Nhiều thập niên qua, không chỉ cộng đồng Việt kiều mà cả người dân Thái, nhất là ở vùng Đông bắc nước này, vẫn còn nhắc mãi về một người làm cách mạng có tên là Thầu Chín với tấm lòng thương yêu và trân trọng.
Các thanh thiếu nhi là con em Việt kiều múa hát trong dịp kỷ niệm
Ngày sinh của Bác tại Làng hữu nghị. (Ảnh: Ngọc Tiến/Vietnam+)
Những tình cảm và kỷ niệm sâu sắc về Người luôn được nhân dân Thái Lan trân trọng giữ gìn và ngày càng được vun đắp để làm tăng thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Nhà cách mạng Thầu Chín
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi khắp năm châu, bốn biển, trong đó có Thái Lan. Người đã từng đến sống và hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở các tỉnh Udon Thani, Phichit, Nong Khai, Sakon Nakhon và một số nơi khác ở Thái Lan; để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc và tình cảm đối với đất nước, con người xứ sở này.
Làng hữu nghị Thái - Việt ở tỉnh Nakhon Phanom được xây dựng và khánh thành vào năm 2004, để ghi nhớ một thời Bác Hồ đã sống và hoạt động tại đây với tên là Thầu Chín. Đó đồng thời là một trong những biểu tượng minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai nước, sự yêu quý ngưỡng mộ của nhân dân Thái Lan, nhân dân Việt Nam đối với Hồ Chủ tịch.
Thầu Chín là bí danh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Xiêm, nay là Vương quốc Thái Lan, trong thời gian năm 1928 - 1929. Thầu là tiếng Thái Lào, để gọi người nhiều tuổi và biểu thị sự tôn kính. Câu chuyện về cộng đồng người Việt cùng với Thầu Chín trên đất Xiêm ngày ấy đã vượt thời gian, trở thành một phần giá trị tài sản tinh thần, đặc biệt là ở những nơi dấu chân Người đã đi qua giúp nở hoa hữu nghị.
Được Việt kiều và nhân dân yêu nước Thái che chở trước sự truy lùng của mật thám Pháp, Thầu Chín ở Nakhon Phanom cho đến tháng 11 năm 1929 thì sang Trung Quốc, sau đó về Việt Nam chỉ đạo cách mạng. Ngoài bí danh Thầu Chín, một vài bí danh khác của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng được Việt kiều tại Thái Lan nhắc đến với lòng kính trọng.
Theo tài liệu ghi nhận, từ Bản Mạy ở Nakhon Phanom, nhà cách mạng Thầu Chín thường có mặt tại các Bản Noọng Xén (cùng tỉnh Nakhon Phanom), Bản Đông thuộc tỉnh Phichít, Bản Noóng Ổn tỉnh Udon Thani...
Đến đâu Người cũng mang đến luồng sinh khí mới cho cuộc sống của bà con Việt kiều tại đó cùng với rất nhiều câu chuyện, rất nhiều thông tin được truyền đến bà con bằng phong cách nói chuyện rõ ràng và dễ hiểu, với sự hiểu biết rất rõ về tình hình kiều bào ở Thái Lan.
Bằng sự lôi cuốn và cảm hóa, Người mở mang tầm nhìn, cách nghĩ cho bà con qua các câu chuyện giản dị mà ẩn chứa nhân sinh quan sâu sắc, phổ biến cho bà con những kiến thức bổ ích về cách thức cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả, tìm chỗ đất thấp đào ao thả cá.
Người vận động bà con xin phép chính quyền sở tại mở lớp dựng trường dạy chữ quốc ngữ cho con em, động viên người lớn học cả chữ Thái, chữ Việt để biết những điều cần thiết cho cuộc sống hiện tại, đồng thời tạo nền móng cho quá trình học tập lâu dài để có những kỹ năng tự phân tích, tự tổng hợp ứng dụng vào làm ăn.
Và bao trùm lên tất cả là học để làm người, để có khả năng làm chủ bản thân trong mọi hoàn cảnh, để đủ hiểu biết mà chung sống hòa hợp với các cộng đồng có văn hóa khác nhau.
Biểu tượng của tấm lòng cao cả
Nhân dịp Lễ kỷ niệm lần thứ 121 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lần thứ 100 ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước vừa tổ chức ở Làng Hữu nghị Thái - Việt, Tỉnh trưởng tỉnh Nakhon Phanom, ông Lơngxặc Vinittraimôntri nói rằng tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Thái Lan được vun đắp từ nhiều năm nay, nhất là từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động tại làng Najok trong những năm 1928-1929. Nơi đây đã trở thành Khu Di tích, địa điểm du lịch mang tính lịch sử và văn hóa quan trọng của Thái Lan.
Khi dẫn đầu đoàn Việt Nam vừa sang thăm Thái Lan và trao các Huân chương, Huy chương và Bằng khen cho bà con kiều bào có nhiều đóng góp với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở Nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn nói: “Thái Lan là địa bàn mà Bác Hồ của chúng ta đã sinh sống, học tập và hoạt động cách mạng ở đây. Tổ chức Việt kiều yêu nước tại Thái Lan cũng được Bác Hồ tổ chức, thành lập và xây dựng từ ban đầu cho nên quan hệ giữa nước ta với Thái Lan đang ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp.”
“Hy vọng trên đất nước Thái Lan, với sự kính trọng của nhân dân Thái dành cho Hồ Chủ tịch, các Khu Di tích lưu niệm về Bác Hồ ở Bản Mạy và một số nơi khác sẽ được quan tâm và chúng ta sẽ cùng Thái Lan xây dựng những Khu Di tích đó xứng đáng với tình cảm, sự kính trọng của nhân dân hai nước dành cho Bác, xứng với vị thế và vai trò của Người trên thế giới” - Thứ trưởng nói thêm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, các Khu Di tích và công trình ở Udon Thani, Khon Kaen cũng sẽ được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư để tương xứng với một quốc gia có ngàn năm văn hiến như Việt Nam - đất nước luôn được bạn bè thế giới, trong đó có Thái Lan, ngưỡng mộ và khâm phục.
Bác Cao Văn San, Chủ tịch Tổng hội lâm thời người Việt Nam tại Thái Lan, cho hay hai tiếng Bác Hồ hết sức thiêng liêng đối với kiều bào và tình cảm của Việt kiều đối với Bác Hồ là không bao giờ phai nhạt.
Vào dịp 19 tháng 5 hằng năm, bà con Việt kiều thường tổ chức lễ kỷ niệm Ngày sinh của Bác, thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tấm gương sáng về đạo đức và sự tận tụy với Tổ quốc, nhân dân./.
Theo dangcongsan.vn
Kim Yến(st)