8 giờ sáng 21-5-1972, khi bầu trời vẫn còn u ám, mưa rơi nặng hạt, nhưng quân địch đã dùng không quân và pháo binh đánh phá dữ dội các điểm trọng yếu ở khu trung gian và trên trục đường từ khu trung gian vào Cánh đồng Chum, đòn đánh phủ đầu này để đánh dấu sự mở đầu tiến công của địch vào hệ thống phòng ngự Chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Chỉ 30 phút sau 5 Tiểu đoàn Quân đánh thuê và 1 Tiểu đoàn Quân ngụy Lào, tăng cường thêm GM 31 hình thành 2 mũi tiến công điểm cao 1800 và 1978, mũi thứ 3 đánh ra Him Đàm, Thẩm Lửng. Các chiến sỹ Trung đoàn 174 bám chắc công sự, chiến hào, dùng tiểu liên, lựu đạn, thủ pháo đánh bật hết đợt tiến công này đến đợt tiến công khác của địch. Sau 8 ngày ngoan cố tiến công vào trận địa ta, mặc dầu bị thương vong hơn 200 tên lính Thái Lan và ngụy Lào, nhưng địch tiếp tục tăng cường độ đánh phá của không quân và pháo binh vào các điểm chốt của ta và đã đánh chiếm được 2 điểm cao trong khu vực Him Đàm, Thẩm Lửng và bám được vào chân điểm chốt Phu Pha Say của ta.
Các chiến sỹ đặc công Sư đoàn 316 quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trước khi vào trận. Ảnh tư liệu
Để tăng cường lực lượng đủ sức tiêu diệt địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định điều Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148 vào phối hợp với Trung đoàn 174 tổ chức phản kích địch. Nhận được lệnh, Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Đào Trọng Lịch khẩn trương tổ chức hành quân, vượt núi, trèo đèo thẳng đến khu vực trung gian. 20 giờ ngày 28 tháng 5, cả Tiểu đoàn vừa tới nơi liền triển khai đánh một số trận nhỏ để tạo thế. Ngày 6 tháng 6, Tiểu đoàn 6 cùng Trung đoàn 174 tổ chức các đòn phản kích nhằm vào GM 30 đánh tan 2 Tiểu đoàn và diệt hơn 200 tên, đẩy lùi toàn bộ cánh quân địch ở hướng Đông - Nam.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ngày 26-6-1972, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148 được lệnh chuyển sang hướng Tây nam cùng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174 tiếp tục phản kích địch. Sau một tuần chuẩn bị, đến ngày 3 tháng 7, Tiểu đoàn 6 và Tiểu đoàn 3 nổ súng tiến công địch ở Him Đàm, Thẩm Lửng. Do trời tối, sương mù dày đặc nên hỏa lực của ta bắn không trúng mục tiêu do không quan sát được đạn nổ. Vì vậy, hai lần bộ đội ta xung phong đều bị quân địch bám vào vách đá, công sự đánh bật trở lại vị trí xuất phát tiến công. Nếu tiếp tục xung phong chẳng những bộ đội sẽ bị thương vong lớn, mà khả năng chiếm được Him Đàm, Thẩm Lửng là rất nhỏ. Vì vậy, Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Tường lệnh cho Tiểu đoàn trưởng Đào Trọng Lịch lui quân, chuẩn bị thật chu đáo để hôm sau tiếp tục tiến công. Nhưng với trách nhiệm cao và truyền thống của Tiểu đoàn “đã ra quân là đánh thắng”, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 6 tha thiết đề nghị Trung đoàn được tiếp tục xốc lại đội hình, lựa chọn phương án tác chiến phù hợp để tiến công dứt điểm. Đề nghị đó được Trung đoàn trưởng chấp nhận. Tiểu đoàn trưởng Lịch tranh thủ hội ý trong cán bộ chỉ huy, sau đó, một phương án mới được đề ra, trước mắt cho bộ đội bí mật rút ra một cự ly đủ điều kiện bám các động thái của địch, đồng thời đưa hỏa lực vào vị trí có tầm bắn hiệu quả, khi trời hửng sáng sẽ phát lệnh tiến công.
6 giờ sáng 4-7-1972, sau khi kiểm tra các mũi, hướng đã sẵn sàng ở vị trí xuất phát tiến công, Tiểu đoàn trưởng Lịch hạ lệnh nổ súng. Sau 10 phút hỏa lực dồn dập, các mũi xung kích của ta lao lên đánh chiếm hết mục tiêu này tới mục tiêu khác. Chỉ trong 30 phút chiến đấu, Tiểu đoàn 6 làm chủ hoàn toàn các mục tiêu, cùng với Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174 đập tan 16 vị trí đứng chân của 2 Tiểu đoàn quân Thái Lan, 4 Tiểu đoàn quân ngụy Lào. Quân ta khôi phục lại Him Đàm, Thẩm Lửng và tiếp tục tiến công địch ở các mỏm phía tây dãy 1800, đẩy địch ra xa mỏm 2 và cải thiện thế phòng ngự của ta tại khu vực này.
Sau 82 ngày đêm chiến đấu gian khổ, ác liệt, Trung đoàn 174 và Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148 đã đánh 140 trận, tiêu diệt 332 tên địch, thu và phá hủy 131 phương tiện chiến đấu các loại, bắn rơi 5 máy bay, bắt sống một giặc lái, bẻ gãy cuộc tiến công mở đầu của địch vào khu trung gian, từng bước khôi phục lại các điểm trọng yếu bị địch lấn chiếm, giữ vững khu trung gian.
Như vậy, tiến công vào khu trung gian bị thất bại, địch tập trung 40 Tiểu đoàn tiến công lớn vào Cánh đồng Chum trên 3 hướng. Tuy nhiên, địch mới sử dụng 4 Trung đoàn còn 3 Trung đoàn chưa thấy xuất hiện. Đây có thể là đòn nghi binh, phân tán lực lượng ta và chờ cơ hội tung lực lượng dự bị hình thành hướng chủ yếu rồi bất ngờ đánh chiếm Cánh đồng Chum.
Nắm được ý đồ của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ đạo Trung đoàn 174, tổ chức các điểm chốt trong hệ thống tác chiến phòng ngự hết sức linh hoạt, bằng mọi giá giữ vững khu trung gian để phối hợp với Cánh đồng Chum, đồng thời trả Tiểu đoàn 6 về đội hình Trung đoàn 148 để phối hợp với lực lượng phòng ngự của Trung đoàn 866 nhằm ngăn chặn GM 24 đang uy hiếp phía nam Cánh đồng Chum. Trung đoàn 335 và Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 148 làm lực lượng dự bị chiến dịch, sẵn sàng cơ động đánh địch khi chúng hình thành rõ hướng tiến công chủ yếu.
Trước những ngày tiến công vào Cánh đồng Chum, địch tăng cường lực lượng không quân chiến thuật từ 80 đến 100 lần chiếc ngày và từ 20 đến 25 lần chiếc B52 tập trung đánh vào các kho trạm, đường sá và các vị trí đứng chân của bộ đội ta ở Bản Tôn, Lạt Huồng, Khang Khay, Noọng Pẹt, Bản Phồn. Kết thúc đợt đánh phá bằng không quân, lực lượng máy bay lên thẳng cơ động đổ quân GM 23 xuống Ba Pha (đông nam Phu Hụa Sạng, phối hợp với 3 Tiểu đoàn quân ngụy Lào từ Tôm Tiêng luồn rừng ra Phu Nậm San làm bàn đạp tổ chức tiến công Phu Luông. Một Tiểu đoàn quân ngụy Lào từ Phu Nậm San phát triển về Khang Kho đánh chiếm Phu Xa Coi và Phu Hụa Sạng vào ngày 15-8, nhưng bị Đại đội 2, Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148 đang chốt giữ trận địa đánh bật nhiều đợt tiến công của địch, đồng thời tập kích quân địch ở chân núi, diệt nhiều tên.
6 giờ ngày 21-8-1972, Trung đoàn 148 dùng hỏa lực cấp tập vào các vị trí địch, rồi lệnh cho các Tiểu đoàn 4, 5 xung phong đánh chiếm Phu Luông, đẩy lùi địch ở khu Phu Hụa Sạng diệt một bộ phận sinh lực GM 23, buộc địch phải rút về Khang Kho.
Cùng thời gian này, địch dùng máy bay lên thẳng đổ GM 22 xuống Nậm Pít, rồi bí mật luồn rừng ra Bản Khổng, đánh chiếm Phu Thông, đồi 5 mỏm. Trung đoàn 866 được lệnh Bộ tư lệnh chiến dịch tổ chức lực lượng đánh bật quân địch ra khỏi đồi 5 mỏm. Quân địch bị thương vong lớn nên buộc phải co về bắc Bản Khổng và tây nam Phu Thông.
Thiếu tướng Lê Mã Lương
(còn nữa)
Tâm Trang(st)