Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

Trong thời gian hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Hồ Chủ tịch gặp gỡ và xây dựng mối thâm tình với nhiều người bạn quốc tế cùng chí hướng. Một trong số đó là bà Tống Khánh Linh, phu nhân của nhà hoạt động cách mạng Tôn Trung Sơn.

Tình bạn của hai nhân cách lớn nhiều khi được thể hiện qua những hành động rất giản dị như việc bà Tống Khánh Linh mạng lại giúp Bác tấm áo sờn rách hay Hồ Chủ tịchđội chiếc mũ che mưa cho người bạn khi Người tới thăm Trung Quốc…

Người bạn giúp Bác mạng lại chiếc áo rách

Một lần, khi đang công tác tại nước ngoài, trong bữa ăn tối, đồng chí Lê Duẩn hỏi Bác: “Thưa Bác, nghe nói bà Tống Khánh Linh có quen Bác và rất kính trọng Bác. Bác có chuyện gì để kể cho con cháu nghe?”.

Theo yêu cầu của đồng chí Lê Duẩn, Bác kể mấy câu chuyện sau đây:

“Khi bà Tống Khánh Linh sang Pháp, bà đã chủ động tới tìm Bác, tỏ ý tán thành chủ trương, chính sách chống thực dân do Bác nêu ra và cần có sự liên kết giữa các nước để chống lại những âm mưu xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc”.

bac-ho-voi-ban-quoc-te-1
Bà Tống Khánh Linh.

Bác nói tiếp: “Bà Tống Khánh Linh là người thông minh, dũng cảm và kiên quyết bảo vệ học thuyết Tam dân chủ nghĩa của ông Tôn Dật Tiên và rất ca ngợi chính sách thức thời của chồng bà là “liên Nga, thân cộng”. Khi chồng bà còn sống, có nhận được thư của Bác gửi ông Tôn Dật Tiên và bà. Bà nói: “Ông Tôn Dật Tiên đánh giá rất cao những chính kiến của ông nêu ra trong thư…”.

Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bà Tống Khánh Linh được giao nhiều trọng trách. Ở cương vị nào bà cũng có những đóng góp lớn lao, góp phần đoàn kết dân tộc, chấn hưng Trung Quốc, phát triển mối quan hệ hữu hảo với nhân dân các nước, bảo vệ hòa bình.

Bà từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị đại biểu nhân dân toàn Trung Quốc từ năm 1954 đến 1959, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1959 đến 1972. Từ năm 1981, bà là Chủ tịch danh dự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngoài ra, bà còn là Chủ tịch Hội hữu nghị Trung – Xô, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Trung Quốc… Năm 1957, Bà được tặng thưởng giải thưởng Hòa bình quốc tế.

bac-ho-voi-ban-quoc-te-2
Hình ảnh vợ chồng bà Tống Khánh Linh và ông Tôn Trung Sơn.

Có một mẩu chuyện nhỏ được ghi lại, góp phần thể hiện tình bạn thân quý của Bác Hồ và bà Tống Khánh Linh. Trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Trung Quốc, Bác vẫn thường mặc chiếc áo len cũ kỹ, lại bị rách. Bà Tống Khánh Linh khuyên Bác nên đổi chiếc áo khác nhưng Bác từ chối với lí do áo còn tốt. Cảm động quá, bằng bàn tay khéo léo của mình, bà Tống Khánh Linh đã mạng lại chiếc áo bị rách cho Người.

Tình bằng hữu trong hiểm nghèo

Năm 1955, sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hồ Chủ tịch dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam đi thăm các nước anh em. Nước đầu tiên đoàn ta tới thăm là Trung Quốc.

Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh cũng là lúc trời nổi giông và bắt đầu mưa. Vì quý trọng khách nên các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như đại biểu nhân dân Thủ đô Bắc Kinh vẫn đứng yên trong đội ngũ, vẫy hoa, vẫy cờ chào Bác và các vị khách Việt Nam. Bước xuống cầu thang máy bay, trông thấy bà Tống Khánh Linh, Bác tiến lại, lấy chiếc mũ trên đầu mình đội lên đầu bà và nói: “Bà đội để khỏi ướt đầu. Năm 1933, ở Thượng Hải, hết tiền bắt liên lạc không được, nếu không được phu nhân giúp đỡ thì thật là khó khăn…”.

bac-ho-voi-ban-quoc-te-3
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp bà Tống Khánh Linh, tháng 6/1955.

Bác Hồ đã nhắc lại chuyện với bà Tống Khánh Linh, câu chuyện mà sau này Bác đã kể cho đồng chí Lê Duẩn và một số đồng chí cùng đi trong Đoàn.

Tháng 6/1931, khi Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động bí mật tại Hồng Kông thì bị mật thám Anh bắt. Sau gần 20 tháng bị giam cầm, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí trong Đảng, sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ và sự giúp đỡ nhiệt tình của gia đình luật sư người Anh là Loseby, chủ nhiệm công ty Luật sư RUSS, Hội đồng Hoàng gia Anh buộc phải xóa án và cho phép Nguyễn Ái Quốc tự do đi đâu thì đi, miễn là ra khỏi Hồng Kông. Bằng những cách xử lý rất khôn khéo cũng như nghệ thuật cải trang tài tình, Nguyễn Ái Quốc vượt qua được mạng lưới mật vụ dày đặc của Hồng Kông, trốn sang Hạ Môn, rồi từ Hạ Môn vượt lên Thượng Hải.

Nhưng chính lúc đó, không khí khủng bố gắt gao của Quốc dân đảng đang bao trùm lên thành phố. Để che mắt bọn mật thám, Nguyễn Ái Quốc phải đóng vai thân sỹ người Hoa giàu có, thuê phòng tại một khách sạn thật sang để ở. Nhưng tiền thì đã gần cạn mà chưa bắt liên lạc được với tổ chức. Tối đến, Bác thường khóa cửa phòng lại, ăn khoai trừ bữa và tự giặt lấy quần áo…

bac-ho-voi-ban-quoc-te-4
Cảnh bà Tống Khánh Linh đón Bác Hồ được tái hiện
 trong bộ phim "Vượt qua bến Thượng Hải".

Mùa Thu 1933, Nguyễn Ái Quốc đọc báo và chú ý mẩu tin đặc biệt: Một đoàn đại biểu từ châu Âu sắp sang các nước Viễn Đông tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc. Đoàn gồm có một người quý tộc Anh, một đại biểu Quốc hội nước Bỉ và nhà văn Paul Vaillant Couturier, quốc tịch Pháp. Mẩu tin ngắn này làm Nguyễn Ái Quốc rất vui sướng và tràn đầy hy vọng.

Đoàn đại biểu hòa bình đến Thượng Hải bị chính quyền Quốc dân đảng và tất cả người da trắng ở thành phố này tẩy chay. Ở Thượng Hải, bà Tống Khánh Linh bí mật tổ chức một cuộc mít tinh cho đoàn nói chuyện.

Nguyễn Ái Quốc viết thư ngay cho Paul Vaillant Couturier. Thư không ký tên chỉ nhắc tới kỷ niệm giữa hai người mà Người tin chắc rằng, khi đọc thư Paul sẽ hiểu ai là người viết. Lá thư gửi cho nhà văn Pháp được dán kín và Nguyễn Ái Quốc đề gửi cho bà Tống Khánh Linh, nhờ bà chuyển lại cho Paul.

Sau đó, Nguyễn Ái Quốc mặc bộ đồ đẹp, thuê một chiếc xe hơi thật sang, đi thẳng tới nhà bà Tống Khánh Linh nằm ở khu tô giới Pháp, gõ cửa trao thư rồi trở ra ngay. Lúc trở về, thấy cảnh sát Pháp chặn các khu phố lục soát người đi đường, người lái xe tỏ vẻ ngập ngừng nhưng Bác bảo: “Cứ đi!”. Có thể vì chiếc xe rất sang cho nên không bị chặn lại khám xét.

Tối hôm sau, tại một nơi kín đáo giữa khu người Trung Quốc và tô giới quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã gặp lại Paul Vaillant Couturier, người bạn, người đồng chí thân thiết của mình trong niềm vui sướng vô hạn. Qua Paul, Nguyễn bắt được liên lạc với các tổ chức Đảng. Ít lâu sau đó, Người bí mật rời khỏi Thượng Hải, trở về Liên Xô.

Như vậy, nhờ có sự giúp đỡ của bà Tống Khánh Linh mà Nguyễn Ái Quốc mới chắp nối được với tổ chức và vượt qua được một giai đoạn vô cùng hiểm nghèo trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Sau này trên cương vị Chủ tịch Nước, Hồ Chủ tịch nhiều lần gặp lại bà Tống Khánh Linh, giữa hai người có một tình cảm bằng hữu rất thân thiết.

(còn tiếp)

Theo An Vinh

http://thoidai.com.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: