Việt - Lào, hai dân tộc anh em đã gắn bó keo sơn hữu nghị đặc biệt, ngày càng được vun đắp bởi hai anh hùng dân tộc của hai nước là Hồ Chí Minh và Xu-pha-nu-vông. Chính Bác Hồ của chúng ta đã dẫn dắt Xu-pha-nu-vông từ một Hoàng tử yêu nước ban đầu trở thành một Hoàng tử đỏ dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc Lào thoát khỏi ách đô hộ của thực dân đế quốc, trở thành một anh hùng dân tộc.
Nước Lào đầu thế kỷ XX có 3 tiểu vương, về hình thức phụ thuộc Kinh đô Viên Chăn nhưng độc lập, tự chủ. 3 vương quốc đó là: Chăm-pa-xắc ở Nam Lào, Viên Chăn ở Trung Bắc Lào và là Chính phủ Trung ương, còn Luăng-phơ-băng ở Bắc Lào.
Quốc vương Xi-xa-vang-vỏng đóng đô ở Viên Chăn, còn Phó vương Bun-khoổng đóng đô ở Luăng-phơ-băng.
Phó vương Bun-khoổng có tất cả 11 hoàng tử và 13 công chúa.
Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và Hoàng thân Phệt-xa-rạt là anh cùng bố khác mẹ, và đều là con trai Phó vương Bun-khoổng. Nhưng khác với hai ông Hoàng kia, mẹ Xu-pha-nu-vông, bà thứ phi Khăm-uộn xuất thân gia đình bình dân.
Hoàng thân Xu-pha-nu-vông sinh ngày 13/7/1909 tại Cố đô Luăng-phơ-băng, trong lâu đài Xi-xu-văn-na-hô-khoăm. Sau khi sinh Xu-pha-nu-vông, lấy lý do không có sữa cho con bú, hoàng tộc đã buộc bà Khăm-uộn phải giao con cho Quận chúa Khăm-phăn nuôi và ra khỏi Hoàng cung.
Phó vương Bun-khoổng là người yêu nước chống Pháp xâm lược, ông đã kiên quyết phản đối Hiệp ước 1893 mà Pháp đã ký với Thái Lan, cắt mất phần đất của Lào cho Thái Lan, nhưng ông cũng hiểu phải cho con cái mình tiếp thu nền văn minh châu Âu. Phệt-xa-rạt, Xu-pha-nu-vông, những người anh của Hoàng thân được đi Pháp học.
Mùa hè 1920, Hoàng cung Luăng-phơ-băng tưng bừng tổ chức tiễn đưa cậu Hoàng tử út của Phó vương Bun-khoổng sang Hà Nội học.
Tới dự có mặt cả mẹ đẻ Khăm-uộn và mẹ nuôi là Quận chúa Khăm-phăn. Xu-pha-nu-vông ngồi giữa hai người mẹ, tai lắng nghe tiếng cầu kinh của vị đại lão chủ trì buổi lễ Xù-khoẳn cầu phúc lên đường may mắn. Rồi tiếp đến là lễ Puộc-khẻng (buộc chỉ cổ tay). Hai tay Xu-pha-nu-vông được buộc nhiều sợi chỉ trắng. Xu-pha-nu-vông thay áo hoàng gia, quỳ trao cho mẹ, rồi mặc vào bộ quần áo Lào bình dân, ra quảng trường. Ở đó đã có hai thớt voi phủ phục quỳ chờ. Cùng đi du học sang Hà Nội lần này, ngoài Xu-pha-nu-vông còn có 10 học sinh trong hoàng tộc. Tất cả lên hai thớt voi, đủng đỉnh ra khỏi thành Luăng-phơ-băng tiến về phía Đông - phía Việt Nam.
Mảnh đất Việt Nam đầu tiên mà Xu-pha-nu-vông đặt chân lên, đó là Con Cuông của Nghệ An. Dòng sông Lam đã đưa Hoàng thân về Vinh. Lần đầu tiên nhìn thấy tàu hỏa, Xu-pha-nu-vông rất kinh ngạc. Từ Vinh, Xu-pha-nu-vông ra Hà Nội bằng tàu hỏa. Và 2 ngày sau, Xu-pha-nu-vông đã đến trước cửa Trường Lycée Albert Sarraut. Đó là một trường danh tiếng dành riêng cho con em quan lại, doanh nhân và người Pháp của toàn cõi Đông Dương thời bấy giờ.
Trong thời gian học tập ở Hà Nội, Xu-pha-nu-vông đặc biệt yêu thích văn hóa Việt Nam. Ông đặc biệt có năng khiếu về ngôn ngữ. Thầy giáo Charles Barquisseau là nhà ngôn ngữ và văn học thế giới - Giáo sư của trường - tiên đoán Xu-pha-nu-vông sẽ là một nhà ngôn ngữ học phương Đông lừng danh. Những lời tiên đoán của Giáo sư Charles Barquisseau không sai. Xu-pha-nu-vông thông thạo nhiều thứ tiếng trên thế giới. Trong đó có cả những chữ cổ như Phạn-pa-ly, San-ca-rit cổ.
Tháng 10 năm 1931, sau 11 năm gắn bó với Hà Nội, Xu-pha-nu-vông sang Pháp du học, vào dự bị đại học ở Saint Louis và vào Trường Cầu đường quốc gia Ecole National des Pont et chaussées Khoa Xây dựng các công trình dân sự. Vào những năm đó, châu Á chỉ có duy nhất 2 sinh viên học ở trường này. Đó là Xu-pha-nu-vông và một người Trung Quốc, con đại gia.
Ở Pháp, ông kết bạn với những người sau này trở thành những chính khách, nhà văn hóa lớn như A-ra-gông, Ơ-bơ-rắc, Thánh Giăng-đi của Ấn Độ.
Năm 1937, Xu-pha-nu-vông tốt nghiệp Kỹ sư cầu đường, trở lại Đông Dương và về nhận nhiệm vụ ở Sở Giao thông Công chính Trung Kỳ. Sáng ngày 13/7/1937, đúng vào sinh nhật lần thứ 28 của mình, ông phải lên đường đi nhận nhiệm vụ tại Nha Trang. Tàu Sài Gòn đến Nha Trang thì vào buổi trưa. Xu-pha-nu-vông xách valy đứng tần ngần giữa hai khách sạn. Một cái là Bon Air, cái kia là Terminus. Nên vào thuê trọ khách sạn nào đây? Đắn đo một lát, Hoàng thân quyết định vào khách sạn Bon Air. Lòng thầm nghĩ nơi đây có được trong lành, thư thái như cái tên Bon Air không? Vừa đặt valy trước phòng tiếp tân, Hoàng thân thấy một cô gái mặc áo sơ mi màu hồng với quần âu phục trắng là thẳng nếp, đúng mốt các cô gái Paris tân thời, cất tiếng Huế pha Nam Bộ gọi vào phía trong:
- Ba ơi, có khách!
Hoàng thân nhìn cô gái, ngỡ như đã gặp ở đâu rồi.
Còn cô gái cũng như thấy hoàng tử trong mộng của mình ở đâu hiện về. Bốn mắt nhìn nhau bối rối. Thấy người khách đứng luống cuống, cô gái mở lời chào và hỏi một câu bằng tiếng Pháp:
- Thưa. Nếu tôi không nhầm thì hình như ông không phải người Việt Nam?
Xu-pha-nu-vông trả lời giọng chuẩn Hà Nội:
- Thưa tiểu thư, đúng vậy. Tôi là người Lào.
Người con gái đó là: Nguyễn Thị Kỳ Nam, con gái của ông chủ khách sạn Bon Air Nguyễn Văn Sung, sinh ngày 3/12/1921, lúc đó đang là nữ sinh Đồng Khánh ở Kinh đô Huế. Một người đẹp nổi tiếng của xứ Trung Kỳ còn có tên thánh là Mari Kỳ Nam.
Cuộc gặp gỡ như do trời xếp đặt này đã dẫn đến một cuộc hôn nhân được tiến hành sau đó 6 tháng, vào ngày 19/1/1938, tại Lễ đường ở thành phố Nha Trang. Từ nay, cô gái Việt - Kỳ Nam trở thành con dâu Lào và mang tên Viêng Khăm Kỳ Nam - tên đầy đủ là: Viêng Khăm Xu-pha-nu-vông, nghĩa là: Bức thành vàng.
Cùng làm việc với Hoàng thân ở Sở Công chánh Trung Kỳ có kỹ sư Trần Đăng Khoa, sau này là Phó Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hai người là bạn thân và ông Khoa đã cung cấp cho Hoàng thân những bài báo mang tên Nguyễn Ái Quốc, để ông nghiên cứu các bài như “Con rùa”, “Con người biết mùi hun khói”. Xu-pha-nu-vông rất ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc từ ngày ấy.
Xu-pha-nu-vông đặc biệt yêu thích những dòng sông. Ông bỏ tâm sức thiết kế những con đập như Bái Thượng, Đô Lương, Đồng Cam, Phú Yên và các cầu như: Cầu Ròn, các cầu trên sông Cà Ty, sông Cả, sông Mã, sông Chu, sông Cái, sông Loan, sông Ba, sông Đà Rằng. Riêng ở Phan Thiết, ông đã thiết kế hàng chục chiếc cầu vào các vạn chài, biến các ốc đảo hẻo lánh của họ thành nơi giao thương thuận tiện. Một công trình còn sừng sững ở thành phố Phan Thiết là tháp nước. Đó là công trình đẹp để đời.
Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, kỹ sư Xu-pha-nu-vông đang công tác tại thành phố Vinh. Còn ở Lào, anh trai ông - Hoàng thân Phệt-xa-rạt đã lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền từ tay Pháp. Xu-pha-nu-vông vô cùng bất ngờ khi được điện báo Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh mời Hoàng thân ra Hà Nội để hội kiến. Người đưa bức điện này là Chủ nhiệm Việt Minh thành phố Vinh.
Sáng ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Lê Văn Hiến vào Huế đón Bảo Đại cùng Nam Phương Hoàng hậu trên đường qua Vinh đón tiếp Xu-pha-nu-vông và vợ là Viêng Khăm Kỳ Nam.
Hộ tống Đoàn đi là ông Nguyễn Tạo, hồi ấy là Giám đốc Công an Nghệ Tĩnh (sau này ông Nguyễn Tạo là Giám đốc Ty Lam Điền, một cơ quan tình báo của Công an Việt Nam. Sau hòa bình, ông Nguyễn Tạo chuyển sang làm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp). Xe đến Khe nước lạnh, vừa bàn giao cho Công an Thanh Hóa bảo vệ, đi tiếp thì xe Hoàng thân bị hỏng. Ông Hiến bèn mời ông bà Hoàng cùng qua ngồi chung xe với Bảo Đại để đi tiếp ra Hà Nội, nhưng bà Viêng Khăm Kỳ Nam từ chối, xin ở lại sửa xe rồi ra sau.
Sau này, trong hồi ức của mình, bà Viêng Khăm Kỳ Nam kể lại: "Nhà tôi đi rồi, tôi rất đỗi lo lắng, không biết Hoàng thân ra Hà Nội rồi sẽ ăn ở đâu.
Trong thâm tâm lúc đó, tôi không muốn chồng tôi ngồi chung xe với ông Vua vừa bị phế truất.
Mấy hôm sau, tôi ra đến Hà Nội tìm mấy nơi đoán là chồng tôi sẽ lưu lại, nhưng không thấy. Ông Bảo Đại thì được Cụ Hồ dành cho một biệt thự ở số 51 đường Gambetta (nay là trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Trung ương - 51 Trần Hưng Đạo). Còn ông Hoàng Xu-pha-nu-vông thì ở đâu? May sao những người đón tiếp đã đưa tôi tới Bắc Bộ phủ, nơi đây là dinh Thống sứ Bắc Kỳ cũ của Pháp. Lọt thỏm vào tòa dinh thự rộng thênh thang với tâm trạng hoang mang, tôi tự ngắm lại mình xem xống áo đã tươm tất chưa để ra mắt Cụ Chủ tịch và gặp lại chồng. Vào phòng khách không có ai, phòng làm việc vắng vẻ. Người hướng dẫn đưa tôi xuống thẳng nhà bếp thì thấy Cụ Hồ với ông Hoàng thân đang ngồi ăn cơm trong bếp. Về làm dâu Hoàng gia ngót bảy năm, vợ chồng tôi chưa bao giờ được phép dùng cơm ngay trong bếp. Thấy tôi, cả hai người cùng buông đũa, mời tôi ngồi xuống ghế và bảo:
- Cô ăn cơm luôn.
Tôi nhìn liễn cơm gạo lức chưa chà kỹ nên màu cơm hồng hồng, thức ăn thì muối mè, dưa chua, tương. Cụ Hồ hỏi thăm sức khỏe những ngày đi đường của tôi, hỏi thăm gia đình tôi và nhìn tôi với đôi mắt trìu mến. Người nói:
- Cô ăn đi - rồi gọi người giúp việc bảo - Chú vào lấy hộ tôi lọ ruốc bông ra mời bà Hoàng. Vừa cho ruốc bông ra đĩa, vừa gắp bỏ vào bát của tôi và bát ông Hoàng, Cụ nói:
- Món này là của đồng bào Hà Nội vừa gửi vào cho tôi.
Cơm nước xong, ông Hoàng đưa tôi về chỗ nghỉ. Tôi thấy trong căn phòng ngủ rộng mênh mông có cái giường rộng hơn 4m2. Đây là loại giường nệm của Pháp nhưng vẫn phẳng phiu, trắng tinh như chưa hề có ai đặt lưng. Giữa sàn nhà là một chiếc chiếu rộng và một cái gối mây. Cái gối dài chừng hơn một mét, đan bằng những sợi dây căng như dây đàn. Tôi hỏi nhà tôi mấy hôm nay nằm ngủ ở phòng nào. Ông Hoàng chỉ vào chiếc chiếu giữa nền nhà và nói:
- Ngủ ở đây. Anh và Cụ Chủ tịch gối chung cái gối mây này”.
Thời gian Xu-pha-nu-vông ở Hà Nội, gần gũi Cụ Hồ, đã hình thành trong ông con đường cách mạng cứu nước giải phóng dân tộc Lào thoát khỏi ách nô dịch của thực dân đế quốc. Hoàng thân đã trung thành với con đường mà mình đã lựa chọn cho đến trọn đời.
Lúc này ở Lào, Hoàng thân Phó vương Phệt-xa-rạt, anh trai Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã kịch liệt phản đối chính quyền Đờ Gôn và coi sự trở lại Lào của quân Pháp là xâm chiếm Lào. Ông kêu gọi Xu-pha-nu-vông về nước để cùng ông lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Ngày 3/10/1945, Hoàng thân chia tay Bác Hồ trở về Lào, theo đường huyện Con Cuông, nơi trước đây ông đã đặt chân khi từ Hoàng cung tới Việt Nam du học.
Hộ tống Hoàng thân về Lào là Tiểu đoàn Quân tình nguyện Việt Nam do nhà toán học trẻ tuổi vừa tốt nghiệp ở Paris về là Lê Thiệu Huy làm Chỉ huy, một người con tài ba của quê hương Hà Tĩnh. Biết rõ trung tâm của cuộc kháng chiến do Xu-pha-nu-vông lãnh đạo nằm ở Thà-khẹc, thực dân Pháp mở cuộc tấn công bao vây. Sau 2 tháng kháng cự quyết liệt, do chênh lệch lực lượng Thà-khẹc vỡ. Xu-pha-nu-vông cùng các đồng chí rút qua sông Mê Kông sang Thái Lan. Trong trận chiến đấu này, người Chỉ huy Lê Thiệu Huy đã lấy thân mình che cho Hoàng thân. Loạt đạn từ máy bay bắn xuống đã xuyên qua bụng Lê Thiệu Huy, cắm vào đùi Xu-pha-nu-vông. Lê Thiệu Huy hy sinh nhưng Xu-pha-nu-vông đã được an toàn. Đó là ngày 21/3/1946.
Xu-pha-nu-vông biết Lê Thiệu Huy đã hy sinh để mình được sống. Ông rất xúc động, ra lệnh an táng người liệt sỹ Việt Nam này tử tế và đứng lặng hồi lâu trước mộ. Sau năm 1975, khi nước Lào hoàn toàn độc lập, hài cốt liệt sỹ Lê Thiệu Huy được đưa về Đức Thọ - Hà Tĩnh. Hoàng thân đã dặn khi nào các con qua Việt Nam, nhớ đến mộ Lê Thiệu Huy thắp hương. Nghe lời dặn của cha, năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Đập Đô Lương, Tỉnh ủy Nghệ An đã mời gia đình Hoàng thân tới dự. Người con út của Hoàng thân, Si-Nạ-Vạ (sinh năm 1960) đã về Đô Lương dự lễ kỷ niệm và không quên qua mộ liệt sỹ anh hùng Lê Thiệu Huy thắp hương.
Năm 1947, Phó vương Phệt-xa-rạt băng hà. Viên Chăn rối ren, ngả sang hữu. Trước tình thế đó, Bác Hồ đã mời Xu-pha-nu-vông qua Việt Nam và Hoàng thân lại xuôi dòng sông Lam trở lại Nghệ An và ra Việt Bắc với Bác Hồ. Đó là năm 1949.
Sau này vào những năm 1960 - 1964, khi Xu-pha-nu-vông ở chiến khu lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Lào thì bà Hoàng Viêng Khăm Kỳ Nam cùng các con vẫn ở Hà Nội.
Hoàng thân Xu-pha-nu-vông kém Bác Hồ 19 tuổi. Ông Hoàng vẫn tự coi mình là học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm giữa hai người con ưu tú của hai dân tộc Việt - Lào mãi mãi là tượng đài bất tử
Theo Mai Vũ/ Báo An ninh thế giới
Kim Yến (st)