Chiếc xe cẩu 20 tấn chậm rãi rời làng đá Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình nhằm thẳng hướng Sóc Sơn, Hà Nội. Trên xe là bức tượng Bác Hồ bằng đá cẩm thạch trắng nặng gần 20 tấn được phủ cờ Tổ quốc, neo buộc cẩn thận.

8 buctuong773
 Tượng Bác Hồ tại Trường trung cấp CSND 1

            Thượng tá Vũ Đình Hoàn, Phó Trưởng phòng Xây dựng lực lượng Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân 1, đơn vị chủ đầu tư công trình quay sang vị đại diện bên thi công nửa đùa nửa thật: “Phải khi tượng Bác được đưa về nơi an tọa tại Phân hiệu 2 của trường, tôi mới thực sự bắt tay các anh được!”.

            Những ai đi qua Quốc lộ 1A đoạn từ Ninh Bình về Hà Nội hôm ấy đều được chứng kiến cảnh một đoàn xe đón rước thật long trọng. Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân 1 tổ chức lễ rước tượng Bác Hồ về Cơ sở 2 của trường tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

            Mặc dù là Cơ sở 2 song đây lại là nơi đào tạo, học tập của tới 2/3 số sinh viên của nhà trường. Chính vì thế, Đảng ủy và Ban Giám hiệu Trường mới quyết định đặt tượng Bác ở đây, như một lời nhắc nhở, chỉ bảo thường xuyên đối với toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh của trường.

            Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân 1 ngày nay được hình thành và phát triển trên cơ sở sáp nhập của nhiều trường cao đẳng và trung học của lực lượng, có nhiệm vụ đào tạo các bậc sơ học, trung học và cao đẳng với các loại hình đào tạo khác nhau của tất cả các chuyên ngành của lực lượng Cảnh sát Nhân dân.

            Qua 43 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay nhà trường đã xây dựng được 7 phòng chức năng, 5 bộ môn, 1 Trung tâm dạy nghề và 6 chuyên khoa nghiệp vụ, đào tạo cán bộ Cảnh sát Nhân dân cho lực lượng công an các địa phương phía Bắc, từ Thừa Thiên Huế trở ra.

            Hiện tại 100% giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của trường đã tốt nghiệp đại học trở lên, 21% có trình độ thạc sĩ, trong đó có 3 tiến sĩ, vượt trước 6% chỉ tiêu do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra cho các Trường Trung học tới năm 2010; 15 đồng chí được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 24 đồng chí là giáo viên cấp cao và huấn luyện viên cấp cao.

            Hàng năm, học sinh của trường đều có ý thức cao trong học tập và rèn luyện, nhiều học sinh đã đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; nhiều em đã được kết nạp Đảng ngay trong thời gian học tập tại trường. Đã có không ít học viên của trường sau khi ra công tác tiếp tục phấn đấu, trở thành cán bộ nòng cốt của công an các địa phương.

            Đặc biệt, có những cá nhân tiêu biểu ngay từ trong trường như em Lê Minh Tuấn, học viên lớp B2C8K43 dũng cảm cùng quần chúng truy bắt 2 tên cướp trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong khi truy đuổi, Tuấn đã bị tội phạm dùng dao chém bị thương, đứt lìa 2 ngón tay và bị thương nhiều vị trí trên cơ thể. 

            Nhưng với tinh thần quyết tâm truy bắt tội phạm, Tuấn đã cùng các quần chúng tốt khống chế cả 2 đối tượng, được Tổng cục Cảnh sát tặng giấy khen, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” và Ban Giám hiệu nhà trường biểu dương, tổ chức lễ kết nạp Đảng và phong quân hàm trước niên hạn.

            Điều đáng nói rằng đây không phải là lần đầu tiên Tuấn tham gia truy bắt các đối tượng phạm tội và đã nhiều lần được Ban Giám hiệu nhà trường biểu dương. Trước đặc thù đối tượng đào tạo của nhà trường hầu hết là học viên chỉ mới rời ghế nhà trường phổ thông, nên việc giáo dục ý thức cho các em về tư cách của người Công an Cách mạng là rất quan trọng.

            Có thể nói việc dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở cơ sở 2 của trường đã được sự đồng ý của Đảng ủy Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an, được sự cho phép của lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cũng như sự quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp, hỗ trợ phối hợp rất đắc lực của các cơ quan chức năng như Vụ Mỹ thuật, Công ty Cổ phần Mỹ thuật và Xây dựng Việt Nam, Công an tỉnh Ninh bình, Cục Cảnh sát C26 và một số cơ quan khác, trong đó đặc biệt là sự chỉ đạo của Hội điêu khắc Việt Nam về mặt nghệ thuật để trường hoàn thành công trình.

            Tượng Bác được tạc bằng đá cẩm thạch trắng nguyên khối, nguyên bản nặng gần 35 tấn lấy từ Nghệ An. Tượng do nghệ nhân Lương Thế Vũ và 4 thợ thực hiện miệt mài trong 4 tháng trời ròng rã, khi hoàn thành có trọng lượng gần 20 tấn.

            Ban ngày có ánh nắng hoặc buổi tối dưới ánh đèn, chất liệu đá cẩm thạch trắng phát sáng trông rất đẹp. Vì được tạc từ đá liền khối nên độ bao quát lớn hơn, đòi hỏi những người thực hiện phải rất kỳ công trong thao tác.

            Theo nghệ nhân Lương Thế Vũ, thì phần khó nhất vẫn là diện mạo của Bác. Riêng công đoạn này, nghệ nhân Lương Thế Vũ đã phải trực tiếp thể hiện trong suốt một tháng trời. Nội dung tượng miêu tả hình ảnh Bác ngồi đọc sách, do tác giả, nhà điêu khắc Dương Nguyên Phương sáng tác mẫu.

            Theo Đại tá Đàm Xuân Nhung, Hiệu trưởng nhà trường, thì hình ảnh Bác ngồi đọc sách rất có ý nghĩa đối với một đơn vị đang làm công tác giáo dục, đào tạo như Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân 1.

            Đại tá Đàm Xuân Nhung còn cho biết, bên cạnh việc tạc và dựng tượng Bác như một lời nhắc nhở thường xuyên đối với cán bộ, giáo viên và học viên, nhà trường cũng đã triển khai nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào, các cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác.

            Trong năm vừa qua, trường đã tổ chức cho cán bộ và học sinh đi xuống huyện Thạch Thất của tỉnh Hà Tây; huyện Kim Môn của Hải Dương, các huyện của tỉnh Bắc Giang... để qua đó cũng là một cách ghi dấu hình ảnh của người chiến sỹ công an trong lòng dân, đã để lại nhiều xúc động trong lòng nhân dân.

            Đại tá, Hiệu trưởng Đàm Xuân Nhung khẳng định đây sẽ là một hoạt động thường niên của trường, và cũng là một việc làm thiết thực để gắn lý thuyết với thực tế của các học viên của Trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân 1./.

Mai Khuê
Theo CAND. com
Kim Yến(st)

 

Bài viết khác: