Bác Hồ, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Bác đã để lại cho toàn dân ta một kho tàng đồ sộ các tác phẩm thuộc nhiều thể loại được viết bằng nhiều phong cách khác nhau. Trong đó có những bài thơ chúc Tết đặc sắc.
Mỗi mùa Xuân về, ta càng thêm nhớ Bác với những bài thơ Xuân đằm thắm nghĩa tình. Thơ chúc Tết của Bác Hồ không chỉ mang những xúc động bồi hồi mỗi khi Tết đến, Xuân về mà bao giờ cũng gắn với niềm vui thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, của đất nước ta và trên toàn thế giới. Vì thế, đã thành lệ quen thuộc, vào thời khắc giao thừa, năm cũ chuyển sang năm mới, đồng bào cả nước ta lại háo hức đón chờ Thơ chúc Tết, mừng Xuân của Bác Hồ. Và, cả khi Người không còn nữa, Tết đến mọi nhà vẫn ước mong được nghe Bác đọc thơ Xuân. Đó là những bài thơ chúc Tết giản dị nhưng rất đỗi gần gũi, thân thương của Người.
Kể từ bài thơ chúc Tết đầu tiên khi Người trở về nước sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã viết 22 bài thơ chúc Tết. Dễ nhớ, dễ thuộc là điều dễ nhận thấy trong các bài thơ chúc Tết của Người, nhưng điều khiến cho mỗi bài thơ Tết của Bác trở nên đặc biệt hơn những lời chúc Tết thông thường là bởi đó không chỉ là tấm lòng của Bác với nhân dân, đất nước mà còn là lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên và cả sự tiên đoán thần kỳ tiền đồ tươi sáng của cách mạng. Mỗi bài thơ không chỉ là sự tổng kết thành quả của cách mạng trong năm cũ mà còn là chỉ dẫn cho những chặng đường tiếp theo của cách mạng.
Năm 1956, sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khẩn trương bắt tay vào xây dựng, củng cố hậu phương vững chắc; miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc Mĩ và tay sai, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Trong lúc cách mạng Việt Nam phải tiến hành đồng thời cả hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, thơ chúc Tết của Bác viết:
Thân ái mấy lời chúc Tết:
Toàn dân đoàn kết một lòng,
Miền Bắc thi đua xây dựng,
Miền Nam giữ vững thành đồng,
Quyết chí, bền gan phấn đấu,
Hoà bình, thống nhất thành công.
(Thơ chúc Tết Xuân Bính Thân - 1956)
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam ta, vì thế, thơ chúc Tết của Bác luôn nhắc nhở mọi người phải nhớ “đoàn kết một lòng” với nhau, ai cũng phải đoàn kết dân tộc, đoàn kết công nông, đoàn kết quân dân tạo nên sức mạnh vô địch để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc thành công.
Giữa năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta xuất hiện tình thế mới, có lợi cho ta. Tháng 12 - 1967, Bác Hồ chủ tọa cuộc họp Bộ Chính trị, phân tích tình hình, quyết định mở đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968, để giành thắng lợi quyết định. Ấn tượng mạnh mẽ nhất là bài thơ Xuân Mậu Thân 1968 như tiếng kèn xung trận, đoàn kết tập hợp sức mạnh cả dân tộc, hướng tới đích toàn thắng:
Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!
(Thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân - 1968)
Chỉ một vần “thắng” vút cao mà thật mãnh liệt và truyền cảm, câu thơ đã đem đến niềm xúc động cho cả dân tộc Việt Nam đang một lòng hướng tới miền Nam thân yêu, ruột thịt. Chính vần “thắng” của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom và đánh phá miền Bắc, thừa nhận chính thức Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngồi vào bàn đàm phán Paris để giải quyết chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Thơ chúc Tết năm Thân của Bác là thơ của tâm hồn, thơ của tình cảm, thơ của tư tưởng, thơ của hành động. Cách sử dụng nghệ thuật trong thơ thật phong phú, đa dạng. Đó là những bài thơ chúc Tết đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, ý chí, khí phách và triết lý. Đọc thơ Tết của Bác ta hiểu sâu một tâm hồn thơ phong phú. Nhà thơ cộng sản ấy thật là vĩ đại. Bác đã làm việc không mệt mỏi vì cách mạng, vì nhân dân. Toàn dân tộc ta đời đời biết ơn Người.
Xuân Bính Thân 2016 là Xuân thứ 47 Bác đi xa, nhưng giọng đọc thơ Xuân ấm áp của Bác còn âm vang sâu lắng trong lòng ta, rung động mãnh liệt trái tim của triệu triệu người dân Việt Nam. Vào thời khắc giao thừa, chúng ta thêm bồi hồi nhớ Bác và lại có một nỗi thèm khát đến cháy bỏng được nghe những vần thơ Xuân chan chứa nghĩa tình của Bác. Bác vẫn đang ở bên mỗi chúng ta khi mùa Xuân về cùng những ước vọng thiêng liêng, như lời thơ Tố Hữu đã viết:
Bác ơi, Tết đến giao thừa đó,
Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần
Ríu rít đàn em vui pháo nổ
Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang Xuân.
Kim Ngân
Theo danvan.vn
Thanh Quỳnh (st)