Trong lịch sử chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 11 năm 1972) là lần đầu tiên các đơn vị bộ đội ta liên minh chiến đấu với lực lượng vũ trang Pa-thét Lào tổ chức phòng ngự ở quy mô cấp chiến dịch hoàn chỉnh và đã giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào đã đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của ngụy quân Lào và lính đánh thuê, được không quân Mỹ yểm trợ.
Khẩu đội súng cối 82mm thuộc Đại đội 17, Trung đoàn 174 lập nhiều thành tích trong chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Ảnh tư liệu
Kỳ 1: Hướng chiến lược quan trọng
Quan hệ Lào - Việt Nam là mối quan hệ đặc biệt, kiểu mẫu vượt lên trên thông lệ quan hệ quốc tế giữa hai Đảng, hai dân tộc, hai quân đội. Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu bên cạnh quân đội Pa-thét Lào với sự đùm bọc, chở che của nhân dân các bộ tộc Lào, vừa làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa làm nhiệm vụ dân tộc, “giúp bạn là tự giúp mình”.
Trên chiến trường ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia, bước vào đầu năm 1972 về cơ bản ngụy quân đã lâm vào thế bị động chiến lược, buộc phải chuyển vào thế phòng ngự với mưu đồ cố gắng giữ cho được cục diện chiến trường không bị đảo lộn, nhằm tìm một giải pháp chính trị có lợi trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri.
Khu vực Cánh đồng Chum là một cao nguyên lớn thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, có độ cao trung bình hơn 1000m; là chiến trường rừng núi, nhiều loại địa hình phức tạp: Xen kẽ rừng rậm, núi cao hiểm trở với những lòng chảo rộng, bằng phẳng, đất bazan, ruộng nương, cây cối xanh tốt. Đây là một trong những vùng giải phóng quan trọng nhất đối với cách mạng Lào. Phía bắc là tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn), căn cứ địa của mặt trận Lào yêu nước; phía đông giáp Nghệ An, Hà Tĩnh (Việt Nam); phía tây là quốc lộ 13 nối liền kinh đô Luông Phra-băng với thủ đô Viêng Chăn.
Như vậy, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng nghiễm nhiên trở thành một địa bàn có giá trị chiến lược quan trọng cả về quân sự, chính trị, kinh tế, cả trước mắt và lâu dài. Giữ được địa bàn quan trọng và đắc địa này vô hình chung có tác dụng cả thế công và thế thủ tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào phát triển; bảo vệ trực tiếp vùng căn cứ địa cách mạng ở Sầm Nưa, tạo thế uy hiếp và góp phần tấn công Long Chẹng “Thủ đô Vương quốc Mẹo", thực chất đây là căn cứ quân sự thuộc lực lượng đặc biệt của tướng Vàng Pao được Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng, trở thành mối đe dọa thường trực và là bàn đạp để uy hiếp Thủ đô Viêng Chăn và cố đô Luông Phra-băng.
Đối với ba nước Lào - Việt Nam - Cam-pu-chia thì Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là một hướng chiến lược rất quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ không chỉ với Lào mà cả với Việt Nam và Cam-pu-chia, nó có ý nghĩa sâu sắc trong sự phối hợp chiến trường chung; đồng thời có quan hệ mật thiết, hữu cơ tới việc bảo vệ an ninh biên giới Việt Nam - Lào. Không những thế, nó còn có liên quan chặt chẽ, sống còn đến căn cứ hậu cần và tuyến vận chuyển chiến lược từ miền Bắc Việt Nam cho các chiến trường ở Lào và Cam-pu-chia. Giới quân sự Mỹ cho rằng, “Cánh đồng Chum là chìa khóa của nước Lào”.
Để giữ vững địa bàn chiến lược, đồng thời phối hợp với chiến trường miền Nam Việt Nam trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Pa-thét Lào tiến hành chiến dịch phòng ngự khu vực Cánh đồng Chum nhằm đập tan âm mưu tiến công của địch trong mùa mưa năm 1972.
Tháng 5 năm 1972, lực lượng địch ở khu vực Quân khu 2 (Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng) có 76 Tiểu đoàn Bộ binh, 3 Tiểu đoàn Pháo binh. Trong đó lính đánh thuê có 18 Tiểu đoàn bộ binh, hai Tiểu đoàn pháo binh. Lực lượng tăng cường từ Quân khu 1, Quân khu 3 có GM 10B9(1), GM30; đồng thời tại khu vực Sa La Phu Khun có hai lữ đoàn thuộc Sư đoàn bộ binh 1, 2 Tiểu đoàn quân trung lập; một Tiểu đoàn đặc biệt; một Đại đội pháo binh. Tại sân bay ở Long Chẹng có hai Đại đội T28 với 9 máy bay, riêng không quân Mỹ chi viện từ 50 đến 70 lần chiếc/ngày.
Cùng thời gian này, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng có Trung đoàn 148, Trung đoàn 174 Sư đoàn Bộ binh 316, Trung đoàn 866 Tình nguyện độc lập, Trung đoàn 335 Độc lập thuộc Quân khu Tây Bắc; hai Tiểu đoàn đặc công 41, 27; Tiểu đoàn pháo binh 42; Tiểu đoàn Tăng-Thiết giáp; hai Tiểu đoàn Cao xạ 37mm; hai Tiểu đoàn Súng máy cao xạ 12,7mm; hai Tiểu đoàn Công binh với 4 máy húc. Tới tháng 10-1972, Bộ Tổng Tư lệnh tăng cường Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn bộ binh 308C. Về phía lực lượng Quân đội giải phóng nhân dân Lào có Tiểu đoàn 1, 2, 12, 24, 701, Tiểu đoàn pháo binh; một Đại đội Xe tăng; một Đại đội pháo mang vác nữ; hai Đại đội pháo cao xạ; một Đại đội công binh, lực lượng trung lập yêu nước có Tiểu đoàn 15, 46, 48.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tháng 2 năm 1972, Hội nghị Quân ủy Trung ương đã xác định: “Phải giành thắng lợi to lớn, tạo nên so sánh lực lượng và cục diện mới có lợi cho ta, buộc địch phải chấm dứt chiến tranh năm 1972 theo điều kiện của ta, đồng thời có sự chuẩn bị mọi mặt để tiếp tục đánh mạnh hơn nữa vào mùa khô 1972-1973 nếu địch còn ngoan cố kéo dài chiến tranh…”.
Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch do Đại tá Vũ Lập làm Tư lệnh, Đại tá Lê Linh làm Chính ủy. Phía bạn Lào, đồng chí Khẻm Phon, Tư lệnh quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng làm Phó Tư lệnh chiến dịch. Sở Chỉ huy chiến dịch đặt tại Phu Nhu.
Bộ Tư lệnh chiến dịch tổ chức lực lượng thành hai thành phần chủ yếu, trong đó lực lượng phòng ngự trận địa gồm hai Trung đoàn 174 và Trung đoàn 866 được tăng cường hai Đại đội xe tăng và hai Đại đội pháo binh chiến dịch, có nhiệm vụ chiếm giữ các cụm chốt: Phu Pha Say, điểm cao 2063, điểm cao 1800, 1978, 1516, 1900B, Phu Tâng, Phu Tôn, Phu Seo, Hụa, Sạng, Phu Keng, Phu Thông, Phu Khe, Phu Học. Kìm chân địch tại chỗ, tạo điều kiện cho các lực lượng cơ động chiến dịch tiến hành phản đột kích, đánh các trận then chốt tiêu diệt địch.
Lực lượng cơ động chiến dịch gồm hai Trung đoàn bộ binh 148 và 335. Nhiệm vụ chủ yếu của các đơn vị là tập trung tác chiến hiệp đồng binh chủng, tổ chức các trận then chốt của chiến dịch nhằm tiêu diệt và bẻ gãy các mũi, các cánh tiến công của địch vào Cánh đồng Chum.
Cùng với hai thành phần chủ yếu còn có các Tiểu đoàn 41 đặc công tập kết ở đông bắc Thị xã Xiêng Khoảng, có nhiệm vụ luồn sâu đánh phá các kho tàng, sân bay, Sở Chỉ huy của địch ở Long Chẹng, Tôm Tiêng; Tiểu đoàn 42 pháo binh tổ chức ba trận địa ở Bản Son - Noọng Pẹt, Khang Khay và Bản My - Bản Na Van nhằm chi viện cho các điểm chốt, cụm điểm chốt, các khu vực phòng ngự và pháo kích vào Sảm Thông, Long Chẹng; các Tiểu đoàn cao xạ 24, 125 và 128 triển khai trận địa trên trục đường 7 từ Noọng Pẹt, Khang Khay tới Cánh đồng Chum, giáp tuyến trung gian, tạo thành lưới lửa phòng không bắn máy bay địch bảo vệ đường cơ động, các trận địa phòng ngự, trận địa pháo binh và xe tăng, thiết giáp, Tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp bố trí ở Bản Phạt, Bản Noọng sẵn sàng cùng các lực lượng cơ động đánh các trận then chốt chiến dịch. Tiểu đoàn 15 và 25 công binh có nhiệm vụ bảo đảm tuyến đường vận chuyển từ Noọng Pẹt vào Cánh đồng Chum, các trục đường cơ động của pháo binh, xe tăng, làm các trận địa, công trình phòng ngự và Sở Chỉ huy chiến dịch.
Cho đến trước ngày 20-5-1972, thế trận phòng ngự chiến dịch được hình thành có sự giao thoa kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống hỏa lực, công sự, vật cản với lực lượng chốt giữ và lực lượng cơ động. Toàn mặt trận đã sẵn sàng trong tư thế đánh địch.
(Còn nữa)
Thiếu tướng Lê Mã Lương
(1) Groupement mobile: Binh đoàn cơ động (Trung đoàn)
Tâm trang (st)