Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 13/02/2025

chuyen-ke-buc-thu

Là người yêu thích và am hiểu văn hoá nghệ thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm tới bảo tồn, phát triển văn hoá, nghệ thuật dân tộc mà còn giành nhiều tình cảm đối với những đơn vị, những người làm công tác văn hoá, văn nghệ. Một trong những đơn vị nghệ thuật được Bác quan tâm, chăm sóc đặc biệt là Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Đoàn Ca múa Quân đội).

Đoàn Ca múa Quân đội là đoàn văn công đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập ngày 15 tháng 3 năm 1951. Thông qua các hoạt động văn hoá nghệ thuật, Đoàn có nhiệm vụ bồi dưỡng tư tưởng tình cảm, tâm hồn của cán bộ, chiến sĩ; khơi dậy ở họ lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức giác ngộ cách mạng tạo thành sức mạnh cảm hoá và thúc đẩy hành động kiên cường, anh dũng của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thông qua các hoạt động văn nghệ đối ngoại, Đoàn là “sử giả hoà bình”, là nhịp cầu hữu nghị thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa Việt Nam và bầu bạn quốc tế.

Với chất liệu nghệ thuật lấy từ thực tế sống và chiến đấu của quân-dân ta cùng với sự tìm tòi, sáng tạo của người nghệ sĩ- chiến sĩ Đoàn đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị văn hoá nghệ thuật cao, nhận được sự mến mộ ngợi khen của quần chúng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và giành nhiều giải thưởng lớn của Đảng và Nhà Nước.

Đoàn có vinh dự không chỉ nhiều lần biểu diễn văn nghệ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và khách của Người, phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đón Bác tới thăm 3 lần mà còn nhận được thư động viên của Người khi Đoàn đang công tác ở Trung Quốc. Kể về việc tiếp nhận thư Bác, Trung tướng Phạm Hồng Cư bồi hồi xúc động nhớ lại:

“...Vào tháng 5 năm 1964 Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử tôi (Trung tướng Phạm Hồng Cư – nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn) làm Trưởng đoàn, nhạc sĩ Huy Du là Phó đoàn cùng với hơn 100 anh chị em cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị sang Trung Quốc lưu diễn văn nghệ đối ngoại phục vụ nhân dân Trung Quốc đồng thời thực hiện dựng lại và quay thành phim vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ-Tĩnh”.

Vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ-Tĩnh” là đề tài cách mạng, mô tả phong trào cách mạng của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong những năm 1930-1931, chống lại đế quốc Pháp và phong kiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam mới ra đời, nhân dân hai tỉnh Nghệ-Tĩnh đã đoàn kết đứng lên phất cờ khởi nghĩa và giành được chính quyền (xã bộ nông). Đây là “Chính quyền Xô Viết đầu tiên ở Đông Nam châu Á”. Nhưng đế quốc phong kiến đã tập trung lực lượng đàn áp, khủng bố trắng. Vào một đêm ảm đạm bên bờ Sông Lam, các chiến sĩ Xô Viết hiên ngang bước ra pháp trường. Họ bị xử bắn, nhưng tinh thần của các chiến sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam. Để tinh thần Xô Viết Nghệ-Tĩnh như ngọn lửa thiêng, có sức lan toả vào đời sống nhân dân trong cả nước, năm 1960, Quân uỷ Trung ương, Tổng cục Chính trị cùng với sự giúp đỡ của giáo sư, nghệ sĩ nhân dân Triều Tiên Kim Tế Hoàng đã dàn dựng và cho ra mắt vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ-Tĩnh”. Đây là vở kịch múa lớn đầu tiên ở nước ta, kết hợp hài hoà nghệ thuật múa Việt Nam và thế giới.

Vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ-Tĩnh” được trình diễn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960) trong 3 đêm liên tục tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, được các đại biểu và nhân dân Thủ đô hoan nghênh và cổ vũ nhiệt liệt. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh và mừng sự kiện Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ra đời tại thành phố “Đỏ” anh hùng, vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ-Tĩnh” được biểu diễn phục vụ hàng vạn quần chúng tại Vinh, thị xã Hà Tĩnh, huyện Thanh Chương.v.v...Đặc biệt là phục vụ quân và dân ở Hồ Xá, Vĩnh Linh suốt 7 đêm.

Cuối năm 1961, đầu năm 1962, để chuẩn bị chương trình tham gia Đại hội diễn toàn quốc lần thứ 2, tổ chức tại Quảng Ninh – Tổng cục Chính trị đã cử biên đạo múa Trọng Lanh làm Tổng đạo diễn, cùng một số biên đạo múa của đoàn nghiên cứu, chỉnh lý lại kịch múa nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nghệ thuật của vở diễn. Tại Đại hội diễn toàn quốc lần thứ 2, kịch múa “Ngọn lửa Nghệ-Tĩnh” được trao tặng 6 huy chương vàng cho các bộ môn: kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, ánh sáng, phục trang và vai chính là nữ diễn viên Thanh Nga.

Với tầm nhìn của một nhà văn hoá kiệt xuất, thấy trước giá trị của tác phẩm Bác đã chỉ thị cần phải lưu giữ vở kịch để phát huy tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, bằng cách dựng lại để quay thành phim. Nhưng vào thời gian đó, nước ta chưa có điều kiện để có thể xây dựng thành phim vì vậy ta đã đề nghị xưởng phim Bát Nhất (Trung Quốc) giúp đỡ. Được sự chấp thuận của Bạn, đầu tháng 5 năm 1964 Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị sang Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ. Đoàn đang lưu diễn ở Quảng Châu (bên dòng sông Châu Giang) thì nhận được thư của Bác. Thư Bác tới đúng dịp 19 tháng 5 – thật là một sự trùng hợp diệu kỳ.

Nhận bức thư từ tay đồng chí Lãnh sự quán Việt Nam, tôi dường như không tin vào mắt mình, chỉ đến khi nhìn thấy nét chữ và kiểu viết chữ “z” của Bác thì mới tin đây là thật chứ không phải là mơ. Tôi thông báo cho toàn Đoàn tập trung đón nghe đọc thư của Bác. Toàn văn nội dung bức thư như sau :

“ Thân ái gửi Đoàn Văn công của Cục Chính trị Quân đội nhân zân

Được tin các cháu đi biểu ziễn ở Trung Quốc anh em, Bác gửi mấy lời khuyên các cháu:

-Đoàn kết nội bộ, đoàn kết với anh em Trung-Quốc. Zữ zìn tốt kỷ luật.

-Cố gắng biểu ziễn tốt.

-Cố gắng học hỏi các đồng chí Trung Quốc. Nhờ các đồng chí Trung Quốc thẳng thắn phê bình để không ngừng tiến bộ.

-Zữ gìn sức khỏe.

Chúc các cháu thành công, và gửi các cháu nhiều cái hôn.

11.5.64                                                            Bác Hồ.”

Nghe thư Bác, anh em trong đoàn người khóc vì cảm động, người thì cười vì sung sướng bởi không ai có thể ngờ rằng một vị Chủ tịch nước, bận trăm công nghìn việc mà vẫn quan tâm, dõi theo hoạt động của Đoàn ở nơi “đất khách quê người”. Kể đến đây, Trung tướng Phạm Hồng Cư giọng nghẹn lại, khoé mắt đỏ hoe vì xúc động. Ngừng một lát ông kể tiếp:

“ Chứng kiến niềm hân hoan của anh chị em trong đoàn khi tiếp nhận thư Bác, các bạn Trung Quốc cũng rất cảm động. Bạn đã chụp lại bức thư của Bác (khổ 9cmx12cm) (vì lúc đó chưa có máy phôtôcopy) tặng cho mỗi người trong đoàn một tấm giữ làm kỷ niệm.

Để xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Bác, anh chị em trong Đoàn hăng say lao động nghệ thuật không kể sớm khuya, giá rét, cực nhọc và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chỉ sau mấy ngày về nước, đúng dịp 22 tháng 12 năm 1964, Đoàn đã vào báo cáo với Bác. Ngay hôm đó Bác và cán bộ, diễn viên của Đoàn cùng xem phim “Ngọn lửa Nghệ-Tĩnh”. Bác rất vui và khen ngợi cán bộ, nghệ sĩ Đoàn Ca múa Quân đội”.

Thước phim quý này hiện đang lưu giữ tại xưởng phim Quân đội, còn bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được lưu giữ tại Phòng truyền thống của Đoàn Ca múa Quân đội. Suốt 58 năm qua Bức thư là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Ca múa Quân đội. Thực hiện theo lời căn dặn của Người đồng thời kế thừa và phát huy truyền thống của thế hệ cha anh, các cán bộ, nghệ sĩ Đoàn Ca múa Quân đội vẫn luôn coi “văn hoá là một mặt trận” và mình là “chiến sĩ trên mặt trận văn hoá” ấy. Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đoàn Ca múa Quân đội đã sôi nổi tham gia và giành được giải nhất Hội thi văn hoá nghệ thuật, báo chí năm 2009 với tác phẩm nghệ thuật: Hành khúc Hồ Chí Minh. Đây là món quà của Đoàn Ca múa Quân đội dâng lên Bác kính yêu nhân dịp kỷ niệm 119 ngày sinh nhật của Người. Đoàn Ca múa quân đội thật xứng danh: “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” mà Đảng và Nhà nước tuyên dương ngày 8 tháng 11 năm 2000.

Cù Thị Minh/Phòng TT-GD
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác: