Nằm dưới chân Đèo Ngang, làng 19 tháng 5, xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là vùng quê kiên cường trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Đất nước hòa bình, thống nhất, người dân làng 19 tháng 5 phát huy tính tự lực tự cường, dám nghĩ dám làm để góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh, xứng đáng với tên làng.
Làng 19 tháng 5
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Đông 1930-2000 viết: "Làng 19 tháng 5 được hình thành và xây dựng từ ngày 19-5-1960 khi thực hiện Nghị quyết 8 của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân xã Cảnh Dương thực hiện cuộc vận động di dân lập vùng kinh tế mới để sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp. Lúc đầu thành lập làng cũng chỉ có 7 hộ, sau đó dân số tăng dần lên 40 hộ, với hơn 200 nhân khẩu. Năm 1964, làng mới được mang tên 19 Tháng 5 cho đến ngày nay”.
Ông Lê Huy Hoàng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông, người làng 19 tháng 5 cho biết: Cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ càng ác liệt, dân làng 19 tháng 5 càng bám trụ kiên cường "một tấc không đi, một li không rời” tiếp tục sản xuất và chiến đấu. Thành tích bắn rơi máy bay Mỹ của dân quân và thiếu niên làng 19 tháng 5 là những chiến công vang dội trong lịch sử xã Quảng Đông.
Tiếp đó, trong Chiến dịch Hòn La năm 1972, làng 19 tháng 5 trở thành một trong những nơi đánh phá của máy bay phản lực, máy bay trực thăng và tàu chiến Mỹ. Trên biển, chúng thả bom từ trường dày đặc nhằm ngăn chặn đường vận chuyển hàng của ta. Cả làng 19 tháng 5 già trẻ, gái trai đồng loạt ra quân, hàng ngàn tấn gạo được chuyển từ tàu Hồng Kỳ 162B vào bờ an toàn.
Từ một xóm nhỏ ven biển với mấy chục nóc nhà đơn sơ, nay sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, làng 19 tháng 5 đã có 251 hộ và 821 nhân khẩu với cơ sở hạ tầng khang trang, cuộc sống dân làng yên bình, sâu đậm tình làng nghĩa xóm.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Phú Hà, trưởng thôn 19 tháng 5 cho biết: Trước đây, trong xây dựng kinh tế, làng đã phát huy tính tự lực tự cường, dám nghĩ dám làm, Hợp tác xã 19 tháng 5 đã phát triển thủ công nghiệp, xây dựng lò ngói, lò vôi. Ngói 19 tháng 5 nổi tiếng một thời. Nông nghiệp thì mạnh dạn chia ruộng đất cho xã viên từ những năm 1970 để tự chủ sản xuất. Cùng với đó, Hợp tác xã đã mua sắm ngư lưới cụ tổ chức cho xã viên mở rộng ngư trường sản xuất đánh bắt thủy sản.
Chiều dần buông, đi dọc bờ biển làng 19 tháng 5 thật yên bình. Những chiếc bơ (thuyền nhỏ) của ngư dân hối hả ra khơi trên vùng biển quê hương, để sau một đêm lênh đênh buông câu, sáng sớm mai khi ánh bình minh chiếu rọi, những ngư dân này trở về với khoang thuyền đầy cá. Được biết đến nay, làng 19 tháng 5 có 140 hộ làm biển với 80 chiếc thuyền máy, thúng máy, thu hút gần 200 lao động tham gia với thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Cao Văn Thịnh, vừa vận chuyển đồ đạc xuống thuyền để ra khơi, ông Thịnh cho biết, từ năm 1998 khi có Dự án giảm nghèo cho ngư dân do Hà Lan hỗ trợ vốn, gia đình đã vay vốn đóng thuyền đánh bắt xa bờ. Nhờ nguồn lợi từ biển nên cuộc sống gia đình có của ăn của để.
Dừng chân bên bờ biển, phóng tầm mắt ra xa, ông Trịnh An Toàn, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 19 tháng 5 chia sẻ, với tinh thần tự lực tự cường, vươn lên, nhân dân và cán bộ làng 19 tháng 5 luôn luôn đoàn kết, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước để xứng đáng với tên làng mang ngày sinh của Bác Hồ vĩ đại./.
Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình
Huyền Anh (st)