long dan ca mau nho bac anh 1
Đoàn viên, thanh niên Cà Mau viếng, báo công lên Bác

Đi cùng chiều trên con đường láng nhựa đẹp nhất của thị trấn Cái Nước, tôi gặp ông Sáu Do và những người bạn cùng là cựu chiến binh; các em học sinh Trường THPT huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Hỏi chuyện, mới biết mỗi dịp tháng Năm về, đến Ngày sinh của Bác Hồ, rất nhiều người dân trong huyện đến Đền thờ Bác Hồ để dâng hương, tưởng nhớ và báo công về thành tích học tập, lao động sản xuất với Bác Hồ vô vàn kính yêu.

Đền thờ Bác Hồ ở thị trấn huyện Cái Nước được khởi công xây dựng và khánh thành vào cuối tháng Tư năm 1975, sau gần 100 ngày thi công. Nằm ngay trung tâm thị trấn, nơi dễ nhìn thấy nhất, trên một ngã ba sông, Đền thờ Bác có khuôn viên rộng, rợp bóng cây xanh và qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp, đền thờ giờ đây khang trang, đẹp hơn trước rất nhiều.

Trong câu chuyện với chúng tôi, nữ Anh hùng quân đội Phạm Thị Bay nhớ lại: Năm 1969, khi làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng Đông, được tin Bác mất, Đảng bộ và nhân dân trong xã rất đau buồn, thương nhớ Bác. Hồi đó, chiến tranh ác liệt lắm. Ngày ngày bọn địch càn quét, bắn phá, đốt nhà, cuộc sống gian nan lắm. Dù phải sống thường xuyên dưới làn bom đạn của kẻ thù, nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, với lòng quyết tâm cao; biến đau thương thành sức mạnh, tạo thêm thành tích và chiến công mới, chúng tôi vẫn tổ chức trang nghiêm lễ tưởng niệm, tiễn đưa Bác về cõi vĩnh hằng.

Chúng tôi hẹn ước với nhau quyết tâm đánh tan đồn bót địch, giải phóng quê hương, sớm dựng xây đền thờ Bác đẹp, trang nghiêm ngay trên mảnh đất này.

Cuối năm 1974, thị trấn Cái Nước hoàn toàn được giải phóng. Như lời nguyện ước và bằng cả tấm lòng, Đảng bộ và nhân dân huyện Cái Nước khẩn trương xây dựng Đền thờ Bác. Hơn 40 năm qua, Đền thờ Bác Hồ nơi đây vẫn là nơi tôn kính; trở thành khu di tích lịch sử, văn hoá có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng gắn liền với cuộc sống của người dân Cái Nước, nhất là thế hệ trẻ hôm nay. Ngày nay, không chỉ có các em học sinh, thanh thiếu niên và nhân dân trong vùng; mà còn có cả đồng chí, đồng đội cùng chiến đấu năm xưa lại hẹn gặp nhau mỗi năm vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, vào ngày sinh và ngày giỗ Bác để dâng hoa, thắp nén hương với tấm lòng tôn kính, nhớ Bác.

Đền thờ Bác ở Cái Nước là một trong những công trình tưởng niệm Bác đầu tiên được xây dựng bằng tấm lòng thương nhớ, tôn kính Bác của người dân Đất Mũi Cà Mau, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Là một trong số những người tham gia xây dựng Đền thờ Bác Hồ đầu tiên ở Đất Mũi Cà Mau trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông Ngô Văn Thắng, xúc động nhớ lại: Được tin Bác đi xa, mười ngày sau, hàng chục cán bộ, đảng viên của xã Viên An quyết định xây dựng Đền thờ Bác và thông báo đến quần chúng nhân dân trong xã, các vùng lân cận. Vài ngày sau đã có hàng trăm cán bộ dân quân và nhân dân tập hợp; người biết nghề mộc thì cưa cây, đẽo cột, ai không biết thì góp công sức, lo phục vụ hậu cần…

Đền thờ Bác được xây dựng ở bên bờ một ngã ba sông, dưới tán rừng đước ngút ngàn. Trước đền có sân rộng để mọi người hành lễ viếng Bác; có người bảo vệ, trông coi hương khói hằng ngày. Những năm chiến tranh, Đền thờ Bác ở đây luôn là mục tiêu của địch tổ chức càn quét bắn phá. Tuy nhiên, các chiến sĩ du kích, bộ đội địa phương và nhân dân nơi đây muôn lòng như một, thà hy sinh xương máu, quyết không để kẻ thù đánh phá, bảo vệ an toàn nơi tôn nghiêm anh linh Bác.

Đền thờ Bác còn là địa điểm để xã tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chính trị, văn nghệ thu hút đông người dự; nơi diễn ra nhiều buổi lễ kết nạp đoàn viên, đảng viên và phát động lòng yêu nước căm thù giặc trong quần chúng thanh niên.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân và các cơ quan chính quyền từ làng rừng đước trở về thôn xóm cũ. Đảng bộ xã Viên An quyết định di dời Đền thờ Bác về trung tâm xã, xây dựng ngay trên đồn cũ của địch tại cửa sông Ông Trang, nằm trên đường ngược xuôi về Đất Mũi Cà Mau. Đền thờ Bác hiện nay được xây dựng trang nghiêm, rất đẹp và là di tích lịnh sử, văn hóa của tỉnh Cà Mau.

Ông Lê Thanh Toàn, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, nhớ lại: Như tất cả đồng bào Nam Bộ, trong lòng người dân Đất Mũi Cà Mau luôn dành những tình cảm yêu thương, tôn kính vô vàn đối với Bác Hồ kính yêu. Sau ngày Bác đi xa, nhiều nơi trong tỉnh Cà Mau đã được Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân xây dựng 20 đền thờ, phủ thờ Bác. Tuy nhiên, do chiến tranh rất ác liệt, cho nên hầu hết đền thờ, phủ thờ Bác được xây dựng trong vùng giải phóng chủ yếu bằng cây gỗ địa phương

Đền thờ, phủ thờ nào cũng có nhà hội, nhà khói để nấu nướng khi cúng giỗ Bác; có hành lang, cầu bắc qua kênh rạch với mặt tiền, mặt hậu để tạo thuận lợi cho xuồng ghe cập bến khi bộ đội, cơ quan và nhân dân đến hành lễ. Hầu hết đền thờ, phủ thờ được xây cất rộng rãi, là nơi tôn kính, trang nghiêm nên thường xuyên các đơn vị bộ đội, cơ quan đến đây hội họp; hoặc mỗi khi các đơn vị du kích, bộ đội chủ lực xuất trận đến đền thờ Bác dâng hoa, thắp hương và khi chiến thắng về lại báo tin vui lên Bác.

Trong chiến tranh, bọn địch rất khiếp sợ mỗi khi chúng đi càn quét ở khu vực có đền thờ; chúng thường xuyên cho máy bay bắn phá, nã pháo để hủy diệt các ngôi đền thờ. Do đó, quá trình xây dựng và bảo vệ đền thờ, phủ thờ Bác là quá trình chiến đấu quyết liệt với kẻ thù; chúng bắn phá, ta xây cất lại ngay. Ở những nơi có đền thờ, phủ thờ Bác, hầu hết các cụ phụ lão, nam nữ thanh niên, các em thiếu nhi đều tự nguyện tham gia vào dân quân tự vệ, du kích ngày đêm canh gác, cảnh giới sẵn sàng chiến đấu đánh địch, kiên quyết bảo vệ đền thờ, phủ thờ Bác.

Sau ngày đất nước thống nhất, Cà Mau đã hình thành nhiều thị trấn, cụm dân cư mới. Để đáp ứng nguyện vọng, tấm lòng và tình cảm tôn kính của nhân dân Đất Mũi Cà Mau đối với Bác Hồ kính yêu; do đó đã có một số đền thờ Bác được xây mới trang trọng và đẹp hơn.

Ngày nay, ở mỗi ngôi đền đều có người quét dọn, trông coi hương khói hằng ngày. Trong số này phải kể đến đền thờ Bác ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước; xã Viên An, huyện Ngọc Hiển; xã Trí Phải, huyện Thới Bình; thị trấn Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Cà Mau đã được trùng tu, nâng cấp và khánh thành vào đầu năm 2014.

Năm 1994, tỉnh Cà Mau chủ trương xây dựng Nhà sàn và ao cá Bác Hồ tại TP Cà Mau với quy mô, diện tích theo nguyên mẫu Nhà sàn và ao cá Bác Hồ tại Hà Nội. Nằm trong Công viên Văn hóa của tỉnh tại phường 1, TP Cà Mau; Công trình Khu tưởng niệm Bác Hồ có diện tích rộng 60.700 m2; gắn kết hài hòa với nhiều hạng mục: gian thờ Bác, nhà trưng bày, nhà chiếu phim, đuờng nội bộ, hồ sen, ao cá Bác Hồ và một số hạng mục công trình phụ khác... được xây dựng rất đẹp và trang nghiêm.

long dan ca mau nho bac anh 2
Người dân Cà Mau thăm viếng Nhà sàn, ao cá Bác Hồ tại Cà Mau.

Ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết: Việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo Khu tưởng niệm Bác Hồ tại TP Cà Mau là xuất phát từ tình cảm, tâm tư, nguyện vọng và tấm lòng trung kiên với Đảng, với Bác Hồ kính yêu của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau. Ngày nay, Khu tưởng niệm Bác là địa chỉ “đỏ” để báo công lên Bác; là nơi sinh hoạt chính trị của tỉnh; giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau; là nơi để cán bộ, đảng viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đến nghiên cứu, tìm hiểu và học tập, rèn luyện ra sức phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác bằng những việc làm thiết thực.

Chị La Thị Mộng Linh, Trưởng Ban Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, có 53 đoàn khách và gần 45 nghìn lượt khách tự do ở mọi miền đất nước khi đến Cà Mau công tác, tham quan, du lịch đã đến Khu tưởng niệm, viếng và thắp hương Bác. Năm 2014, Khu tưởng niệm đón trên 70 nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, dâng hoa viếng Bác; nhất là thời điểm tháng 4 và tháng 5 hằng năm. Chia sẻ thêm về các hoạt động thăm viếng Bác, chị Lý Ngọc Phi, nhân viên thuyết minh Khu tưởng niệm, cho biết: Vào các ngày lễ trọng đại của đất nước hoặc của tỉnh, đông đảo các đoàn cán bộ, chiến sĩ và người dân đến viếng và báo công lên Bác bằng nhiều việc làm thiết thực học tập, công tác, lao động, sản xuất.

Là người dân tộc Khmer, khi vào Khu tưởng niệm viếng Bác, bà Hữu Thị Ken, phường 1, TP Cà Mau, xúc động: “Nếu không có Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nước nhà không có độc lập, tự do như ngày hôm nay, gia đình tôi cũng không có cơm no, áo ấm và cuộc sống đủ đầy như bây giờ”. Tại nhiều vùng quê ở Cà Mau chưa có đền hoặc phủ thờ Bác, nhân dân trong vùng lồng khuôn và treo di ảnh Bác ngay nơi trang trọng trong nhà, lập bàn thờ sớm hôm hương khói, tưởng nhớ, tri ân Bác Hồ kính yêu; nhắc nhở con cháu phải biết “Uống nước nhớ nguồn”, sống sao có ích cho xã hội.

Hiện nay, tất cả các đền thờ Bác Hồ tại Cà Mau đều được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với đời sống, tình cảm tôn kính, thương nhớ Bác của người dân Đất Mũi Cà Mau. Hằng năm, vào ngày sinh, ngày giỗ của Bác hay các ngày lễ hội trọng đại của đất nước, không chỉ có người dân Đất Mũi Cà Mau thương nhớ Bác khôn nguôi, mà còn có cả khách thập phương ở mọi miền đất nước mỗi khi có dịp đến tham quan, du lịch Cà Mau đến viếng Bác bằng cả tấm lòng tôn kính.

Trong những ngày này, khắp vùng quê, thành thị ở miền cực Nam Tổ quốc rộn ràng chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm với nhiều việc làm thiết thực mừng Ngày sinh nhật lần thứ 125 của Bác.

Trong chiến tranh, lòng kính yêu Bác biến thành sức mạnh tinh thần để người dân Cà Mau cũng như nhiều nơi khác đánh thắng kẻ thù xâm lượt. Ngày nay, lòng kính yêu ấy còn được thể hiện bằng việc quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức ngời sáng của Bác, chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.

Xác định rõ điều này, thời gian qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Cà Mau ý thức rèn luyện, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Theo đó, phong trào đã lan tỏa mạnh mẽ ở các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân Cà Mau với hàng nghìn điển hình tiên tiến tập thể và cá nhân: Đóng góp tiền, hiến đất làm cầu đường xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo…

Người dân Đất Mũi Cà Mau luôn nhớ Bác khôn nguôi về công ơn trời biển vì dân vì nước, sự hy sinh cao cả, đạo đức cách mạng ngời sáng của Bác Hồ. Nhớ Bác, mọi người nguyện trân trọng giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước; đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu xây dựng quê hương Cà Mau ngày càng giàu đẹp./.

NGỌC QUÂN-HỮU TÙNG
Theo nhandan.com.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: