Khu Di tích “ Nơi công bố Ngày Thương binh - Liệt sỹ toàn quốc” tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ có một Cây đa cổ thụ, tốt tươi, được mọi người gọi là “Cây đa 27 tháng 7”.

noi phat tich ngay TB 1 

Khu Di tích 27 tháng 7, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ,
        nơi công bố Ngày Thương binh -  Liệt sỹ toàn quốc 27/7/1947

Sau khi sáng lập “Hội giúp binh sỹ bị nạn” do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự, Người phát động toàn dân tham gia hưởng ứng phong trào “Mùa đông binh sỹ”. Giữa bộn bề công việc lãnh đạo phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp lên Việt Bắc, tổ chức kháng chiến toàn dân, toàn diện suốt từ Bắc chí Nam… Bác Hồ cùng Trung ương vẫn có chủ trương, chính sách chăm lo đến thương binh, gia đình liệt sỹ. Chính phủ ban hành chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sỹ, “ưu đãi các chiến sỹ bị thương và gia đình liệt sỹ”. Ngày 10/7/1947, cơ quan Thương binh và cựu binh, sau đổi là Bộ Thương binh được thành lập. Tháng 6 năm 1947, từ Phủ Chủ tịch đầu tiên ở “Thủ đô gió ngàn” tại đồi Khau Tý, ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm là “Ngày Thương binh”.

noi phat tich ngày TB 2
Ông Lê Thành Ân, Trưởng ban tổ chức Ngày Thương binh -  Liệt sỹ 27-7-1947

Bác Lê Thành Ân, nguyên Phó Phòng Thương binh của Cục Chính trị nhớ lại: Sau khi Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc được thành lập vào khoảng 7 giờ tối một ngày đầu tháng 7 năm 1947, khoảng hai chục người trong Ban họp tại Phú Minh, xã Phú Thịnh (Đại Từ) do anh Lê Tất Đắc, Cục phó Cục Chính trị chủ trì, dự họp có anh Trần Huy Liệu (Tổng bộ Việt Minh), Hoàng Tuấn (Nha Thông tin), chị Nguyệt Tú (vợ anh Lê Quang Đạo) đại diện Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn có anh Đào Duy Kỳ… Sau khi họp bàn, thống nhất chọn ngày 27/7/1947 báo cáo lên Trung ương và Bác Hồ, anh Lê Tất Đắc cao hứng sáng tác:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Hai bảy, tháng bảy nhớ ngày Thương binh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”…“Đang khi Tổ Quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ Quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu…

Vì vậy, Tổ Quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.

Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa, để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống giặc ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sỹ bị thương.

Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, và tỏ lòng yêu mến thương binh.

…Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm, sẻ áo của đồng bào ta, tôi chắc rằng “Ngày thương binh” sẽ có kết quả mỹ mãn.

Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà các em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng  (1.127đ)

Ngày 27 tháng 7 năm 1947

       Hồ Chí Minh

Bác không chỉ khởi xướng, mà còn là vị Chủ tịch - công dân đầu tiên cùng các thành viên chính phủ “tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, yêu mến” thương binh.

Cứ mỗi độ xuân về dân các làng xã Hùng Sơn lại tụ hội chơi cờ trên sân đất rộng cỡ 1500 m2 ở xóm Bàn Cờ, bên Cây đa cổ thụ. Khoảng sân đó nay vẫn còn rộng rãi, có ba đường từ ba hướng đến sân, bên cạnh là ao và đồng lúa, cách 80 - 150m các quả đồi thoai thoải xanh tốt rất tiện cho việc tập trung bảo vệ, giữ bí mật, lại dễ thoát ra các hướng khi có máy bay giặc Pháp bắn phá. Bên cạnh có nghè Ông, thời Tiến sỹ Đồng Doãn Giai (1736) và nghè Bà, thờ công chúa Mai Hoa. Do địa thế đẹp, xung quanh các quả đồi có đơn vị bộ đội và cơ quan Trung ương đóng nên được chọn là nơi mít tinh công bố Ngày Thương binh - Liệt sỹ toàn quốc.

noi phat tich ngày TB 3
Lễ mít tinh công bố Ngày Thương binh - Liệt sỹ

Hồi năm 1997, ông Lê Tất Đắc cựu Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, người chủ trì buổi lễ kể lại: Vào 6 giờ tối bắt đầu mít tinh, có khoảng 300 người dự, tôi thay mặt Ban Tổ chức đọc thư Bác Hồ gửi nhân “Ngày Thương binh - Liệt sỹ toàn quốc”, có đại biểu thương binh, đồng chí Lê Tỵ phát biểu, rồi bà Bá Huy (tức Nguyễn Thị Đích) Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc xã Lục Ba, nơi có Trại An dưỡng đường số 1 thành lập tháng 6 năm 1947 dành cho thương binh, người hăng say vận động phụ nữ giúp đỡ bộ đội, thương binh nói lên tình cảm, trách nhiệm của phụ nữ và nhân dân đối với thương binh. Sau này bà Bá Huy được Bác Hồ gửi thư khen… Buổi mít tinh kết thúc trong tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”. Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7/1947 trở thành ngày mà tất cả mọi người dân, cơ quan, đoàn thể trong cả nước bày tỏ tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, “ Đền ơn đáp nghĩa” với thương binh, gia đình liệt sỹ.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng từng “vào sống ra chết” qua các nhà tù đế quốc ở Hồng Kông, của chế độ Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đều vượt qua với một phong thái lạc quan, ung dung tự tại. Nhưng Người bao lần không cầm được nước mắt khi mất Phùng Chí Kiên - Trưởng ban Quân sự của Trung ương, Chỉ huy Trưởng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, hy sinh ở Ngân Sơn (Bắc Kạn); đồng chí Hoàng Văn Thụ - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng bị thực dân Pháp xử bắn năm 1944 ở Trường bắn Tương Mai; rồi Hoàng Văn Lộc, người bảo vệ, giúp việc Bác từ Xiêm (Thái Lan), đầu năm 1941 theo Bác về Pác Bó (Cao Bằng) mất tại Khuôn Tát (Định Hóa) 1948… Người đã biến nỗi đau thương, mất mát khơi dậy thành phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc mau tới thắng lợi.

Bác còn gửi thư cho các cháu thiếu nhi, nhi đồng tổ chức các “Đội Trần Quốc Toản” - “Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành, khi học rảnh rang, cả đội đem nhau đi giúp đồng bào. Trước thì giúp các nhà chiến sỹ, các thương binh, lần lượt giúp các nhà ít người. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ…”

Tháng 7 năm 1948, Bác gửi anh em thương binh và bệnh binh lời nhắn nhủ chí tình: “Các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sỹ kiểu mẫu ngoài mặt trận”

Vào tháng 7 năm 1953, Bác gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh:

“...Nhân dịp “Ngày thương binh” tôi xin gửi một tháng lương của tôi và 50 cái khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu tôi, nhờ cụ chuyển cho anh em thương binh lời chào thân ái của tôi”.

Người tích cực tham gia, khen thưởng, tổ chức nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lên tầm cao mới.

Ngày nay du khách đến thăm Khu Di tích “Cây đa 27 tháng 7” có hai, ba nhánh cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi một cây đa nhỏ cỡ gần 2 người ôm cách đó 30m vẫn được dân chăm bón, gìn giữ. “Địa điểm công bố Ngày Thương binh - Liệt sỹ toàn quốc 27/7/1947” được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đúng dịp kỷ niệm 50 năm.

Nhà Lưu niệm mới xây dựng, hòa quyện, nghè Ông, nghè Bà. Tảng đá vân mây trắng hình trụ, bia di tích cao 3m, rộng 3m, nặng gần 7 tấn ghi: “Nơi đây, ngày 27/7/1947, ba trăm cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sỹ ở nước ta”. Ngày Bác Hồ về thăm Hùng Sơn (02/3/1958), Người nhắc đến niềm tự hào của mảnh đất quê hương Ngày Thương binh - Liệt sỹ, phải chăm lo đời sống nhân dân, nhất là gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với nước…

(Trích bài Nơi phát tích Ngày thương binh toàn quốc in trong cuốn Bút ký – Tư liệu ATK in dấu lịch sử của tác giả Đồng Khắc Thọ)

Theo http://www.thainguyen.gov.vn

Thu Hiền (st)

 

Bài viết khác: