Lợi dụng mùa mưa và khai thác triệt để những khó khăn trong mùa mưa của ta. Vì vậy, địch tiếp tục ý đồ đánh chiếm Cánh đồng Chum. Sau đợt tấn công thứ nhất bị thất bại, địch tạm dừng để điều chỉnh chiến thuật và tăng cường lực lượng, phương tiện chiến đấu, nhằm chuẩn bị cho cuộc tiến công mới. Lần này địch lấy hướng Tây làm hướng tiến công chủ yếu. Dựa vào bàn đạp Phu Thông do GM 22 chiếm giữ, địch tăng cường thêm GM 30, một tiểu đoàn Thái Lan BC 619 đánh vào Phu Keng, Phu Seo, đồi 5 mỏm.

chiendich3
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trung đoàn 148,
Sư đoàn 316 chiến đấu tại Cánh đồng Chum. Ảnh tư liệu

            Trên hướng Nam thứ yếu, ngoài GM 30, địch điều GM 15 và 2 Tiểu đoàn độc lập đánh chiếm Phu Hụa Sạng, Cánh đồng Cang Xẻng phát triển lên Phu Tâng, hợp vây cùng hướng Tây. Các GM 21, 24 từ Choong Ly, Mường Nọi đánh ra Phu Lạt Tày, Xiêng Ai, Bản Lào 1 nhằm chiếm lại Lạt Buộc, Phu Leng, phía bắc Cánh đồng Chum. Tiểu đoàn biệt kích đổ bộ xuống Ta Ly Nọi hoạt động phá hậu phương và nhằm cách ly với hệ thống phòng ngự ta.

            Để đánh bại cuộc tiến công của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch điều Trung đoàn 148 (thiếu Tiểu đoàn 5 phối hợp Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 866 tập trung bẻ gãy cánh quân chủ yếu của địch. Thực hiện nhiệm vụ 7 giờ ngày 17 tháng 9, sau màn hỏa lực của ta bắn mãnh liệt vào các vị trí địch, các chiến sỹ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148 từ nhiều mũi, hướng xung phong đánh chiếm lại điểm cao 1276, 1244, rồi phát triển đến bản Khổng. Được không quân chi viện, GM 22 thúc nhau đánh chiếm lại điểm cao 1244. Trung đoàn 148 được lệnh lui về điểm cao 1530. Sau những ngày chuẩn bị khẩn trương, sáng 26 tháng 9, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 335 đã chiếm được Phu Thông phát triển xuống 1276, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 866 đánh chiếm điểm cao 1244 và bản Thang. Trung đoàn 148 từ hướng Nam đánh chiếm điểm cao 1294 rồi phát triển về bản Khổng. Địch tan rã rút chạy về Nậm Pít.

            Sau hơn 10 ngày chiến đấu Trung đoàn 148; Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 335; Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 866 đã tiêu diệt hơn 400 tên địch, bắn rơi 3 máy bay, đẩy lùi cánh quân chủ yếu của địch, bảo vệ vững chắc địa bàn xung yếu Cánh đồng Chum. Tuy nhiên do đánh giá địch thấp, nắm địch không chắc, tổ chức thiếu chu đáo, cách đánh chưa phù hợp, do đó, các đơn vị chưa thực hiện được tư tưởng chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Chiến dịch: Đánh chắc, diệt gọn quân địch.

            Mùa mưa sắp hết, hy vọng đánh chiếm Cánh đồng Chum của địch bị dao động. Nhưng bị thúc ép bởi tình hình chính trị đang hết sức khẩn trương, Mỹ và bọn tay sai dốc quân bài cuối cùng vào canh bạc đầy rủi ro. Đó là tung tất cả lực lượng để mở đợt tấn công với mục tiêu hạn chế, nhằm đánh chiếm một phần phía Nam Cánh đồng Chum, tạo điều kiện có lợi cho việc đàm phán giữa mặt trận Lào yêu nước và chính quyền Viêng Chăn vào ngày 15-10-1972 như đã thỏa thuận, đồng thời treo thưởng cho mỗi đơn vị chiếm được một mục tiêu là 5 vạn Kíp và gắn huy hiệu “Dũng sĩ Cánh đồng Chum”.

            Ngày 5-10-1972, địch bắt đầu mở cuộc tấn công lực lượng là các đơn vị thiện chiến, kiêu binh GM 23, GM 30, GM 15, GM 21, GM 26 và 2 Tiểu đoàn Thái Lan, 3 Tiểu đoàn độc lập với pháo, xe tăng và không quân yểm trợ tối đa, đánh chiếm các điểm cao 1236, 1299, 1228, Phu Xeo, Cha Hô, Phu Tâng, Phu Hụa Sạng, Nậm Cọ…

            Do đã có kế hoạch từ trước, Bộ Tư lệnh Chiến dịch cho các đơn vị ở chốt triển khai đánh nhỏ, chủ yếu ngăn chặn địch và tạo thế để các đơn vị cơ động chuẩn bị mở trận phản đột kích.

            Trong đợt tiến công này, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148 được giao nhiệm vụ đánh một trận then chốt tại điểm cao 1236, cắt đứt đường chạy của địch về Phu Huột. Để bảo đảm chắc thắng, Thiếu tá Trung đoàn phó Trương Danh Diệu trực tiếp đốc chiến Tiểu đoàn.

            Trên đường hành quân, đêm rừng già càng về khuya, trời càng tối, từng người dò dẫm, dán mắt vào những thỏi lân tinh được gắn sau mũ hoặc lưng người đi trước lầm lũi tiến về phía địch. Vào tới vị trí xuất phát tiến công lúc 3 giờ 40 phút ngày 26 tháng 10, bộ đội chưa kịp đào công sự chiến đấu thì được lệnh nổ súng. Các chiến sỹ súng cối, ĐKZ, súng máy phòng không 12,7mm đặt súng ngay trên mặt đất bắn mãnh liệt vào điểm cao 1236. Các cụm pháo binh chiến dịch bố trí trên các hướng theo hiệp đồng bắn phá các mục tiêu để chi viện cho bộ binh xung phong. Hỏa lực ngừng bắn, bộ đội lao vào công sự, chiến hào địch. Trung đội phó Trung đội 2, Đại đội 9 Lê Biên dẫn đầu Tiểu đội 4 đánh thẳng vào mỏm 1, diệt 5 tên địch làm chủ trận địa. Chiến sĩ Lò Văn Sinh, dân tộc Thái lần đầu tiên xung trận nhưng xông xáo như một chiến binh thực thụ, tả xung, hữu đột diệt 5 tên địch, bắt sống 1 tên. Chỉ sau 15 phút chiến đấu Tiểu đoàn 6 đã làm chủ hoàn toàn điểm cao 1236. Trên hướng các Đại đội 10, 11, bộ đội ta giành giật với địch từng công sự, khe suối, diệt hết toán này đến toán khác. Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Đại đội 11 Nguyễn Quang dẫn đầu tiểu đội xuất kích, với khẩu AK-47 trong tay anh nhả đạn liên tục vào quân địch, súng hết đạn Quang lấy khẩu AR-15 của địch diệt 7 tên.

            Để sẵn sàng bắn máy bay địch, Đại đội 21 súng máy phòng không 12,7mm cơ động lên điểm cao 1236 cùng bộ binh, cùng lúc 2 chiếc máy bay T28 từ hướng Long Chẹng lao tới. Từ vị trí chỉ huy, Trung đội trưởng Trần Đùng lao vào siết cò với 25 viên đạn, Đùng đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc T28, chiếc còn lại chưa kịp trút bom đã chuồn thẳng. Phát hiện thấy quân địch rút chạy dưới sườn đồi rất đông, Chính trị viên Đại đội 21 Nguyễn Côi ra lệnh “Hạ nòng, quét địch mặt đất, không cho chúng nó thoát”. Ba khẩu súng máy cao xạ 12,7mm hạ nòng quét vào sườn địch diệt 60 tên.

            Trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, đội hình địch rối loạn. Các chiến sỹ Trung đoàn 335; Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88; Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148; Tiểu đoàn 924 và Đại đội 21 súng máy phòng không 12,7mm đã tiêu diệt 1.240 tên địch, thu 1.500 súng các loại, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công lấn chiếm Cánh đồng Chum lần thứ 3 của Mỹ và tay sai.

            Được tin chiến thắng ngày 26-10-1972, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon, thay mặt Bộ Chỉ huy tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Lào gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sỹ các đơn vị tham gia trận đánh đã: “Nêu cao truyền thống anh hùng, giành thắng lợi to lớn, bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược”.

Thiếu tướng Lê Mã Lương
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: