Tháng 8 năm 1947, đang công tác bên Bộ Quốc phòng, ổng được chuyển sang làm Chánh Văn phòng Chủ tịch phủ. Bác Hồ gọi ông là Chú Bẩy. Hơn 20 năm gần Bác, ông là hình mẫu về học tập, noi theo tấm gương của Người về đạo đức, tác phong ... Và có cả giai thoại vui về ông, đôi khi do chính ông... phịa ra góp thêm niềm lạc quan giữa đời thường còn nhiều gian khó.
Trịnh Long
Có chí thì nên
Ca dao ta có câu: Trời nào có phụ ai đâu/ Hay làm thì giàu, có chí thì nên. Nổi tiếng "có chí" chẳng hạn như trường hợp hai anh em Phan Anh, Phan Mỹ, tức ông Bẩy (1914 - 1981).
Sinh quán làng Tùng ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, một vùng quê nổi danh "địa linh nhân kiệt" hiếu học nhưng quá nghèo khổ, Mỹ lên bẩy tuổi (có người phỏng đoán: phải chăng Bác Hồ biết vậy mà đặt cho ông mật danh là Bẩy?) sớm mồ côi mẹ, cùng anh em theo cha Phan Điện ra Bắc Hà bán chữ nuôi hai con ăn học. Không học như một thứ mọt sách ra làm quan đổi đời. Trong máu thịt quê hương thấm được tinh thần yêu nước thương dân, thầy đồ Điện căm thù thằng Tây đô hộ, không đội trời chung với lũ quan lại tham tàn địa phương. Trong quyết định tha hương, thầy chọn con đường cho các con, hy vọng lần ra lẽ phải, bênh vực người nghèo, mở mang dân trí...
Tâm nguyện của cha được hiện thực trọn vẹn. Anh, rồi em, vào Đại học Luật Đông Dương, ra làm "thầy cãi", viết báo để bênh vực lẽ phải, bảo vệ dân lành. Cùng hăng hái tham gia các công việc có ích, hoạt động trong các tổ chức mà thời đó về danh nghĩa được coi là phụng sự cho dân, cho nước. Phan Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Vừa làm vừa nghe ngóng tình hình, cả hai anh em đều đã sớm tìm đến với Mặt trận Việt Minh, hoạt động công khai hoặc bí mật.
Bác Hồ tin dùng trí thức. Luật sư Phan Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ kháng chiến công bố tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khoá I ngày 2/3/1946. Rồi theo yêu cầu công việc, ông lần lượt làm Bộ trưởng: Kinh tế, Công thương, Thương nghiệp, Ngoại thương, và nhiều chức danh khác như Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Hoà bình thế giới, Chủ tịch đầu tiên của Hội Luật gia Việt Nam... Ông mất năm 1990 tại Hà Nội.
Ông em Phan Mỹ "thầm lặng" hơn, không "lộ diện" như ông anh, nhưng tham gia công tác bí mật rất sớm tại Hà Nội. Sau ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, ông bị lộ, tổ chức đưa lên chiến khu giúp công tác chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Tại đây ông được dịp gặp Bác Hồ và các vị lãnh đạo khác như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp..., nhiều Bộ trưởng mà sau này thời ATK ai cũng quý mến, khen ngợi với tên gọi thân mật ông Bẩy - anh Bẩy - cậu Bẩy - tay Bẩy.... biệt tài xoay xoả, tận tụy trong mọi việc chỉ với chức danh Chánh Văn phòng Chủ tịch Phủ - Thủ tướng Phủ (sau này là Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng). Các vị không một ai quên, nhất là sau cái đận tháng 10 năm 1947 thằng địch hùng hổ tấn công lại phải vội vã rút nhanh khỏi ATK thần thánh, một tay "ông Chánh dân sự" đôn đáo tổng chỉ huy cả guồng máy quân dân chính đảng thuộc trung ương, địa phương vùng châu tự do tản cư rồi hồi cư... Một số gia đình nặng gánh được "Tổng chỉ huy" - Tướng bẩy lon" đưa cả tiểu đội đến từng nhà cõng trẻ con, dìu người già... vào rừng sâu, lên núi cao... đánh thắng thằng địch điên rồ định "cất vó" Chính phủ Hồ Chí Minh.
Rồi, sau năm 1950 "ông Chánh" lại là "Tổng công trình sư xây dựng mật khu Thác Dẫng CQ41 - Ban Kiểm tra 12 thành một Đại bản doanh liên hoàn đủ các khu nhà ăn, ở, vui chơi, hội trường, nhà khách, tàu ngựa... trên bến dưới thuyền... Nay thuộc xã Bình Yên, Sơn Dương được công nhận Di tích Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1947 - 1954.
Liều thuốc cứu bạn
Trong sách Văn phòng Chính phủ 56 năm xây dựng và phát triển nguyên Bộ trưởng Giáo dục, Tư pháp đầu tiên Vũ Đình Hoè bạn học cùng trường Luật của ông Bẩy, có kể câu chuyện làm người đọc không thể không suy ngẫm đến nhiều ý nghĩa về Bác Hồ và người giúp việc của Người. Chuyện một kỷ niệm ông không bao giờ quên với người bạn tốt và tấm tình bao la trời biển của lãnh tụ.
Khoảng cuối năm 1950, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên người ngoài đảng làm đơn xin từ chức vì gặp khó khăn trong công tác. Bác Hồ biết khuyên ông yên tâm và gọi một số cán bộ trong Đảng uỷ đoàn của Bộ giải thích, nhắc nhở về bài học vỡ lòng của Các Mác: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng viên chỉ là số ít phải thực tâm đoàn kết với hàng triệu triệu người ngoài đảng mới đưa được cách mạng đến thắng lợi...
Với ông Hoè tình hình còn nặng nề hơn: mất ăn, mất ngủ, người bơ phờ, buộc phải làm đơn. Ông Mỹ được tin đến thăm. Xem đơn, nghe kể, ông Mỹ an ủi: - ừ, thế thì quá lắm! Hoè này, hôm nay mình đến với cậu còn có cái này, chắc chữa được bệnh cho cậu đây. Ông đặt nhẹ tấm danh thiếp của Bác vào tay ông Hoè có dòng chữ : "Chúc chú Hoè mạnh! Có miếng sâm đây, chú mài ra mà uống".
Ông Hoè sáng mắt, bật dậy nghẹn lời: - Bẩy ơi, mình khỏi bệnh rồi. Ông Hoè về sau hồi ức: "Quả thật mấy chữ và món quà của Bác đã cứu tôi sống lại". Ông yên tâm 9 năm nữa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ trưởng.
Giai thoại về "Ngủ chuồng dê"
Năm ngoái 2007, dịp về nguồn thăm lại các địa danh xưa từ Sơn Dương sang Định Hoá, chúng tôi rất thích thú nghe ông Tạ Quang Chiến thời ATK từng là cận vệ của Bác, bí thư chi bộ Ban kiểm tra 12 kể chuyện vui về các Bộ trưởng, mỗi ông có biệt tài riêng, được mặc sức góp vui lúc gặp nhau, ngoài giờ họp Hội đồng Chính phủ Bác Hồ. Cụ Bùi Bằng Đoàn, Linh mục Phạm Bá Trực ... cũng tích cực tham gia. Chẳng hạn như Phan Anh lẩy Kiều, Lê Văn Hiếu hát bội, Tạ Quang Bửu kể tiếu lâm rất Ăng lê. Nghĩa là khi kể, ông tỉnh bơ, người nghe sau mới ... thấm. Lần ấy, chuyện rằng ...
Bên Đại Từ tỉnh bạn có ông chủ trang trại kia nuôi dê giầu có, hãnh tiến, hợm đời. Một dạo lão quảng cáo khắp nơi: mở cuộc đọ tài tìm người vô địch ở lâu trong chuồng dê. Kẻ hiếu kỳ, người tham tiền thưởng cao lặn lội tìm tới rất đông. Điều kiện giật giải quá dễ: trong chuồng dê nhà lão cả ngàn con ba tháng không quét phân. Giữa chuồng rải chiếu hoa để ngồi. Đấu thủ ngồi đó đủ 30 phút đoạt giải quán quân được một chiếc đồng hồ đeo tay chính mác Swuiss. Bên tỉnh Tuyên có một vị đang cần giờ giấc chính xác, quyết một phen vượt đèo De sang đọ sức. Kết quả: không một ai vào chuồng chịu nổi mùi cứt đái dê quá 5 - 7 phút. Vị nhà ta vào được vài chục phút cả chuồng dê đã nhớn hác, rồi phá chuồng ... Nguyên do vì ông ta lăn ra ngủ, ngáy, đến dê cũng không chịu nổi cái thứ mùi hôi và tiếng ngáy ngon lành từ giữa chuồng ...
Ông Bộ trưởng phớt Ăng lê dừng câu chuyện đưa mắt nhìn về phía một người nghe xem phản ứng thế nào thì bất ngờ, Chánh Văn phòng Phan Mỹ vụt đứng dậy, giơ tay, cười phá, hóm hỉnh: - Đây, chiếc đồng hồ giật giải còn đây, thưa quý vị ... Tiếng vỗ tay bật ra rầm rập và tiếng cười đến ứa nước mắt của mọi người vì hể hả mà thương, quý cả người kể lẫn người bị ... kể.
Rồi lại đến đợt chống lụt vỡ đê Nhất Trai, Gia Lương, Hà Bắc hè 1971, ông Bẩy phụ trách Đoàn kiểm tra hàn khẩu đoạn vỡ 400 mét.
Đứng trên đê tận mắt thấy một tốp anh em lực lưỡng khoá tay nhau giăng hàng chặn dòng nước, một anh tuột tay có thể bị dòng nước cuốn trôi, ông Bẩy ào tới, các anh khác cũng noi gương ông nhào xuống nước ứng cứu ... Thật hú vía! Khi về cơ quan, anh em thuật lại có ý khen ông. Ông cười hóm hỉnh nói lảng: - Chết thế quái nào được! Tớ biết tỏng tòng tong là ông Hà Bá ổng quen biết mình, không thể bắt mình xuống làm bẩn thuỷ cung ...
Ông Bẩy là thế đó - không muốn ai khen mình.
Người xe duyên?
Chúng tôi luôn nhiều dịp được tiếp xúc với các vị cao niên từng trực tiếp phục vụ Bác Hồ, gần gũi ông Bẩy - không ai không khen ông, có người so sánh... Nhớ câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, chúng tôi rút ra nhận xét: Bác Hồ là ngôi sao có sức toả sáng kỳ diệu tới mọi người. Được gần Người thì ít hay nhiều, sớm hoặc muộn đều được chuyển hoá trở nên tốt lành hơn. Sẵn tố chất gia đình, quê hương, ông Phan Mỹ là một hình mẫu về học tập, noi gương sáng của Bác Hồ, trước hết, trong đạo đức, tác phong.
Nhưng chuyện ông ở bẩn thành giai thoại là thế nào? Ai chữa cho thứ ... "bệnh" đó? Quần áo mặc cả tuần không thay, hôi xì. Anh em nhắc, ông thay ra nhưng vo lại, nhét xuống chiếu, ít hôm cần thay bộ khác lại lấy lên ngửi ngửi, bảo "còn sạch chán, sạch bằng mấy bộ đang mặc ..." Chuyện thật như đùa ấy chắc chắn Bác biết.
Chúng tôi nghe nhiều chuyện Bác Hồ hết sức khéo léo, tế nhị lo chuyện dựng vợ gả chồng cho các cháu đến tuổi lập gia đình. Trường hợp ông Bẩy, tôi tìm đến nhà bà Tạ Thị Tuyết Mai, em gái bà Tạ Thị Trinh vợ ông (mất năm 1997). Ông Nguyễn Văn Hướng chồng bà Tuyết Mai cùng vợ tiếp khách, nhớ lại khoảng cuối năm 1950. Rằng, hai chị em đang giữ Tổng đài ở "Miếu Năm Cô" thì được ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Duy Hưng chọn cử đi học y tá mấy tháng rồi điều về Trạm xá cơ quan Phủ Chủ tịch. Chính tại đây nên vợ nên chồng, y tá Trinh "chữa bệnh ở bẩn" cho ông Bẩy.
Ông bà "lây" tính "lây" nết của nhau. Khi bà đã là Phó Giám đốc Sở y tế Hà Nội, ở nhà số 59 phố Trần Quốc Toản, gia đình ông bà ở gọn lại, nhường phòng cho hai anh ở cơ quan đến ở. Ông Lê Bá Cải ngày đó còn là nhân viên văn thư chưa vợ, ông Bẩy có lần bảo vợ: - Này chị Trinh ơi! Chị xem ở ngành y tế có cô nào ấy thì hỏi cho thằng Cải một đứa.
Vợ ông cười, không nói gì, tưởng như đùa. Hôm sau, cơm xong bà nói như tình chị em tâm sự:
- Này, Cải ơi! Anh Phan Mỹ chót lấy chị rồi, anh phải chịu thiệt. Chị khuyên em không nên lấy vợ ngành y tế. Vì nó đi trực suốt đêm, em sẽ phải ở nhà một mình ...
Cậu nhân viên thuộc lòng suốt đời câu nói đó của vợ thủ trưởng. Còn, ông cựu Bộ trưởng Vũ Đình Hoè thì không bao giờ quên lần cuối vào Bệnh viện, bạn nhìn mình chằm chằm, nhoẻn miệng cười:
- Phăng teo, Hoè ạ!
Ông Hoè ứa nước mắt nghĩ: Đúng là Bẩy của tôi! Bàn tay đã lạnh ngắt, vẫn đùa ...
Ngay đêm đó Bẩy đi ...
Phục quá! Thương quá Bẩy ơi!
Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/
Thu Hiền (st)