Trong chuyến đi đến Viêng Chăn, tôi được gia đình giao nhiệm vụ thay mặt gia đình tặng cuốn hồi ký của cha tôi, Giáo sư Nguyễn Xiển cho các con của Hoàng thân Souphanouvong.
Qua một anh bạn đang công tác tại Viêng Chăn, tôi có được số điện thoại của anh Chính, tức Vinaythong T. Souphanouvong, con trai thứ ba cùa Hoàng thân Souphanouvong. Được gặp người con trai của nhà lãnh đạo xuất sắc cách mạng Lào, tôi hết sức xúc động.
Những người con của Hoàng thân Souphanouvong
Ít người trong chúng ta biết rằng, ngày ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã đặt tên Việt Nam cho 4 người con trai của Hoàng thân Souphanouvong. Bốn người, lần lượt được mang tên là Quang, Minh, Chính, Đại, chưa kể những người con còn lại sinh ra ở Đà Nẵng (Liên khu 5) khi Hoàng thân Souphanouvong làm việc cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, là Trung, Thành và Nga.
Gặp lại nhau ở Viêng Chăn, ông Vinaythong T. Souphanouvong kể lại với tôi rằng, năm ấy, tức là năm 1950, tại Tuyên Quang, Bác Hồ ở chơi lâu với cha ông và nói vì sao Người lại đặt tên mấy anh em như thế. Bác nói: Đó là tôn chỉ của nhà Thanh đấy, Vua Càn Long cho rằng, nếu muốn trị vì được thiên hạ thì phải đạt được điều này.
Những người còn lại của Chủ tịch Souphanouvong, mỗi người một nhiệm vụ và tất cả họ, bao giờ cũng dành những tình cảm tốt đẹp nhất với Việt Nam, nơi mà các anh chị ấy đã xem như quê hương thứ hai của mình.
Tôi không quên được các anh ấy. Quang, người anh cả hát hay đàn giỏi, từng ở Matxcova lên sân khấu chơi đàn cùng nhóm bạn đi Liên Xô (cũ) đợt đầu như Võ Hồng Anh, Nguyễn Hoài Châu, Đặng Việt Nga…
Anh học toán ở Đại học Lomonosov danh tiếng, năm 1967 về nước, không may bị lũ phản động ám sát khi đi xây dựng cơ sở cách mạng tại Nam Lào, để lại người con gái hiện là Giám đốc một tổ chức thuộc UNICEF.
Người thứ hai là Minh, dáng hiền lành và khiêm nhường, ít nói. Anh Minh học luật ở Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), sau đó là nghiên cứu sinh ở Nga rồi về nước nhận nhiệm vụ Trợ lý cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Quốc hội nhiều khoá.
Sau anh Minh là anh Chính, sinh năm 1946 và là người ở Việt Nam nhiều hơn so với cả nhà. Chính học ngành xây dựng ở Bulgaria, năm 1967 về nước rồi làm Bí thư Trung ương Đoàn trong 12 năm, không kể thời gian học ở Trường Nguyễn Ái Quốc cao cấp rồi chuyển về nhận nhiệm vụ Chánh văn phòng Trung ương Đảng và Chánh văn phòng Chủ tịch nước.
Những người con còn lại của Hoàng thân Souphanouvong, mỗi người một nhiệm vụ. Người thì học Trung học kinh tế ở Đại học Plekhanov (Matxcova), sau làm Bộ trưởng Tài chính và là trụ cột của Ban Nghiên cứu kinh tế của Đảng. Còn anh Thành là tiến sĩ ngành địa chất, là cố vấn cho Thủ tướng và Bộ trưởng Phủ Thủ tướng.
Nga, một cô gái Lào có nhan sắc, yêu thơ ca nghệ thuật và âm nhạc, từng là chuyên gia ở ngành văn hoá sau này là Phó Văn phòng Trung ương Đảng… và tất cả họ, bao giờ cũng dành những tình cảm tốt đẹp nhất với Việt Nam, nơi mà các anh chị ấy đã xem như quê hương thứ hai của mình.
Vinaythong T. Souphanouvong, con trai thứ ba cùa Hoàng thân Souphanouvong.
Nhớ về Hoàng thân Souphanouvong
Anh Vinaythong T. Souphanouvong đã tự lái chiếc xe 7 chỗ đến tận chỗ tôi. Anh chờ tôi ra cổng rồi chở đến gia đình chơi. Giao du nhiều, tôi chưa từng đi xe con của một sếp mà do chính chủ nhân lái bao giờ cả.
Anh Vinaythong T. Souphanouvong lái xe rất khéo, ông đưa tôi về nhà ở No 082 That Loang Str. Saysettha Dist, Viêng Chăn. Vào nhà, anh gọi vợ ra chào khách. Vợ anh là bà Lộc, một cô gái Hà Nội, sinh ra tại phố Lò Đúc.
Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh người cha anh hùng của ông Chính. Tôi nhắc lại là sau khi giải thể Khu học xá Nam Ninh và lứa chúng tôi về Việt Nam tiếp tục học tập văn hoá được 1 năm thì nghe tin Hoàng thân Souphanouvong bị bắt.
Ông Chính nói ngay: Đúng vào ngày 28/7/1959, Phủi Xananicon theo lệnh Mỹ đã ra lệnh cho tay sai bắt giam trái phép cha tôi và các nhà lãnh đạo khác của Neo Lào Hắcxat. Thế là ngọn lửa nội chiến do Mỹ và Phủi Xananicon gây ra bắt đầu bùng cháy trên khắp đất nước Lào.
Chính quyền Viêng Chăn định đưa cha tôi ra xét xử tại Toà án Viêng Chăn. Nhân dân Lào và Neo Lào Hắcxat lên án hành động này, xem đó là hành động vi phạm pháp luật Vương quốc khi đưa một Nghị sĩ Quốc hội ra xét xử.
Việt Nam hồi ấy ủng hộ phong trào đòi thả Chủ tịch Souphanouvong và các chiến sỹ yêu nước Lào, báo chí nói mạnh mẽ lắm. Vậy mà bất chấp dư luận phản đối, chúng vẫn tiếp tục bắt giam Chủ tịch Souphanouvong và các nhà lãnh đạo cách mạng Lào phải vượt ngục ra ngoài để tiếp tục hoạt động. Thế anh có biết ai là người nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch giải cứu Hoàng thân khỏi nhà tù của bọn phản động.
Làm sao mà chẳng biết! Anh em chúng tôi từng đọc điều này ở đâu đó rồi. Đó là ông Ngôn, quê thôn Hải Môn, xã Phổ Minh huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Là chiếc sỹ đặc công đầu tiên của Khu 5 và rất nổi tiếng về những chiến công vô cùng độc đáo. Vì thế, đầu năm 1959, khi ông đang học tại Trường Quân chính Quân khu 4 thì được lệnh rút về thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Chuyện ly kỳ lắm đó. Cấp trên cho phép ông chọn người.
Sau nhiều ngày tập luyện chu đáo, tháng 5 năm 1959, toàn đội được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi vào giao nhiệm vụ. Đây là một chiến dịch xuất quỷ nhập thần và có một không hai, tôi cho rằng, nếu làm phim thì hay không kém nhưng bộ phim hấp dẫn nhất.
Tôi biết rằng, tham gia cùng ông Ngôn còn có 4 chiến sỹ đặc công Việt Nam cùng 4 bạn Lào. Sau này, các chiến sỹ Lào đều là Tướng lĩnh, riêng ông Ngôn về hưu vẫn với quân hàm Đại uý. Ông có nói một câu rất hay: Đi sao về vậy!
Thật là người anh hùng. Nhân dân Việt Nam có biết bao nhiêu anh hùng!
Và chúng tôi lại nhớ về Hoàng thân Souphanouvong, một người có nhân thân hết sức đặt biệt. Mùa hè ở Đồ Sơn vào năm 1960, tôi đã từng được nghe Giáo sư Đặng Thai Mai kể câu chuyện về tuổi trẻ của ông khi là học sinh Hà Nội.
Theo Giáo sư, Hoàng thân Souphanouvong rất đa tài, đặc biệt là bóng đá. Ông từng là thủ môn của một đội bóng đá học sinh Hà Nội, đồng đội có những tên tuổi như Thủ tướng Phạm Văn Đồng (trung phong), Thứ trưởng Y tế Nguyễn Văn Tín (tiền đạo cánh trái), hậu vệ Tôn Thất Tùng…
Có chuyện rất vui: bác sỹ Phạm Ngọc Thạch hồi ấy tuy không có chân trong đội hình này, song rất hâm mộ thủ môn người Lào vì hai người thân nhau lắm. Mỗi khi thủ môn Souphanouvong đứng vào khung gỗ, ông Phạm Ngọc Thạch lại đến đó, ngồi ngay sau gôn để cổ vũ bạn, sang hiệp 2 lại như thế. Một lần, khi đội đá với đội bóng nhà binh ở gần Hồ Tây, sân trường Bưởi, có tay tiền đạo đối phương dẫn bóng lừa qua hậu về và lừa qua cả thủ môn, thế là ông Phạm Ngọc Thạch bèn xông lên để phá bóng cứu nguy và xô người ngã kềnh ra đó (vì hồi ấy, bên trong khung thành chưa có lưới) và đội vẫn bị thua bàn ấy.
Vào những năm 1948 - 1950, cha tôi là Giáo sư Nguyễn Xiển, vừa là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Bắc Bộ, vừa lo nhiều công tác khác, trong đó có việc phụ trách Ban Toán học thực nghiệm và lo việc biên soạn tài liệu, cũng như hướng dẫn việc giảng dạy cho học sinh đã có bằng tú tài hay chuyên khoa.
Hai giáo trình Toán học đại cương và Cơ học thuần lý là những giáo trình được Giáo sư Nguyễn Xiển biên soạn vào năm đó và đây cũng là những giáo trình đại học đầu tiên bằng tiếng Việt của 2 môn khoa học ấy, sau này đã được đánh giá khi trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về khoa học kỹ thuật.
Hai tập sách ấy đã được in li-tô trên giấy dó, mỗi tập dày gang tay, được gửi lên Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Riêng với Hoàng thân Souphanouvong, là người bạn học từ nhỏ ở Hà Nội và sau đó ở Pháp, Giáo sư Nguyễn Xiển đã gửi biếu và viết thư bằng tiếng Pháp, đề ngày 5/10/1950.
Mặc dù đang bận nhiều công việc trọng đại, Hoàng thân Souphanouvong đã có thư trả lời, bức thư đã được Giáo sư Đinh Ngọc Lân dịch sang tiếng Việt, in trên tạp chí “Xưa & Nay” số 237, tháng 6 năm 2005.
Bạn thân mến!
Tôi thành thật cảm ơn bạn đã có nhã ý tặng tôi 2 bộ sách Toán học đại cương và Cơ học thuần lý đồ sộ và cốt lõi nhất. Những tác phẩm dày dặn và quý báu này, chính là thành quả lao động nhẫn nại và chính xác của bạn đã làm tôi nhớ lại những cuộc gặp gỡ nhiều kỷ niệm của chúng ta và chắc chắn vào một ngày gần đây, đó sẽ là tài liệu cơ bản để xây dựng việc giảng dạy Toán học cao cấp tại nước Lào độc lập. Tôi rất biết ơn bạn lại gửi cho tôi những công trình lý thú của bạn mỗi khi có cơ hội.
Với những tình cảm thân thiết nhất.
Tôi được phép thay mặt gia đình mình tặng cuốn hồi ký của cha tôi cho các con của Hoàng thân Souphanouvong. Ông Chính, bà Lộc mừng lắm, bắt tôi viết lời đề tặng làm tôi rất đỗi xúc động.
Tôi rất tiếc là lần đi này đã không gặp được ông Minh do ông dưỡng bệnh nơi xa, tuy nhiên những ấn tượng về các con của Hoàng thân Souphanouvong và về nước Lào đôn hậu và xinh đẹp thì thật khó phai mờ.
Trước lúc chia tay Vinaythong T. Souphanouvong lại đón tôi để cùng nhau dạo chơi vãn cảnh. Ông mê bóng đá lắm, biết cả danh thủ Trương Tấn Bưởu ở Ngôi sao Gia Định khi xưa, lại có ý định rủ tôi đến chỗ anh Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để đàm đạo chuyện túc cầu. Biết tôi ở Làng không có dép, đoạn dúi vào tay tôi và nói: “Tông Lào đấy”.
Khi đưa tôi về Làng, anh Chính cho xe chạy chậm khi qua Tượng đài người cha anh hùng của mình, tôi nắm cánh tay đang giữ vô lăng người bạn Lào rồi nhìn lên bức Tượng sừng sững trong nắng chiều và hiểu rằng, quan hệ đặc biệt Việt - Lào là tài sản vô giá, tình đoàn kết keo sơn ấy sẽ mãi mãi được nhân dân hai nước nâng niu, gìn giữ, coi đó là một biểu tượng sinh động của tình đoàn kết thuỷ chung, trong sáng.
Nguyễn Lưu
Theo Đầu tư
Kim Yến (st)