Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là quan hệ đặc biệt. Mối quan hệ đặc biệt ấy phát triển từ quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong quá trình tìm đường cứu nước của mình, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến tình hình tại Lào. Người không chỉ lên án chế độ thực dân Pháp nói chung mà còn tố cáo cụ thể sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Lào. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập đã gây dựng được cơ sở tại Lào. Thông qua hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Lào, Nguyễn Ái Quốc thấy đây là điều kiện thuận lợi để người Việt Nam vừa tham gia cuộc vận động cứu nước tại Lào, vừa sát cánh cùng nhân dân Lào xây dựng mối quan hệ đoàn kết khăng khít giữa Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã lập Hội Ái hữu, Hội Việt kiều yêu nước, mở các lớp huấn luyện cách mạng trên đất Lào.

Trên thực tế, từ nửa sau những năm 20 thế kỷ XX, Lào là một đầu cầu trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc vào Đông Dương. Năm 1928, đích thân Người bí mật tổ chức khảo sát thực địa tại Lào càng cho thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Cũng trong năm này, Chi bộ Thanh niên cộng sản đầu tiên được thành lập tại Viêng Chăn, đồng thời đường dây liên lạc giữa nhiều thị trấn ở Lào với Việt Nam được tổ chức.

Chu tich HCM nguoi dat nen mong

Hướng dẫn nông dân nước bạn Lào thu hoạch lúa - Ảnh: Tư liệu

Như vậy, Lào trở thành địa bàn đầu tiên trên hành trình trở về Đông Dương của Nguyễn Ái Quốc, nơi bổ sung những cơ sở thực tiễn mới cho công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức của Người về phong trào giải phóng dân tộc ở ba nước Đông Dương. Quá trình Nguyễn Ái quốc đặt nền móng cho quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam báo hiệu bước ngoặt lịch sử trọng đại sắp tới của cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng Lào.

Trong suốt quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương còn đề ra những chủ trương và giải pháp cụ thể chỉ đạo các cấp bộ đảng và phong trào cách mạng Đông Dương cũng như tăng cường mối quan hệ mật thiết, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc Việt Nam và Lào trên hành trình đấu tranh giành tự do, độc lập cho mỗi dân tộc.

Điều này thêm một lần nữa khẳng định quá trình chuẩn bị công phu về mọi mặt chính trị, tư tưởng, và tổ chức cho cách mạng Việt Nam, đồng thời với việc quan tâm xây dựng nhân tố bên trong cho cách mạng Lào, cả về phương diện tổ chức lẫn chỉ đạo thực tiễn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thật sự tạo ra nền tảng hoàn toàn mới về chất cho lớp người cộng sản Đông Dương đầu tiên, bất luận họ là người Việt Nam, người Lào, hay là người Campuchia. Đây chính là nền móng vững chắc của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc là kiến trúc sư vĩ đại của tình đoàn kết đặc biệt đó.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Xuphanuvông đến Hà Nội. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng.

Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và Lào bước sang trang mới: Từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra như vũ bão, đẩy nhanh xu thế quốc tế hoá, toàn cầu hoá trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Do đó, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và Lào, đều có cơ hội và điều kiện thu hút vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý, sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, xây dựng đất nước…

Đặc biệt, từ ngày 15 đến ngày 18/7/1977, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức Lào. Hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế quan trọng mà hai bên cùng quan tâm, cũng như các vấn đề nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng thiết tha và lợi ích sống còn của hai dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày 18/7/1977, hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước.

Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm đã có trên 30 đoàn từ cấp trung ương đến cấp tỉnh sang trao đổi với nhau những kinh nghiệm về giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, về công tác tư tưởng, lý luận, công tác dân vận. Quan hệ giữa các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là các tỉnh biên giới kết nghĩa đều có những trao đổi hợp tác và mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu với nội dung thiết thực và có hiệu quả./.


                                    
Theo Báo Quảng Trị online

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: