Theo Tạp chí Trí thức và Phát triển - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội,  Bộ Sách điện tử Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị – Trang http://uongnuocnhonguon.vn)

Đợt 3: Đánh bại đợt tiến công đầu tiên của sư đoàn lính thủy đánh bộ vào thị xã.

Địch phải chuyển từ tiến công ồ ạt sang “lấn dũi” (28 tháng 7 - 10 tháng 8 năm 1972). Ngày 27 tháng 7 năm 1972, theo chỉ thị của Tư lệnh Quân khu 1 - Quân đoàn 1, sư đoàn lính thủy đánh bộ của địch vào thay sư đoàn dù tiếp tục đánh chiếm thị xã Quảng Trị; rút Lữ đoàn dù 2 ra củng cố và chuyển sư đoàn dù phụ trách hướng tây nam thị xã. Với ý đồ muốn làm được ngay một việc mà cả tháng trước chúng không làm nổi, Sư đoàn trưởng Sư đoàn lính thủy đánh bộ hạ lệnh cho Lữ đoàn 258 triển khai lực lượng trực tiếp tiến công vào thị xã. Lữ đoàn 258 bố trí tiểu đoàn 3 ở Tri Bưu, Hành Hoa; Tiểu đoàn 5 ở Đệ Ngũ Đông (sau đó Tiểu đoàn 6 vào thay); Tiểu đoàn 9 ở đầu cầu sắt; Tiểu đoàn 2 ở An Tiêm, Nại Cửu. Ngày 27 tháng 7, chúng lấn chiếm Chợ Sãi (mỗi tiểu đoàn lính thủy đánh bộ có 600 tên). Chúng đưa các trận địa pháo lên Ngô Xá, Tam Hữu (đường 68) và La Vang Hữu để chi viện trực tiếp cho bộ binh. Cách đánh của lính thủy đánh bộ khác với quân dù, chúng dùng hỏa lực đánh mạnh trước, dùng xung lực lấn dũi từng bước, củng cố chắc bàn đạp chiếm được, làm hầm, đắp bao cát, đưa xe tăng vào gần chốt chi viện trực tiếp cho bộ binh đánh lên. Để tiếp sức cho sư đoàn lính thủy đánh bộ, địch thành lập thêm chiến đoàn 4 (gồm 1 trung đoàn bộ binh và 1 trung đoàn xe tăng, thiết giáp) đảm nhiệm phòng giữ phía sau cho sư đoàn lính thủy đánh bộ. Đồng thời sư đoàn dù cho Lữ đoàn 1 tiến công vào La Vang, Tích Tường, Như Lệ ở nam thị xã để phối hợp với sư đoàn lính thủy đánh bộ chiếm thị xã. Tiếp tế của  địch đều từ cửa Thuận An và căn cứ Phú Bài ra, chủ yếu vận chuyển bằng ô tô trên đường Quốc lộ 1 và đường 68.

Những cơn mưa bão đầu mùa diễn ra từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 2 tháng  đã gây nhiều khó khăn cho ta, càng làm cho lực lượng của sư đoàn lính thủy đánh bộ tin rằng với biện pháp dùng hỏa lực mạnh, chế áp hoàn toàn trận địa đối phương, vây chặt vòng ngoài, tập trung lực lượng đánh chiếm thị xã, chúng sẽ hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch đã định: Ngày 6 tháng 8 chiếm được Thành cổ, đêm 7 tháng 8 hai hướng đông và tây gặp nhau, tổ chức chào cờ trong Thành cổ Quảng Trị.

Trong thời gian này, địa hình thị xã sau nhiều đợt đánh phá của địch đã thay đổi nhiều, nhà cửa, cây cối bị sập đổ hết và nát vụn, không còn một nhà cao hoặc chỗ cao nào để đặt đài quan sát (phía địch vẫn còn). Vật liệu làm công sự hầm hào cũng rất khó khăn, cơn mưa bão từ 28 tháng 7 đến 2 tháng 8 làm nước sông Thạch Hãn dâng cao, chảy xiết, đất thấm nước, hầm hào sụt lở, bộ đội ngâm mình trong nước suốt ngày đêm, không nấu ăn được, tiếp tế qua sông rất khó khăn. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng kịp thời họp rút kinh nghiệm chiến đấu đợt 2 và đề ra chủ trương.

- Động viên toàn đơn vị phát huy thắng lợi vừa qua, kiên quyết đánh bại các đợt tiến công của sư đoàn lính thủy đánh bộ ngụy. Tranh thủ đưa dần các đơn vị đã chiến đấu dài ngày luân phiên ra củng cố, để có lực lượng đánh lâu dài, liên tục.

- Tạo điều kiện tổ chức các trận đánh quy mô từ 1 tiểu đoàn đến 2 tiểu đoàn, lấy hướng Đệ Ngũ, Tri Bưu là hướng chủ yếu; kiên quyết ngăn chặn địch trước trận địa, đồng thời liên tục tiến công, phản kích diệt gọn từng trung đội, đại đội địch để giữ vững trận địa.

- Bổ sung thêm đạn, gạo dự trữ; bố trí lại hỏa lực, lực lượng, củng cố công sự trận địa, phát triển giao thông hào; có lực lượng đánh chặn địch, có lực lượng dự bị.

- Khắc phục khó khăn, tranh thủ huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cho anh em mới bổ sung, nhất là kỹ thuật sử dụng các loại vũ khí bộ binh của ta và của địch như B40, B41, M79, v.v...

- Tăng cường cán bộ xuống cơ sở để tổ chức, chỉ huy chiến đấu.

Lực lượng trong thị xã của ta thời gian này có các Trung đoàn bộ binh 48, 95; các Tiểu đoàn bộ binh 3, 8 địa phương Quảng Trị, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64, một số phân đội hỏa lực, công binh, thông tin; bố trí như sau: Ở hướng bắc Thành cổ có Tiểu đoàn bộ binh 9 Trung đoàn 64, Tiểu đoàn bộ binh 2 Trung đoàn 48, Đại đội bộ binh 45 tiểu đoàn địa phương tỉnh Quảng Bình. Hướng đông bắc Tri Bưu có các đơn vị của Tiểu đoàn bộ binh 6 Trung đoàn 95, từ ngày 2 tháng 8 trở đi có thêm Tiểu đoàn bộ binh 1 Trung đoàn 48 trở lại chiến đấu trong thị xã. Hướng đông nam có Tiểu đoàn bộ binh 4 Trung đoàn 95. Hướng nam (khu Đệ Ngũ) có Tiểu đoàn 8 địa phương tỉnh Quảng Trị. Hướng tây nam và trong Thành cổ có Tiểu đoàn bộ binh 3 địa phương tỉnh Quảng Trị. Tiểu đoàn bộ binh 5 Trung đoàn 95 bố trí ở tây bắc thành làm nhiệm vụ cơ động, 2 tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 88 bố trí ở khu vực trường Bồ Đề, ty công chính và nam làng Đệ Ngũ (phía tây nam thị xã), quân số Tiểu đoàn 2 còn 80 người. Quân số các Tiểu đoàn 5, 6 của Trung đoàn 95 có từ 200 đến 300 người, còn các tiểu đoàn khác mỗi đại đội chỉ còn từ 10 đến 30 người. Từ ngày 27 tháng 7 đến 1 tháng 8, lần lượt các đại đội hỏa lực của Trung đoàn bộ binh 95 và một số phân đội tên lửa chống tăng B72 của Sư đoàn 325 vào bố trí ở góc đông bắc và đông nam Thành cổ, thay cho các đại đội hỏa lực của Trung đoàn bộ binh 48 ra củng cố. Sau ngày 28 tháng 7, Sư đoàn 320B tăng cường 1 đại đội công binh công trình vào thay cho đại đội công binh của Trung đoàn công binh 299 ra phía sau củng cố; Đại đội đặc công 61 Tiểu đoàn 35 mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5) được tăng cường vào chiến đấu và ngày 3 tháng 8, Sư đoàn 325 tăng cường cho thị xã 1 đại đội công binh vào phục vụ ở Sở chỉ huy và đưa một số phân đội tên lửa chống tăng B72 vào bổ sung cho lực lượng chiến đấu trong thị xã. Cũng trong thời gian này, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương tiến hành đợt phản kích thứ 3 vào lực lượng tiến công mới của địch, với ý định diệt cho được 1 tiểu đoàn địch, lấy lại khu vực phía nam thị xã.

Ngày 27 tháng 7, để bao vây và cắt đứt đường tiếp tế của ta vào thị xã từ hướng bắc; tiểu đoàn 2 lính thủy đánh bộ tiến công chiếm Chợ Sãi, cắt đứt đường 64 và chặn đường vận chuyển từ sông Thạch Hãn. Ngày 28 tháng 7, với lối tiến công “bài bản”, chúng sử dụng hỏa lực bắn dồn dập, mãnh liệt vào trong Thành cổ và các trận địa của ta ở phía nam thị xã trong 2 giờ liền. Sau đó, tiểu đoàn 5 lính thủy đánh bộ chia làm 3 mũi có xe tăng chi viện tiến công vào Đệ Ngũ Đông, bị Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị tập trung bắn khoảng 500 quả đạn cối 82mm vào đội hình địch, tiêu diệt 55 tên, bẻ gãy đợt tiến công đầu tiên của lính thủy đánh bộ vào thị xã.

Ngày 29 tháng 7, cơn bão đầu mùa đổ vào Quảng Trị gây mưa lớn, thị xã ở thấp, nước sông Thạch Hãn dâng cao, chảy xiết, hầm hào công sự ngập nước, sụt lở. Địch cho đây là thời cơ để mở đợt tập kích hỏa lực vào trận địa ta, trong khi ta đang tập trung lực lượng khắc phục hậu quả của trận lụt, địch tập trung bom pháo tiến hành trận “phóng lôi”, đánh phá ác liệt vào tất cả các trận địa của ta trong thị xã với đủ các loại bom đạn, nhiều nhất vẫn là bom phá, bom khoan, pháo chụp do các loại máy bay và pháo hạm tiến hành. Riêng trong 2 ngày 30 và 31 tháng 7, trong khi thị xã vẫn còn mưa bão, địch bắn phá liên tục 48 giờ liền, bắn tới 36.000 quả đạn với ý định hủy diệt hoàn toàn mọi sự sống trong Thành cổ.

7 giờ ngày 3 tháng 8, mưa bão đã tạnh hẳn, Lữ đoàn 258 cho 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ có xe tăng chi viện tiến công vào làng Đệ Ngũ Đông. Các lực lượng của Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị, Đại đội bộ binh 9 Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 đã phối hợp chặt chẽ với pháo binh của cấp trên, vừa chiến đấu ngăn chặn địch quyết liệt, vừa xuất kích nhỏ đánh vào cạnh sườn khiến chúng phải co lại. Do địch tiến công mạnh, hầm hào sụt lở nên hướng phòng ngự của Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị ở trục đường tây Thạch Hãn đã bị mất 5 trận địa chốt; ta thương vong khá nặng, địch tranh thủ thời cơ tiến công chiếm được làng Đệ Ngũ Đông và có mũi tiến ra hướng cầu sắt Quảng Trị.

Rạng sáng ngày 4 tháng 8, trinh sát của ta phát hiện địch bí mật đưa 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ vào hướng làng Hành Hoa và làng Tri Bưu phía đông bắc Thành cổ. Tiểu đoàn 3 của địch men theo bờ nam sông Vĩnh Định vào triển khai ở làng Hành Hoa, bãi tha ma phía nam làng giáp với trận địa chốt của ta. Sở chỉ huy của chúng bố trí ở khu vực nhà thờ nhỏ (khu nhà thờ nhỏ địch mới chiếm ngày 2 tháng 8 do sơ suất của Tiểu đoàn bộ binh 6 Trung đoàn 95). Một tiểu đoàn khác của địch (có thể là tiểu đoàn 6 lính thủy đánh bộ) có xe tăng đi cùng từ Quy Thiện sang Tri Bưu. Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ nhận định: Địch chuẩn bị tiến công ta trên 2 hướng đông bắc và đông nam; trên hướng đông bắc quân địch tuy đông nhưng mới đến, phòng ngự còn lỏng lẻo, hệ thống công sự còn sơ sài, tinh thần binh lính căng thẳng, lo sợ. Ban Chỉ huy chủ trương ngăn chặn địch ở hướng đông nam và nam thị xã, tập trung diệt địch ở hướng đông bắc là Hành Hoa và Tri Bưu bằng tập kích, đây là biện pháp tích cực nhằm phá vỡ tiến công của địch; đồng thời phối hợp với các lực lượng vòng ngoài của chiến dịch đang triển khai đòn phản kích thứ 3.

Để đảm bảo vừa có lực lượng tập kích, vừa sẵn sàng đánh địch tiến công, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ quyết định sử dụng các đơn vị phía trước sẵn sàng đánh bại các đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa, sẵn sàng chi viện cho lực lượng tập kích khi có lệnh. Sử dụng lực lượng dự bị của các tiểu đoàn, có trang bị gọn nhẹ (AK, B40, B41, lựu đạn, thủ pháo) tiến hành tập kích tiêu diệt địch ở Tri Bưu và Hành Hoa. Để thực hiện quyết tâm trên, nhiệm vụ cụ thể được giao cho các đơn vị: Trên hướng chủ yếu sử dụng Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và Đại đội 7 Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 đánh địch ở làng Hành Hoa. Trên hướng thứ yếu do Đại đội 1 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 (tiểu đoàn này sau khi ra củng cố mới được điều vào thị xã ngày 2 tháng 8) diệt địch ở Tri Bưu. Hướng phối hợp sử dụng Đại đội 10 Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 tiến công tiêu diệt địch phía bắc nhà thờ nhỏ ở làng Hành Hoa và đánh địch rút chạy hoặc tăng viện từ hướng bờ nam sông Vĩnh Định tới. Tổ chức chốt giữ mục tiêu đã chiếm được do Tiểu đoàn bộ binh 2 đảm nhiệm, sau đó bàn giao cho Đại đội bộ binh 10 Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 chốt giữ khu vực Hành Hoa, Đại đội 1 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 chốt giữ khu vực Tri Bưu. Các hướng tập kích đều do cán bộ tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy; Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ phân công một đồng chí chỉ huy phó trực tiếp chỉ huy trận tập kích. Việc bám nắm địch do trinh sát của Trung đoàn 48 và các lực lượng đang chốt giữ phía trước của các tiểu đoàn đảm nhiệm.

QT phan 3 anh 1
Đưa bộ đội qua sông Thạch Hãn Ảnh: Đoàn Công Tính

Triển khai kế hoạch trên, 12 giờ ngày 4 tháng 8, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ tổ chức hiệp đồng với pháo binh mặt trận và pháo binh của Sư đoàn 325; 16 giờ ngày 4 tháng 8, tiến hành trinh sát trận địa; 24 giờ ngày 4 tháng 8, mọi công tác chuẩn bị xong; 3 giờ ngày 5 tháng 8, các đơn vị tập kích chiếm lĩnh trận địa; 5 giờ nổ súng tiến công địch. Thực hiện đúng kế hoạch chuẩn bị chiến đấu, 4 giờ 30 phút ngày 5 tháng 8, các đơn vị cơ động chiếm lĩnh đúng các vị trí quy định; cùng thời gian bộ đội cơ động chiếm lĩnh trận địa, pháo binh chiến dịch bắn cầm canh (một hoạt động như các đêm khác) khống chế đoạn đường 68 đi Quy Thiện và kiềm chế các trận địa pháo địch. Trước giờ nổ súng, lúc 4 giờ 45 phút pháo địch ở các nơi đột nhiên đồng loạt bắn với mật độ rất cao vào Thành cổ và các trận địa chốt của ta ở vòng ngoài. Năm phút sau, pháo địch ngừng bắn nhưng bộ binh địch vẫn im lặng. Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ nhận định đây là đợt tập kích hỏa lực của địch, vừa để đánh lạc hướng, vừa gây khó khăn cho ta, vừa để chi viện cho chúng chuẩn bị triển khai tiến công, do đó quyết tâm chiến đấu của các đơn vị ta không thay đổi.

4 giờ 53 phút ngày 5 tháng 8, được lệnh nổ súng, pháo binh cấp trên bắn chế áp các trận địa pháo địch ở Quy Thiện, Mỹ Khê, Gia Đằng, khu nhà thờ lớn Tri Bưu và khống chế đoạn đường 68 đi Quy Thiện. Súng cối của trung đoàn và các tiểu đoàn tập trung chế áp các mục tiêu của địch ở các làng Hành Hoa và Tri Bưu. Các loại hỏa lực ĐKZ, B40, B41, trung liên, đại liên của các đơn vị chốt gần địch đồng loạt chế áp các mục tiêu trước trận địa. Trên các hướng, bộ binh vận động tiếp cận mục tiêu. Đúng 5 giờ, pháo binh chuyển làn, bộ binh trên các hướng đồng loạt xung phong.

Trên hướng chủ yếu, địch bị bất ngờ, lúng túng, chúng co lại lợi dụng địa hình có lợi, phối hợp cùng xe tăng chặn các mũi tiến công của ta và tổ chức phản kích, Đại đội bộ binh 6 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và Đại đội bộ binh 7 Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 tổ chức các mũi thọc sâu, chia cắt, dùng hỏa lực tiêu diệt các ổ đề kháng của địch, áp sát vào vị trí chỉ huy tiểu đoàn địch ở nhà thờ nhỏ làng Hành Hoa. Sau 30 phút chiến đấu, Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 đã chiếm được nhà thờ nhỏ Hành Hoa, địch tháo chạy để lại 50 xác chết. Trên hướng phối hợp Đại đội 10 Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 phát hiện địch co cụm từ bãi tha ma đến phía bắc làng Hành Hoa, ngay lập tức, ta tổ chức tiến công, quân địch hốt hoảng tháo chạy khỏi làng Hành Hoa. Sau khi chiếm được làng Hành Hoa, Đại đội 10 tiến hành bố trí đội hình chốt giữ, sẵn sàng đánh địch phản kích.

Trên hướng thứ yếu, Đại đội bộ binh 1 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 hiệp đồng với một mũi của Đại đội bộ binh 7 Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 đánh địch nhưng chậm phát triển vào làng Tri Bưu, để địch co cụm về khu nhà đổ kết hợp cùng xe tăng ngăn chặn ta. Các mũi tiến công của ta đã kiên quyết thọc sâu, chia cắt địch ra từng tốp nhỏ để tiêu diệt, 2 chiến sĩ B40 của Đại đội 7 Tiểu đoàn 5 bắn cháy 2 xe tăng địch; bị mất chỗ dựa là xe tăng, số địch còn lại hốt hoảng tháo chạy về cố thủ ở khu vực nhà thờ Tri Bưu; ta chiếm lại khu nhà tôn và tổ chức trận địa chốt giữ khu vực đã chiếm. 5 giờ 30 phút ngày 5 tháng 8, các hướng tạm dừng phát triển, chỉ dùng pháo cối để truy kích địch; Đại đội 10 Tiểu đoàn 9 và Đại đội 1 Tiểu đoàn 1 tổ chức trận địa chốt giữ các khu vực đã chiếm được. Các lực lượng khác được lệnh cơ động về các trận địa chốt trên các hướng được phân công để sẵn sàng đánh địch tiến công.

Sau 40 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt 1 đại đội, đánh thiệt hại nặng 3 đại đội khác; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 tên địch, bắn cháy 5 xe tăng, bắt 2 tên; thu 4 máy vô tuyến điện, 70 khẩu súng các loại và hàng ngàn viên đạn. Ta hy sinh 1, bị thương 7 người; sau trận chiến đấu, Tiểu đoàn bộ binh 2 Trung đoàn 48 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Trận tập kích đã tạo điều kiện cho ta mở rộng địa bàn, cải thiện thế trận phòng ngự, đánh bại ý định tiến công vào Thành cổ trong ngày 5 tháng 8 của lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ.

Đêm 5 tháng 8, tranh thủ lúc lực lượng lính thủy đánh bộ ở hướng đông bắc bị thiệt hại nặng không tiến công được, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị và Tiểu đoàn bộ binh 4 Trung đoàn 95 hiệp đồng cùng thời gian tập kích quân địch ở khu vực ngã tư quốc lộ số 1, nam làng Thạch Hãn, khu vực chùa Bà Năm, tiêu diệt đại bộ phận sinh lực địch ở đây, chiếm lại trận địa, tổ chức chốt giữ, cải thiện đáng kể thế trận phòng ngự của ta tại phía nam và đông nam thị xã.

Cùng thời gian này, theo nhiệm vụ được phân công, các đơn vị vòng ngoài đều tiến hành phản kích đánh địch theo kế hoạch và ý định của Bộ chỉ huy mặt trận. Trên hướng tây nam thị xã, Sư đoàn 308 sử dụng các trung đoàn 36, 102 và 165 Sư đoàn 312 được Mặt trận tăng cường, tiến công lữ đoàn dù 1 từ khu vực Tích Tường – Như Lệ đến điểm cao 105B; 17 giờ ngày 7 tháng 8, quân ta nổ súng tiêu diệt 1 đại đội địch ở Như Lệ, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội khác của chúng, chiếm lại khu vực Tích Tường - Như Lệ, điểm cao 105B. Riêng Trung đoàn 88 đánh chiếm ngã ba Thạch Hãn, truy kích địch đến khu vực bệnh viện thị xã, tại đây quân địch co cụm, sử dụng phi pháo bắn chặn ta quyết liệt và tổ chức phản kích; Trung đoàn 88 đã phải chốt giữ trận địa và quần nhau với lính thủy đánh bộ một ngày nhưng lực lượng ta bị thương vong lớn, nên đến đêm ta phải rút về trận địa phía sau. Trên cánh Đông, Trung đoàn 27 và Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 phối thuộc với Sư đoàn 320B, tiến công liên tục vào các tiểu đoàn lính thủy đánh bộ của địch ở khu vực Nại Cửu, An Tiêm, Chợ Sãi; tuy không đánh bật được địch ra khỏi các khu vực, nhưng buộc chúng phải liên tục đối phó, không tập trung được lực lượng uy hiếp ta ở hướng bắc thị xã.

Bị các trận địa chốt của ta chặn lại, quân địch không thực hiện được ý định “chào cờ” trong Thành cổ, ngày 7 tháng 8, sư đoàn trưởng sư đoàn lính thủy đánh bộ Bùi Thế Lân xin cấp trên đánh hủy diệt các trận địa phòng ngự của ta để mở đường cho quân bộ vào Thành. Đáp ứng yêu cầu của Bùi Thế Lân, địch tập trung các loại máy bay của Mỹ giội bom xuống các mục tiêu trong thị xã Quảng Trị, kết hợp với pháo binh bắn phá mãnh liệt vào Thành cổ và các trận địa của ta. Lợi dụng kết quả công phá của hỏa lực và sau khi đã ngăn chặn, làm giảm áp lực tiến công của ta ở vòng ngoài, ngày 9 tháng 8, sư đoàn trưởng sư đoàn lính thủy đánh bộ ra lệnh tiến công trên cả 3 hướng vào thị xã; hướng chủ yếu là nam và tây nam. Cả ngày 9 tháng 8, một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ cùng hàng chục xe tăng tiến công vào trận địa của Tiểu đoàn bộ binh 4 Trung đoàn 95 đông nam thị xã. Lực lượng chủ yếu của chúng tập trung tiến công vào chốt của Đại đội bộ binh 3 Tiểu đoàn 4 ở ngã tư quốc lộ số 1, làng Thạch Hãn hòng nối với lực lượng của chúng ở Đệ Ngũ Đông. Tại đây, 20 tay súng của Đại đội 3 đã ngoan cường chiến đấu suốt một ngày, ngăn chặn các đợt tiến công của địch, số thương vong của ta tăng cao, các chiến sĩ còn lại đều bị thương từ 1 đến 4 lần nhưng với tinh thần còn người còn trận địa, đại đội đã kiên quyết giữ vững chốt đến cùng.

Cũng trong ngày 9 tháng 8, địch tiến công liên tục vào hướng tây nam thị xã thuộc phạm vi phòng giữ của các tiểu đoàn 5 và 6 Trung đoàn 88. Chúng sử dụng 2 tiểu đoàn bộ binh cùng xe tăng của thiết đoàn 18 tiến công vào khu vực trận địa của Tiểu đoàn 5 (Tiểu đoàn 5 chỉ còn 50 tay súng) ở làng Đệ Ngũ, trường Bồ Đề và khu vực trận địa của Tiểu đoàn bộ binh 6 (Tiểu đoàn 6 chỉ còn 56 tay súng) ở khu vực ngã ba đường sắt và cầu sắt. Do có dự kiến và chuẩn bị từ trước của trung đoàn, sư đoàn, nên các lực lượng chốt đã được hỏa lực của trên chi viện, đánh bại nhiều đợt tiến công của địch. Tại làng Đệ Ngũ, tiểu đoàn 5 lính thủy đánh bộ chia làm 3 mũi, bao vây Tiểu đoàn bộ binh 5 của ta ở trong làng. Bộ đội ta bình tĩnh, bí mật chờ địch đến gần, bất ngờ đồng loạt nổ súng; những tên địch đi đầu gục ngã trước công sự của ta chưa đầy 30m. Ngay lúc đó, cối 82mm và 12,7mm của tiểu đoàn ở bắc làng Đệ Ngũ bắn vào đội hình phía sau của địch ở khu vực bãi xe đổ; địch rối loạn, dừng lại củng cố; suốt từ đó đến chiều chúng nhiều lần tổ chức tiến công, nhưng chỉ vào đến bìa làng là bị đánh bật ra; 18 giờ chúng phải khiêng xác đồng bọn và những tên bị thương rút lui.

Trên hướng ngã ba đường sắt, là hướng phòng ngự chủ yếu của Trung đoàn 88, do Tiểu đoàn bộ binh 6 đảm nhiệm. Các đại đội được bố trí theo thế chân kiềng, thành 3 chốt từ ngã ba đường sắt kéo dài tới cầu sắt. Địch lợi dụng trục đường 1 rải nhựa, rộng và trống trải, chúng dùng xe tăng dẫn bộ binh tiến công liên tục vào các chốt của ta; tới 14 giờ chiều chúng tiến công 5 đợt nhưng đều bị đẩy lui. Mãi đến 15 giờ, địch tăng cường 5 xe tăng M48 và tập trung bộ binh mới đẩy được Đại đội bộ binh 9 của ta và chiếm được ngã ba đường sắt. Mất ngã ba đường sắt, các điểm chốt còn lại của Tiểu đoàn 6 bị uy hiếp nghiêm trọng. Trung đoàn lập tức lệnh cho Đại đội 10 Tiểu đoàn 6 cùng các lực lượng còn lại của Đại đội 9 tập trung phản kích. Được pháo của sư đoàn và pháo chiến dịch chi viện, Đại đội 10 và Đại đội 9 thành 3 mũi đánh thẳng vào ngã ba đường sắt; quân địch chưa kịp ổn định thế đứng phải bỏ chạy, kết thúc các đợt tiến công của địch. Ngày 9 tháng 8, các tiểu đoàn 5, 6 Trung đoàn 88 được hỏa lực cấp trên chi viện, đã tiêu diệt khoảng 150 tên địch, bắn cháy 9 xe tăng, thiết giáp của chúng (trong đó tên lửa chống tăng B72 diệt 6 xe), giữ vững trận địa trên hướng tây nam thị xã.

Bị ngăn chặn ở ngã ba đường 1, ngày 10 tháng 8, tiểu đoàn 9 lính thủy đánh bộ từ bàn đạp phía nam thị xã tập trung lực lượng đánh chiếm khu vực ty y tế, bệnh viện, ty công chính; một mũi khác từ bàn đạp Đệ Ngũ Đông tiến công sang Đệ Ngũ Tây chiếm trường Bồ Đề. Các khu vực này do Trung đoàn 88 (thiếu) đảm nhiệm, nhưng lực lượng quá mỏng, hỏa lực ít nên bị địch đẩy lui dần. Sau khi địch chiếm được lợi thế ở hướng nam, tây nam thị xã (khoảng 12 giờ ngày 10 tháng 8), ta phán đoán địch sẽ tiếp tục tiến công từ hướng tây nam; nhưng thực tế địch lại dừng lại củng cố khu vực đã chiếm.

Một ý kiến trong Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ nêu: Tại sao thời gian còn sớm như vậy mà địch lại dừng tiến công? Một phân tích được đưa ra: “Hai bên quần nhau, cả hai cùng mệt nên dù không muốn cũng phải dừng lại củng cố để lấy lại sức”. Quả đúng như vậy, sau hơn 10 ngày vào thay thế quân dù, cả 5 tiểu đoàn của lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ đều bị tổn thất nặng, mỗi tiểu đoàn bị loại khỏi vòng chiến đấu từ 200 đến 250 tên; bị bắn cháy 15 xe tăng (có 9 chiếc do Trung đoàn 88 bắn cháy) và rơi 7 máy bay, tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ bị loại khỏi vòng chiến đấu phải về phía sau củng cố. Sau ngày 5 tháng 8, chúng đã phải dùng tiểu đoàn 6 là lực lượng dự bị của lữ đoàn, với quy mô nhỏ giọt, thiệt hại bao nhiêu bổ sung lên bấy nhiêu. Các đơn vị khác của sư đoàn lính thủy đánh bộ cũng đang phải căng ra ở cánh Đông và ven biển, hơn nữa với những đòn đánh phủ đầu của ta trong thị xã, tinh thần quân lính của lữ đoàn 258 bị giảm sút nghiêm trọng. Mặt khác sự thôi thúc theo yêu cầu ngoại giao ở Hội nghị Pari cũng không còn như hồi tháng 7 (tháng 8 năm 1972, cả hai bên không có kế hoạch gặp nhau ở Pari); từ tình hình trên, địch buộc phải có những tính toán mới, thủ đoạn chiến đấu mới.

Về ta, mặc dù địch đánh phá rất ác liệt, lại bị thời tiết mưa bão gây rất nhiều khó khăn, nhưng các lực lượng phòng giữ thị xã đã ngoan cường chiến đấu, ngăn chặn được nhiều đợt tiến công của địch. Với tư tưởng tích cực tiến công, chủ động bám địch, tổ chức các trận phản kích, tập kích đúng thời cơ và có hiệu suất cao; ta đã đẩy địch ra khỏi một số vị trí chúng chiếm được, cải thiện thế bố trí phòng thủ. Nhờ có các trận đánh phủ đầu, phối hợp chặt chẽ của các lực lượng phản kích ở vòng ngoài nên đã phá tan ý đồ “hội quân trong Thành cổ” đêm 7 tháng 8 của sư đoàn lính thủy đánh bộ.

Việc tổ chức chi viện và vận chuyển thương binh của Trung đoàn 48 và Sư đoàn 325 cũng có nhiều cố gắng; mặc dù có nhiều khó khăn do những cơn mưa bão đầu mùa và địch tăng cường thả bom từ trường, dùng hỏa lực khống chế bến vượt ở sông Thạch Hãn; đặc biệt sau ngày 27 tháng 7, chúng chốt giữ Chợ Sãi, án ngữ vận chuyển đường sông của ta thì việc tiếp tế cho lực lượng của 8 tiểu đoàn chiến đấu trong thị xã càng trở nên vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Từ ngày 31 tháng 7, Trung đoàn 48 đã tổ chức các chân hàng trung chuyển do Tham mưu phó trung đoàn chỉ huy để cùng các lực lượng vận tải của Sư đoàn 325 và các lực lượng địa phương như thanh niên, du kích, dân công hỏa tuyến các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, sẵn sàng vận chuyển bộ qua bến vượt Xuân An, chân cầu sắt vào thị xã khi đường sông bị tắc; đồng thời hiệp đồng với hỏa lực của Sư đoàn 325 ở Xuân An, với lực lượng chốt của Trung đoàn 27 ở khu vực Chợ Sãi chi viện đánh địch, bảo vệ từng chuyến hàng chở bằng thuyền máy ra vào thị xã. Đồng thời với những cố gắng điều hành của Bộ Tư lệnh chiến dịch, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325, các Sở Chỉ huy Trung đoàn 48, 95 ở phía sau nên đã bảo đảm lương thực, đạn dược tương đối đều, nhất là các loại đạn cho các đơn vị tác chiến liên tục ở trong Thành cổ.

Tuy nhiên, hoạt động tác chiến của đợt 3 vẫn bộc lộ những nhược điểm: Mỹ - ngụy đã huy động một lượng phi pháo rất lớn để chi viện cho sư đoàn lính thủy đánh bộ nhanh chóng đánh chiếm thị xã, nên lực lượng của ta bị tiêu hao nhanh. Nhưng việc bổ sung quân của ta lại chậm và thiếu, cả đợt 3 các đơn vị tác chiến trong thị xã chỉ được bổ sung 1 đại đội cho Tiểu đoàn 3 địa phương Quảng Trị, nên Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ không còn lực lượng dự bị. Lực lượng phản kích, nhất là lực lượng phản đột kích của chiến dịch ở vòng ngoài không đủ mạnh; tuy có tiêu hao được sinh lực địch nhưng không làm chủ được các khu vực đã chiếm, vì vậy thị xã vẫn bị địch bao vây và bị uy hiếp từ 3 mặt, trận địa phòng thủ của ta trong thị xã càng bị thu hẹp, nhiều nơi đã hình thành thế xen kẽ giữa ta và địch. Việc tổ chức chỉ huy các lực lượng thiếu tập trung, thống nhất nên phối hợp, hiệp đồng chiến đấu trong thị xã không chặt. Các đơn vị của Trung đoàn 88 chốt giữ phía tây nam thị xã do Sư đoàn 308 chỉ huy, nhưng Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ không có phương tiện thông tin, liên lạc với trung đoàn nên việc đánh hay rút của Trung đoàn 88 ở hướng này, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ chỉ nắm được qua các đài quan sát. Hoặc Trung đoàn 64 rút Tiểu đoàn bộ binh 9 ra, đưa Tiểu đoàn bộ binh 7 vào cũng không thông báo được cho Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ.

Đợt 4: Đánh bại thủ đoạn “lấn dũi” của sư đoàn lính thủy đánh bộ ngụy, cải thiện thế phòng thủ thị xã và Thành cổ (11 - 31 tháng 8 năm 1972).

Sau những đợt ồ ạt tiến công đầu tháng 8 vào thị xã bị thất bại nặng nề, sư đoàn lính thủy đánh bộ ngụy phải dừng lại xin bổ sung lực lượng, thực hiện thủ đoạn “lấn dũi” từng bước. Chuẩn bị cho đợt tiến công mới này, chúng tăng cường các loại máy bay, pháo lớn, pháo tàu biển ngày đêm giội bom đạn xuống thị xã Quảng Trị. Từ giữa tháng 8 trở đi, mặc dù địch muốn chiếm nhanh Thành cổ để phục vụ mưu đồ chính trị nhưng càng cố gắng, chúng càng kiệt sức, buộc phải chuyển từ cách tiến công ồ ạt bằng bộ binh sang dùng hỏa lực không hạn chế tiêu hao lực lượng ta, sau đó bộ binh lên chiếm bàn đạp, xây dựng trận địa phòng ngự, rồi lại dùng hỏa lực đánh đợt khác để bộ binh lại tiến lên. Cùng với thủ đoạn “lấn dũi”, chúng củng cố bổ sung lực lượng, chờ khi ta khó khăn do mùa mưa đang tới gần sẽ tiến công dứt điểm.

Thực hiện quyết tâm tái chiếm Thành cổ, chúng tổ chức lấn dũi trên hai hướng: Hướng chủ yếu từ nam - đông nam, hướng quan trọng từ bắc - đông bắc Thành cổ. Phục vụ cho lấn dũi, mỗi ngày chúng dùng vài ba lần máy bay B52 ném bom dọc sông Thạch Hãn, vài chục lần máy bay cường kích đánh phá các mục tiêu trong thị xã và Thành cổ, bắn hàng nghìn quả đạn pháo để sát thương lực lượng ta, kết hợp dùng bộ binh, xe tăng lấn dũi ban ngày, lấn đến đâu củng cố công sự ở đó; ban đêm phòng giữ cẩn mật, kết hợp nghi binh hoặc di chuyển đội hình để tránh bị ta tập kích.

Về ta: Qua quá trình chiến đấu ác liệt dài ngày, dần dần hình thành các cánh quân chiến dịch từ tây sang đông bảo vệ khu mới giải phóng Quảng Trị, đồng thời trước thủ đoạn tiến công mới của địch, Bộ Tư lệnh mặt trận chủ trương:

- Tổ chức các khu vực phòng thủ trên tất cả các hướng chiến dịch, trước hết làm trận địa vững chắc để bảo tồn lực lượng và có chỗ đứng chân đánh địch. Thị xã Quảng Trị là khu vực trọng điểm, cần tăng cường hỏa lực, xung lực, tổ chức trận địa phòng thủ liên hoàn, có chiều sâu. Tổ chức một trận địa hỏa lực mạnh ở bờ bắc sông Thạch Hãn đối diện với thị xã để chi viện cho các lực lượng trong thị xã chiến đấu. Chuẩn bị trận địa phòng không mạnh, đề phòng tình huống địch tập kích hóa học rồi đổ bộ đường không bằng trực thăng vào nội thành. Nghiên cứu bí mật đưa một số xe tăng vào Thành cổ, cấu trúc công sự chu đáo để biến thành hỏa điểm đánh xe tăng và phối hợp với bộ binh tiêu diệt địch.

- Giao Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325 chịu trách nhiệm tổ chức phòng thủ cánh giữa, bao gồm khu vực thị xã Quảng Trị - ái Tử - Đông Hà, trọng điểm là thị xã Quảng Trị, nhưng về tác chiến, Bộ Tư lệnh mặt trận vẫn chỉ huy vượt cấp đến Ban Chỉ huy khu vực thị xã - Thành cổ Quảng Trị(1).

- Trên cơ sở hình thành các khu vực phòng thủ, thực hành phản kích đợt 5 hằm cố gắng phá vỡ thế tiến công của địch, cải thiện thế trận phòng thủ của ta.

Thực hiện nhiệm vụ của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận giao cho, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325 quyết định: Tăng cường lực lượng cho thị xã Quảng Trị, chủ yếu là lực lượng pháo binh, đặc công, công binh, thông tin và bộ đội đảm bảo hậu cần kỹ thuật. Tổ chức 1 Sở Chỉ huy nhẹ của sư đoàn ở Nhan Biều do một đồng chí Sư đoàn phó điều hành (Sở Chỉ huy cơ bản của sư đoàn ở khu vực Cao Hy). Xây dựng đường dây cáp thông tin qua sông để liên lạc với Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ.

Căn cứ vào tình hình cụ thể ta, địch trên chiến trường, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ thống nhất phương án tác chiến với những nội dung chính sau:

- Hướng phòng thủ chủ yếu: Nam - đông nam, lấy lực lượng nòng cốt là Trung đoàn 95 đảm nhiệm, bố trí cụ thể: Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 ở khu Mỹ Đông – chùa Bà Năm - Ty cảnh sát - Trại giam; Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 ở khu Mỹ Tây - nhà thờ Tin lành - ngã ba Đống Đá; Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 95 ở nam làng Cổ Thành làm lực lượng cơ động; Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 (vào ngày 22 tháng 8) ở khu vực làng Đệ Ngũ - Thạch Hãn.

1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Đảng ủy chiến dịch ngày 8 tháng 8 năm 1972.

- Hướng phòng thủ quan trọng: bắc - đông bắc, lấy lực lượng nòng cốt là Trung đoàn 48 đảm nhiệm, bố trí Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 ở khu vực Tri Bưu - Hành Hoa; Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 ở khu vực Cổ Thành - nam sông Vĩnh Định.

- Phạm vi Thành cổ do Tiểu đoàn bộ binh 3 Tỉnh đội Quảng Trị đảm nhiệm.

- Cho ra ngoài củng cố các đơn vị: Tiểu đoàn bộ binh 3 Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị và một số phân đội hỏa lực, chuyên môn khác.

- Tổ chức trận địa hỏa lực của Sư đoàn 325 gồm: 6 khẩu cối 120mm, 2 khẩu cối 160mm, 5 giàn hỏa tiễn BM-14, 2 trung đội tên lửa chống tăng B72, 2 đại đội súng máy phòng không 12,7mm; bố trí tại khu vực Xuân An, Nhan Biều chi viện trực tiếp cho các đơn vị chiến đấu trong thị xã (còn 2 đại đội súng máy phòng không 12,7mm của sư đoàn bố trí trong thị xã). Các đơn vị đặc công của Sư đoàn 325 và Mặt trận B5 được bố trí trong thị xã, có nhiệm vụ hoạt động chiến đấu vùng sau lưng địch ở Hải Lăng, Mai Lĩnh. Phương án chiến đấu trên được Bộ Tư lệnh mặt trận duyệt ngày 25 tháng 8 năm 1972. Ngoài ra, các lực lượng pháo binh mặt trận có thể chi viện hỏa lực cho thị xã gồm các đơn vị: Trung đoàn pháo binh 84, Trung đoàn pháo binh 164, Trung đoàn pháo binh 45 bố trí cách xa thị xã nhưng các đơn vị pháo đều có đài quan sát trong thị xã để gọi bắn và có đại diện chỉ huy pháo binh của Mặt trận B5 và của Sư đoàn 325 ở cùng Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ.

- Đi đôi với nhiệm vụ tác chiến, tiến hành động viên, tổ chức bộ đội tích cực xây dựng trận địa, phát triển hầm hào thành thế liên hoàn, nhanh chóng đưa mọi hoạt động của bộ đội trong thị xã xuống lòng đất. Điều lực lượng công binh của các trung đoàn 48, 95, của Sư đoàn 325 và của Mặt trận B5 vào thị xã hỗ trợ các đơn vị xây dựng trận địa, làm Sở chỉ huy, bảo đảm bến vượt, tiếp tế hậu cần.

- Tổ chức thêm các tuyến vận tải đường bộ, đường sông, cụ thể:

+ Tuyến Ba Gơ - Phượng Hoàng - Nhan Biều do Mặt trận B5 đảm nhiệm.

+ Tuyến Đông Hà - Ái Tử - Nhan Biều, do Sư đoàn 325 đảm nhiệm.

+ Tuyến Nhan Biều - vượt sông sang thị xã, do Trung đoàn 95 đảm nhiệm,

Tham mưu trưởng trung đoàn trực tiếp chỉ huy vượt sông.

+ Tuyến Tả Kiên - sang thị xã, chủ yếu theo đường sông do Trung đoàn 48 đảm nhiệm.

- Tổ chức lại mạng thông tin: Bảo đảm mạng điện thoại và truyền đạt từ Sở chỉ huy bảo vệ Thành cổ đến các tiểu đoàn, các chốt chiến đấu và liên lạc được với Sở chỉ huy Sư đoàn 325, Mặt trận B5. Có mạng thông tin tải ba từ Sở Chỉ huy bảo vệ Thành cổ liên lạc với Sư đoàn 325, Mặt trận B5 và ra tới Hà Nội. Tổ chức mạng thông tin vô tuyến điện 2W liên lạc giữa Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ với các tiểu đoàn chiến đấu, các trận địa hỏa lực, các hậu cứ Nhan Biều và Tả Kiên; đồng thời triển khai mạng 15W liên lạc với Sư đoàn 325 và Mặt trận B5; tổ chức nạp ắc quy hàng ngày tại Nhan Biều.

Ở Nhan Biều hình thành hậu cứ trực tiếp bảo đảm cho các lực lượng trong thị xã. Ở đây có trạm phẫu tiền phương do Tiểu đoàn 24 Sư đoàn 325 đảm nhiệm để sơ cứu thương binh. Trạm phẫu nhẹ của Trung đoàn 48 bố trí trong thị xã, cạnh Sở chỉ huy các lực lượng bảo vệ Thành cổ.

Chấp hành chỉ thị của cấp trên, căn cứ tình hình thực tế đang diễn ra tại mặt trận, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ xác định:

- Khẩn trương điều chỉnh đội hình theo thế bố trí đã thống nhất, đưa Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 và một số đơn vị ra ngoài củng cố, thực hiện có đơn vị chiến đấu, có đơn vị củng cố để luân phiên bảo đảm chiến đấu lâu dài.

- Động viên, tổ chức bộ đội liên tục củng cố công sự, phát triển hệ thống giao thông hào bảo đảm cơ động giữa các trận địa, kể cả cơ động ra bờ sông để nhận lương thực, đạn dược từ phía sau lên.

- Kết hợp chặt chẽ giữa hỏa lực cấp trên chi viện với hỏa lực đi cùng, kiên quyết ngăn chặn quân địch tiến công, liên tục tổ chức phản kích, tập kích, tranh thủ tiêu diệt từng công sự địch, phát động phong trào bắn tỉa bằng mọi loại vũ khí, liên tục đánh địch tạo điều kiện phản kích tiêu diệt quân địch phối hợp với đợt phản kích lớn của mặt trận.

Trên hướng phòng thủ phía tây nam thị xã (trường Bồ Đề - ngã tư bệnh viện - cầu sắt), Bộ Tư lệnh Sư đoàn 308 quyết định điều toàn bộ Trung đoàn 88 được tăng cường thêm Tiểu đoàn 19 đặc công (100 người) vào giữ khu vực trận địa, đồng thời mở mũi tiến công vào bên sườn, phía sau lưng địch, mở rộng bàn đạp chuẩn bị cho sư đoàn tiến hành phản kích.

Như vậy sau ngày 10 tháng 8, lực lượng địch - ta trực tiếp tiếp xúc tại thị xã Quảng Trị bố trí như sau:

Để tăng cường vây ép ta, lữ đoàn lính thủy đánh bộ 258, bố trí Tiểu đoàn 8 ở Tri Bưu, Tiểu đoàn 5 (sau thay Tiểu đoàn 6) ở đông nam Thành cổ; Tiểu đoàn 9 ở nam và tây nam thị xã; Tiểu đoàn 2 ở khu vực Chợ Sãi.

Về phía ta: Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 phối hợp với Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64 ở khu Mỹ Đông, ty cảnh sát, chùa Bà Năm và phần phía bắc làng Thạch Hãn (xã Hải Trí); Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 ở khu trại giam, ty cảnh sát và một phần làng Thạch Hãn; Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 95 ở nam làng Cổ Thành. Tiểu đoàn 8 địa phương ở khu vực làng Đệ Ngũ, nhà thờ Tin lành. (Ngày 16 tháng 8 để lại 1 đại đội, còn tiểu đoàn ra củng cố. Ngày 23 tháng 8, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 vào thay). Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 ở khu vực đông bắc thành - nam Tri Bưu. Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và Đại đội 45 bộ đội địa phương Quảng Bình ở khu vực làng Cổ Thành - bắc thị xã. Tiểu đoàn 3 Quảng Trị ở trong Thành cổ. Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165 Sư đoàn 312 (vào ngày 12 tháng 8), bố trí ở khu vực phía nam Thành cổ làm lực lượng cơ động, sau chuyển ra chốt giữ khu vực đông nam thị xã. Đại đội đặc công Sư đoàn 325 và Đại đội đặc công Mặt trận B5 bố trí trong thị xã nhận lệnh đánh từng mục tiêu. Sở Chỉ huy bảo vệ Thành cổ ở vị trí cũ.

Từ ngày 10 tháng 8, địch tăng cường hỏa lực đánh phá dữ dội vào thị xã và các đường tiếp tế của ta, đặc biệt là ngăn chặn trên sông Thạch Hãn. Mặt khác chúng đưa công sự đúc sẵn, bao cát, dây thép gai lên làm công sự, vật cản, củng cố các vị trí đã chiếm được ở các khu vực: Làng Thạch Hãn, Đệ Ngũ, ty Y tế, trường Bồ Đề (ở phía nam); làng Tri Bưu, Hành Hoa, khu Nhà Xanh (nhà tôn) phía đông bắc Thành cổ. Chúng thường xuyên sử dụng các lực lượng nhỏ có xe tăng chi viện, kết hợp với hỏa lực pháo binh và không quân thực hành “lấn dũi” nhằm chiếm các bàn đạp quan trọng như khu Mỹ Đông, khu tam giác Đệ Ngũ, hòng từng bước nối liền các hướng tiến công của chúng từ đông bắc xuống đông nam, từ đông nam sang tây nam thị xã và bảo vệ sườn cho các mũi tiến công của chúng.

Thủ đoạn “lấn dũi” của địch là dùng hỏa lực đánh phá mãnh liệt vào trận địa ta, dùng xe tăng có chất bao cát và lưới chống đạn B40, đứng ngoài tầm bắn của súng B41, dùng pháo hoặc đại liên trên xe ngắm bắn trực tiếp phá hủy, khống chế từng công sự của ta, yểm hộ cho các mũi bộ binh từ cạnh sườn (ven bờ sông) tiếp cận mục tiêu, đến cự ly thích hợp thì cho hỏa lực trên xe chuyển hướng bắn để bộ binh xông lên đánh chiếm mục tiêu. Với lối “lấn dũi” đó của địch, ta lại ở địa hình rất trống trải, trong điều kiện ban ngày địch rất dễ quan sát phát hiện chốt của ta, trong khi hỏa lực ta lại ít, nên đã gây cho ta nhiều khó khăn.

Trung tuần tháng 8, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, các sư đoàn lần lượt đưa các đơn vị tăng cường cho thị xã và đưa một số đơn vị đang chiến đấu trong thị xã ra phía sau củng cố. Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 vào thay Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64 vào thay Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 (nhưng không thuộc quyền chỉ huy của Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ), Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165 Sư đoàn 312 cùng một đại đội công binh của Sư đoàn 325 vào làm lực lượng cơ động trong thị xã.

Có thêm lực lượng tăng cường, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ bố trí lại đội  hình phòng ngự: Hướng chủ yếu: Nam - đông nam thị xã do Trung đoàn 95 đảm nhiệm; dùng Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 6 phòng ngự hướng đông nam và khu tam giác Thạch Hãn, Tiểu đoàn 5 làm lực lượng cơ động; sử dụng Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 chiến đấu ở khu Đệ Ngũ, nhà thờ Tin lành. Hướng thứ yếu: Bắc - đông bắc do Trung đoàn 48 (có 2 tiểu đoàn) đảm nhiệm, Tiểu đoàn 2 ở làng Cổ Thành, Tiểu đoàn 1 ở chân thành và đầu làng Tri Bưu, Hành Hoa. Trong Thành cổ do Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị bố trí phòng giữ, các đơn vị hỏa lực được tăng cường cho các hướng và bố trí trong Thành cổ, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165 làm lực lượng dự bị. Đồng thời Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ chỉ thị cho các đơn vị tăng cường củng cố công sự, trận địa, giao thông hào đến các chốt trong thị xã, bố trí lực lượng có chiều sâu, kiên quyết đẩy lùi quân địch tiến công, giữ vững trận địa. Trên cơ sở củng cố lực lượng và trận địa vững chắc, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ quyết tâm mở đợt hoạt động tác chiến phối hợp với toàn mặt trận Quảng Trị để tạo thế chuẩn bị chuyển sang đánh địch trong mùa mưa. Theo kế hoạch tác chiến: Trên hướng đông bắc, ta sử dụng Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 tập kích chiếm khu Nhà Xanh (ở tây nam làng Tri Bưu). Trên hướng nam, sử dụng Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 đánh chiếm lại khu vực đầu cầu Quảng Trị. Trên hướng đông nam, sử dụng Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165 phối hợp với lực lượng của Trung đoàn 88 Sư đoàn 308 tập kích chiếm lại làng Đệ Ngũ, khu trường Bồ Đề. Các đơn vị khác trong thị xã, cùng thời gian đó tăng cường các trận tập kích nhỏ tiêu hao, tiêu diệt địch, đồng thời thu hút sự chú ý của địch để phối hợp với các hướng tập kích chính.

Khi toàn bộ Trung đoàn 95 vào chiến đấu bảo vệ Thành cổ, Thường vụ  Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325 phân công Tham mưu phó Sư đoàn làm nhiệm vụ đốc chiến với Trung đoàn 95, ngày 20 tháng 8 năm 1972, Tham mưu phó Sư đoàn vào Thành cổ cùng Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ thực hiện nhiệm vụ.

Chấp hành nhiệm vụ của Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ, tối 19 tháng 8, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 cùng các mũi trưởng trực tiếp bò vào khu Nhà Xanh nghiên cứu, trinh sát vị trí địch. Tiểu đoàn 5 lúc này còn 90 cán bộ chiến  sĩ. Qua trinh sát, tiểu đoàn quyết định tập kích quân địch vào đêm 21 tháng 8 sau khi làm cho chúng mệt mỏi bằng các đợt tập kích hỏa lực. Phương án chiến đấu của tiểu đoàn được Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ chuẩn y và hiệp đồng với các đơn vị chốt của Trung đoàn 48 trên hướng đông bắc để thực hiện. Tối 21 tháng 8, Tiểu đoàn 5 và các đơn vị hỏa lực của trung đoàn dùng cối 82mm, cối 60mm, ĐKZ bắn nhiều đợt vào khu Nhà Xanh, mỗi đợt 10 phút để tiêu hao và nghi binh quân địch. Lúc 20 giờ, quân ta bắn đợt 1, đến 21 giờ bắn đợt 2, và 23 giờ bắn đợt 3; cả 3 đợt bắn của ta, địch đều lập tức triển khai hỏa lực và lực lượng chuẩn bị “phản tập kích” để chống lại; nhưng các chiến sĩ Tiểu đoàn 5 vẫn trụ tại trận địa chốt ở nhà thờ nhỏ Tri Bưu, làm cho địch bị hẫng 3 lần liên tiếp.

3 giờ ngày 22 tháng 8, nắm thời cơ khi quân địch nhiều lần “phản tập kích”  hụt, chủ quan, mệt mỏi. Tiểu đoàn 5 bí mật tiến vào khu Nhà Xanh và đột nhiên, đồng loạt tiến công từ nhiều hướng vào trận địa địch. Bị bất ngờ, quân địch chống cự yếu ớt và rối loạn, sau hơn 1 giờ chiến đấu, đại đội địch ở khu Nhà Xanh bị tiêu diệt gọn. Do trời gần sáng, không còn đủ thời gian để tổ chức trận địa trụ lại ở mục tiêu vừa chiếm được, trong khi địch điên cuồng dùng hỏa lực bắn vào trận địa và chuẩn bị lực lượng chiếm lại, nên chỉ huy Tiểu đoàn 5 cho lực lượng tạm lui về trận địa cũ là khu vực nhà thờ nhỏ.

Sáng 22 tháng 8, tiểu đoàn 8 lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ đưa tiếp một đại đội khác lên chiếm lại khu Nhà Xanh. 0 giờ ngày 23 tháng 8, Tiểu đoàn 5 tổ chức trận tập kích thứ 2. Do bộ đội quen địa hình khu vực chiến đấu, tiểu đoàn quyết định không dùng pháo bắn trước vào mục tiêu mà đợi đến lúc bộ binh ta nổ súng mới dùng pháo bắn mạnh vào khu vực nhà thờ lớn để thu hút địch sang hướng khác. Sau hơn 30 phút chiến đấu, tiểu đoàn tiêu diệt địch và chiếm toàn bộ khu vực Nhà Xanh, ngay sau đó chuyển sang xây dựng trận địa, tổ chức chốt giữ mục tiêu mới chiếm được. Trong các ngày 24 và 25 tháng 8, lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ của địch tổ chức hàng loạt đợt tiến công với sự yểm trợ mạnh mẽ của pháo binh và xe tăng hòng chiếm lại khu Nhà Xanh, nhưng đều bị Tiểu đoàn 5 phối hợp với các đơn vị bạn bẻ gãy. Bằng lực lượng hạn chế của mình, Tiểu đoàn 5 đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm và giữ vững khu Nhà Xanh, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 8 lính thủy đánh bộ, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 250 tên địch, mở rộng và cải thiện thế trận phòng ngự của ta trên hướng đông bắc Thành cổ. Tiểu đoàn 5 Trung đoàn bộ binh 95 được Bộ Tư lệnh chiến dịch khen ngợi là “tiểu đoàn đánh giỏi” và tặng Huân chương Quân công hạng Ba.

Cũng trong những ngày này, trên hướng nam và đông nam thị xã, cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Trên hướng nam, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 phối hợp với Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 88 tổ chức tập kích địch, chiếm lại khu vực đầu cầu sắt Quảng Trị và giữ vững mục tiêu đã chiếm được, đánh bại các đợt phản kích của chúng. Trên hướng đông nam, các chiến sĩ Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165 phối hợp với lực lượng Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 88 Sư đoàn 308 đánh chiếm được một phần làng Đệ Ngũ, trường Bồ Đề, ngã ba Thạch Hãn nhưng không trụ giữ được mục tiêu.

Phối hợp với các hướng chính, các trận tập kích nhỏ của các lực lượng ở các trận địa chốt của ta diễn ra liên tục trên các hướng, gây cho địch nhiều thiệt hại. Bằng các tổ chiến đấu, xuất phát từ các trận địa chốt của ta, ban đêm tập kích, ban ngày bắn tỉa đã tiêu diệt địch vượt chỉ tiêu đề ra là mỗi chốt diệt 50 tên địch trong một tuần; với cách đánh sáng tạo và liên tục, ta đã làm cho địch kinh hoàng, không dám “lấn dũi” nếu không có bom, pháo đánh hủy diệt trước. Tiêu biểu như các tổ chiến đấu 3 đồng chí của Đại đội 2 Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95, đánh 15 trận tập kích nhỏ trong 1 tuần diệt 90 tên địch và bắn cháy 1 xe tăng M41. Đại đội 5 Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 đánh hơn 10 trận, diệt 80 tên địch. Các tổ chiến đấu của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 đánh và bắn tỉa hơn 10 trận, diệt 70 tên địch. Các tổ chiến đấu của Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 95 đánh hơn 10 trận diệt 75 tên và bắn cháy 1 xe tăng địch. Ngày 22 tháng 8, phát hiện địch tập trung quân, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 đã dùng cối 82mm bắn 400 viên vào đội hình địch ở Tri Bưu, diệt gần 1 đại đội.

Các chiến sĩ Tiểu đoàn 17 công binh Sư đoàn 325 vào xây dựng các công trình phòng thủ trong thị xã cũng hăng hái, táo bạo bò sang trận địa địch cài bom mìn, đặt bẫy rồi bắn pháo để địch chạy vướng bom mìn mà bị tiêu diệt. Tiểu đoàn 19 đặc công Sư đoàn 325 luồn sâu vào sau lưng địch đánh nhiều trận hiệu quả cao, tiêu biểu như đêm 21 tháng 8 đã đánh trúng vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn 7 lính thủy đánh bộ ở thôn An Lưu, diệt 80 tên, bắn cháy 2 xe tăng, phá hủy 2 nhà bạt và 1 trận địa súng cối.

Hướng về mặt trận thị xã, chấp hành quyết định của Bộ Tư lệnh chiến dịch, các đơn vị chiến đấu vòng ngoài mở đợt phản kích mới vào sư đoàn dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ làm cho chúng phân tán lực lượng, không dồn được lực lượng tiến công vào thị xã. Trên hướng tây nam thị xã, ngày 19 tháng 8, Sư đoàn 308 sử dụng Trung đoàn bộ binh 88 và Trung đoàn 102 tiến công địch ở ngã tư Thạch Hãn; đánh chiếm ngã ba Long Hưng, chốt lại và chặn đánh Tiểu đoàn 6, Tiểu đoàn 9 lính thủy đánh bộ từ phía sau đánh lên. Nhưng sau 1 ngày bị pháo binh và máy bay địch đánh phá ác liệt, ta bị thương vong nhiều phải lui về vị trí cũ. Trên hướng đông bắc, các Trung đoàn bộ binh 27 và 101 tập trung tiến công các đơn vị lính thủy đánh bộ ngụy chốt ở các làng Nại Cửu, Chợ Sãi, An Tiêm, Bích La, nới rộng vòng vây và sức ép của địch đối với Thành cổ từ hướng bắc - đông bắc. Nhiều trận đánh ác liệt, kéo dài trên khu vực này giữa ta và địch; ta kiên quyết đánh bật địch khỏi Chợ Sãi, Nại Cửu, An Tiêm nhưng không đẩy lùi được chúng, vì đây là các địa bàn có lợi để uy hiếp Thành cổ nên chúng liên tục tăng quân chiếm lại, cuộc chiến đấu giành đi giật lại liên tục, quân ta bị thương vong nhiều vì bom pháo địch.

Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, vận dụng nhiều cách đánh sáng tạo, các đơn vị bảo vệ thị xã đã làm thất bại nhiều đợt tiến công “lấn dũi” của địch. Đến cuối tháng 8, ta đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ ngụy (trong đó có 4 đại đội bị diệt gọn), cải thiện thế phòng ngự thị xã. Tuy ta tiêu diệt được nhiều địch, nhưng chưa đánh bật được chúng khỏi các vị trí quanh thị xã mà còn bị chúng lấn chiếm một số vị trí quan trọng như: Khu Mỹ Đông, khu tam giác Đệ Ngũ.

Thời gian này, các trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ luôn diễn ra rất ác liệt, mỗi ngày ở khu vực thị xã, ta thương vong trên 100 người. Thị xã và Thành cổ do bom đạn địch đánh phá liên tục đã trở thành bình địa; tôn, sắt, tre, gỗ là vật liệu để làm hầm trú ẩn, làm công sự chiến đấu đều bị nát vụn và rất khan hiếm. Địa bàn hoạt động của ta bị địch lấn chiếm, thu hẹp dần. Một mâu thuẫn mới phát sinh trên mặt trận thị xã là ta cần nhiều lực lượng để phản kích, tiến công trận địa lấn dũi của địch; nhưng đưa vào nhiều thì thiếu chỗ đứng chân và triển khai lực lượng, nên dễ bị hỏa lực mạnh của địch tiêu hao, mất sức chiến đấu, hoặc cũng không cơ động được, trở thành lực lượng chốt giữ trận địa.

Trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, lấn dũi liên tục nên công tác bảo đảm cho lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu cũng rất căng thẳng, khó khăn. Các phân đội trinh sát, công binh phải bổ sung, thay thế đến lớp chiến sĩ thứ 3, thứ 4 mà vẫn không đáp ứng kịp yêu cầu nắm địch, làm công sự, hầm hào cho chỉ huy và làm chướng ngại vật chiến đấu. Các chiến sĩ thông tin làm việc liên tục, đường dây điện thoại từ Ban Chỉ huy xuống các trận địa liên tiếp bị bom pháo địch đánh đứt, nhưng cứ ngớt bom pháo là anh em lại nối thông. Các chiến sĩ truyền đạt băng qua các bãi bom đạn địch, có đồng chí bị thương vẫn nghiến răng chịu đau bò đến truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên cho người chỉ huy phân đội, sau đó mới để anh em băng bó cho mình. Tiêu biểu như tiểu đội thông tin của Mai Ngọc Thoảng bảo vệ đường dây hữu tuyến từ Thành cổ về Sở chỉ huy chiến dịch, có lần nhiệm vụ gấp, cả tiểu đội phải phân công nhau giăng ra mỗi người một đoạn nối dây trên cánh đồng trống trải, địch phát hiện dùng pháo bắn đuổi theo từng người, mỗi mối dây phải nối đi nối lại hàng chục lần. Khi nối kéo dây ra giữa sông Thạch Hãn chỉ còn lại tiểu đội trưởng Mai Ngọc Thoảng và 1 chiến sĩ, số dây đem theo nối đã hết, chỉ còn khoảng 2m nữa là nối thông với đầu dây bên kia. Không chần chừ, Thoảng bảo chiến sĩ bơi quay lại lấy thêm dây, còn anh vùng vẫy giữa dòng nước xoáy dưới làn pháo địch giữ đầu dây và bình tĩnh gỡ đoạn dây thép quấn ở tay guồng nối thông hai đầu dây, rồi nâng guồng chống dây cao khỏi mặt nước để đường dây liên lạc thông suốt. Hành động anh hùng của Mai Ngọc Thoảng diễn ra đúng lúc Ban Chỉ huy chiến đấu trong Thành cổ báo cáo gấp tình hình với Bộ Tư lệnh chiến dịch và xin pháo cấp trên chi viện chiến đấu kịp thời đẩy lui đợt tiến công của địch.

Công tác vận chuyển, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và cứu chữa thương binh ra vào Thành cổ bị địch khống chế ngày càng quyết liệt. Trạm phẫu phía trước của Trung đoàn 48 bố trí ở một nửa hầm dinh tỉnh trưởng bị bom đánh sập, từ ngày 13 tháng 8 phải ngừng hoạt động nhiều hôm. Trạm phẫu của trung đoàn ở phía sau có ngày lên đến 300 thương binh, không đủ hầm nằm, bị B52, máy bay phản lực địch đánh phá liên tục, y bác sĩ thương vong, phương tiện bị phá hủy, có ngày không còn khả năng tiếp nhận thương binh. Mỗi chuyến hàng chở bằng thuyền từ Tả Kiên sang Thành cổ là một trận chiến đấu thực sự vì đều phải có hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng công binh trung đoàn và sư đoàn ra phá bom từ trường của địch thả dưới sông, đồng thời Trung đoàn 27 đánh mạnh quân địch trên bờ sông giáp Chợ Sãi. Những đêm gay go còn phải hiệp đồng với hỏa lực bắn thẳng, cối 120mm của Sư đoàn 325 ở Xuân An bắn sang khống chế địch, tạo điều kiện cho thuyền ta sang Thành cổ. Trên bến đò Nhan Biều sang Thành cổ do Sư đoàn 325 phụ trách cũng rất ác liệt, lúc đầu đơn vị còn có thuyền cao su chuyên chở qua sông, nhưng bị địch đánh hỏng nhiều, không còn để sử dụng, anh em phải chặt tre, gỗ, thân cây chuối kết lại thành bè để đêm đêm chở đạn gạo sang Thành cổ và nhận thương binh ra. Số chuyến đò ra vào thị xã không tính xuể, nhiều lần đang chở thương binh qua sông, pháo địch bắn tới, anh em lấy thân mình che cho đồng đội. Có lần nước chảy xiết đẩy thuyền, mảng trôi vào khu vực địch. Anh em đã bình tĩnh xử trí đưa thuyền mảng trở về bến cũ an toàn. Cả 48 chiến sĩ phục vụ trên bến từ Nhan Biều đến thị xã Quảng Trị là 48 chiến sĩ gan dạ sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của đồng đội đang chiến đấu ở phía trước.

Quân số bổ sung vào Thành được Bộ Tư lệnh chiến dịch duy trì đều đặn mỗi đêm khoảng 100 người, nhưng trừ số thương vong và lạc ngũ, khi qua sông chỉ còn chừng 40 đến 50 người được bổ sung cho các đơn vị chiến đấu trong thị xã, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 vào nhưng không được gọn, mỗi đêm chỉ vào được 1 đến 2 đại đội.

Chiến đấu phòng thủ trong điều kiện bị địch bao vây khống chế cả 3 mặt, hỏa lực cấp trên và đơn vị chi viện cho bộ binh rất hạn chế, hỏa lực đi cùng của mỗi tiểu đoàn bộ binh chỉ còn 1 khẩu cối 82mm, 1 khẩu súng máy phòng không 12,7mm, đạn rất ít; các loại hỏa lực của trung đội, đại đội như súng cối 60mm, B40, B41 cũng còn lại rất ít, lượng bổ sung không đủ. Vì thế, Tiểu đoàn bộ binh 3 Trung đoàn 48 phải ra củng cố mới, vào chiến đấu; còn Đại đội 12 hỏa lực của Trung đoàn 48 phải củng cố không có vũ khí bổ sung phải ở lại làm vận tải, các đại đội hỏa lực của Trung đoàn 48 ra sau cũng vậy. Mặc dù vậy, với tinh thần còn người còn trận địa, dựa vào thế trận liên hoàn, từng chốt yểm trợ cho nhau, tích cực phản kích, tập kích; ban ngày bị mất chốt, ban đêm tổ chức tập kích chiếm lại khiến địch bị tổn thất nặng nề. Suốt 20 ngày cuối tháng 8, địch không tổ chức được cuộc tiến công lớn nào. Thành cổ và các con đường dẫn vào Thành cổ vẫn được giữ vững.

Tuy vậy, do lực lượng ta, địch chênh lệch quá lớn, các trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt và liên tục, lực lượng bổ sung không đáp ứng yêu cầu tác chiến, ta đã mất khu Mỹ Đông, khu tam giác Đệ Ngũ là các vị trí trọng yếu về chiến thuật. Khu Mỹ Đông vốn là nơi ở của cố vấn Mỹ, có công sự vững chắc nằm sát cổng thành, có tác dụng khống chế cổng phía đông, bảo vệ cạnh sườn cho mũi tiến công của địch từ hướng đông - đông nam. Khu tam giác Đệ Ngũ vốn là khu dân cư có nhiều nhà xây kiên cố, có địa thế cao hơn xung quanh, nằm án ngữ cổng phía nam và trục đường từ Đệ Ngũ Đông sang Đệ Ngũ Tây ra bờ sông Thạch Hãn. Chiếm được khu vực này, địch vừa bảo vệ được cạnh sườn các mũi tiến công của chúng từ hướng đông nam và tây nam, đồng thời tạo được bàn đạp quan trọng để tiến công vào cửa nam Thành cổ. Trong tác chiến đợt 4, mức tiêu hao lực lượng của ta lớn, hiệu quả các trận tập kích từ cấp tiểu đoàn trở lên của ta còn rất thấp; ngoài trận tập kích của Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 ngày 20 tháng 8 ra, còn các trận tập kích của các tiểu đoàn khác đều bị tổn thất nặng và không thành công. Theo kế hoạch từ ngày 25 đến 27 tháng 8, ta sử dụng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 tập kích dứt điểm khu tam giác Đệ Ngũ, nhưng Tiểu đoàn 3 đánh 3 đêm liền không có kết quả, sau khi tăng cường Đại đội 5 Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 đánh chiếm được nhưng lại không giữ được. Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 được ra củng cố mới vào ngày 18 tháng 8, chỉ sau 3 đêm tác chiến đã mất sức chiến đấu, lại phải đưa ra củng cố. Ngày 15 tháng 8, ta sử dụng Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165 (mới vào đêm 12 tháng 8) phối hợp với Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 88 và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 102 Sư đoàn 308 tập kích địch ở Đệ Ngũ và trường Bồ Đề; pháo binh chiến dịch chi viện bắn 1.000 viên nhưng Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165 vẫn không đánh được. Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 88 chiếm được trường Bồ Đề nhưng sau bị địch phản kích đẩy lui. Ngày 19 tháng 8, ta tổ chức Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165 hiệp đồng với Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 88 đánh lại các mục tiêu trên, nhưng Tiểu đoàn 5 bắn hết đạn rồi quay ra (súng B40, B41 có cơ số đạn 9 viên 1 khẩu cũng bắn hết), do đánh lướt nên khi quay ra bị địch đánh cắt đội hình, một tổ chiến đấu không ra được. Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 88 cũng không chiếm được mục tiêu, tiểu đoàn trưởng hy sinh.

Nguyên nhân chính của các trận đánh không thành công là do cách đánh chưa thích hợp, ỷ lại vào hỏa lực, đánh vỗ mặt, tân binh mới bổ sung chưa nắm được địa hình trong thị xã. Các đơn vị vòng ngoài tiến hành phản kích đợt 5 của chiến dịch không đạt yêu cầu đề ra, thị xã vẫn bị địch bao vây và uy hiếp cả 3 mặt.

Đợt 5: Đánh trả các đợt tiến công lớn của địch trong khu vực thị xã và Thành cổ, ta bị thương vong lớn, mất sức chiến đấu (1 - 16-9-1972). Ban Chỉ huy quyết định rút khỏi Thành cổ.

Sau gần 1 tháng thực hành chiến thuật “lấn dũi” giằng co với ta, tuy bị tổn thất lớn, song địch đã chiếm thêm vài vị trí quan trọng, nối thông được các hướng, hình thành thế bao vây Thành cổ suốt từ đông bắc tới tây nam thị xã. Lợi dụng mưa lũ kéo dài từ cuối tháng 8 sang đầu tháng 9, địch tiếp tục tăng cường hỏa lực, dồn lực lượng lên phía trước, tăng cường xe tăng, xe thiết giáp để một mặt tích cực “lấn dũi”, một mặt củng cố các khu vực đã chiếm, giữ vững các địa bàn quan trọng như khu Mỹ Đông, khu tam giác Đệ Ngũ, đồng thời đưa thêm lực lượng dự bị của quân đoàn, quân khu từ phía sau lên chuẩn bị cho đợt tiến công lớn nhằm chiếm Thành cổ trước ngày 14 tháng 9, phục vụ yêu cầu chính trị cho cuộc họp ở Pari vào trung tuần tháng 9 năm 1972.

Từ đầu tháng 9, trên tất cả các hướng của chiến dịch ta đã hình thành thế  trận phòng ngự có chiều sâu nhằm giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị. Trên cơ sở đó, Bộ Tư lệnh mặt trận chủ trương:

- Tăng thêm lực lượng phòng giữ thị xã Quảng Trị, coi thị xã là khu vực  phòng ngự trọng điểm trên hướng chủ yếu của chiến dịch.

- Kiên quyết phản kích, phản đột kích đẩy địch ra khỏi thị xã, lấy lại các  khu vực Long Hưng, nam sông Nhùng, đánh tan lữ đoàn 1 dù ngụy, tạo điều kiện diệt lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ, đẩy lùi lữ đoàn dù 3. Trước tiên tập trung lực lượng tiêu diệt tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 11 dù ở La Vang, Tân Téo, Phú Long.

- Trên hướng phòng ngự chủ yếu của mặt trận, trong đó có khu vực thị xã,   Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325 quyết tâm: Tổ chức lực lượng tiếp tục giữ vững thị xã trong mùa mưa; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cấp trên giao cho. Đưa ngay 500 tân binh vượt sông sang thị xã bổ sung cho các đơn vị bộ binh, củng cố lại các trận địa. Bằng mọi giá, phải đưa được đạn, gạo vượt nước lũ và các tuyến đánh chặn của phi pháo địch vào thị xã. Huy động cán bộ chiến sĩ cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần và các đơn vị trực thuộc làm nhiệm vụ vận chuyển và tiếp tế cho phía trước. Tăng cường lực lượng và phương tiện bảo đảm vượt sông, căng một số dây cáp để chiến sĩ ta bám vào đó mà đẩy bè vận chuyển qua sông.

Để phối hợp toàn mặt trận, trên cơ sở lực lượng được tăng cường, đội hình phòng ngự đã điều chỉnh, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ quyết định mở đợt hoạt động từ 5 đến 7 ngày, trước mắt đẩy địch ra khỏi khu Đệ Ngũ, tiếp đó đẩy địch ra khỏi Tri  Bưu. Về nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị: Phía bắc - đông bắc do Trung đoàn 48 (thiếu Tiểu đoàn 3) đảm nhiệm, lấy Tiểu đoàn 2 được bổ sung lực lượng làm nòng cốt tiến công đẩy địch ra khỏi khu vực Tri Bưu. Phía nam do Trung đoàn 95 đảm nhiệm, lấy Tiểu đoàn 4 (đã củng cố xong mới vào ngày 31 tháng 8, quân số 283 người) làm nòng cốt tiến công chiếm lại khu vực Đệ Ngũ. Khi ta tiến công các mục tiêu trên, các hướng, các mũi khác tích cực phối hợp đánh địch.

Sau ngày 31 tháng 8, lực lượng địch bố trí tại thị xã như sau:

Tiểu đoàn 6 bố trí ở khu Mỹ Đông và đông nam Thành cổ. Tiểu đoàn 2 ở ngã ba Long Hưng và Đệ Ngũ Đông. Tiểu đoàn 1 ở ngã tư đường sắt, Đệ Ngũ Tây. Tiểu đoàn 5 ở đông nam thị xã, ngã ba Long Hưng. Tiểu đoàn 3 thay Tiểu đoàn 8 ở Tri Bưu. Tiểu đoàn 7 (thiếu một đại đội tăng cường cho Tiểu đoàn 3) ở bãi tha ma đông bắc làng Hành Hoa. Tiểu đoàn 8 ra củng cố và làm lực lượng dự bị.

Về phía ta, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 ở đông và góc đông bắc Thành cổ.   Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 ở làng Cổ Thành và bắc Thành cổ. Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 95 ở bắc Cổ Thành. Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64 ở khu vực ty cảnh sát, chùa Bà Năm, đông và đông nam Thành cổ.

Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 ở khu vực bắc Đệ Ngũ Tây (từ khu trại giam đến khu Mỹ Tây); Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 phía nam cầu xi măng từ nhà thờ Tin lành đến trụ sở Đệ Ngũ. Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị ở trong Thành cổ. Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 năm 1972, tỉnh Quảng Trị bị cơn bão lớn đổ vào gây mưa lũ lớn, dài ngày. Nước mưa không kịp thoát, nước lũ từ các sông dâng cao tràn vào thị xã, làm ngập úng, sụt lở các trận địa, hầm hào của ta. Trong khi đó, địch tranh thủ thời cơ ta khó khăn, liên tục “lấn dũi”, bộ đội phải thay nhau vừa đánh địch, vừa tát nước và khôi phục hầm hào nhưng cũng không kịp. Mưa gió lớn, dài ngày, chỗ ở của bộ đội, đạn dược, lương thực, thực phẩm bị ướt; đời sống sinh hoạt, vệ sinh trận địa rất khó khăn, bệnh tật nảy sinh, sức khỏe của bộ đội sút nhanh, làm giảm sức chiến đấu.

Lợi dụng lúc ta gặp rất nhiều khó khăn do mưa lũ gây ra, địch tập trung  bom đạn đánh phá và cho binh lính, xe tăng ở các cùng đất cao xung quanh thị xã liên tục đánh vào các trận địa chốt của ta. Theo kế hoạch, ta sử dụng Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95, có Đại đội 6 Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 và Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 165 từ phía bắc đánh xuống phối hợp, tập kích dứt điểm Đệ Ngũ Đông; cùng thời gian, Trung đoàn 88 đánh chiếm lại trụ sở làng Đệ Ngũ và có một mũi từ nam Đệ Ngũ Tây đánh sang Đệ Ngũ Đông. Nhưng ngày 1 tháng 9, địch dồn lực lượng lên nhiều, ta phải chuyển nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 đánh chiếm khu tam giác Đệ Ngũ.

2 giờ ngày 2 tháng 9, Đại đội 1 Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 tiến công khu tam giác Đệ Ngũ, nhưng mãi đến 4 giờ 30 phút mới nổ súng, trong khi ta chưa dứt điểm được thì trời sáng, địch dùng hỏa lực từ các nơi bắn vào, đơn vị thương vong nhiều, chỉ còn trên 10 đồng chí nên phải lui ra. Cùng thời điểm trên, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 tiến công khu Mỹ Đông chiếm được phần phía bắc ngoài tường hộp, vì không có phương tiện đánh công sự vững chắc nên phải chốt lại tại chỗ ngoài tường hộp về phía bắc. Đặc công của Sư đoàn 325 đánh vào nhà bằng ở gần chùa Bà Năm nhưng không sập được nhà, đêm hôm sau đánh tiếp mới phá được. Tối 2 tháng 9, Đại đội 2 Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 tiếp tục tiến công khu tam giác Đệ Ngũ, đã đánh chiếm gần hết khu tam giác, nhưng hôm sau địch dùng hỏa lực đánh phá quyết liệt và liên tục phản kích, ta không giữ được trận địa.

Ngày 3 tháng 9, địch tiếp tục tiến công trên cả 3 hướng, hướng tây nam.  Chúng chiếm được nhà thờ Tin lành và khu vực bờ sông phía tây Đệ Ngũ Tây,  khống chế bến vượt sông của ta từ Nhan Biều sang thị xã. Trên hướng bắc, phân đội tên lửa chống tăng B72 chốt cùng Đại đội 8 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 ở bắc bãi tha ma làng Hành Hoa, bắn cháy 3 xe tăng địch. Đêm 3 tháng 9, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 đánh chiếm lại khu tam giác Đệ Ngũ, nhưng do nhận lệnh không rõ, lẽ ra đánh chiếm được phải chốt giữ Đệ Ngũ Tây thì Tiểu đoàn 4 lại đưa lực lượng ra ngoài làng chốt giữ ở tây Đệ Ngũ (gần phía bờ sông Thạch Hãn). Ngay hôm sau, địch đưa 1 đại đội lên chiếm lại khu vực tam giác Đệ Ngũ và nhà thờ Tin lành; cũng đêm đó một bộ phận của Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 phải rút ra củng cố.

Ngày 4 tháng 9, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ quyết định tập trung lực   lượng giải tỏa cho hướng tây nam, không để địch khống chế bến vượt. Đêm 4 tháng 9, thực hiện quyết tâm của Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 được hỏa lực trung đoàn chi viện tập trung, tập kích địch, chiếm khu vực nhà mái bằng thuộc làng Hải Trí, cắt đứt đường tiến quân của địch từ ngã ba Long Hưng vào Thành cổ và khu Mỹ Tây. Quân địch ở khu Mỹ Tây, nhà thờ Tin lành và bờ sông bị cắt phía sau, bị đánh phía trước, sợ bị cô lập phải rút về phía sau để tránh bị tiêu diệt. Với trận tập kích bất ngờ chiếm làng Hải Trí, ta đã giải tỏa được bến vượt Nhan Biều để đêm đêm các lực lượng, phương tiện vật chất lại được chi viện cho lực lượng trong thị xã.

Cùng ngày 4 tháng 9, Đại đội 7 Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 88 chốt giữ làng Đệ Ngũ Tây, với 10 tay súng đã đánh lui nhiều đợt tiến công của 1 đại đội địch, tiêu diệt tại chỗ 49 tên, giữ vững trận địa. Riêng hướng Đại đội 10 Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 88 chốt giữ khu vực đầu cầu sắt, bị quân địch có xe tăng yểm trợ đánh bật khỏi chốt. Trung đoàn 88 ra lệnh Đại đội 9 tiến công vào ngã tư Đệ Ngũ thu hút sự chú ý của địch và điều Đại đội 7 vừa chiến đấu ở làng Đệ Ngũ với 8 chiến sĩ do chính trị viên đại đội chỉ huy ngay đêm đó tập kích chiếm lại chốt đầu cầu sắt, tổ chức đánh địch tiến công liên tục vào chốt suốt ngày hôm sau và đẩy địch về phía nhà ga.

Ngày 5 tháng 9, địch tập trung tiến công vào hướng tây nam, chúng tiếp tục tiến công ra phía cầu sắt, nhà thờ Tin lành và bờ sông làng Đệ Ngũ Tây. Lực lượng Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 còn rất mỏng, Ban Chỉ huy phải điều một bộ phận lực lượng của Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 từ hướng đông sang cùng Tiểu đoàn 4 đánh ngăn chặn địch

Ở hướng tây nam. Riêng hướng cầu sắt, đến 17 giờ Trung đoàn 88 sử dụng Đại đội 5 Tiểu đoàn 5 và Đại đội 10 Tiểu đoàn 6 phối hợp với chốt Đại đội 7 đánh vào sườn địch, buộc chúng rút chạy về phía nhà ga, ta giữ vững được đầu cầu sắt nhưng lực lượng bị tiêu hao lớn. Ngay chiều tối ngày 5 tháng 9, lợi dụng mưa to, Đại đội 9 Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 88 đã chia thành nhiều tổ, bất ngờ tập kích địch ở khu vực ngã tư đường sắt, diệt 30 tên, chiếm toàn bộ công sự của chúng. Cuối ngày 5 tháng 9, Trung đoàn 88 được lệnh rút về phía sau chỉ để lại Tiểu đoàn 5 tiếp tục chiến đấu tại khu vực tây nam thị xã.

Ngày 6 tháng 9, trời tiếp tục mưa lũ, lợi dụng khi nước lớn, địch tiếp tục  dùng phi pháo bắn phá mạnh, trạm phẫu trong Thành cổ bị bom đánh sập, thuyền vận chuyển không vào được, thương binh ùn lại phải đưa cả sang hầm Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ. Địch phát hiện trục đường bờ sông hướng tây nam lực lượng ta mỏng, chúng tập trung lực lượng tiến công vào hướng này nhằm chiếm lại khu vực nhà thờ Tin lành, làm bàn đạp tiến công sang khu chợ và khu Mỹ Tây. Tối 6 tháng 9, Ban Chỉ huy họp với chỉ huy các tiểu đoàn ở phía nam thị xã để rút kinh nghiệm, củng cố quyết tâm chặn địch tại trận địa, tạo điều kiện phản kích đánh địch ở hướng Đông Bắc nhằm bẻ gãy các đợt tiến công của chúng.

Ngày 7 tháng 9, thực hiện kế hoạch tiến công dứt điểm trong 10 ngày (từ ngày 9 đến 19 tháng 9), lợi dụng trời mưa to, nước lũ, địch mở đầu đợt tiến công lớn bằng một đợt hỏa lực chuẩn bị mà chúng gọi là “kế hoạch phóng lôi”. Suốt 48 giờ liền, chúng dùng pháo binh, không quân và pháo trên tàu của hạm đội 7 bắn phá dữ dội vào các trận địa của ta trong thị xã, các đường vận chuyển, các khu vực vượt sông; máy bay B52 rải bom bờ bắc sông Thạch Hãn, đặc biệt khu vực Nhan Biều, ái Tử, Đông Hà và các trận địa khác của ta. Đi đôi với “kế hoạch phóng lôi”, địch tăng cường cho sư đoàn lính thủy đánh bộ liên đoàn biệt động quân số 1 gồm 3 tiểu đoàn và thiết đoàn 17 (thiếu) được tăng cường xe tăng phun lửa M125 để đưa vào chiến đấu trên các hướng.

Trong thị xã, địch dồn bộ binh và xe tăng lên tiến công, một bộ phận quân địch vượt qua cầu xi măng định chiếm khu chợ và khu Mỹ Tây. Đơn vị công binh của sử đoàn chốt giữ cầu đã đánh trả địch quyết liệt, dùng mìn phóng, B40, B41 diệt bộ binh và bắn cháy 2 xe tăng địch. Nhưng cầu xi măng và hầm cố thủ của ta bị bom khoan đánh sập, lực lượng ta bị tiêu hao, không đủ sức ngăn chặn địch, chúng chiếm được cầu xi măng, khắc phục cầu, tiến lên đánh chiếm khu chợ, khu trường Nữ và khu Mỹ Tây. Đêm 7 tháng 9, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 tổ chức phản kích địch ở khu nhà thờ Tin lành, tiêu diệt một số tên nhưng không chiếm được.

Ngày 8 tháng 9, địch tiếp tục đợt hỏa lực “phóng lôi” và các đơn vị phía sau của địch có hiện tượng dãn ra và chúng tung tin “đánh bom B52 vào Thành cổ”; thực chất là nghi binh để điều quân chuẩn bị tiến công ta. Phía ta, tiếp tục bám địch và chuẩn bị cho đợt tin công để phá thế bao vây, tiến công của địch. Trên hướng đông bắc, tiểu đoàn 7 lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ có xe tăng chi viện từ Tri Bưu, Hành Hoa đánh vào sát chân Thành cổ, bị ta ngăn chặn mạnh, chúng lui về làng Hành Hoa, Tri Bưu cố thủ và dùng hỏa lực trực tiếp liên tục đánh vào các chốt của ta ở góc đông bắc Thành cổ. Đây là hướng địch uy hiếp trực tiếp, Ban Chỉ huy Thành cổ quyết định phải tập trung lực lượng đánh bật địch trên hướng này, nhiệm vụ được giao cho Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 (Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ đã dự kiến giao nhiệm vụ từ 4 tháng 9) đêm 8 tháng 9 phải thực hành tiến công địch ở làng Hành Hoa với nhiệm vụ: Tổ chức tập kích tiêu diệt địch ở làng Hành Hoa, phá thế chuẩn bị tiến công của địch vào đông bắc Thành cổ, sau đó xây dựng trận địa phòng ngự, tổ chức lực lượng chốt giữ ngăn chặn các đợt tiến công của địch, tạo bàn đạp và thời cơ cùng đơn vị bạn tiến công các mục tiêu tiếp theo.

Về sử dụng lực lượng: Đại đội 7 có 40 người, trang bị 1 khẩu B41, 9 khẩu B40, còn lại là AK, tiến công trên hướng chủ yếu (tây - tây nam). Đại đội 5 có 47 người, trang bị 1 khẩu B41, 3 khẩu B40, còn lại là AK, tiến công trên hướng thứ yếu (nam - đông nam). Đại đội 6 có 32 người, bố trí ở bắc làng Cổ Thành làm lực lượng dự bị của tiểu đoàn, sẵn sàng đánh địch phản kích từ An Tiêm, Chợ Sãi sang. Đại đội 8 hỏa lực có 25 người, trang bị 1 khẩu súng máy phòng không 12,7mm, 1 khẩu cối 82mm, 1 khẩu ĐKZ82mm, bố trí ở bắc làng Cổ Thành, chi viện hỏa lực cho các hướng tiến công. Một đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 có 15 người, bố trí chốt giữ bắc Thành cổ, sẵn sàng hiệp đồng với các đơn vị đánh địch phản kích. Khi Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 vào chiến đấu, 2 khẩu cối 82mm của Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 95 bố trí trận địa ở đông bắc Thành cổ có nhiệm vụ chế áp địch ở nhà thờ Tri Bưu và sẵn sàng chi viện hỏa lực cho Tiểu đoàn 2 đánh địch phản kích.

Theo hiệp đồng, 16 giờ ngày 8 tháng 9, pháo và cối 160mm của cấp trên bắn phá từng đợt vào khu nhà tôn làng Tri Bưu và làng Hành Hoa. 1 giờ ngày 9 tháng 9, các mũi đột kích của quân ta lợi dụng trời mưa, từ các trận địa trực tiếp tiếp xúc, bí mật chiếm lĩnh trận địa, có tổ đã nằm sát hầm quân địch. 3 giờ ngày 9  tháng 9, được lệnh nổ súng, lập tức quân ta từ hai hướng, thành nhiều mũi dùng lựu đạn, thủ pháo, B40, B41 đánh vào các hầm cố thủ của địch, một mũi của Đại đội 7 thọc vào diệt chỉ huy tiểu đoàn địch, hai mũi của Đại đội 5 phát triển nhanh, đánh hất địch ra khỏi chiến hào, dồn chúng ra cánh đồng rau giữa hai làng Hành Hoa và Tri Bưu để cối và hỏa lực ta chuẩn bị sẵn phần tử bắn tiêu diệt. Hỏa lực địch từ nhà thờ Tri Bưu và khu nhà mái tôn vừa chi viện cho quân của chúng ở làng Hành Hoa, liền bị hỏa lực của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 95 của ta chế áp. Đến 4 giờ 40 phút, đại đội địch ở làng Hành Hoa bị tiêu diệt gần hết, một bộ phận nhỏ chạy thoát sang khu nhà mái tôn. Tiểu đoàn 2 chiếm lại địa bàn, củng cố công sự, sẵn sàng đánh địch phản kích.

Sáng 9 tháng 9, địch thực hành đợt tiến công mới như kế hoạch, chúng sử dụng các lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147 và 258 chia làm 5 mũi tiến công trên 4 hướng vào Thành cổ. Một bộ phận của lữ đoàn 147 phản kích vào làng Hành Hoa và tiến công vào Tri Bưu. 5 giờ 30 phút, pháo binh và máy bay địch ném bom đánh phá dữ dội xuống làng Hành Hoa và làng Cổ Thành. 6 giờ ngày 9 tháng 9, chúng cho 2 đại đội bộ binh có 12 xe tăng và xe M113 từ làng An Tiêm vượt sông Vĩnh Định chia làm nhiều mũi đánh thọc vào phía sau làng Hành Hoa nhưng đều bị các lực lượng chốt của các đại đội 5, 7 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 kiên quyết ngăn chặn. Từ nhà thờ Tri Bưu, chúng cho 1 đại đội mở một mũi tiến công vào các trận địa ta ở làng Hành Hoa phối hợp với mũi từ làng An Tiêm. Phát hiện địch phản kích, Ban Chỉ huy thành gọi pháo cấp trên chi viện, đồng thời lệnh cho 2 đại đội hỏa lực của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 95 dùng cối 82mm, ĐKZ, 12,7mm bắn chặn địch. Bộ binh địch bị bắn chặn, chúng phải co lại ở khu vực bãi tha ma rìa làng. Đến 14 giờ, sau khi dùng hỏa lực bắn dồn dập vào trận địa ta, chúng đưa thêm 1 đại đội bộ binh, có xe tăng lên chi viện trực tiếp và tiến công liên tục theo kiểu “lấn dũi” vào các chốt của ta mới chiếm được làng Hành Hoa. Các đại đội 5 và 7 chiến đấu ngoan cường suốt ngày với địch, nhưng do lực lượng bị tiêu hao, đạn dược không còn nên đến 18 giờ ngày 9 tháng 9, tiểu đoàn quyết định lui về trận địa chốt ở bắc Thành cổ.

Sau 1 ngày chiến đấu, ta tiêu diệt 1 đại đội thuộc tiểu đoàn 7 lữ đoàn 147, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội khác, diệt gọn 1 chi đội xe tăng, thiết giáp của địch; diệt hơn 250 tên, bắn cháy 4 xe M113, một xe Jeép; diệt tên thiếu tá tiểu đoàn phó tiểu đoàn 5 lữ đoàn 147 chỉ huy lực lượng phản kích của địch, góp phần ngăn chặn mũi tiến công của lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ vào đông bắc Thành cổ. Sau trận này, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Tại phía nam thị xã, trong ngày 9 tháng 9, lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ tập trung cả 3 tiểu đoàn bộ binh, có xe tăng yểm trợ tiến công từ các hướng nam, đông nam và tây nam vào Thành cổ. Từ hướng nam, chúng tập trung xe tăng, xe bọc thép, súng phun lửa chi viện trực tiếp cho bộ binh đánh chiếm Thành cổ, các lực lượng chốt giữ của ta đánh trả địch quyết liệt, giành giật với địch từng căn nhà, góc phố, nhất là khu vực chùa Bà Năm, ty cảnh sát (hướng đông nam), khu trại giam, thánh đường Thạch Hãn (hướng nam), khu Mỹ Tây (hướng tây nam) v.v... Nhiều chốt ta và địch xen kẽ nhau, Sở chỉ huy các tiểu đoàn 4, 5 Trung đoàn 95 cũng thành trận địa chốt ngăn chặn địch. Trong ngày 9 tháng 9, ngoài số địch bị Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 diệt, trên hướng nam ta còn tiêu diệt được 113 tên, nhưng ta cũng bị thương vong nặng: 203 người bị thương và hy sinh, hỏng 3 khẩu cối 82mm, 2 khẩu súng máy 12,7mm, 50% hầm hào bị sập, lấp. Đêm 9 tháng 9, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 được tăng cường lực lượng của Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95, tổ chức tập kích địch, chiếm lại khu Mỹ Tây, đẩy địch chạy về nam cầu xi măng, giải tỏa áp lực cho hướng nam Thành cổ. Trong đêm Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị, sau khi ra củng cố với quân số 142 người, vào bố trí ở khu chợ - ngân hàng - nhà in, góc Tây Nam thành.

 Trong ngày 9 tháng 9, cùng với việc sử dụng 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ tiến công vào Thành cổ, địch đưa liên đoàn biệt động số 1 đánh chiếm Bích Khê, Nại Cửu thay cho lữ đoàn 147 được điều sang hướng đông bắc tiến công vào Thành cổ. Sư đoàn dù cũng cho quân đánh chiếm Trại Gia Long, La Vang, Tích Tường, Như Lệ nhằm phối hợp với sư đoàn lính thủy đánh bộ tiến công Thành cổ và ngăn chặn ta phản kích từ hướng Tây, Tây Nam.

Ngày 10 tháng 9, địch tiếp tục dồn quân, có xe tăng chi viện trực tiếp lấn dũi mạnh từ hướng nam và đông nam Thành cổ, chúng tiến công đánh chiếm khu Mỹ Tây, trường Nữ, trại giam. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95, được hỏa lực cấp trên chi viện đã đánh trả quân địch giữ vững chốt, tiêu diệt 90 tên, bắn cháy 1 xe tăng, thu nhiều súng đạn. Nhưng với ưu thế về binh, hỏa lực, chúng vẫn chiếm được khu trại giam. Qua 1 ngày chiến đấu ác liệt, lực lượng của Tiểu đoàn 4 bị thương vong nhiều nên đêm 10 tháng 9 Ban Chỉ huy thành lệnh cho Tiểu đoàn 4 ra ngoài củng cố và điều Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 thay Tiểu đoàn 4 chiến đấu giữ khu vực nam Thành cổ. Trên hướng đông bắc Thành cổ, địch từ các làng Tri Bưu, Hành Hoa liên tục lấn dũi vào Thành cổ, các chiến sĩ Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị kiên quyết ngăn chặn và liên tục phản kích đánh địch, 1 trung đội địch đã lọt được vào Thành cổ. Không để địch phát triển, Ban Chỉ huy vảo vệ Thành cổ lệnh cho Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương lập tức phản kích, quân địch buộc phải tháo chạy ra khỏi thành, để lại 11 xác chết. Nhiều trận đánh gần ác liệt diễn ra ngay dưới chân thành. Đặc biệt từ ngày 7 tháng 9, các hướng tiến công của địch vào thành từ bắc, đông bắc đến đông nam và nam đã được nối liền, nên chúng có điều kiện để hiệp đồng, chi viện cho nhau tiến công đồng loạt từ 3 hướng, gây cho ta rất nhiều khó khăn; nhất là thiếu lực lượng cơ động để cùng các chốt phản kích, đơn vị nào cũng phải chốt, không còn lực lượng dự bị. Lực lượng của Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị mới vào cũng phải giăng quân ra ngăn chặn địch ở hướng tây nam. Trong ngày 10 tháng 9, ta tiêu diệt 233 tên địch, bắn cháy 1 xe tăng, nhưng chúng vẫn chiếm lại được khu trại giam, Mỹ Tây.

Ngày 11 tháng 9, địch tiếp tục tiến công trên tất cả các hướng vào Thành cổ. Trên hướng đông nam, 6 giờ sáng đã có bộ phận địch lọt vào trong thành, Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị xuất kích đánh bật chúng ra ngoài, đến 12 giờ 1 phút, đại đội địch tập trung nhảy vào thành, Tiểu đoàn 3 đánh trả quyết liệt và liên tục tổ chức phản kích, chúng bị thiệt hại nặng phải dùng hỏa lực chi viện và lui ra khỏi thành trước khi trời tối. Trên hướng tây nam, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 cùng Đại đội 1 Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương chiến đấu giằng co với địch ở khu Mỹ Tây, trường Nữ. Đêm 11 tháng 9, Đại đội 1 Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương tập kích chiếm lại khu Mỹ Tây, diệt 40 tên địch, nhưng hôm sau địch tiến công chiếm lại khu Mỹ Tây. Trên hướng đông bắc, địch liên tiếp tiến công lấn dũi vào các chốt của Đại đội 5 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48, các chiến sĩ ta kiên cường ngăn chặn, đến 18 giờ, ta bị thương vong nhiều phải rút về phía sau, địch chiếm được chốt. Từ 19 giờ đến 21 giờ, địch đánh vào chốt của Đại đội 6 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và áp sát đông bắc Thành cổ. Trong ngày 11 tháng 9, ta đã diệt 218 tên địch, thu một số súng; nhưng ta cũng bị thương vong nhiều.

Ngày 12 tháng 9, địch sử dụng 3 tiểu đoàn và 23 xe tăng, xe bọc thép M113, dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của các loại máy bay và pháo lớn tiến công trên cả ba hướng. Suốt từ 6 giờ đến 11 giờ, địch nhiều lần tiến lên nhưng vấp phải sức ngăn chặn và phản kích quyết liệt của ta, chúng phải lùi lại để dùng hỏa lực đánh phá hủy diệt. Lấn dũi không hiệu quả, chúng đổi thủ đoạn tiến công, khi hướng này tiến thì hướng kia yểm trợ phát hiện hỏa điểm và trận địa của ta để dùng hỏa lực tiêu diệt. Đến hơn 11 giờ, có 1 mũi gồm 2 đại đội địch lọt được vào góc đông nam thành. Ngay lập tức, Ban Chỉ huy thành ra lệnh cho Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị tổ chức lực lượng phản kích đẩy địch ra khỏi thành trong thời gian sớm nhất, đồng thời lệnh cho các đơn vị hỏa lực của mình và hiệp đồng với pháo binh chiến dịch tập trung bắn chặn địch. Các đơn vị hiệp đồng chặt chẽ, đến 14 giờ ta tập trung phản kích, 2 đại đội địch không chịu được phải bật ra khỏi thành và gọi pháo, xe tăng bắn súng phun lửa để chặn quân ta truy kích. Ngày 12, trên 3 hướng ta tiêu diệt 350 tên, bắn cháy 2 xe tăng.

Đêm 12 tháng 9, trên 70 chiến sĩ mới được bổ sung vào thành, tăng cường   cho Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị làm lực lượng cơ động chiến đấu cho các hướng. Đồng thời, Bộ Tư lệnh chiến dịch đưa 2 đại đội của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 vào thành sau một thời gian ra ngoài củng cố, cũng chỉ được một đại đội 26 người, một đại đội 24 người. Ban Chỉ huy Thành lập tức đưa lực lượng này về phía đông nam, cùng Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị giữ khu vực đã từng bị địch đột nhập. Vì không còn vật liệu để làm hầm, vị trí chỉ huy Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 phải bố trí cùng một nơi với chỉ huy Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị trong hầm nhà ngân hàng.

Ngày 13 tháng 9, sau 4 ngày liên tục tiến công, lực lượng địch bị tổn thất  nặng (bị loại trên 1.000 tên) nhưng chúng vẫn không chiếm được Thành cổ, buộc phải dừng lại củng cố, làm công sự bám sát 3 góc thành. Góc đông bắc địch cách ta 250m, góc đông nam cách ta 50m, ở cửa nam cách ta 250m.

Về ta, lực lượng bị tiêu hao nhanh, qua nhiều ngày mưa lũ, địch đánh phá  ác liệt, không tiếp tế vào được, các loại đạn, lựu đạn còn ít, thương binh ùn lại trong hầm Sở chỉ huy; sinh hoạt rất khó khăn, có ngày có đơn vị phải nhịn ăn vì thiếu lương thực. Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ không còn lực lượng dự bị, các đơn vị ngoài đưa vào phải rải ra nhiều đêm, khi vào được thì không còn chỗ đứng chân mà cũng phải giăng ra chặn địch. Đường dây liên lạc đứt hỏng liên tục, liên lạc giữa Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ với Sư đoàn 325 cũng rất ít thời gian thông suốt; vô tuyến điện 2W đều cạn nguồn, không sang sông nạp được. Đạn pháo chi viện của trên cũng phải tính từng viên. Các đài quan sát pháo đều lui về phía tây sông nên chi viện không kịp thời. Các đơn vị của mặt trận ở vòng ngoài tiến hành phản kích không đạt yêu cầu, nhất là hướng nam bị tổn thất nặng phải rút về phía sau. Từ ngày 10 tháng 9, địch dồn cả hai lữ đoàn lính thủy đánh bộ vào đánh chiếm Thành cổ.

Trong ngày 13 tháng 9, ta tranh thủ củng cố công sự, trận địa, điều chỉnh lực lượng, đưa Tiểu đoàn 1 vào chốt giữ góc đông - đông bắc thành và Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 vào chốt giữ góc nam trong Thành cổ; tổ chức tập kích nhiều đợt bằng hỏa lực vào các trận địa địch, bắn tỉa những tên địch ra ngoài công sự; diệt 123 tên, bắn cháy 1 xe tăng, phá hủy 1 khẩu đại liên.

Ngày 14 tháng 9, dưới sự yểm trợ của pháo binh, không quân, xe tăng, địch  từ 3 hướng tiến công vào Thành cổ. Chúng tập trung lực lượng bộ binh và xe tăng tiến công chủ yếu vào hướng nam. Trên tất cả các hướng, các chốt của ta kiên quyết chặn đánh các mũi tiến công của chúng. Đến 14 giờ, 1 trung đội địch lọt vào góc tây nam thành, các lực lượng trong thành lập tức phản kích đánh bật địch ra ngoài. 18 giờ, địch bám sát 3 góc thành và cửa nam, ta phải dồn lực lượng ra giữ các hướng: Góc đông bắc do Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị phòng giữ; góc đông nam do Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 cùng Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị và Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 95 chốt giữ; góc tây nam do Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 và Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 chốt giữ; góc tây bắc do Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 giữ. Tất cả các đơn vị tuy còn rất ít lực lượng nhưng đều kiên quyết chiến đấu giữ vững Thành cổ chuẩn bị cho Trung đoàn 18 và xe tăng vào phản kích theo ý định của Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Ở Nhan Biều, Mặt trận B5 điều 1 đại đội xe tăng đến tăng cường cho các lực lượng sang phản kích trong Thành cổ, nhưng xe chưa đến kịp, chỉ mới có tiểu đoàn trưởng chỉ huy xe đến nhận nhiệm vụ, hiệp đồng và đi trinh sát địa hình. Trong khi đó Ban Chỉ huy Trung đoàn 18 chưa đến được Nhan Biều để nhận nhiệm vụ và hiệp đồng.

QT phan 3 anh 2
Tiềm nhập mục tiêu ảnh: TL

Ngày 15 tháng 9, các lữ đoàn lính thủy đánh bộ 258 và 147 của địch tổ chức tiến công từ ba hướng vào Thành cổ. Được sự chi viện trực tiếp của tất cả các loại hỏa lực pháo, cối, xe tăng, súng phun lửa v.v..., chúng mở đợt tổng đột phá vào 2 góc thành đông nam, đông bắc và cổng thành nam. 4 giờ ngày 15 tháng 9, một đại đội địch bí mật tập kích vào Sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48, chiếm góc đông bắc Thành cổ và từ hướng đông nam, tây nam áp sát vào chiếm góc thành phía nam. Hỏa lực pháo, cối của địch từ Chợ Sãi liên tục bắn sang khống chế trận địa của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 và hướng tây bắc Thành cổ. Pháo binh và các chốt của ta bắn mạnh vào đội hình địch nên chúng bị bật ra ngoài. Suốt ngày, địch liên tục tiến công, bộ phận còn lại của các tiểu đoàn 1, 3 Trung đoàn 48; Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị, đã chiến đấu quyết liệt ngăn chặn địch suốt từ hướng đông bắc, đông nam đến phía tây nam thành.

Trên hướng đông nam và nam Thành cổ, địch nhiều lần xông lên đột phá vào góc đông nam và cổng nam thành dưới sự yểm trợ, chi viện của xe tăng, thiết giáp và pháo cối bắn thẳng. Buổi sáng nhiều lần có hàng trung đội địch lọt được vào cổng nam thành nhưng đều bị ta dùng hỏa lực của trung đoàn kết hợp với các phân đội phản kích đánh bật địch ra. Đến 15 giờ, địch đưa xe tăng phun lửa lên bắn vào chốt của ta; lực lượng và phương tiện, vũ khí của ta bị tiêu hao lớn, sức phản kích của ta giảm dần, các đơn vị phải lui sâu vào thành, địch chiếm và kiểm soát được cổng thành phía nam, góc đông nam thành. Chúng đưa 4 đại đội và 5 xe tăng vào củng cố các khu vực đã chiếm được từ góc đông bắc đến góc tây nam Thành cổ. Từ Sở chỉ huy bảo vệ Thành cổ đã nghe rõ tiếng hò hét của địch ở trong thành, một số cán bộ, chỉ huy các tiểu đoàn đã về Sở chỉ huy báo cáo và xin ý kiến.

Tối 15 tháng 9, Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ tập trung nắm tình hình và nhận định: Địch đã chiếm được góc đông bắc và toàn bộ phía nam trong Thành cổ và đang dồn lực lượng lên để chuẩn bị đánh chiếm Thành cổ vào hôm sau.

Về ta, các đơn vị đều tổn thất nặng nề, kể cả Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị mới vào. Quân số chiến đấu của ta còn rất ít, vũ khí đạn dược không đủ cơ số chiến đấu, nhất là súng và đạn không còn bao nhiêu. Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 1 mỗi đại đội chỉ còn 5 đến 7 người; Tiểu đoàn 3 mỗi đại đội còn 4 đến 7 người; Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 88 chỉ còn 19 cán bộ, chiến sĩ; Tiểu đoàn 2 quân số còn khá hơn, trên 60 người nhưng Đại đội 6 chỉ còn 3 người, Đại đội 7 chỉ còn 6 người; các tiểu đoàn khác cũng chỉ còn trên dưới 20 người. Vũ khí, lương thực còn rất ít, vì mấy ngày trước đó không nhận được tiếp tế. Thông tin liên lạc nội bộ chỉ còn phương tiện chạy chân, các máy thông tin vô tuyến 2W hết nguồn, máy 15W hỏng, đường dây điện thoại bị đứt không còn dây nối; cả ngày Ban Chỉ huy thành không liên lạc được với mặt trận phía sau. Như vậy, ta không còn khả năng phản kích và khó giữ được khi địch ồ ạt tiến công vào ngày hôm sau. Trong khi đó, dự kiến của trên đưa Trung đoàn bộ binh 18 và 1 đại đội xe tăng sang phản kích nhưng chưa có tin tức gì.

Sau khi nắm lại tình hình, Ban Chỉ huy quyết định: 22 giờ ngày 15 tháng 9 sẽcho các đơn vị không còn khả năng chiến đấu, các bộ phận không cần thiết và thương binh rút dần sang tả ngạn sông Thạch Hãn, theo thứ tự:

- Cho ngay Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48; Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 95; Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị, đưa thương bệnh binh và các bộ phận cơ yếu, đài 15W qua sông về hậu cứ. Thông báo cho bộ phận còn lại của Trung đoàn 88 biết việc rút quân qua sông.

- Trung đoàn bộ binh 95 để lại một bộ phận chốt ở khu vực bờ sông phía nam, đường Trần Hưng Đạo không cho địch tập kích vào vị trí của Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ. Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị và đại đội trinh sát, vệ binh của Trung đoàn 48 bố trí trong Thành cổ, sẵn sàng đánh địch để bảo vệ đội hình rút quân và rút sau cùng khi có lệnh của Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ.

- Nếu có lực lượng của Trung đoàn 18 sang phản kích thì hiệp đồng với Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48, bộ phận chốt còn lại của Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị ở trong thành từ hướng tây - tây bắc phản kích đẩy địch ra khỏi thành và tiếp tục chốt giữ trong thành.

Đúng 1 giờ ngày 16 tháng 9, không có lực lượng nào của ta sang phản kích, Tham mưu trưởng giao nhiệm vụ cho trợ lý tác chiến xuống truyền đạt lệnh rút quân cho Tiểu đoàn 2 và các lực lượng còn lại ở phía bắc. Lực lượng còn lại ở phía nam do Trung đoàn phó Trung đoàn 95 chỉ huy qua sông. Đồng thời quyết định cho đài chỉ huy pháo binh của Mặt trận (bố trí trong Sở chỉ huy bảo vệ Thành cổ) vượt sông ra và hiệp đồng với pháo binh đúng 3 giờ ngày 16 tháng 9 phải tập kích hỏa lực vào quân địch trong Thành cổ nhằm nghi binh để địch tưởng ta tiến công, hạn chế hành động của chúng, bảo đảm cho các lực lượng của ta rút an toàn.

2 giờ ngày 16 tháng 9, đội hình cơ bản đã qua sông, thương binh cũng được chuyển đi hết (Phòng quân báo Mặt trận B5 thông báo ngày 16 tháng 9 địch không bắt được người nào của ta trong thị xã). Theo hiệp đồng, 3 giờ ngày 16 tháng 9, pháo binh ta tập kích hỏa lực vào Thành cổ. Sáng 16 tháng 9, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh tiếp tục chuẩn bị đưa Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 vào thành để đêm 16 phản kích chiếm lại Thành cổ. Đến 18 giờ Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh ngừng đưa Trung đoàn 18 qua sông, mà nhanh chóng triển khai lực lượng phòng thủ khu vực tây sông từ đầu cầu Quảng Trị đến Nhan Biều, Xuân An và ra lệnh cho Trung đoàn 48, Trung đoàn 95 cùng một số đơn vị trực thuộc về hậu cứ trung đoàn, sư đoàn củng cố, bổ sung lực lượng, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Ban Chỉ huy bảo vệ Thành cổ tiếp tục thu quân còn sót lại bên thị xã, chú trọng thương binh, lạc ngũ đưa về đơn vị.

Ngày 17 tháng 9, Quân ủy Trung ương điện cho Mặt trận B5, bức điện chỉ rõ: ... Bộ đội ta rút khỏi thị xã chỉ là sự rút quân có tính chiến thuật. Cần thấy, đứng về phạm vi cả mặt trận thì cuộc chiến đấu của ta vẫn đang tiếp tục...(1)Trong đợt chiến đấu từ ngày 3 đến 15 tháng 9, ta đã tiêu diệt 2.039 tên địch, bắn cháy 12 xe tăng và xe thiết giáp M113.

Tính đến ngày 16 tháng 9 năm 1972, cuộc chiến đấu ở thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã trải qua 81 ngày đêm. Quân, dân thị xã Quảng Trị đã vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt của bom đạn kẻ thù, của thời tiết khắc nghiệt, bám trụ vững, kiên cường chiến đấu với các lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn, được hỏa lực của quân Mỹ yểm trợ mạnh nhất trong lịch sử cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ ngày 28 tháng 6 đến 30 tháng 8 năm 1972, quân dân thị xã cùng với các đơn vị trên toàn mặt trận Quảng Trị đã tiêu diệt 26.400 (2) tên địch, bắt 71 tên, diệt gọn 12 đại đội, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn bộ binh địch (trong đó có 10 tiểu đoàn dù, 9 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, lữ đoàn dù 2 và lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ bị thiệt hại nặng nhất); bắn rơi 205 máy bay, phá hủy 349 xe (có 200 xe tăng và xe thiết giáp M113); phá hủy, đánh hỏng 230 khẩu pháo, thu 50 súng(3).

Để giữ thị xã Quảng Trị và Thành cổ, ta đã sử dụng lúc cao nhất hơn 10 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo cao xạ và súng máy phòng không, 3 đại đội xe tăng, thiết giáp (lúc đầu) đồng thời có sự chi viện hiệu quả của 3 trung đoàn và 1 tiểu đoàn pháo bố trí bên tả ngạn sông Thạch Hãn. Ta đã sử dụng lần lượt nhiều sư đoàn, nhiều đơn vị binh chủng để tiến hành các đợt phản kích đánh bên sườn, phía sau lưng địch phối hợp với lực lượng bảo vệ thị xã. Ta đã bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch, giữ Thành cổ được 81 ngày đêm, góp phần phục vụ đắc lực cho yêu cầu đấu tranh ngoại giao, cho yêu cầu đấu tranh chính trị (4), quân sự nói chung và tạo điều kiện để ta có thời gian củng cố và tổ chức giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị.

Một trong những thành công nổi bật của các đơn vị bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là đã tích cực ngoan cường trong chiến đấu phòng ngự trực tiếp tiếp xúc với địch, giữ địa bàn, một hình thức tác chiến mà quân đội ta chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng nắm vững tư tưởng tích cực tiến công, quyết tâm đánh tiêu diệt, các chiến sĩ ta vừa anh dũng chặn địch ở phía trước, vừa chủ động tổ chức tập kích, phản kích, luồn sâu đánh vào phía sau, bên sườn các mũi tiến công của chúng với nhiều quy mô khác nhau. Đồng thời tích cực phát huy sở trường đánh đêm, kiên quyết, sáng tạo đánh ban ngày, kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động tác chiến nhỏ, rộng khắp với các đợt hoạt động tác chiến tập trung thích hợp để đẩy lùi và phá vỡ mọi đợt tiến công của địch.

Vừa đẩy mạnh tác chiến, các đơn vị trong thị xã Quảng Trị vừa nỗ lực xây dựng hệ thống công sự, hầm hào từng chốt, có thế liên hoàn và chiều sâu để vừa chiến đấu ngăn chặn địch khi chúng tiến công, đồng thời khi thuận lợi có thể từ đó xuất kích tiến công lại địch, khi có khó khăn có thể lui về cố thủ lâu dài. Trong điều kiện địch tập trung bom đạn đánh phá với mật độ cao, liên tục, dài ngày và trời mưa lũ gây rất nhiều khó khăn nên việc tổ chức xây dựng trận địa phòng ngự trực tiếp tiếp xúc với địch trong thị xã, một vùng thấp ven sông, gần biển chỉ có gạch, ngói, bê tông đổ nát, không có các loại vật cản chế sẵn, phương tiện làm công sự lại không có hoặc không phù hợp. Đây là một cuộc vật lộn quyết liệt, đòi hỏi lòng kiên trì, nhẫn nại, trí thông minh sáng tạo và rất nhiều mồ hôi, xương máu của bao chiến sĩ anh hùng.

Về địch, qua 81 ngày đêm tiến công vào thị xã và Thành cổ Quảng Trị, chúng đã sử dụng lực lượng phi pháo rất lớn của cả quân ngụy và quân Mỹ; hải quân và không quân chiến lược B52 của Mỹ đánh phá ác liệt trong một khu vực hẹp để chi viện cho quân ngụy tiến công, nhưng chúng cũng chỉ vượt được 16km theo trục quốc lộ 1. Trong khi đó chúng phải thay đổi nhiều đơn vị, nhiều cách đánh; lực lượng tổng dự bị chiến lược là quân dù và lính thủy đánh bộ đã bị ta đánh cho tơi tả, bị giảm sút sức chiến đấu nghiêm trọng, khả năng tiến công ra bắc tỉnh Quảng Trị bị hạn chế lớn. Qua 81 ngày chiến đấu, ta đã hiểu rõ hơn đặc điểm, cách đánh của địch để đối phó hiệu quả  trong chiến dịch phòng ngự Quảng Trị.

81 ngày đêm chiến đấu, các cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Thành cổ đã sát cánh cùng  với các đơn vị bạn trên toàn mặt trận Quảng Trị, góp phần đánh bại những cố gắng cao nhất của Mỹ - ngụy trên chiến trường, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ thị xã và Thành cổ trong những thời điểm có tính chất quyết định của cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao giữa ta và Mỹ nhất là tác động mạnh tới Hội nghị Pari bàn về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trần Ngọc Long - Đậu Xuân Luận (Lược theo: Tổng kết tác chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, Nxb Quân đội nhân dân, H. 2006; Lịch sử Trung đoàn 48 Sư đoàn 390, Nxb Quân đội nhân dân, H. 2007 và nhiều nguồn tư liệu khác).

1. Điện số 255Đ, ngày 17 tháng 9 năm 1972 của Quân ủy Trung ương.

2. Theo: Quảng Trị lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Xb-1998, tr. 215. Trong 81 ngày đêm, trên toàn mặt trận Quảng Trị ta diệt hơn 24.000 tên địch, phần lớn là quân dù và lính thủy đánh bộ, bắn rơi 180 máy bay, phá hủy 140 xe quân sự (có 90 xe tăng, xe thiết giáp, 20 khẩu pháo cùng nhiều đồ dùng quân sự khác).

3. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam Hướng tiến công chiến lược Trị Thiên năm 1972. H. 1987, tr. 199.

4. Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 5 năm 1971 hạ quyết tâm: Phát triển thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trong thế thua.

Kim Yến (st)

Bài viết khác: