Từ lâu ai cũng biết hai nước Việt - Lào có một mối quan hệ đặc biệt, tình hữu nghị thắm thiết như nước Hồng Hà - Cửu Long. Song trong những ngày sống ở Lào chúng tôi mới biết tình hữu nghị ấy không chỉ thể hiện trên các văn bản ngoại giao, các công trình hữu nghị về các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục mà còn được thể hiện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Lào.

Một lần tình cờ vào một tiệm chụp ảnh gần chợ cũ Pakse - Champassak-Lào, tôi thấy ảnh Bác Hồ, các nguyên thủ quốc gia Việt Nam và Lào chụp chung trong các chuyến thăm hữu nghị được người chủ tiệm phóng to, lồng khung và treo trang trọng, chiếm gần hết không gian của tiệm. Đó là những bức ảnh tư liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chính phủ Lào Itxala Xouphanouvong tại chiến khu Việt Bắc năm 1951; ảnh của đồng chí Kayson Phonvihane, đồng chí Nuhắc Phunxavẳn cùng chỉ huy quân sự Việt Nam tại Xiềng Khọ-Sầm Nưa-Lào năm 1951; ảnh của Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm và làm việc với Chủ tịch nước Kayson Phonvihane tại Vientiane ngày 12-8-1992; ảnh Hoàng thân Xouphanouvong gặp Bác Hồ tại Hà Nội năm 1961; ảnh của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm hữu nghị Lào tại Vientiane ngày 5-3-1998; ảnh của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp đồng chí Tổng Bí thư Choumaly Sayasone tại Hà Nội vào tháng 6 năm 2006…

bh voi nhan dan lao
Ảnh Bác Hồ được trưng bày bên cạnh nguyên thủ Lào và Lê-nin. Ảnh: Tiến Dũng

Chị Tâm, chủ tiệm ảnh, cho biết mỗi bức ảnh có giá từ 100 ngàn kíp đến 120 ngàn kíp (khoảng 260.000 đồng, một số tiền không nhỏ đối với người dân Lào), nhưng những bức ảnh này có nhiều người mua về treo trong cơ quan và trong gia đình. Tiệm ảnh của chị Tâm dành hẳn một gian nhà để trưng bày những ảnh về Bác Hồ và Việt Nam. Một gian khác chị trưng bày các bậc cao tăng, bồ tát của Lào và thế giới.

Tại một cửa hàng văn phòng phẩm tên là Cola của chị Sẻng Đươn ở bản Phạt Tha Na Lát-Pakse, tôi thấy ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở một nơi trang trọng trong cửa hàng bên cạnh ảnh của Lê-nin, Angels, Karl Marx, Kayson Phonvihane và các nguyên thủ của quốc gia Lào hiện nay. Tò mò tôi hỏi chị Sẻng và được biết: Rất nhiều công chức, cơ quan nhà nước Lào và Việt kiều đặt mua ảnh Bác Hồ trang trí trong cơ quan hoặc thờ tự trong gia đình. Một số người dân Lào cũng mua ảnh Bác Hồ treo trong nhà.

Thời gian thực tập tại Trường Đại học Champassak và Vientiane, tôi cũng tìm thấy khá nhiều tài liệu, sách vở, tranh ảnh về Bác Hồ trong thư viện của nhà trường. Tôi thật sự xúc động khi tham dự một giờ học của sinh viên Lào, thầy Sỉ Hổ, giảng viên Tâm lý - Giáo dục của trường, say mê kể về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giáo dục, rèn luyện nhân cách.

Tôi lại có một sự bất ngờ khác trong một lần đi dạo chợ đêm. Số là, ở Pakse, mỗi tháng các công ty thương mại ở Vientiane, Salavan, Savanakhet… thường đem hàng bán lưu động tại chợ Pakse. Trong vô số gian hàng bày bán đủ loại hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc có một vài gian hàng bán các loại sách báo với đủ các ngôn ngữ Anh, Pháp, Lào, Việt. Trong mớ bòng bong ấy tôi lại thấy nhiều cuốn sách viết về Việt Nam và Bác Hồ. Trong cảnh nhốn nháo nơi phố thị, tôi thật sự ngỡ ngàng khi bắt gặp các cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam với chân dung Bác Hồ được in rất đẹp ở các bìa sách.

Trong một chuyến tham quan ở Mường Khổn phía Nam tỉnh Champassak, khi vào nhà một người dân Lào tôi lại ngạc nhiên khi thấy trên bàn thờ có ảnh của Bác Hồ và Hoàng thân Xouphanouvong được treo trang trọng, dưới đó là hai chậu hoa nhựa xinh xắn. Tôi thấy hơi lạ và có nhiều thắc mắc về những điều trông thấy. Những điều này tôi đem hỏi các Việt kiều và các công chức Lào ở Pakse và họ cho biết: Việt Nam và Bác Hồ rất gần gũi với nhân dân Lào. Bác Hồ thân thiết như những lãnh tụ kính yêu của người dân Lào như đồng chí Kayson Phonvihane, Hoàng thân Xouphanouvong… nên họ kính trọng và tôn thờ như nhau.

Những gì tôi chứng kiến ở Lào và những mối quan hệ hữu nghị ngày một gắn bó bền chặt Việt-Lào đang diễn ra trên khắp đất nước Lào như các công trình điện - đường - trường - trạm, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các bản làng, các dự án trồng cao su, cà phê của Việt Nam… đã chứng minh hùng hồn tình hữu nghị sâu đậm, lâu bền của hai đất nước Lào - Việt, hai quốc gia láng giềng, anh em đã từng đồng cam cộng khổ trong chiến tranh và hiện tại cùng kề vai sát cánh trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hòa bình, thống nhất. Mối quan hệ ấy là tình cảm tự nhiên, chân thành và sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hằng mong ước và dày đắp nên.

Nguyễn Tiến Dũng

Theo http://baogialai.com.vn/

Thu Hiền (st)

 

Bài viết khác: