Ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập mùng 2 tháng 9, với viễn kiến của một nhà chính trị thiên tài, Chủ tịch hồ Chí Minh đã cho mời Hoàng thân Xuphanuvông đang làm việc ở Vinh ra Hà Nội để trao đổi những vấn đề có liên quan đến vận mệnh hai nước và khu vực.

Có một điều ngẫu nhiên thú vị là xe đón bị hỏng dọc đường và vào thời điểm này cựu hoàng Bảo Đại cũng từ Huế được mời ra để nhận chức Cố vấn chính phủ, nên hai ông hoàng đã ngồi chung một xe. Hoàng thân Xuphanuvông năm đó 36 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Quốc gia Cầu đường Paris và làm kỹ sư trong chế độ bảo hộ thực dân Pháp. Trong Hoàng tộc ông được coi là người yêu nước và có tri thức cao. Ông Hoàng không ngờ rằng, đây là chuyến đi làm thay đổi cả cuộc đời mình.

Ngày mùng 2 tháng 9, xe đến Hà Nội, trời mưa rất to, hai bên đường vẫn còn tràn ngập cờ đỏ sao vàng. Nghe tin, 15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra thăm Bảo Đại và Xuphanuvông. Buổi tối, tại phòng khách lớn của Bắc Bộ phủ, Tổng bộ Việt Minh và Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố mở tiệc chiêu đãi cựu Hoàng Bảo Đại và Hoàng thân Xuphanuvông. Nhân dân và cách mạng đã tỏ rõ thái độ sẵn sàng mở rộng vòng tay với những người thuộc Hoàng tộc vào đội ngũ của mình.

Hoàng thân Xuphanuvông ngạc nhiên và khâm phục cách xử sự thân ái, khiêm tốn, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai người ở bên nhau, một già một trẻ, để cùng bàn về tương lai vận mệnh của hai dân tộc trong những ngày đầu tiên của cách mạng.

Trong hồi kí của mình về lần gặp gỡ đầu tiên, bà Bua Khăm Xuphanuvông kể: “Những người trực tiếp đón tôi vào Bắc Bộ phủ, cụ Hồ và ông Hoàng Xuphanuvông đang ngồi ăn cơm trong phòng bếp. Thấy tôi, cả hai người đều buông đũa… Cụ Hồ đỡ tôi ngồi xuống ghế, bảo; “Cô ăn cơm luôn”. Cơm nước xong, Xuphanuvông đưa tôi về chỗ nghỉ…giữa sàn nhà là một chiếc chiếu rộng và một cái gối mây…ông Hoàng chỉ chiếc chiếu giữa sàn và nói: “Anh và Cụ Chủ tịch gối chung một chiếc gối mây này…”

Trong những năm kháng chiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông đã nhiều lần gặp nhau để bàn và trao đổi việc nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành cho ông Hoàng và cả gia đình một tình cảm thân ái, ruột thịt, quan tâm chăm sóc. Có một chuyện nhỏ như sau: Ông Hoàng có 8 người con trai có tên tiếng Việt là: Quang. Minh, Chính, Đại, Trung, Thành, Quyết, Thắng, Lợi. Anh con trai đầu tiên tên Quang cưới vợ, biết tin Bác Hồ đã gửi quà tặng một chiếc bút máy Hồng Hà, được đặt làm đặc biệt, với mực xanh Cửu Long. Nhận được quà cưới, anh Quang đã đề nghị có thêm một chiếc bút nữa cho vợ mình. Bác nhắc các đồng chí trong Ban Tổ chức Trung ương và một chiếc bút đặc biệt lại được gửi sang. Có điều lần này bút tặng gửi là bút Cửu Long. Phải chăng Bác muốn nhắc đến hai câu thơ đã từng viết:

“Việt Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”

Những ngày tháng 9 năm 1945 khi hai dân tộc Việt - Lào đang đứng trước một vận hội mới của mình. Đó cũng là thời khắc Hoàng thân Xuphanuvông quyết định bước chân vào con đường mới trở thành ngọn cờ lãnh đạo của phong trào kháng chiến yêu nước Lào như người ta vẫn gọi là: “Ông Hoàng đỏ” và đưa nó đến ngày toàn thắng. Sau này nhớ lại lần đầu tiên gặp Bác, Hoàng thân Xuphanuvông đã viết những lời trân trọng: “Nhờ có dịp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi đã học được nhiều điều bổ ích…Mọi vấn đề đã sáng tỏ và trở lên dễ hiểu đối với tôi. Sau đó tôi đã về nước để lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc Lào”.

Nguyễn Thiên Việt

Theo KTĐT

Thu Hiền (st)

 

Bài viết khác: