Theo Tạp chí Trí thức và Phát triển - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Bộ Sách điện tử Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị – Trang http://uongnuocnhonguon.vn)

Tiếng súng của quân và dân Quảng Trị trong trận chiến

Phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, trong chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, quân và dân Quảng Trị đã thêm một lần nữa ghi dấu lòng son dạ sắt, quả cảm anh hùng để cùng với lực lượng quân đội chính quy bẻ gẫy hàng loạt trận tiến công tác chiến của kẻ địch. Dường như bom đạn của kẻ địch càng trút xuống một cách tàn bạo, dã man nhất thì ý chí tinh thần của mỗi người dân, mỗi cán bộ chiến sĩ bộ đội địa phương Quảng Trị càng nảy nở vươn cao bện chắc vào nhau tựa như thế đứng của dãy núi Trường Sơn để không một thứ đạn bom nào có thể khuất phục được.

Trước tình thế Quảng Trị bị thất thủ, Thừa Thiên bị uy hiếp nặng nề, Mỹ -   Thiệu cách chức Hoàng Xuân Lãm, đưa tướng Ngô Quang Trưởng làm Tư lệnh vùng 1, giải thể luôn Sư đoàn 3. Mỹ - Ngụy khẩn trương củng cố các đơn vị bị tổn thất nặng, đồng thời đưa hết lực lượng dự bị của Quân đoàn 1 cùng với 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 trung đoàn xe tăng, xe bọc thép thiết lập một phòng tuyến mới ở Nam sông Mỹ Chánh, nhằm trước mắt ngăn chặn lực lượng của ta phát triển vào Thừa Thiên - Huế, đồng thời tranh thủ thời gian chuẩn bị cho một cuộc phản công quy mô lớn chiếm lại tỉnh Quảng Trị.

Ngày 13 tháng 6 năm 1972, sau khi được Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở Sài Gòn hứa tăng viện trợ, Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “tái chiếm Quảng Trị” - lấy tên là “Lam Sơn 72”. Cuộc hành quân “Lam Sơn 72” chia làm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6): Tập trung lực lượng ra phía nam sông Mỹ Chánh, lập tuyến phòng thủ ngăn chặn cuộc tiến công của ta.

Giai đoạn 2 (từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7): Thực thi “tái chiếm” huyện  Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Mỹ - ngụy xem giai đoạn này là giai đoạn quan trọng của cuộc hành quân “Lam Sơn 72”.

Giai đoạn 3 (từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8): Chiếm lại toàn bộ Ái Tử, Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh.

Mỹ - Ngụy nuôi nhiều tham vọng và dốc sức cho cuộc tái chiếm Quảng Trị. Vì theo chúng, tái chiếm được Quảng Trị sẽ “xoay chuyển” được tình hình, “phá tan” được cuộc tiến công sắp tới của quân và dân ta, “bảo vệ” được Cố đô Huế và cả miền Nam, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Tái chiếm được Quảng Trị sẽ là “lợi thế” để chúng gây sức ép với ta ở Hội nghị Pari; trước hết là để vớt vát lại uy thế chính trị của chúng đã bị suy giảm thảm hại, xóa được tâm lý thất bại đang lan tràn trong sĩ quan, binh lính, vực dậy tinh thần quân ngụy đang suy sụp nghiêm trọng.

Thực hiện âm mưu đó, liên tiếp trong hai ngày 26 và 27 tháng 6, Mỹ - ngụy tập trung lực lượng không quân, hải quân, pháo hạm mở các trận oanh kích dữ dội, bắn phá dọn đường. Sáng ngày 28 tháng 6 năm 1972, từ tuyến xuất phát đông Mỹ Chánh, bộ binh và xe tăng địch mở cuộc phản công. Chúng phối hợp tiến công trên hai trục Quốc lộ 1 và tỉnh lộ 68 với đổ bộ đường không xuống nam sông Nhùng, Cổ Lũy và đường biển (sau vực Thuận Đầu). Từ nhiều hướng, chúng tiến đánh các chốt của ta trên các trục đường dẫn tới thị xã Quảng Trị.

Bộ đội chủ lực ta đang ở thế tiến công phải vừa điều chỉnh gấp đội hình, vừa chiến đấu chặn địch. Chỉ trong một tuần, địch đã tràn qua một vùng khá rộng từ Gia Đẳng đến La Vang, chiếm lại quận lỵ Hải Lăng, áp sát ngoại vi phía nam thị xã Quảng Trị.

QT phan 4 anh 1
Tên lửa A72 là vũ khí có điền khiển, chuyên để bắn máy bay tầm thấp; ta đưa vào chiến đấu
đầu tiên tại Quảng Trị Ảnh: Đoàn Công Tính Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị

Bộ Quốc phòng chỉ thị cho mặt trận Quảng Trị: “Chỉ có một khả năng giữ Quảng Trị, đánh bại cuộc hành quân của địch”. Bộ Tư lệnh B5 quyết định: “Tăng cường và chi viện cho lực lượng giữ thị xã, đồng thời liên tục tổ chức những trận phản kích hai bên sườn, chủ yếu là hướng Tây, từng bước đánh bại ý đồ của địch, nhanh chóng chiếm thị xã”. Lực lượng vũ trang ta chuyển từ chiến dịch tiến công sang phản công để đánh bại cuộc phản công của địch.

Trước yêu cầu tình hình và nhiệm vụ mới, ngày 10 tháng 6 năm 1972, Tỉnh ủy Quảng Trị họp, nhận định: “Thất bại của địch ở Quảng Trị là một thất bại có ý nghĩa chiến lược, do đó, Mỹ - Ngụy rất cay cú. Chúng sẽ tìm hết mọi âm mưu, thủ đoạn để phản kích, nhằm phá hoại mọi thành quả mà ta đạt được, thậm chí chúng có thể đánh chiếm lại Quảng Trị”. Hội nghị Tỉnh ủy dự kiến: “Địch có thể phản kích bằng ba khả năng, trong đó khả năng quyết liệt nhất là sử dụng binh lực với quy mô sư đoàn và có thể có quân Mỹ tham gia để đánh chiếm lại một số khu vực quan trọng mà trọng điểm là thị xã Quảng Trị”. Từ nhận định đó, Hội nghị Tỉnh ủy nêu rõ nhiệm vụ cấp bách nặng nề của toàn Đảng bộ, toàn quân và dân trong tỉnh là: “Động viên và phát huy cao độ truyền thống đấu tranh, tinh thần tự lực tự cường, nỗ lực phi thường, đưa phong trào thi đua yêu nước của quân và dân trong tỉnh trở thành cao trào cách mạng để giữ vững và củng cố vùng giải phóng, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước”.

Cuối tháng 6 năm 1972, trước yêu cầu cấp bách phải bảo vệ quê hương mới được giải phóng, Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trương: “Kiên quyết phối hợp với chủ lực đánh bại cuộc phản kích của địch” và đề ra biện pháp tập trung giữ vững thị xã Quảng Trị, nhanh chóng hình thành chiến tranh du kích sau lưng địch, tổ chức sơ tán dân của hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong về phía sau, tích cực phòng tránh, hạn chế thiệt hại.

Đây là một chủ trương đúng đắn, xuất phát từ yêu cầu bức xúc của Đảng bộ và nhân dân Triệu - Hải nhưng trong quá trình tổ chức thức hiện còn lúng túng không có kế hoạch đưa ai đi, để ai ở lại để vừa bảo vệ được dân vừa duy trì được cuộc chiến đấu - sau lưng địch.

Tại khu vực thị xã, ngoài lực lượng nòng cốt là Trung đoàn 48 được tăng cường xe tăng, pháo binh, Tỉnh đội đã bổ sung quân số đầy đủ cho các Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 8 (bộ đội địa phương tỉnh), Đại đội 32 của thị xã Quảng Trị và một số du kích, cán bộ cơ sở để phối hợp với bộ đội chủ lực bảo vệ địa bàn.

Tiểu đoàn 10 đặc công tỉnh và các đại đội bộ đội địa phương Hải Lăng cùng với du kích các xã bám trụ địa bàn, tích cực hoạt động ở những vùng địch đã tràn qua, xây dựng phong trào chiến tranh du kích sau lưng địch.

Tiểu đoàn 14 với nhiệm vụ chủ yếu là cùng bộ đội chủ lực chốt giữ Cửa Việt và các điểm trọng yếu ở phía đông, nhưng phải khẩn trương cùng cán bộ cơ sở vận động và tổ chức sơ tán nhân dân hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng về phía sau, kể cả vùng địch đã tràn qua...

Sau khi chiếm được một số bàn đạp có lợi, địch chuyển sang tiến công vào thị xã. Suốt trong thời gian từ ngày 4 đến ngày 24 tháng 7 năm 1972, sư đoàn dù “Thiên thần mũ đỏ” nổi tiếng “anh chị” trong quân ngụy tập trung đột phá từ hướng tây - nam, trong khi Sư đoàn thủy quân lục chiến “Cọp biển” đánh vòng lên phía bắc. Ý định của địch chiếm thị xã Quảng Trị vào ngày 10 tháng 7, nhưng không thành bởi ngày 07 tháng 7, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 cùng bộ đội địa phương Vĩnh Linh diệt hàng trăm tên địch tại La Vang Hữu; ngay 08 tháng 7 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 đã diệt 163 tên địch tại cánh đồng từ Trâm Lý sang Quang Thiên; Tiểu đoàn 8 lính thủy đánh bộ ngụy bị thiệt hại nặng, đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, buộc phải rút rút về phía sau, củng cố. Do vậy, chúng phải lùi thời gian đến l8 tháng 7, rồi 27 tháng 7. Trong thời gian này, Lữ đoàn dù số 2 đã tổ chức hai lần tiến công. Trận địa chốt hiểm yếu của ta do các đại đội của Tiểu đoàn 3 chốt giữ, phải chiến đấu trong tương quan lực lượng quá chênh lệch “một chọi một trăm”. Tuy vậy, bộ đội ta đã kiên cường mưu trí đánh quỵ Lữ đoàn dù số 2 của địch.

Một bộ phận khác đến sát Đông - Nam Thành Cổ, bị các chiến sĩ của Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 3 đánh bật lại. Nhiều tên liều chết, tìm cách trèo lên bờ thành cắm cờ, liền bị Trung đội trưởng Hà Duy Long (tiểu đoàn 8) và đồng đội tiêu diệt.

Tiểu đoàn 14 (bộ đội địa phương tỉnh) và lực lượng du kích tại chỗ cùng bộ   đội chủ lực đánh địch ở tuyến các làng Ngô Xá, Cu Hoan, Trà Trì, Trà Lộc. Ngày 22 tháng 7 năm 1972, địch đổ bộ bằng trực thăng xuống bắc sông Vĩnh Định, bị các lực lượng của ta đánh thiệt hại nặng.

Sau 20 ngày phản kích thị xã, địch chỉ lấn chiếm thêm đến làng Tri Bưu, làng Cổ Thành và khu vực chợ Sãi. Lực lượng ta trên các trận địa đã vượt qua những thử thách ban đầu, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Thị xã Quảng Trị vẫn bị bao vây và bị uy hiếp, tiếp tế vận tải từ hậu phương tới rất khó khăn...

Trung tuần tháng 7 tháng 1972 lực lượng bảo vệ thị xã được tăng thêm Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325). Một Ban Chỉ huy chung được thành lập. Sư đoàn 325 (thiếu) được triển khai trên bờ Bắc sông Thạch Hãn, Sư đoàn 308 đứng chân phía Tây và Sư đoàn 320B (thiếu) hoạt động ở phía Đông. Một thế trận mới được hình thành hai bên sông Thạch Hãn, trong đó thị xã Quảng Trị là mục tiêu bảo vệ chủ yếu.

Phía Nam tỉnh, trong vùng địch chiếm đóng, chiến tranh du kích đang phát triển.

Bộ đội địa phương tỉnh đã có những trận đánh tốt ở Hội Yên, Gia Đẳng, Trà Trì, Trà Lộc, Ngô Xá Đông, Ba Bến, dọc tỉnh lộ 68. Du kích các xã Triệu Sơn, Triệu Trạch, Hải Thượng... đã đánh địch bằng súng bộ binh, chông, bẫy... Các xã đội trưởng của xã Hải Thượng, Triệu Trạch đều anh dũng lập công, bắn cháy xe địch. Đồng chí Trần Thị Tâm, Huyện đội phó huyện Hải Lăng cùng một tổ nữ du kích xã Hải Quế đã bám trụ chiến đấu, quần đánh với một tiểu đoàn địch càn quét suốt một ngày, chị Tâm đã anh dũng hy sinh.

Trong suốt tháng 8 tháng 1972, Sư đoàn thủy quân lục chiến thay quân dù, ba lần tiến công vào thị xã. Dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của không quân, pháo binh, bộ binh và lính thủy đánh bộ ngụy đột kích liên tục, đánh “lấn dũi” nhích dần đến mục tiêu, chiếm từng đoạn giao thông hào, giành từng ô đất. Lực lượng vũ trang ta kiên cường chiến đấu, đẩy lùi từ đợt phản kích này đến đợt phản kích khác của địch, không kể ngày hay đêm, thời tiết nắng hay mưa. Phần lớn ngoại vi thị xã đã lọt vào tay địch, lực lượng ta ở thị xã thực sự đang chiến đấu trong vòng vây ngày càng thắt chặt. Nhưng từ những trận địa đang nghiêng ngả chao đảo vì bom đạn Mỹ - ngụy, các chiến sĩ ta vẫn kiên cường chống trả quân địch. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch ở Thành Cổ kéo dài giữa lúc Hội nghị ở Pari bước vào giai đoạn gay cấn nhất và phong trào phản đối chiến tranh ở nước Mỹ lên cao. Mỹ - ngụy quyết tái chiếm cho được thị xã Quang Trị để xoa dịu công chúng Mỹ và “mặc cả” với ta tại bàn Hội nghị. Chúng ráo riết đôn quân, bắt lính, bổ sung quân số, liên tục mở các đợt phản công vào thị xã.

Trên miền Bắc, đế quốc Mỹ mở rộng quy mô oanh tạc, tăng khối lượng bom đạn, sử dụng những vũ khí và phương tiện kỹ thuật hiện đại mới, bắn phá ác liệt các nhà máy, kho tàng, các tuyến đường giao thông thủy, bộ hòng ngăn chặn hoàn toàn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam. Các lực lượng vũ trang của ta ở Thành Cổ phải chiến đấu trong hoàn cảnh thiếu quân số và trang bị nghiêm trọng. Thời tiết xấu, mưa lũ sớm, mật độ bom đạn địch dày đặc càng làm cho ta gặp nhiều khó khăn, tổn thất.

QT phan 4 anh 2
Cuộc chống trả không cân sức của các chiến sĩ ta Ảnh: Đoàn Công Tính

Lúc này, các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa đều huy động gần hết lực lượng của huyện để bổ sung cho các huyện, thị phía trước. Các tỉnh thuộc Quân khu 4 vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại vừa tuyển quân khẩn trương bổ sung vào mặt trận Quảng Trị. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 không những bổ sung lẻ hoặc đưa hết các đơn vị quân tăng cường, mà còn đưa gọn cả hai khóa học viên sĩ quan và hạ sĩ quan (350 cán bộ) chưa kịp học hết chương trình cùng với một phần ba số cán bộ khung và giáo viên của trường quân chính và trường hạ sĩ quan của Quân khu vào mặt trận Quảng Trị. Ngày 15 tháng 9 năm 1972, tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 147) của địch chiếm góc đông - bắc thành và toàn bộ phía Nam trong thành, dồn toàn bộ lực lượng lên điểm đầu chiếm Thành cổ vào ngày hôm sau. Các lực lượng của ta chiến đấu giành giật với địch từng mô đất, mảng tường, góc hầm. Về ta, quân số thương vong lớn, lực lượng các đơn vị còn lại rất mỏng. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy quyết định 22 giờ ngày 15 tháng 9 sẽ cho các đơn vị không còn khả năng chiến đấu và thương binh rút dần sang tả ngạn sông Thạch Hãn. Lực lượng còn lại củng cố và đợi Trung đoàn 18 sang phản kích. Nhưng đến 1 giờ ngày 16 tháng 9, không có lực lượng nào sang phản kích, các lực lượng được lệnh rút qua sông Thạch Hãn.

Cuộc chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm. Từ một thị xã nhỏ ít ai biết đến, Thành Cổ, thị xã Quảng Trị đã trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của nhân dân cả nước và thế giới bởi tính chất hung bạo của kẻ thù và tinh thần anh dũng vô song của đồng bào và chiến sĩ ta. Địch đã huy động vào đây những sư đoàn thiện chiến nhất, những đơn vị binh chủng trang bị tối tân nhất lại được quân Mỹ trang bị tối đa về hỏa lực, khối lượng bom đạn tương đương 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hirôsima năm 1945.

Cuộc chiến đấu dài ngày ở Thành Cổ Quảng Trị đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh ngoại giao kiên trì và bền bỉ của ta trên bàn Hội nghị ở Pari, tạo điều kiện cho toàn mặt trận chuyển hẳn sang thế trận mới, tiếp tục đánh địch phản kích, bao vệ vùng giải phóng.

Ngày 22 tháng 9 năm 1972, Mỹ - ngụy tuyên bố chấm dứt cuộc hành quân Lam Sơn 72” nhằm mở rộng bàn đạp ra phía đông và phía tây thị xã.

Từ đó cho đến tháng 01 năm 1973, các lực lượng vũ trang Quảng Trị cùng  bộ đội chủ lực tiếp tục bẻ gãy các cuộc hành quân của địch định nhằm tràn sang phía Bắc sông Thạch Hãn.

Chiến dịch tiến công, giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng năm 1972 trên hướng Trị - Thiên không những là mốc lịch sử chói lọi của quân và dân Trị - Thiên, của quân và dân mặt trận Quảng Trị, mà còn là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Nhiều binh đội lớn của địch bị diệt hoặc bị tiêu hao nặng (Sư đoàn 3 bộ binh ngụy, các lữ đoàn dù và thủy quân lục chiến ngụy). Đó là đòn chí mạng đối với cả Mỹ lẫn ngụy khi chúng phải mất hơn 80.000 quân trên một hướng, trong gần 1 năm, khi mà chúng đang đặt hy vọng vào quân ngụy sẽ là “xương sống” của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thay cho quân Mỹ “rút dần trong danh dự”.

Lần đầu tiên, một tỉnh ở miền Nam, tuyến đầu rắn chắc của chế độ tay sai Sài Gòn, được giải phóng, mặc dù sau đó địch điên cuồng phản kích chiếm lại nhưng không thực hiện nổi. Vùng giải phóng Quảng Trị nối liền với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, được nhanh chóng xây dựng thành hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam.

Thắng lợi ở mặt trận Quảng Trị trong năm 1972 đã góp phần thực hiện tích cực quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng. Cùng với thắng lợi của cả nước, nổi bật vào cuối năm 1972 là quân và dân Hà Nội đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thất bại mưu đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ, quân các nước phụ thuộc Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, làm cho so sánh lực lượng thay đổi hẳn có lợi cho ta trong thời gian tiếp theo.

Theo cuốn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị Tập 2
Nxb Chính trị Quốc gia – 1999

 

Thiên anh hùng ca về lòng dũng cảm

 Trung tướng Sùng Lãm, nguyên Tư lệnh

 Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390)

Thị xã và Thành cổ Quảng Trị nằm bên bờ phía đông sông Thạch Hãn tiếp giáp hai huyện Triệu Phong - Hải Lăng, diện tích hơn 4km2, năm 1972 có 14.000 dân đã sơ tán. Đứng về mặt quân sự chỉ là một mục tiêu có tính chất chiến thuật.

Nhưng để phục vụ nhiệm vụ chính trị và yêu cầu trực tiếp của cuộc đấu ranh ngoại giao lúc đó thì rất quan trọng.

Tối 26 tháng 6 năm 1972

Đồng chí Hải Như, Tham mưu trưởng Trung đoàn 48, đến sở chỉ huy báo cáo với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320B về tình hình đơn vị. Tôi và Chính ủy Nguyễn Duy Tường biểu dương Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mặt trận giao cho trong chiến dịch tấn công giải phóng Quảng Trị và ra lệnh sơ bộ cho trung đoàn phải khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng vào chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị.

Quán triệt quyết tâm của Quân ủy Trung ương: Chỉ có một khả năng giữ vững Quảng Trị, đánh bại cuộc hành quân của địch, Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên chủ trương: Tăng cường và chi viện cho lực lượng giữ thị xã Quảng Trị; đồng thời liên tục tổ chức những trận phản kích từ hai bên sườn, chủ yếu là từ hướng tây, từng bước đánh bại ý đồ của địch nhằm chiếm thị xã nhanh chóng.

22 giờ ngày 30 tháng 6, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh mặt trận Trị - Thiên, giao nhiệm vụ cho “Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B cùng Tỉnh đội Quảng Trị tổ chức bảo vệ khu vực La Vang, Tích Tường, nhà ga, ngã ba Long Hưng, Tri Bưu, dùng vật cản kết hợp hỏa lực, tổ chức chiến đấu chặt chẽ, kiên quyết không để địch vào thị xã Quảng Trị...”. Cuộc họp Thường vụ Đảng ủy được tiến hành khẩn trương để quán triệt nhiệm vụ, thông qua quyết tâm chiến đấu của trung đoàn trưởng, bàn việc lãnh đạo công tác tư tưởng, cách đánh và công tác bảo đảm chiến đấu khác.

* Diễn biến chiến đấu ở thị xã

Ngày họp lại Hội nghị Paris càng đến gần, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Ngô Quang Trưởng phải cắm được cờ trong thị xã.

Từ ngày 4 đến 10 tháng 7: Sư đoàn dù của địch tổ chức đánh chiếm thị xã lần thứ nhất. Sư đoàn thủy quân lục chiến của địch đánh lên phía bắc để hỗ trợ sườn đông của sư đoàn dù. Từ 4 đến 7 tháng 7 địch tiến công liên tục vào trận địa quân ta. Thám báo biệt kích tung vào thị xã đều bị ta diệt và đẩy lùi. Trận đánh của Tiểu đoàn 8, Tỉnh đội Quảng Trị ở Thạch Hãn và trận đánh của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 ở Quy Thiện, Trầm Lý, ta diệt 150 tên, số còn lại tháo chạy, bỏ xác đồng bọn nằm la liệt trước trận địa của ta.

QT phan 4 anh 3
Bị thương cũng không rời trận địa Ảnh: Đoàn Công Tính

Ngày 10 tháng 7: Từ mờ sáng bom pháo địch dồn dập đánh vào các trận địa quân ta. Pháo binh, súng cối ta cũng bắn cấp tập vào khu vực án Thái, Đại Nại, nơi bộ binh, xe tăng địch tập trung, làm chúng bị thương vong nặng, buộc phải tạm dừng cuộc tiến công để xốc lại lực lượng. Suốt ngày 10/7, quân địch tập trung một lực lượng lớn tiến công vào hướng đông - nam và đông - bắc vẫn không sao bén mảng tới thị xã được, mà còn bị thiệt hại nặng nề, bỏ lại 500 xác đồng bọn và 12 xe tăng, thiết giáp trước trận địa quân ta. 19 giờ cùng ngày, Bộ Chỉ huy mặt trận gửi điện khen ngợi lực lượng bảo vệ thị xã Quảng Trị: “Ngày 10 tháng 7 là ngày cao điểm, địch tập trung cố gắng chiếm Quảng Trị, nhưng chúng đã thất bại. Bộ Chỉ huy mặt trận tin tưởng các đồng chí làm tròn nhiệm vụ vẻ vang”.

Các lực lượng ở hướng đông và hướng tây đã tích cực đánh địch để chi viện, chia lửa với lực lượng chiến đấu bảo vệ thị xã.

- Hướng Tây - Nam: Trung đoàn 66 và 24 Sư đoàn 304 đánh địch ở Phú Long và Cây Lời, chặn được bước tiến của sư đoàn dù ngụy.

- Hướng Đông: Các trung đoàn 27, 64, sư đoàn 320B; Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Tiểu đoàn 47, Khu đội Vĩnh Linh, Tiểu đoàn 10, Tỉnh đội Quảng Trị cùng quân dân huyện Hải Lăng đã chặn được địch ở tuyến Ngô Xá, Cù Hoan, Trà Trì, Hà Lộc không cho sư đoàn thủy quân lục chiến tiến vào đông - bắc thị xã. Tôi với cương vị tư lệnh cánh đông lúc đó, còn nhớ và không bao giờ quên tấm gương chiến đấu kiên cường, người chỉ huy kiên quyết vào táo bạo của Huyện đội phó Hải Lăng, chị Trần Thị Tâm chỉ huy du kích đánh bại một tiểu đoàn thủy quân lục chiến được pháo binh, xe tăng yểm trợ ở Hải Quế, bảo vệ ngã ba trọng yếu tiến vào thị xã Quảng Trị. Đồng chí Tâm bị hi sinh vào phút chót.

Trong cuộc tiến công này, địch không chiếm được thị xã trước ngày 10 tháng 7. Thương vong của cả hai bên là không nhỏ.

Đêm 10 tháng 7: Chính ủy Trung đoàn Trần Quang Tùy vào thị xã phổ biến nghị quyết của Đảng ủy và chỉ thị của Tư lệnh mặt trận, tiến hành rút kinh nghiệm chiến đấu, bổ sung phương án tác chiến và quát triệt nghị quyết Đảng ủy sư đoàn: “Quyết đánh, biết đánh” - chủ động tích cực tiến công địch để giữ vững mục tiêu phải bảo vệ. Các đồng chí trung đoàn phó Trần Minh Vân, Tham mưu trưởng Hải Như và chỉ huy các đơn vị hứa quyết tâm thực hiện khẩu hiệu: “48 còn - Quảng Trị còn”. Trần Minh Vân, Trung đoàn phó Trung đoàn 48, trực tiếp chỉ huy lực lượng trong thị xã, còn rất trẻ. Anh là người chỉ huy xông pha, táo bạo, đã nói là làm bằng được.

Trong thời gian chuẩn bị đánh địch tiến công lần thứ hai, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện phân công: Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Dũng, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lương theo phụ trách chỉ đạo các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng Lê Văn Hoan luôn phải có mặt ở những nơi nóng bỏng, sát cơ sở để động viên, giúp đỡ địa phương, đơn vị chuẩn bị chiến đấu, phối hợp và hỗ trợ bộ đội bảo vệ Quảng Trị. Sư đoàn 325 (thiếu) vào Bắc Quảng Trị.

Bộ Tư lệnh chiến dịch (mặt trận) điều Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 và một tiểu đoàn cao xạ triển khai tại khu vực lực lượng bảo vệ thị xã, điều Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 9 và Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 phối thuộc Trung đoàn 48 để đủ sức bảo vệ thị xã.

Từ ngày 14 tháng 7 đến 27 tháng 7

Địch tổ chức tấn công lần thứ hai định chiếm thị xã trước ngày 18 hoặc 27 tháng 7.

Sư đoàn dù của địch cho một cánh quân từ ngã ba Long Hưng tiến đánh Quy Thiện, Tri Bưu uy hiếp phía đông thị xã, một cánh quân đánh ra Tích Tường - Như Lệ cắt đường tiếp tế cho thị xã từ hướng nam. Sư đoàn thủy quân lục chiến tiến sát sông Vĩnh Định cố chiếm An Tiêm, Nại Cửu, Bích La Đông, bao vây thị xã từ hướng Đông - Đông bắc.

Ta dự đoán được ý đồ của địch nên đã tích cực ngăn chặn, kết hợp phản kích, đánh bại cuộc tiến công lần hai của địch. Ta đã diệt được nhiều địch, đánh quỵ một lữ đoàn dù, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, loại hai đơn vị này ra ngoài vòng chiến. Ý định của địch chiếm thị xã trước ngày 18 và 27 tháng 7 không thực hiện được. Tuy vậy, sức chiến đấu của bộ đội ta đã giảm sút, địch chiếm được làng Tri Bưu, Cổ Thành và khu vực chợ Sãi, hình thành thế bao vây ta ba mặt. Trong lần này có những trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao, tác động cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân ta như:

- Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 cùng Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B chiếm lại được Long Hưng bắc, ngã tư đường sắt.

- Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 chốt giữ được Phú Long.

- Tiểu đoàn 8, Tỉnh đội Quảng Trị cùng Trung đoàn 48 chiếm lại nhà thờ Thạch Hãn và ngã tư đường 1.

Từ 11 đến 13 tháng 7

Trung đoàn 27 và Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64 có xe tăng và pháo binh chi viện diệt gần hết tiểu đoàn thủy quân lục chiến, bắn rơi 11 máy bay trực thăng ở khu vực An Tiêm - Nại Cửu.

Đại đội 5 Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 chốt giữ ngã ba Long Hưng (cửa ngõ chủ yếu tiến vào Đông - Nam thị xã do Vũ Trung Thướng chỉ huy đã liên tục chiến đấu bảy ngày đêm, diệt hai đại đội và đánh thiệt hại hai đại đội khác của Lữ đoàn 2 dù, bắn cháy, bắn hỏng mười chiếc xe tăng; giữ vững chốt thép ngã ba Long Hưng.

Trên cánh đông, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 48 được tăng cường Tiểu đoàn 66 xe tăng, thiết giáp cùng quân dân địa phương đánh bại cuộc đổ bộ bằng đường không của địch xuống khu vực Lệ Xuyên (ngày 22 tháng 7) của tiểu đoàn 9 và tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến ở phía Linh Chiểu lên phối hợp định chiếm cảng Cửa Việt.

Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 đã kịp thời tham chiến, cùng với Trung đoàn 48 đã kiên cường, liên tục phản kích giữ vững khu vực thành cổ Quảng Trị.

Ngày 14 tháng 7

Mặt trận cử đồng chí Dưỡng, tham mưu phó và đồng chí Bình, Cục phó Chính trị mặt trận thành lập Bộ Chỉ huy và Ban cán sự thị xã. Sau một thời gian ngắn, đồng chí Dưỡng bị thương nặng, đồng chí Trịnh Hồng Thái, Tham mưu trưởng Sư đoàn 320B vào thay cũng bị thương nặng.

Ngày 20 tháng 7

Mặt trận quyết định thành lập Ban Chỉ huy Thị xã do Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 Lê Quang Thúy làm Chỉ huy trưởng; Chính ủy Trung đoàn 95 Nguyễn Văn Thiện làm Chính ủy; các trung đoàn phó của hai trung đoàn này làm chỉ huy phó.

Từ 29 tháng 7 đến trung tuần tháng 8 tháng 1972

Sư đoàn dù địch mất sức chiến đấu phải rút ra củng cố. Sư đoàn thủy quân lục chiến vào thay áp dụng chiến thuật mới “lấn dũi”, sử dụng tối đa hỏa lực của không quân, hải quân, pháo binh, xe tăng chi viện bộ binh đánh chiếm mục tiêu. Về phía ta, Bộ Tư lệnh chiến dịch tăng cường Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 cho Sư đoàn 308. Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 chuyển sang tăng cường cho bảo vệ thị xã. Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64 vào thay cho Tiểu đoàn 9 rút ra củng cố. Chủ trương của ta diệt cho được một tiểu đoàn địch, cải thiện thế phòng thủ của ta ở phía nam. Hướng tây nam, Sư đoàn 308 tiến công địch ở điểm cao 105B, khu vực Tích Tường, Thạch Hãn, nhưng kết quả hạn chế. Hướng đông, Trung đoàn 27 và Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 đánh địch ở Nại Cửu, chợ Sãi. Lực lượng bảo vệ thị xã chiến đấu giữ vững trận địa. Đặc công của K1, KS hải quân tập kích vào cảng Mỹ Thủy và trận địa pháo binh ở Hải Lăng, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Ta có tăng thêm lực lượng mới vào một số trung đoàn, nhưng sức chiến đấu không mạnh hơn, địch dốc kiệt sức ra mà vẫn không vào được thị xã, những trận phản kích của ta không đạt yêu cầu. Thị xã Quảng Trị vẫn bị địch uy hiếp cả ba mặt. Ngày 9 tháng 8, Bộ Tư lệnh chiến dịch (Mặt trận Trị - Thiên) giao cho Sư đoàn 325 lãnh đạo chỉ huy chung và đảm bảo các mặt cho lực lượng chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị nhưng về tác chiến chiến dịch vẫn chỉ huy vượt cấp đến Ban chỉ huy thị xã. Thượng tá Lê Kích (người hàng xóm láng giềng), Sư đoàn trưởng 325, ở hướng tây, Sư đoàn 320B chúng tôi ở hướng đông chiến đấu bảo vệ Quảng Trị.

Từ 20 tháng 8 đến cuối tháng 8 năm 1972

Mỹ - ngụy vẫn dùng cách đánh ấy, lại dùng hỏa lực của không quân, hải quân, pháo binh bắn với mật độ cao, cường độ lớn để yểm trợ cho sư đoàn thủy quân lục chiến tiến công vào thị xã và một lữ đoàn dù mới hồi sức lấn ra phía tây để bảo vệ sườn bên trái cho sư đoàn thủy quân lục chiến. Ta chủ trương phản kích lần này, nhằm diệt hai đến ba tiểu đoàn, phá thế uy hiếp cả ba mặt đông - nam và tây - nam.

Sư đoàn 308 điều các Trung đoàn 88 và 102 tiến công một tiểu đoàn thủy quân lục chiến ở ngã tư  Thạch Hãn và ngã ba Long Hưng, sau 30 phút chiến đấu ta chiếm giữ khu vực này được sau một ngày, bị máy bay và pháo binh của địch bắn phá ác liệt, ta thương vong nhiều phải bật ra ngoài. ở khu vực Tích Tường, các Trung đoàn 36 và 165 Sư đoàn 312 chốt chặn kết hợp phản kích, ta đánh thiệt hại lữ đoàn dù, giữ vững trận địa.

QT phan 4 anh 5
Chiến đấu dũng cảm bảo vệ vùng mới giải phóng Ảnh: Đoàn Công Tính

Hướng Đông - Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 đánh địch ở chợ Sãi. Trung đoàn 27 đánh chiếm Bích La Trung và một phần Nại Cửu.

Trong thị xã, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95 tập kích diệt một đại đội địch ở khu vực Tri Bưu. Lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến của địch liên tục phản kích hòng chiếm lại khu vực đã mất bị Tiểu đoàn 5 chốt kết hợp phản kích đẩy lùi, diệt thêm nhiều địch.

Các đơn vị khác trong thị xã đều tích cực đánh địch giữ vững trận địa.

Trận phản kích lần này, ta diệt được nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Thế phòng thủ ở thị xã được cải thiện một phần, nhưng không đạt yêu cầu đề ra. Thị xã vẫn bị uy hiếp cả ba mặt.

Những ngày cuối tháng 8 tháng 1972 Lũ lụt rất lớn, nước các sông Thạch Hãn, Vĩnh Định, Nhùng bao quanh thị xã Quảng Trị đột ngột dâng cao, chảy cuồn cuộn, muốn đẩy mọi thứ ra biển Đông. Nước tràn vào thị xã, ngập hết công sự, hầm hào, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức chiến đấu của bộ đội. Đồng chí Phan Trần Thắng, Phó Chính ủy Trung đoàn 48 báo cáo với Sư đoàn 320B về tình hình đơn vị bảo vệ thị xã rất khó khăn: hàng trăm liệt sĩ, thương binh nằm lại, lương thực, thực phẩm còn một, hai ngày, súng đạn thiếu, quân số còn quá ít, tiểu đoàn còn dưới 50 người, đại đội còn trên dưới mười tay súng, nước sạch không có để dùng... đề nghị sư đoàn cấp cứu giúp đỡ. Cùng ngày, chính ủy mặt trận chỉ thị cho Bộ Tư lệnh sư đoàn của đoàn cán bộ ba cơ quan tham mưu, chính trị và hậu cần xuống ngay kiểm tra, giải quyết tại chỗ. Chỉ thị cho các đại đội vận tải, công binh công trình, thông tin và đội phẫu thuật tiếp tục xuống ngay giúp Trung đoàn 48.


Giành lại từng căn nhà trong thị xã Quảng Trị Ảnh: TL

Những ngày đầu tháng 9 đến 14 tháng 9 năm 1972

Địch tăng cường lực lượng ra Quảng Trị, hai lữ đoàn biệt động quân số 1 và 2, một thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, một số đơn vị pháo binh, súng phun lửa. Ý đồ của Mỹ - ngụy tiếp tục mở cuộc tiến công mới (lần thứ 5) đánh chiếm thị xã Quảng Trị trước ngày 14 tháng 9 để phục vụ yêu cầu cho Hội nghị ở Paris.

Về ta: Chủ trương mở đợt “đòn” tiến công trên toàn mặt trận, thời gian từ 5 đến 7 ngày, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đẩy lùi chúng một bước nữa, chuẩn bị điều kiện đánh bại cuộc hành quân của Mỹ - ngụy. Tình hình ta đến đầu tháng 9 năm 1972 có tới 5 sư đoàn bộ binh (304, 308, 312, 320B, 325) và các sư đoàn, trung đoàn pháo phòng không và tên lửa, pháo binh, xe tăng, thiết giáp, công binh, hóa học, thông tin, vận tải... và một bộ phận lực lượng hải quân (K1 và K5), nhiều tiểu đoàn đặc công, súng máy 12 ly 7 và bộ đội địa phương. Nhưng quân số, sức chiến đấu của một số đơn vị giảm sút. Về địch cũng bị tổn thất lớn. Nhưng địch vẫn thay quân, bổ sung quân số, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật nên phục hồi sức chiến đấu nhanh. Chúng tiếp tục cuộc tiến công lần thứ 5 vào thị xã, song đã vấp phải sự chống trả kiên cường của lực lượng bảo vệ thị xã và lực lượng chủ lực quân ta ở cánh đông và cánh tây. Ta liên tục phản kích (tiến công) vào đội hình tiến công của chúng, diệt nhiều địch. Có những trận đánh tốt, hiệu suất chiến đấu cao như các trung đoàn 64 và 27, Sư đoàn 320B diệt nhiều địch ở Bích La Đông, Bích La Trung, phá vỡ một mắt xích quan trọng ở phòng tuyến sông Vĩnh Định, bảo vệ hữu hiệu hướng đông thị xã Quảng Trị. Trận đánh diệt địch của Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95 ở khu vực nam Tri Bưu, trận đánh của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 và một đại đội Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 ở Hành Hoa (quân số ta chỉ có 90 người mà diệt 200 địch, bắn cháy bốn xe tăng...).

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở thị xã Quảng Trị anh hùng vô cùng gian khổ và ác liệt. Các chiến sĩ ta chiến đấu anh dũng, kiên cường, giành giật với địch từng khu vực mục tiêu, từng căn nhà, bức tường, đống gạch đổ nát, góc thành, công sự hầm hào, không chịu lùi bước trước quân thù, không chịu rời trận địa chiến đấu của mình.

02 giờ ngày 16 tháng 9 năm 1972

Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định cho các đơn vị còn lại rời khỏi thị xã Thành Cổ Quảng Trị rất đỗi thân thương, rút về phía sau để chuẩn bị cho trận chiến đấu mới./.

Kim Yến (st)

Bài viết khác: