Bước từng bước khó nhọc bằng đôi chân tật nguyền, trong suốt 23 năm qua, ngày nào cũng vậy, dù là nắng cháy, mưa phùn hay gió rét,… người bệnh binh già ấy vẫn cố gắng làm tròn bổn phận của mình - chăm sóc Cây đa cuối cùng Bác trồng.
Một nạn nhân của chiến tranh
Ông tên là Trần Hữu Hào, 64 tuổi, ngụ tại xóm 1, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội. Năm 1968, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ và được điều vào chiến trường Thừa Thiên Huế đảm nhiệm công tác hậu cần.
Vào mùa mưa, lương thực khan hiếm, trong những chuyến đi xuyên qua các khu rừng trụi lá sang nước bạn Lào xin trợ cấp lương thực cứu đói cho bộ đội, ông đã bị nhiễm chất độc đi-ô-xin lúc nào không hay.
Những tưởng mình là một trong những người may mắn sống sót sau cuộc chiến, nhưng ông không thể ngờ rằng, đó là sự khởi đầu cho những chuỗi ngày mà cơ thể mình và người thân bị thứ chất độc quái ác mang tên da cam hành hạ.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, năm 1975, ông Hào được xuất ngũ. Về quê, ông kết hôn với bà Phan Thị Lý – người cùng quê. Bốn đứa con của ông là Trần Thị Anh, Trần Trung Kiên, Trần Văn Giá, Trần Quang Hiển lần lượt trào đời.
Nhưng buồn thay, khi vừa sinh ra, người chị cả Trần Thị Anh đã mang trên mình cánh tay trái bị liệt. Vợ chồng ông hết lòng chạy chữa cho con, nhưng không thể thay đổi được điều gì.
Năm Trần Thị Anh lên 8, cơ thể ông Hào xuất hiện những cơn đau nhức ở các khớp xương. Trong đó, nặng nhất là khớp đầu gối. Những cơn đau mỗi ngày một nhiều và nặng hơn, ông phải đến Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh. Các bác sỹ cho biết, ông đã bị nhiễm chất độc đi-ô-xin và điều này sẽ ảnh hưởng đến cơ quan thần kinh toàn thân.
Sau đó, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đã chứng nhận ông là bệnh binh mất sức 81%. Giờ đây, ông Hào phải bước đi khó nhọc.
Sự tích cây đa Bác Hồ
Ông Hào cho biết: ngày 16/2/1969 (tức ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu), UBND xã Vật Lại tiến hành trồng cây bạch đàn phủ xanh đồi Đồng Váng. Sáng hôm ấy, sau khi thăm bộ đội Quân chủng Phòng không - Không quân ở Bạch Mai, Bác phải lên Vĩnh Phú công tác. Biết được nhân dân xã Vật Lại đang triển khai tết trồng cây, Bác đã đến thăm, chúc tết đồng bào và không quên trồng một cây đa lưu niệm.
Sau này, nhân dân xã Vật Lại vẫn thường gọi cây đa ấy với cái tên vô cùng ý nghĩa: Cây đa Bác Hồ.
Ông Trần Hữu Hào
Trồng cây xong, Bác căn dặn mọi người phải cố gắng trồng cây nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa, vì trồng cây có nhiều điều lợi, lợi trước mắt và lợi lâu dài. Trồng cây rồi phải chăm sóc, bảo vệ cho tốt. Trồng cây nào phải sống cây đó.
Tại đây, nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng đến thăm và trồng cây lưu niệm cạnh Cây đa Bác trồng như đồng chí Trường Trinh (năm 1980); đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Thọ (năm 1983) và đồng chí Nguyễn Văn Linh (năm 1990)…
Năm 2004, đồi Đồng Váng vinh đự được Bộ Văn hóa và Thông tin cấp giấy chứng nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
“Tôi làm vì tôi thấy hạnh phúc”
Ông Hào kể lại: năm 1988, ông được Ủy ban nhân dân xã Vật Lại giao việc trông giữ toàn bộ khu đồi này với diện tích khoảng 10 ha trong thời hạn 50 năm. Mặt khác, ông Hào được phép cắt tỉa những cành cây phát triển thừa và cây bụi làm củi. Ngày ấy, cây đa Bác trồng vẫn còn nhỏ, cao khoảng 3,5 - 4 mét, đường kính gốc là 25cm.
Dẫn tôi tham quan khu đồi, ông Hào chỉ tay vào hàng trăm gốc cây thông, tràm cao khoảng trên dưới chục mét (thấp hơn những cây xung quanh) và khoe: “Nó là của tôi đấy. Hai mươi năm trước, tôi đã mạnh dạn lên Hạt Kiểm lâm huyện xin những giống cây này về trồng. Bao nhiêu công sức của gia đình đổ vào đây trong mấy chục năm mới được như thế này đấy chú ạ”.
Mỗi khi trái gió trở trời, những khớp xương của ông lại phải chịu đựng những cơn đau dữ dội. Đau như có ai đó đang cầm búa đập vậy. Thế nhưng, bằng tình yêu thiên nhiên, yêu rừng và yêu Cây đa Bác trồng, nằm trên giường nhưng ông cứ ngay ngáy một nỗi lo, không biết Cây đa của Bác sao rồi? Liệu có ai đó vào chặt trộm cây cối không? Vì thế, ông lại dồn hết sức bình sinh của mình để ngồi dậy và đi bộ ra đồi trông nom.
Ông Hào là người chứng kiến sự lớn lên từng ngày của Cây đa. Ông cũng chính là người chăm sóc cho Cây đa bằng tấm lòng chân thành nhất. Từ việc tưới nước, bón phân đến việc cắt tỉa cành lá, uốn nắn từng chiếc rễ đâm từ thân xuống đất…
Bây giờ, thân Cây đa đã to bằng sải tay của hơn 2 người trưởng thành cộng lại, tỏa bóng mát lan tỏa một vùng rộng xung quanh.
Khó nhọc bằng đôi chân tật nguyền, trong suốt 23 năm qua, ngày nào cũng vậy, dù là nắng cháy, mưa phùn hay gió rét,… người bệnh binh già ấy vẫn cố gắng làm tròn bổn phận của mình - chăm sóc Cây đa cuối cùng Bác trồng.
Ông tâm sự: “Nếu vì mục đích vụ lợi từ công việc này thì tôi sẽ không bao giờ làm. Tôi làm vì tôi cảm thấy hạnh phúc. Ít ra, một nạn nhân nhiễm chất độc da cam như tôi vẫn có thể làm những việc có ích cho môi trường sống của con người”.
Trước đây, vì không có tường ngăn bảo vệ nên có nhiều trẻ em, thanh niên vào rừng chặt củi, hái quả dại ăn rồi nghịch ngợm leo trèo, phá phách cây cối. Thậm chí, bọn nghiện hút cũng lân la đến để tiêm chích rồi dùng mũi kim tiêm khắc hình bậy bạ lên thân. May mà ông Hào cùng các con phát hiện và kịp thời ngăn cản những hành vi xấu đó.
Năm 2009, nhà nước đầu tư 2,9 tỉ đồng xây dựng hệ thống tường rào xung quanh khu đồi với chiều dài 1650 mét và làm đường nhựa từ cổng đồi vào Cây đa Bác Hồ. Từ đó, công việc bảo vệ khu đồi được thuận tiện hơn, nhưng không lúc nào ông Hào và các con lơ là nhiệm vụ trông giữ đồi.
Nhìn toàn bộ khu rừng 10 ha rợp bóng cây xanh không một gốc cây bị chặt phá, Cây đa Bác trồng ngày càng vươn những cành lá sum suê lên bầu trời cao rộng… tôi mới hiểu ra rằng, khi con người ta cái tâm chân thành, hết lòng vì công việc thì tật nguyền cũng biến thành sức mạnh.
Theo Phùng Minh Phúc/ tin247.com
Kim Yến (st)