trong đợt thi đua “Làm theo lời Bác” do Quân chủng phát động, mà trọng tâm là “Tăng cường kỉ luật, tác phong, duy trì tốt nền nếp trật tự, nội vụ”, đã tạo nên một chuyển biến thật sự từ cơ quan đến đơn vị.

Không phải ngẫu nhiên mà ba năm liền từ năm 1961 dến năm 1963, năm nào Bác cũng dành cho bộ đội phòng không - không quân chúng tôi được vinh dự đón Bác về thăm. Bên kia vĩ tuyến 17, bọn Diệm được Mĩ hà hơi tiếp sức, đang ngày đêm hò hét “Bắc tiến”. Những chuyến bay biệt kích sâu vào nội địa miền Bắc càng ngày càng trắng trợn và có tính chất thường xuyên. Bác đã nhìn thấy trước âm mưu của kẻ thù, vì thế Bác luôn nhắc chúng tôi phải tích cực học tập để không ngừng nâng cao trình độ kĩ thuật, chiến thuật, phải thường xuyên rèn luyện kỉ luật, tác phong để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Những hành động khiêu khích đầu tiên của đế quốc Mĩ đối với miền Bắc nước ta đã xảy ra vào ngày 11 tháng 8 năm 1963. Chúng cho hai chiếc máy bay phản lực xâm phạm vùng trời Hà Nội. Làm theo lời Bác dạy “phải thường xuyên đề cao cảnh giác”, bộ đội phòng không bảo vệ Thủ đô đã nổ súng kịp thời. Đại đội 129 đã bắn những phát súng đầu tiên. Hôm ấy là ngày Chủ nhật, hai chiếc RF.101 bay rất cao, nhân dân Hà Nội không nghe tiếng động cơ máy bay mà chỉ nghe tiếng nổ rền vang của pháo phòng không 100 mi-li-mét, loại pháo cỡ lớn nhất vừa mới được trang bị chưa được bao lâu.

Lại một năm trôi qua.

Một mùa Xuân lại đến, mùa Xuân năm 1964. Đúng sáng mùng 1 Tết Giáp Thìn, Bác Hồ lại đến thăm và chúc Tết bộ đội phòng không ngay tại trận địa của đại đội 130 trung đoàn 260, bên cạnh dòng sông Đuống. Cũng như những lần trước, Bác đến thăm bất ngờ không báo trước cho Quân chủng biết. Được tin tôi vội vàng lên xe phóng sang, may vừa kịp đón Bác.

Vẫn với bước đi nhanh nhẹn, Bác vào nhà ngủ trung đội 3, khen nội vụ gọn gàng, sạch sẽ. Bác xuống nhà câu lạc bộ, xem những tờ báo tường đón Xuân do anh em viết, rồi dừng lại trước lá cờ thưởng luân lưu “Đơn vị Khá nhất”, tỏ ý hài lòng. Khi đi ngang qua một gian buồng xép, thấy nhiều quang sọt, Bác dừng lại hỏi đơn vị đang làm gì mà nhiều quang thế. Đồng chí chính trị viên phó đại đội thưa với Bác là anh em đang làm đường cơ động, củng cố trận địa, đào thêm ao, lấy chỗ tắm giặt và thả cá để cải thiện. Nghe báo cáo, Bác gật đầu khen như thế là tốt. Bác tiếp tục đi xuống bếp, xem các món ăn, khen bộ đội ăn khá và nhà bếp sạch. Bác ân ần hỏi chuyện các đồng chí nuôi quân.

- Các chú có luôn giữ được sạch sẽ, gọn gàng như thế này không?

Đồng chí Tiểu đội trưởng xúc động trả lời:

- Thưa Bác, Đại đội chúng cháu được Trung đoàn khen là đơn vị nuôi quân, phòng bệnh tốt ạ!

Sau khi đi một vòng khắp doanh trại, Bác trở về trước sân, nói chuyện và chúc Tết bộ đội:

- Hôm nay Bác và các đồng chí Trung ương đến thăm các chú. Bác thấy chú nào cũng mạnh khỏe, vui vẻ. Bác mừng. Đơn vị các chú được thưởng cờ, doanh trại thì sạch sẽ, gọn gàng, như vậy là tốt. Năm mới, Bác chúc các chú mạnh khỏe, thắng lợi và nhờ các chú chuyển lời chúc Tết của Bác và các đồng chí Trung ương tới gia đình các chú.

Nói đến đây Bác dừng lại một lát, đưa cặp mắt hiền từ nhìn một lượt khắp hàng quân rồi nói:

- Các chú thấy đồng bào và chiến sĩ miền Nam chiến đấu có giỏi không, có dũng cảm không?

Tất cả đơn vị đồng thanh đáp:

- Có ạ!

- Vậy ta phải học tập quân và dân miền Nam anh hùng. Đế quốc Mĩ còn nhiều âm mưu thâm độc. Các chú phải luôn luôn cảnh giác và lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu, phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch, nếu chúng dám liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta. Muốn làm được nhứ vậy, năm nay các chú rèn luyện kĩ thuật cho giỏi. Cán bộ, chiến sĩ phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu nhau như anh em một nhà.

Toàn đơn vị đứng im phăng phắc. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm hòa bình, Bác trực tiếp ra mệnh lệnh cụ thể cho bộ đọi phòng không - không quân chúng tôi “phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng dám liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc”. Cũng trong dịp này, Bác lại nhắc nhở chúng tôi vấn đề mà Bác đã nhắc nhở suốt mấy năm nay là “Phải rèn luyện kĩ thuật cho giỏi”. Sau này, khi bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù có tiềm lực lớn về nhiều mặt, chúng tôi càng thấu hiểu những lời dạy của Bác thật sâu sắc và trở thànhvấn đề xuyên suốt trong quá trình xây dựng và chiến đấu của bộ đội phòng không - không quân: “Phải luôn luôn cảnh giác và lúc nào cũng chiến đấu”, “Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch”, “Phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ mọi mặt”, “Phải rèn luyện kĩ thuật cho giỏi”, để tạo nên sức mạnh chiến thắng.

Trước khi ra về, Bác còn dặn:

- Các chú lập công, Tết sang năm Bác lại xuống thăm.

Những ngày đầu Xuân 1964, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của Bác, khắp các trận địa phòng không bừng bừng khí thế quyết tâm đánh thắng trận đầu. Những đợt huấn luyện đột kích, những cuộc diễn tập theo phương án tác chiến được liên tiếp tổ chức. Công sự được tu sửa thêm. Chế độ trực ban sẵn sàng chiến đấu được duy trì nghiêm ngặt. Nghị quyết Đảng ủy các cấp, phương án tác chiến của các đơn vị đều quán triệt sâu sắc những lời dạy của Bác. Đợt sinh hoạt chính trị “làm theo lời Bác, đánh thắng trận đầu”, do nghị quyết Đảng ủy Quân chủng quý I năm 1964 đề ra, được Cục Chính trị tập trung chỉ đạo sát sao và được Tổng cụ Chính trị theo dõi chặt chẽ, đã thực sự làm chuyển biến bộ mặt của Quân chủng, thổi bùng lên một khi thế mới, một sức mạnh mới.

Bộ đội phòng không - không quân mãi mãi coi Tết Giáp Thìn năm 1964 như một cột mốc quan trọng trên con đường chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của mình.

Thượng tướng Phùng Thế Tài kể, Thể Kỉ ghi
Trích trong sách Bác Hồ - Những kỉ niệm không quên
Nxb. Quân đội Nhân dân, năm 1996

Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: