“Ngày ngày Mặt trời đi qua trên Lăng. Thấy một Mặt trời trong Lăng rất đỏ…”, có lẽ nhà thơ Viễn Phương cũng không thể nghĩ rằng những câu thơ đầy cảm xúc ông viết trong một chuyến ra Bắc thăm Lăng Bác lại được một người dân Lào khe khẽ ngâm trong một sáng mùa hè giữa Thủ đô Hà Nội...
Đoàn đại biểu Lào vào Lăng viếng Bác. Ảnh: Tuấn Việt
Trong khuôn khổ Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Lào, sáng ngày 17/7, Đoàn đại biểu Lào tham dự Liên hoan đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nơi ở và nơi làm việc của Người. Nắng sớm Hà Nội không gắt, khẽ khàng phủ từng tia sáng lên đoàn người đang bước chầm chậm vào Lăng. Sau nghi thức đặt vòng hoa và viếng Bác, những đại biểu đến từ đất nước Triệu Voi đã tới Khu Di tích Nhà sàn, nơi Bác từng sống và làm việc. Tại đây, những người con xứ Lào đã không kìm được xúc động khi tận mắt chứng kiến sự đơn sơ, giản dị trong nếp sống mà sinh thời vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam vẫn duy trì.
Đầu giờ sáng, sương ở những bụi cây xung quanh Khu Di tích vẫn chưa tan hết, không gian chợt thanh thoát một cách kỳ lạ. Đoàn người đứng quanh chiếc bàn Bác Hồ từng làm việc, nghe hướng dẫn viên kể những câu chuyện về Bác. Dường như, trong một khoảnh khắc nào đó, thời gian như dừng lại nơi đây. Một vài mế Lào lén chấm nước mắt; một vài mế khác để mặc sự xúc động cứ thế tuôn trào.
Mế Chanhthep Bounthilath đến từ thành phố Viêng Chăn, một trong những người đã từng che chở và giúp đỡ chuyên gia, quân tình nguyên Việt Nam đã vô cùng xúc động khi nghe kể về cuốn sách nhỏ nằm trên bàn làm việc của Bác. Giữa những chồng sách được sắp xếp một cách cẩn thận, cuốn sách nhỏ nằm khiêm tốn trên bàn. Nhưng đó lại là một trong những cuốn sách mà Bác Hồ quý nhất và luôn mang theo bên người. Cuốn sách là những ghi chép về gương người tốt, việc tốt mà lúc sinh thời Bác vẫn thường đọc và kể cho mọi người nghe. Nghẹn ngào, mế Chanhthep kể rằng, khi còn trẻ, mế đã được nghe rất nhiều câu chuyện về Bác Hồ, có những câu chuyện về sự vĩ đại, cũng có câu chuyện rất đời thường, nhưng chưa bao giờ mế được gặp Bác. Đó là một tâm nguyện mà mế nghĩ mình mãi không bao giờ đạt được. Lúc này đây, được tới thăm Lăng Bác, tận mắt thấy nếp sống và những kỷ vật giản dị của Người, hiểu được thế nào là tinh thần Hồ Chí Minh, mế nói mình đã thỏa được tâm nguyện.
Nghe hướng dẫn viên kể những câu chuyện về Bác ở Khu Di tích Nhà sàn. Ảnh: Tuấn Việt
Trong số những đại biểu Lào ở đây, không phải ai cũng như mế Chanhthep lần đầu thăm Lăng Bác. Có người đã thăm vài lần, cũng có người không nhớ nổi số lần vào Lăng viếng Bác, nhưng họ đều gặp nhau ở một khoảng không gian riêng, nơi đó có sự xúc động, nghẹn ngào cùng niềm cảm phục khôn nguôi. Ông Bounxu Nammachak, Giám đốc Sở Công an thành phố Viêng Chăn, Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào - Việt thành phố Viêng Chăn đã có nhiều năm tháng gắn bó với Việt Nam. Học trung học, đại học, thạc sĩ rồi làm tiến sĩ ở Việt Nam, ông Nammachak nói rằng, quãng thời gian đẹp nhất thời hoa niên của ông gắn liền với đất nước anh em bạn bè này. Trong những năm về sau này, ngoài các chuyến công tác đến Việt Nam, năm nào ông Nammachak cũng dành thời gian trở lại Việt Nam.
Trong âm thanh trầm trầm của hướng dẫn viên, ông Nammachak khẽ khàng chia sẻ những cảm nghĩ về lãnh tụ của nhân dân Việt Nam: “Đồng chi Cay-xỏn Phôm-vi-hản của chúng tôi đã từng nói: Bác Hồ là người vĩ đại trong vĩ đại, giản dị trong giản di, khiêm tốn trong khiếm tốn. Đó là đức tính mà không phải lãnh tụ nào cũng có được. Nói về Bác Hồ, ai cũng cảm phục. Thời học sinh chúng tôi, mỗi khi nghe những câu chuyện về Bác Hồ, về quá trình Bác tìm đường cứu nước Việt Nam, hầu như ai cũng rơi nước mắt, thương và cảm phục Bác. Lúc nãy chúng tôi cũng vậy, khi nghe hướng dẫn viên kể về những năm tháng Bác sống và làm việc ở Khu Di tích Nhà sàn này, nhiều người trong đoàn đã rơi nước mắt”, ông Nammachak xúc động nói. Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào - Việt thành phố Viêng Chăn nói rằng, ông và những đồng chí trong đoàn đều tâm niệm rằng phải phấn đấu học theo đức tính giản dị và hy sinh của Bác, noi gương Bác. “Không chỉ là tâm niệm cho cá nhân chúng tôi, mà khi về nước, chúng tôi sẽ phát động những phong trào và khuyến khích thanh niên trẻ Lào học tập theo tấm gương Bác”, ông Nammachak cho hay.
Cho cá ăn ở Ao cá Bác Hồ. Ảnh: Tuấn Việt
Ông Kongkeo Xaysongkham, Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào - Việt tỉnh Bô-ly-khăm-xay không thể nhớ nổi mình đã vào thăm Lăng Bác bao nhiêu lần. Không phải bởi ông vô tâm, mà bởi vì một năm ông đến Việt Nam không dưới ba lần và hầu như lần nào ông cũng dẫn con đến thăm Lăng Bác. Từng học tại Việt Nam, mối duyên của ông Xaysongkham với đất nước Việt Nam trở nên sâu đậm hơn khi ông cưới một cô gái Việt Nam. Xaysongkham nói ông nghĩ mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào là mối quan hệ hiếm có. “Vì sao? Hiếm có một dân tộc nào lại động viên và tiễn con mình, em mình đi chiến đấu và hy sinh vì xương máu cho một đất nước khác. Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã từng nói: Ở nơi nào có một giọt máu của người dân Lào đổ xuống, nơi đó cũng có một giọt máu của quân tình nguyện Việt Nam. Chỉ câu nói đó thôi đã đủ thay cho ngàn vạn lời hoa mỹ”, ông Xaysongkham bồi hồi nhớ lại.
Thời gian không có nhiều, dù rất lưu luyến, nhưng các bạn Lào vẫn phải kết thúc chuyến thăm Lăng Bác để tham gia nhiều chương trình khác của Liên hoan. Có một điều thú vị là khi đang trên đường sang Khu Di tích Nhà sàn thì Đoàn đại biểu Lào gặp các cháu thiếu nhi Việt Nam cùng các du khách nước ngoài cũng vào Lăng viếng Bác. Một cách tình cờ, họ đã nhập thành một đoàn. Và, chỉ trong một đoạn hành trình ngắn ngủi, một đại biểu Lào (biết tiếng Việt) đã kịp trao đổi với một bé gái Việt Nam về câu chuyện Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu nhi và tình thương của Bác với các cháu.
Theo Thu Trang/Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)