Trong lịch sử tồn tại suốt chục năm đen tối của Nhà tù Phú Quốc, có quá nhiều vụ thảm sát tàn khốc xảy ra, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn tù nhân cộng sản.
Khi khói súng tan, hàng trăm xác tù nhân nằm phơi trắng mặt đất
Ngay từ năm 1965, khi những người tù cộng sản bị bắt và bị đày ra Phú Quốc, máu của họ đã đổ bởi những vụ thảm sát rất tàn bạo.
Vào một buổi sáng đầu tháng 7 năm 1965, địch cho tập hợp toàn bộ tù binh thành một hàng dài rồi bắt chào cờ ba sọc, bắt hô “Đả đảo Đảng Cộng sản Việt Nam”. Những người lính kiên trung gan vàng dạ sắt đứng lặng như tượng, không ai giơ tay chào cờ, cũng chẳng ai lên tiếng.
Những người tù cộng sản gầy guộc, chỉ còn da bọc xương
Điên tiết, địch túa vào dùng dùi cui, báng súng nhằm vào đầu, vào lưng tù binh mà ghè, mà phang. Uất quá, những tù binh vốn là những người lính xông pha biết bao trận mạc, giờ bị đàn áp vô lối, máu lính nổi lên, thế là anh em vùng lên đánh trả. Tiếng hò, tiếng hét, tiếng kêu la… Địch xả súng đồng loạt.
Khi khói súng tan, một nửa tù nhân nằm sóng xoài trên đất cát, máu chảy lênh láng. Một tuần sau, mùi tanh nồng vẫn phả vào trại giam. Trưa hôm ấy, thu gom xác ra đồi 100 chôn, đếm cả thảy 78 tù nhân đã hy sinh. Anh em tù khiêng đến tận chiều tối mới hết.
Vào mùa mưa năm đó, do bọn cai ngục đối xử quá tàn tệ, vài chục người trong nhà giam bị chết do mắc bệnh kiết lỵ mà không được cứu chữa. Anh em tù quyết định tuyệt thực để đấu tranh. Tất cả tù nhân nằm lặng trong phòng, không ra sân điểm danh, cũng không cho quân cảnh vào phòng điểm danh. Tất cả những sinh hoạt bình thường đều tạm đình chỉ.
Những lần trước, tuyệt thực ba bốn hôm thì địch buộc phải nhân nhượng giải quyết. Nhưng lần này đã kéo dài đến ngày thứ 11 mà địch vẫn trơ trơ. Đã vậy, chúng còn bắc chảo ra giữa cửa trại giam xào nấu thơm lừng. Anh em trong tù nhiều người đã kiệt sức, một số người bắt đầu nao núng.
Đúng lúc cuộc đấu tranh đang rất gay go thì có phái đoàn Chữ thập đỏ quốc tế đến kiểm tra. Địch vội vàng xuống nước, năn nỉ tù nhân thay đổi thái độ. Nhưng anh em tù nhân vẫn quyết không chịu ăn, đòi địch phải thực hiện đúng công ước Geneva về chính sách đối đãi với tù nhân chiến tranh. Địch không nghe. Chúng dùng vũ lực xua anh em ra rừng hòng che mắt công luận quốc tế. Các tù nhân cứ nằm lỳ, quyết không đi.
Thế là cứ dùi cui, súng ống chúng nện lên những thân hình tiều tuỵ, xơ xác. Uất quá, không cần nghe mệnh lệnh chỉ huy của Ban lãnh đạo, tù nhân nhào lên cướp vũ khí đánh lại chúng. Hoảng loạn vì bị đánh trả bất ngờ, đám quân cảnh bỏ chạy ra ngoài. Thế là, ngay lập tức, bốn khẩu đại liên ở trên bốn chòi canh xối đạn như mưa vào trong nhà giam.
Mười lăm phút sau, tiếng súng ngưng, hơn một trăm xác tù nhân được khiêng ra nghĩa địa. Khiêng suốt đêm không hết. Căn nhà giam cả tuần sau vắng lặng như bãi tha ma. Đám quân cảnh không dám bén mảng tới. Có thằng giám thị vừa lò dò đến, chợt bật lên tiếng ho của một người tù, hắn hoảng hồn hoảng vía chạy như ma đuổi.
Một buổi sáng hè năm 1967, chẳng hiểu vì lý do gì, tên giám thị đùng đùng cho lính vào phòng bắt 30 người ra phơi nắng trên giàn thiếc. Đây là kiểu tra tấn rất đỗi thô sơ mà tàn độc của bọn cai ngục Phú Quốc.
Buổi sáng, mặt trời vừa lên, nằm sấp úp mặt trên tấm tôn còn chịu được. Càng về trưa, tấm tôn càng nóng giãy như bị đốt lửa, da thịt ở bụng, ở ngực phồng rộp lên, chín đỏ như tôm luộc. Nếu cựa quậy, chúng phang thẳng cánh dùi cui, nhiều khi hứng chí, chúng rút súng nã thẳng vào đầu người tù.
Đến chiều thì người tù thân tàn ma dại, da bị cháy xém, có người mê man bất tỉnh. Chưa kịp hoàn hồn, sáng hôm sau chúng lại bắt ra phơi nữa. Cứ thế cả tuần. Có người không chịu được, phát điên, cả đêm la hú.
Đến ngày Thứ Bảy, một người tù gầy tong teo, chỉ còn da bọc xương, toàn thân cháy xém, nằm trên tấm tôn mếu máo, giọng van vỉ: “Xin tha cho tôi. Suốt đêm qua tôi bị đau bụng, không ngủ được. Tôi không chịu được nữa rồi”. “Mẹ mày! Tha cái gì. Gặp tao ở ngoài kia liệu mày có tha cho tao không. Nằm xuống”. Tên giám thị ác ôn quát. “Không. Tôi kiệt sức rồi. Tôi không thể…”. Người tù vẫn rên rỉ, giọng thều thào, đôi chân gầy trơ xương muốn khuỵu xuống.
“Đồng chí sĩ quan! Hãy đứng thẳng dậy. Có chết cũng không được xin xỏ. Chúng nó khinh cho”. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía phát ra tiếng nói uất ức mà đanh thép đó, phía nhà giam hạ sỹ quan bị bao bọc bởi bảy lớp rào thép gai. Đó là một chiến sỹ trẻ, gầy nhẳng, đầu trọc lốc, ánh mắt ngút lửa căm hờn.
Bỗng “đòm”. Tiếng đạn khô khốc vang lên. Người tù trẻ ngã ngửa, giãy giãy mấy cái rồi chết, mắt vẫn mở trừng trừng. Thế là tức nước vỡ bỡ. Đồng loạt anh em tù gào lên, lao cả tấm thân gầy guộc, tong teo vào đám giám thị và bọn lính. Cả sân bụi mù cát trắng. Tiếng thét, tiếng tru, tiếng rít vang lên. Bọn giám thị hoảng hốt bỏ chạy. Một vài tên quân cảnh bị đập vỡ sọ. Cả nhà giam tưởng chừng vỡ tung trong cơn phẫn nộ. Nhưng chừng nửa tiếng sau, những khẩu đại liên, những chiếc xe bọc thép đã dẹp xong cuộc bạo loạn. Máu tù nhân chảy thành dòng. Xác phơi đầy sân.
Cuộc tàn sát lớn nhất trên đảo
Sáng ngày 6 tháng 5 năm 1972, địch bất ngờ cho tập hợp toàn thể tù nhân phân khu B8 ra ngoài sân trống để lục soát toàn phân khu sau khi nghe tin mật báo: Trong phân khu đang có cuộc đào hầm vượt ngục. Chúng lùng sục khắp phân khu, săm soi từng tấc đất, bới móc từng xó xỉnh.
Anh em tù nhân ngồi chầu trực suốt mấy tiếng đồng hồ dưới cái nắng nóng như đổ lửa. Vừa đói, vừa khát. Cuộc lùng sục kéo dài đến tận trưa mà không mang lại kết quả gì. Mãi đến 11 giờ địch mới cho anh em tù nhân trở vào phân khu rồi đưa lương thực, thực phẩm đến cho họ nấu nướng. Số lượng tù nhân quá đông, lại nấu bằng chảo gang lớn nên đến tận chiều anh em mới được ăn bữa sáng.
Vì thế, sẩm tối, anh em tù đòi nấu ăn bữa nữa nhưng địch không cho với lý do: Anh em tù vừa ăn xong vẫn còn no. Nếu nấu bữa nữa thì đến nửa đêm mới xong, khó khăn cho chúng trong việc tuần tra, canh phòng. Hai bên cãi nhau kịch liệt. Địch bắt anh em đem cà mèn ra không cho nấu nhưng tù nhân không chịu. Thế là lính quân cảnh được lệnh kéo đến dàn bên ngoài B8. Tên Tiểu đoàn phó tiểu đoàn 8 cùng đám giám thị và quân cảnh kéo vào trong đánh đập tù nhân. Anh em tù bực tức đánh lại. Chúng vội vã tháo chạy rồi lệnh bên ngoài nổ súng yểm trợ. Súng trút đạn ầm ầm như một trận đánh lớn, tầm bắn càng ngày càng hạ thấp. Anh em tù tay không nên bị thương và chết như ngả rạ song vẫn đánh bắt được tên Giám thị trưởng Đinh Trọng Kính và tên Trung sỹ Vũ Đình Khoan, giam giữ chúng ở phòng số 6.
Một lát sau, tên Trung tá Chỉ huy trưởng trại giam Bùi Bằng Dực đến đề nghị đưa người bị chết và bị thương ra nhưng anh em tù không chịu, đòi trừng trị tên Chỉ huy đã ra lệnh nổ súng giết hại tù binh, yêu cầu từ nay chấm dứt hành động khủng bố bắn vào trại, phải phát cá tươi và lương thực đầy đủ đồng thời phải chôn cất tù nhân tử tế, để anh em đưa đi chôn và tổ chức lễ truy điệu. Người bị thương phải được điều trị chu đáo… Tên Chỉ huy trưởng buộc phải chấp thuận.
Theo Phiếu trình số 5889/TG. TBCSVN/PQ đề ngày 8 tháng 5 năm 1972 của tên Chỉ huy trưởng trại giam Bùi Bằng Dực thì “cuộc nổ súng này đã giết chết 13 tù binh cộng sản, làm bị thương 56 người. Nhân viên quân cảnh đã áp dụng theo Huấn thị số 1130/QP về các tiêu lệnh điều hành trại giam nên cuộc nổ súng này là hợp lý và cần thiết”. Nhưng theo các tù nhân trong phân khu B8 thì có khoảng 248 người chết và bị thương. Đây là cuộc tàn sát lớn nhất trong lịch sử nhà tù Phú Quốc.
Và sự thật kinh hoàng về vụ tàn sát, chôn sống tập thể
Trong quá trình đi kiếm nhân chứng, thu thập tư liệu cho loạt phóng sự đặc biệt này, tôi đã gặp gỡ Thiếu tướng Lê Phú Cường, cựu tù nhân Phú Quốc. Và qua câu chuyện kể của ông, sự thật kinh hoàng về một vụ giết người hàng loạt bằng cuốc xẻng, cán búa, dùi cui, báng súng R15… rồi chôn tập thể vào mùa mưa năm 1970 đã được hé lộ.
Tác giả của vụ thảm sát dã man ấy là tên đồ tể hạng bự khét tiếng “Thiếu tá Mã Sinh Quy”, Tiểu đoàn trưởng quân cảnh số 7, sau làm Chỉ huy trưởng trại giam Biên Hoà. Chính Mã Sinh Quy đã vỗ ngực tuyên bố về hành động dã thú của hắn trước tù binh trại giam Biên Hoà. “Chúng bay nên nhớ Mã Sinh Quy này là Chỉ huy trưởng trại giam Biên Hoà, trước đây là lính dù Liên Hợp Pháp tại xứ Nùng Bắc Việt. Chính tao đã giết một loạt hàng trăm thằng tù binh Phú Quốc. Tất cả chúng bay hãy liệu hồn”.
Thiếu tướng Lê Phú Cường kể: Đó là một buổi chiều hải đảo đầy giông gió, mây đen bao phủ khắp trời. Đích thân tên Mã Sinh Quy huy động hàng trăm trại viên quân kỷ (lính quân đội Sài Gòn bị kỷ luật) mang xẻng, cuốc, mai ra đào một cái hố rộng.
Hắn ra lệnh: “Tụi bay đào một hố đủ chôn 100 tù binh. Đào xong, bỏ lại toàn bộ cuốc, xẻng, mai, cho tụi bay vô trại nghỉ”. Đám quân kỷ vừa đào vừa sợ, vừa hoang mang. Họ không ngờ đây là hầm chôn người - chôn sống tù binh.
Trên 100 lính quân cảnh từ Tiểu đoàn quân cảnh số 7 từ khắp các đại đội kéo xuống khu vực hầm, tay lăm lăm dùi cui, cán búa, củi đòn. Chúng đi hàng năm, chộn rộn, chộn rộn. Phía trên các góc sân cỏ, hàng trăm lính gác với súng ống và lưỡi lê tuốt trần. Tất cả đứng nghiêm chờ lệnh.
Hàng trăm tù nhân thân tàn ma dại bị lùa ra miệng hầm. Bỗng Mã Sinh Quy hét to: “Giết”. Như một bầy sói dữ, đám quân cảnh lao đến. Hàng trăm xẻng bổ toác đầu tù binh, hàng chục cán búa, củi đòn nện vào ngực, bụng, lưng người tù…
Nửa tiếng sau, không gian chìm trong yên lặng, không còn thấy tiếng kêu la, rên rỉ của những tù nhân. Mã Sinh Quy liền ra lệnh: “Quẳng xác chúng nó xuống hầm. Mồ tập thể của chúng nó đấy. Mau lên”.
Tụi lính quân cảnh lại ào đến đống xác tù nằm ngổn ngang, chồng chất, xô, kéo, đẩy tù chết, tù sống, tù hấp hối xuống hầm. Đất ào ào trút xuống như mưa, mặc tiếng kêu cứu thất thanh của những tù nhân còn sống vọng lên từng đợt, từng đợt.
Kể lại vụ thảm sát kinh hoàng đó, vị Thiếu tướng già giọng nghẹn lại, mắt đỏ hoe. Cố kìm nén cơn xúc động, ông bảo: “Quá khứ đau thương cần khép lại vì hoà bình, vì quan hệ thương mại Việt - Mỹ. Nhưng suốt 30 năm qua, chính phủ Mỹ đã yêu cầu phía Việt Nam truy tìm lính Mỹ bị mất tích và hài cốt lính Mỹ. Còn hài cốt lính Việt Nam? Hài cốt của mấy nghìn tù nhân Phú Quốc bị tàn sát thảm khốc kiểu này, sao chính phủ Mỹ không hề nhắc nhở? Không nên và không đành lòng để tình trạng mấy nghìn người tù cộng sản kiên trung mấy chục năm qua vẫn vùi sâu xác thân nơi đầu non, lạch suối. Oan hồn của các anh em còn phiêu diêu nơi lùm cây, bụi cỏ. Xin cho 60 hài cốt của vụ thảm sát này được đưa về nghĩa trang liệt sỹ Dương Đông, Phú Quốc. Xin được tiếp tục tìm kiếm 4.000 hài cốt còn bị vùi lấp trên các đồi hoang của hải đảo Phú Quốc”.
(Còn nữa)
Theo VOV Online
Huyền Trang (st)