ngươi thuong binh nang lam theo loi bac
Thương binh Phạm Công Cường

 Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chừng 10 km về phía Tây, có một Trang trại du lịch sinh thái được nhiều người tìm đến và bị “hút hồn” bởi vẻ đẹp của nó. Chủ nhân của trang trại ấy là anh Phạm Công Cường - thương binh hạng ¼ mất sức 83%. Tuy là thương binh nặng, nhưng anh Cường vẫn luôn làm theo lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”.

Năm 1967, mới 17 tuổi, Cường trốn gia đình đi bộ đội, làm lính đặc công ở Sư đoàn 304 chiến đấu tại Quảng Trị. Tháng 10 năm 1971, trong 1 trận đánh, anh bị thương vào đầu, cột sống và đứt dây chằng cổ chân phải.

Rời chiến trường về với thương tật hạng ¼ mất sức 83%, nhưng anh quyết tâm không để mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Được tổ chức sắp xếp làm trong Viện nghiên cứu Vật liệu xây dựng - Bộ kiến trúc, sau đó, anh tham gia học tại chức Khoa Sinh hoá Trường Đại học Tổng hợp. Nhờ duyên trời xe, người thương binh ấy trở thành con rể của “vua lốp” Hà Nội Nguyễn Văn Chẩn. Được ông bố vợ giúp đỡ, cùng với kiến thức học được trong trường đại học, anh đã thành lập Tổ hợp cao su Quyết Thành chế tạo săm lốp cao su từ đồ phế thải. Vốn là người thông minh và có ý chí, anh không ngừng nghiên cứu tìm tòi và đã cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị. Năm 1983, anh đã chế tạo thành công bạc bơm dầu (gioăng chịu dầu) góp phần quan trọng phục hồi máy biến áp của Sở Điện lực Hà Nội đã bị vô hiệu hoá vì thiếu phụ tùng ngoại nhập. Năm 1990, bằng vật tư trong nước, anh lại chế tạo thành công sản phẩm phíp - ba kê lít, một loại vật liệu cách điện rắn dùng trong biến thế của ngành năng lượng, thay thế hàng nhập ngoại. Sản phẩm này được cấp Bằng sáng chế tại Hội chợ triển lãm năm 1992.

Rồi đến năm 1995, người thương binh ấy lại bắt tay vào cải tạo và làm hồi sinh vùng đất bị bỏ hoang rộng 18.000m2 ở quê hương mình (thôn An Trai - xã Vân Canh - Hoài Đức - Hà Nội).

Kể về những ngày gian khó ấy, anh bồi hồi nhớ lại: Những năm 90, trong một vài lần về quê ăn giỗ, thấy đầu làng có khu đất vốn là các lò gạch bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy, lổn nhổn những hố hộc. Người làng kể rằng đó là hậu quả của những lò gạch thủ công trước đây đã để lại một vùng đất nghèo dinh dưỡng, cây cối không sống được do đất bị “gạch hoá” khiến nền đất rất cứng. Nơi này đã từng có 2 trẻ con chết đuối và không mấy người dám bén mảng tới làm khu đất hoang hoá càng âm u. Cùng lúc ấy, Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển mô hình kinh tế trang trại. Anh bàn với vợ mạnh dạn xin xã đấu thầu khu đất ấy. Mọi người đều khuyên anh nên nghĩ lại bởi biết sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Chính ông Trần Xuân Đính - Chủ tịch xã Vân Canh và Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Thế Cử đều khuyên thật lòng: “Vợ chồng chúng tôi khoẻ mạnh, có 3 sào ruộng khoán nục nạc mà còn làm còng lưng vẫn phải chân le chân vịt mới đủ sống. Anh là thương binh nặng, chị là con gái Hà Thành làm sao làm nổi…”

Nhưng anh suy nghĩ và lý giải: Người ta còn tìm mua đất Trang trại ở Ba Vì, Phú Thọ còn được, thế mà quê mình ngay sát Hà Nội lại có vùng đất bỏ hoang là sao? Với quyết tâm cải tạo vùng đất ấy, anh đã mạnh dạn xin Uỷ ban xã cho đấu thầu. Tháng 10 năm 1995, khu đất hoang hoá rộng 18.000m2 được chính thức giao cho vợ chồng anh Cường sử dụng trong vòng 13 năm. Một cuộc chinh phục cải tạo “vùng đất chết” bắt đầu. Nó cam go không kém gì trận đánh ngoài mặt trận. Những ngày đầu tiên, vợ chồng anh mất hàng năm trời thuê thợ đắp ao, tạo gò. Hàng trăm xe đất phù sa được chở đến cùng với phân trâu bò để bón cho cây, cải tạo đất. Trong 2 năm đầu lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng anh làm mô hình V.A.C gồm chuồng trại, vườn cây, ao cá giống. Chỉ sau 2 năm, trong chuồng thường xuyên có khoảng 100 đầu lợn, ao cá mỗi năm xuất từ 7- 8 tấn cá thịt và nhiều loại gia cầm khác. Anh đã giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động quanh năm. Và cơ bản anh đã giúp bà con nhìn nhận đúng về cách quy hoạch mô hình V.A.C ở nông thôn. Đến nay, vùng đất của anh đã được “quy hoạch” đâu ra đấy. Anh chia 10.000m2 đất làm 3 ao nuôi cá giống, xây tường bao kiên cố, 2 hồ lớn nuôi cá thịt và làm dịch vụ câu cá. Xen giữa ao hồ là chuồng trại, vườn sinh thái với đủ loại cây ăn quả. Bao quanh trang trại là 1 con kênh đào rộng 2m với gần 1000 gốc tre làm bờ rào. Trong vườn có khoảng 200 gốc nhãn lồng, 100 gốc vải thiều, hơn 1000 gốc cau cảnh, gần 200 giò phong lan và nhiều loại cây khác. Chị Quyết - vợ anh - thường nói vui: trong nhiều năm qua, vợ chồng anh chị đã “vứt bạc tỉ xuống đất để nhặt lên từng đồng”. Nhưng rồi đất chẳng phụ người. Đến nay anh chị đã có một cơ ngơi khang trang bề thế.

Tiếng lành đồn xa. Nhiều khách du lịch và cựu chiến binh đã về đây tham quan. Có những thương binh nặng không thể đi tham quan khắp trang trại, anh xây hẳn một nhà để các anh có chỗ dừng xe nghỉ chân uống nước. Nhân kỷ niệm 56 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7/2003, đồng chí Nguyễn Đức Triều - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam và Thiếu tướng Hoàng Đan - Thủ trưởng cũ của anh đã đến thăm Trang trại và trồng cây lưu niệm. Trang trại của anh cũng đã từng được đó tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Huy Ngọ về thăm và động viên.

Khi được hỏi xuất phát từ động lực nào mà anh lại nảy sinh quyết tâm hồi sinh “vùng đất chết” ở quê nhà, anh Cường tâm sự: “Tôi làm vậy trước hết là theo lời dạy của Bác, muốn khẳng định rằng những thương binh như tôi không phải là gánh nặng cho xã hội, mà còn làm giàu cho quê hương đất nước. Mặt khác, để xã hội nhìn nhận chúng tôi là những người “tàn mà không phế”. Hơn nữa, tôi bắt tay vào cải tạo ngay mảnh đất bỏ hoang ở quê mình cũng là vì sự giàu đẹp của quê hương, chứ nếu chỉ nghĩ cho gia đình thì với số tiền ấy đem gửi tiết kiệm cũng đủ sống mà các con vẫn được học hành tử tế…”. Tuy nhiên, anh cũng bộc lộ băn khoăn bởi hợp đồng ký thuê đất là 13 năm (từ ngày 25/10/1995 và kết thúc ngày 01/01/2009). Từ đó đến nay, Uỷ ban nhân dân xã Vân Canh đã làm việc với vợ chồng anh 3 lần nhưng vẫn chưa được ký hợp đồng mới theo quy đinh của pháp luật. Bởi một điều giá thuê đất của hợp đồng cũ (thời điểm 1995) là 0,111kg thóc/m2 tương đương 40 kg /sào/năm, trong khi giá của dự thảo hợp đồng mới đã bị đẩy lên là 3.000 đồng/m2/tháng (thời hạn chỉ 5 năm). Anh mong muốn có một chính sách nào thoả đáng để anh chị bõ công bỏ mồ hôi công sức trên vùng đất hoang hoá được đền đáp xứng đáng khi tận hưởng nguồn thu.

Nhìn cơ ngơi của anh chị, có ai nghĩ cách đây vài chục năm nơi này đã từng bị gọi là “vùng đất chết”. Với bàn tay khối óc và ý chí nghị lực của người lính Cụ Hồ, anh thương binh Cường đã bắt đất phải hồi sinh, trả lại màu xanh cho mành đất ở quê hương. Anh thật xứng đáng với cái tên gọi Bộ đội Cụ Hồ. Bởi lời dặn của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế” đã luôn khắc ghi trong tâm khảm của người thương binh nặng ấy.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, đến nay, nhiều thương binh như anh Cường đã vượt lên khó khăn, không những không trở thành gánh nặng của xã hội, mà còn làm giàu cho quê hương đất nước. Thật cảm phục biết bao trước những con người đầy nghị lực và ý chí phi thường ấy đã từng đổ máu xương bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, nay lại mang công sức của mình nguyện là một viên gạch hồng xây dựng quê hương. Các anh mãi mãi là tấm gương để chúng ta học tập và noi theo, mãi mãi là những người “tàn mà không phế”, luôn được xã hội kính phục và tôn vinh.

Nguyễn Thị Diệp

Theo tuyengiao.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: