Đối với thiếu nhi Việt Nam, Bác Hồ người là Ông rất đỗi hiền từ và đôn hậu. Đối với Bác Hồ, thiếu nhi là nguồn vui, là nụ hoa, là tương lai tươi đẹp.
Cả đời Bác Hồ, dù lúc cách mạng còn trứng nước gian nan hay khi đất nước đã được độc lập, Bác luôn luôn quan tâm, chăm sóc thiếu nhi và dành cho các em những tình cảm thiết tha trìu mến nhất.
Bác Hồ với các cháu Trường mẫu giáo nội trú đầu tiên của quân đội tại căn cứ địa Việt Bắc, ngày 19/5/1953.(Ảnh tư liệu lịch sử)
Khi cách mạng mới gây mầm gieo hạt, Bác đã chăm lo lập nhóm thiếu niên cộng sản cho đất nước. Bác bàn với tổ chức cho người về nước, tìm chọn một số thiếu niên tuổi từ 12 đến 15 đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) để Người dạy dỗ, huấn luyện. Tháng 6-1926, Bác lập ra nhóm thiếu niên cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Nhóm này có 8 người, trong đó có Lý Tự Trọng. Số thiếu niên này ngoài việc học tập chính trị còn được Bác dạy thêm về văn hóa, ngoại ngữ. Một số được Người gửi vào học quân sự tại trường Hoàng Phố, một số nữa Người dự định gửi sang học ở Mát-xcơ-va.
Năm 1941, sau khi về nước, cùng với việc lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Đảng đã giao trách nhiệm cho Đoàn dìu dắt, tổ chức các em vào Hội Nhi đồng Cứu quốc. Những ngày tháng sống ở Pắc Bó, Lam Sơn, Cao Bằng, Bác đã viết nhiều bài đăng trên báo Việt Nam Độc lập để giáo dục, động viên, khen thưởng thiếu nhi và các đội viên nhi đồng cứu quốc.
Sau khi nước nhà giành được độc lập, trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ dù bận rộn nhiều công việc lớn, Bác vẫn luôn nghĩ đến thiếu nhi. Những ngày vui của các em như Tết Trung thu, Ngày Khai trường, ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày thành lập Đội … Bác vẫn thường có thư thăm hỏi, chúc mừng và nếu có thời gian Bác lại đến vui chơi với thiếu nhi.
Bác luôn nhắc nhở các anh chị phụ trách thiếu niên, các thầy giáo, cô giáo phải quan tâm chăm sóc, dạy dỗ thiếu nhi. Khi đọc báo, thấy có những tấm gương tốt của thiếu nhi, Bác rất vui và đã tặng thưởng huy hiệu của Bác cho những cháu có thành tích trong sinh hoạt, học tập.
Trong cuộc sống hàng ngày, Bác rất yêu quý thiếu nhi. Năm 1952, trên đường đi công tác ở Chiến khu Việt Bắc, khi qua nhà trẻ một cơ quan, Bác đã dừng lại, vào thăm các cháu bé. Bác bế và ôm hôn từng cháu, nét mặt Người rạng rỡ niềm vui.
Những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam đánh Mỹ cứu nước, khi ấy Bác đang làm việc tại Phủ Chủ tịch. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, vui chơi giữa Bác Hồ với thiếu nhi. Có lần, một lớp mẫu giáo lớn được cô giáo dẫn đi chơi xem nhà Bác, cô dẫn các cháu hàng ngũ chỉnh tề đi bên lề đường phía ngoài nhà Bác. Thấy cô nói đây là nơi Bác ở và làm việc, các cháu thích quá reo ầm lên: “Bác Hồ ơi! Bác Hồ ơi!”. Đồng chí gác cửa thấy vậy, ra bảo cô giáo dẫn các cháu đi chơi nơi khác để tránh tiếng ồn ào cho Bác làm việc. Lúc đó, Bác đang làm việc, nghe tiếng các cháu bé gọi, Bác biết chuyện liền bảo các đồng chí mở cửa cho các cháu vào chơi với Bác.
Các cháu Trường Mẫu giáo Tổng cục Chính trị vào chúc Tết Bác Hồ, ngày 19/2/1955.
(Ảnh tư liệu lịch sử)
Bác Hồ chia kẹo cho thiếu nhi thị xã Cao Bằng, sáng ngày 21/2/1961. (Ảnh tư liệu lịch sử)
Bác Hồ với thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch, năm 1963. (Ảnh tư liệu lịch sử)
Tình cảm của Bác đối với thiếu nhi vô cùng sâu nặng. Vị Tổng thống anh hùng đã quá cố của nhân dân Chi lê, A-gien-đê đã kể lại rằng: Năm 1969, sang thăm Việt Nam, ông được gặp Bác Hồ, Bác cùng các vị khách Chi lê ngồi quanh chiếc bàn nhỏ trong phòng làm việc. Trong khi nói chuyện, Bác mở chiếc phong bì trên bàn làm việc của Người, lấy ra một tấm ảnh và nói với các vị khách quý: ”Đây là một kỷ niệm”. Rồi Bác lần lượt giới thiệu với khách những thiếu nhi anh hùng miền Nam có nét mặt thơ ngây đang ngồi quây quần quanh Bác trong tấm ảnh.
Bác Hồ với các thiếu nhi dũng sĩ diệt Mỹ từ miền Nam ra thăm miền Bắc, tháng 3-1969.
(Ảnh tư liệu lịch sử)
Bác vui và tự hào khi thấy có nhiều thiếu nhi ngoan ngoãn, học giỏi, chăm làm và làm được nhiều việc tốt. Bác gửi gắm nhiều niềm tin và tình thương với thiếu nhi bởi vì Người luôn luôn mong muốn thiếu nhi Việt Nam ngày càng giỏi hơn, tốt hơn để mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà./.
Thu Hà
Đặng Tuyết (st)