Hồ Chí Minh là một nhà thơ, nhà cách mạng yêu nước vĩ đại. Là người thầy giáo nghiêm khắc với lời dạy bảo các học trò phải nhớ đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Đạo đức cách mạng phải rèn luyện suốt đời, không được phút giây lơi lỏng.

Nhà thơ yêu nước vĩ đại

Lần đầu tiên tôi được nghe về Cụ Hồ là qua những câu chuyện kể của bà nội. Lâu thật lâu nội mới có dịp từ dưới quê Bến Tre lên Sài Gòn thăm con cháu. Sau này, tôi mới biết đất vườn nhà nội ở ngay trong vùng giải phóng; các cô, chú, bác tôi đều tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hồi ấy là những năm 60 của thế kỷ trước, chiến tranh còn khốc liệt, đường phố Sài Gòn đầy lính Mỹ. Những lần có nội lên thăm, căn nhà chúng tôi vui lên hẳn. Tôi mong trời mau tối để cùng mấy đứa em xúm xít quanh nội, vừa được ngậm kẹo dừa Bến Tre, vừa được nghe nội kể chuyện đời xưa và chuyện Cụ Hồ.

Tôi tò mò không hiểu sao cứ mỗi lần kể đến chuyện Cụ Hồ là giọng của nội tôi lại hạ thấp xuống như sợ nhà kế bên nghe thấy. Hồi ấy, trong trái tim của tôi Cụ Hồ giống như một vị Tiên Ông cứu nhân độ thế đầy phép màu:

“Thằng Tây có trăm máy bay

Cũng không bằng cái móng tay Cụ Hồ”.

Năm 1969, khi tôi vừa học xong tiểu học không bao lâu thì nghe tin Cụ Hồ mất. Nhìn nội lấy khăn lau nước mắt, tôi buồn theo nội nhưng trong lòng thắc mắc không hiểu sao nội lại thương Cụ Hồ nhiều như vậy.

Rồi thời gian trôi qua, mùa Xuân năm 1975 và ngày 30-4 lịch sử trọng đại đã đến với cả dân tộc Việt Nam. Đường phố Sài Gòn không còn bóng lính Mỹ, rất đông người dân thành phố xuống đường chào đón quân giải phóng. Nhà tôi và tất cả các nhà trong xóm đều treo cờ giải phóng và đặt ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nơi trang trọng nhất. Đây là lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng gương mặt thật phúc hậu của Người.

Và chính qua tập thơ Nhật ký trong tù mà tôi được một chị nữ sinh Gia Long cho mượn, tôi biết được hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thiêng liêng là một nhà thơ yêu nước, một nhà cách mạng vĩ đại. Bác Hồ không nhận mình là nhà thơ, nhưng vì làm cách mạng mà có lúc phải làm thơ.

Vào tháng 8-1942, trên đường đi công tác ở Trung Quốc, Bác Hồ bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi qua hơn 30 nhà tù thuộc tỉnh Quảng Tây. Suốt 13 tháng tù đày, trong cái địa ngục trần gian cái sống gần bên cái chết mà Bác Hồ vẫn ung dung tự tại viết đến 134 bài thơ bằng chữ Hán hết sức chỉn chu, xuất sắc. Nếu ai đã từng trong đời có sáng tác ít nhất một bài thơ trọn vẹn sẽ dễ nhận ra rằng: Nếu một người không yêu thơ, không biết làm thơ, không là nhà thơ yêu nước nồng nàn thì không thể làm được như Bác.

bac-ho-ton-tho-trong-tam
Đồng chí Thanh Tùng nhận giải thưởng cuộc thi “Bác Hồ trong trái tim tôi”.

Bác Hồ vĩ đại nhưng rất gần gũi

Nhiều năm qua, càng nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi càng nhận ra rằng những gì tôi hiểu về Bác Hồ chỉ là một góc nhỏ, rất nhỏ trong cả tấm chân dung vô cùng vĩ đại của con người vĩ đại Hồ Chí Minh. Tôi mới hiểu vì sao ngày xưa giữa lòng Sài Gòn đầy bóng giặc, có những bà mẹ miền Nam như bà nội tôi đã khóc thầm nhiều lần khi báo tin Cụ Hồ mất.

Nhớ lại cách nay 25 năm, nhân dịp Sinh nhật lần thứ 100 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi may mắn được chọn vào Đoàn đại biểu thanh niên tiên tiến của TPHCM ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Lần đầu được đến Thủ đô, được thăm Nhà sàn của Bác, được ngồi dưới gốc cây vú sữa miền Nam nghe chú Vũ Kỳ kể chuyện về Bác. Và nhất là được chiêm ngưỡng Bác Hồ đang nằm ngủ hiền, đẹp như một tiên ông, tôi xúc động viết một bài hát lấy tên Hát mừng Sinh nhật Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ khi làm lễ dâng hoa lên Bác, tất cả 27 thành viên trong Đoàn chúng tôi đã siết chặt tay xin thề ba lần sẽ trọn đời đi theo con đường Bác chọn.

Từ đó đến nay đã hơn hai thập niên trôi qua. Trong cuộc đời riêng của mỗi một con người không biết bao nhiêu là sóng gió, thăng trầm… Sau những nỗi lo toan bề bộn của đời thường, đôi khi tôi ngồi một mình để cảm nhận được tận trong sâu thẳm trái tim mình đã lắng đọng kết tinh từ lúc nào không biết một hình ảnh có thật từ “Cụ Hồ tiên ông thời ký ức tuổi thơ”, từ “Hồ Chí Minh nhà thơ yêu nước vĩ đại” và từ “Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng dân tộc của ngày Việt Nam toàn thắng”. Hình ảnh Bác Hồ kết tinh trong tim đó đã, đang và sẽ đi theo tôi suốt cả cuộc đời. Động viên, an ủi mỗi khi tôi gặp khó khăn, thúc đẩy tôi phấn đấu học tập vươn lên, giúp tôi vượt qua muôn ngàn thử thách, cám dỗ,… để giữ trọn lời thề sắt son trước Đảng.

Tôi tâm niệm, tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là tài sản chung của Đảng Cộng sản Việt Nam, của dân tộc Việt Nam và của cả nhân loại. Nhưng cũng sẽ là tài sản riêng vô cùng quý báu dành cho những ai có chứa đựng trong tim hình ảnh của Người. Để rồi ai cũng có thể nhìn thấy Bác Hồ vừa vĩ đại, nhưng cũng vừa hết sức gần gũi.

Ngoài kia nhiều công trình mới đang mở ra và lớn lên từng ngày để kỷ niệm 125 năm ngày sinh của

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bất chợt nhìn lên bầu trời thành phố mang tên Bác hôm nay thật trong xanh, tôi lại nhớ đến câu ca dao ngày xưa nội kể:

“Tháp Mười đẹp nhứt bông sen

Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ

Bông sen thì để lễ chùa

Cụ Hồ thì để tôn thờ trong tâm”...

Nguyễn Thanh Tùng

(Chi bộ Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM)

THÁI PHƯƠNG lược ghi

Theo Báo Sài Gòn giải phóng

Khúc Thị Lan Hương (st)

Bài viết khác: