Cách đây 50 năm, vào ngày 12-5-1962, Liên quân Việt - Lào đã kết thúc thắng lợi Chiến dịch Nậm Thà, đập tan cụm cứ điểm lớn của quân ngụy ở Lào, ngăn chặn âm mưu của đế quốc Mỹ đưa lính thủy đánh bộ đã chuẩn bị sẵn sàng trên đất Thái Lan nhảy vào chiến đấu ở Lào, buộc Mỹ và chính quyền Viêng Chăn phải chấp nhận giải pháp giải quyết vấn đề Lào bằng thương lượng. Chiến thắng Nậm Thà thực sự là một dấu son lịch sử của liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước độc lập có chủ quyền, luôn tôn trọng và tin cậy lẫn nhau.

Chiến thắng Nậm Thà: Một mẫu mực điển hình về quan hệ đặc biệt Việt – Lào (Kỳ 1)

Thực hiện chủ trương của lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam và Lào, Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với Quân đội Pa-thét Lào và nhân dân Lào đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, phát triển cơ sở cách mạng. Đến cuối năm 1961, hình thái chiến trường Lào chuyển biến ngày càng có lợi cho cách mạng. Quân phái hữu phản động Viêng Chăn từ chỗ ở thế tiến công buộc phải bỏ dở kế hoạch “Xay Xa Nạ” (tập trung lực lượng lớn mở các cuộc tiến công vào vùng giải phóng từ Bắc đến Nam Lào) để chuyển sang thế phòng ngự.

Theo kế hoạch đó, đầu năm 1962, Mỹ - ngụy Viêng Chăn điều động các binh đoàn chủ lực đến tỉnh Luổng Nậm Thà (Thượng Lào); đồng thời tăng cường lực lượng phỉ, biệt kích quấy phá các vùng giải phóng, nhất là ở Xiêng Khoảng và Sầm Nưa. Đặc biệt, đầu tháng 4 năm 1962, Mỹ - ngụy Lào tập trung ở khu vực Nậm Thà - Mương Xỉnh một lực lượng lớn, gồm 8 Tiểu đoàn thuộc GM 11, GM 15, GM 18 và 3 Tiểu đoàn chiếm đóng (BV 13, BV 15, BV 18) với tổng quân số lên tới 5.600 tên, cùng 6 khẩu pháo 105mm, 7 khẩu sơn pháo 75mm, đặt dưới sự chỉ huy của Tư lệnh quân khu Tây Bắc. Mục đích của địch là xây dựng khu vực Nậm Thà thành căn cứ quân sự mạnh, hòng tạo bàn đạp đánh chiếm lại khu vực Thượng Lào, khống chế một phần biên giới với Trung Quốc, bảo vệ tuyến đông bắc Thái Lan của khối SEATO, gây áp lực có lợi cho chúng tại hội nghị ba phái ở Lào: Neo Lào Hắc Xạt (Pa-thét Lào), Phuma, Bun Ùn - Phumi và hội nghị quốc tế gồm 14 nước họp ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) bàn về vấn đề Lào; đồng thời tạo thế uy hiếp đối với vùng Tây Bắc Việt Nam.

Nhằm ngăn chặn hành động phiêu lưu quân sự mới của địch, Quân ủy Trung ương và Bộ Chỉ huy tối cao Pa-thét Lào chấp thuận ý kiến đề nghị của Đoàn chuyên gia quân sự 959 quyết định đẩy mạnh hoạt động quân sự trong Xuân Hè 1962, trước mắt tiêu diệt địch lấn chiếm Nậm Thà để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Theo thỏa thuận với bạn, ngày 20-2-1962, Quân ủy Trung ương Việt Nam ra Nghị quyết về công tác quân sự ở Lào, trong đó chỉ thị cho quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào tranh thủ xây dựng lực lượng cho bạn, giúp bạn đẩy mạnh hoạt động quân sự ở vùng sau lưng địch; đồng thời củng cố liên minh với lực lượng Coong-le nhằm làm cơ sở cho đấu tranh chính trị, sẵn sàng đối phó với khả năng địch đánh lớn.

Sau một thời gian đàm phán, tháng 3 năm 1962, Hội nghị quốc tế Giơ-ne-vơ về Lào và Hội nghị ba phái Lào ở Na Mon tạm ngừng, đàm phán chính trị bế tắc. Dự kiến khả năng phản ứng của Mỹ - ngụy Viêng Chăn và nhằm giảm khó khăn cho bạn trong mùa mưa sắp đến, hai Bộ Chính trị Việt Nam và Lào trao đổi, thống nhất quyết định mở chiến dịch Nậm Thà (mật danh chiến dịch XYZ).

Nậm Thà là một thị xã thuộc tỉnh Luổng Nậm Thà, cách Thủ đô Viêng Chăn 370km về phía Bắc, có đường biên giới chung với Trung Quốc, Mi-an-ma, Thái Lan. Địa hình ở đây phần lớn là núi cao trung bình hơn 1000m, xen kẽ những khu rừng rậm, có thung lũng Nậm Thà và thung lũng Mương Xỉnh, trong đó thị xã Nậm Thà nằm ở phần nam thung lũng Nậm Thà và thị trấn Mương Xỉnh nằm trong thung lũng Mương Xỉnh, cách Nậm Thà 30km về phía tây bắc.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị hai nước, ngày 10-4-1962, Trung ương Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) họp nhận định tình hình, xác định nhiệm vụ của bộ đội Pa-thét Lào phối hợp với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam mở Chiến dịch Nậm Thà. Mục đích là nhằm “tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, giải phóng Luổng Nậm Thà và Mương Xỉnh, mở rộng khu căn cứ Thượng Lào, đồng thời rèn luyện cho bộ đội trưởng thành lên một bước. Sau khi giải phóng Mương Xỉnh, Nậm Thà, hướng Mương Xỉnh phát triển đến Mương Long, hướng Nậm Thà phát triển đến Viêng Phu Kha”.

Để thống nhất chỉ huy, ngày 15-4-1962, hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Nậm Thà gồm: Phía Việt Nam có Thiếu tướng Bằng Giang (Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Bắc Lào), làm Tư lệnh. Phía Lào có đồng chí Xỉ-xá-vạt Kẹo Bun-phăn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pa-thét Lào.

Lực lượng tham gia chiến dịch, về phía Quân tình nguyện Việt Nam có các Lữ đoàn Bộ binh 316 đứng chân ở địa bàn chiến dịch, Lữ đoàn Bộ binh 335, Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 330), một Tiểu đoàn sơn pháo 75mm (13 khẩu), một Tiểu đoàn súng cối 120mm (12 khẩu), một Tiểu đoàn phòng không 12,7mm (12 khẩu). Đây là lực lượng chủ lực cơ động có khả năng thực hiện những trận đánh lớn. Phía Lào có Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 701 Pa-thét Lào, Đại đội địa phương Na Mô, Đại đội địa phương Nậm Thà, một số Trung đội địa phương huyện và dân quân du kích các xã trên địa bàn chiến dịch. Tổng quân số cả Việt Nam và Lào tham gia chiến dịch khoảng 7.800 người.

Thực hiện quyết tâm của lãnh đạo hai nước Việt Nam và Lào, Quân ủy Trung ương ta chỉ thị cho các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam: Phải tập trung phối hợp với Quân đội Pa-thét Lào tiến công tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch trong chiến dịch Nậm Thà, bởi đây là chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, cần phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa quân đội hai nước để tạo thế vững chắc trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược.

Căn cứ vào điều kiện địa hình và tình hình địch, Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch xác định phương án tác chiến chiến dịch là tập trung binh lực tiêu diệt từng bộ phận quân địch, trong đó sử dụng bộ phận nhỏ thọc sâu, vu hồi đánh vào bên sườn, phía sau, kết hợp chặt chẽ tác chiến với vận động binh lính trở về với cách mạng để nhanh chóng làm tan rã hàng ngũ địch.

Trên cơ sở phương án tác chiến của chiến dịch, Bộ Tổng tham mưu ta điều động, giao nhiệm vụ cho các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân đội Pa-thét Lào đánh địch. Quá trình thực hành chiến dịch, sự phối hợp tác chiến giữa các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam với các đơn vị Quân đội Pa-thét Lào được thực hiện linh hoạt, sáng tạo, từng bước phát huy hiệu quả qua 2 đợt tác chiến chiến dịch.

Đợt 1 (từ ngày 2 đến 6-5-1962), lực lượng ta và bạn trên hướng phối hợp được lệnh nổ súng trước. Hai Tiểu đoàn 4 và 2 (Lữ đoàn 335) và Tiểu đoàn 701 Pa-thét Lào tổ chức thành một Trung đoàn hỗn hợp, do đồng chí Hùm-pheng (Lào) và đồng chí Quang Vinh (Việt Nam) chỉ huy mở cuộc tiến công quân địch ở thị trấn Mương Xỉnh. Trong khi đó, Tiểu đoàn 2 tiến đánh đồn quân sự, Tiểu đoàn 4 đánh sân bay, Tiểu đoàn 701 Pa-thét Lào làm lực lượng dự bị. Trước sức tiến công mãnh liệt của ta Liên quân Việt - Lào, lực lượng địch tan rã, rút chạy (hơn 100 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó có tên chỉ huy GM 11 bị bắt). Đến 9 giờ ngày 3 tháng 5, Liên quân Việt - Lào hoàn toàn làm chủ Mương Xỉnh. Ngày 4 tháng 5, một bộ phận lực lượng của Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 335) và Tiểu đoàn 701 Pa-thét Lào tiếp quản và trấn giữ Mương Xỉnh đánh bại cuộc phản kích của Đại đội 133 (BV13). Trong khi đó, một Đại đội (Tiểu đoàn 4) và một Trung đội Pa-thét Lào tiến về hướng Mương Long và Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn 335) chuyển hướng phối hợp đánh Nậm Thà.

Đại tá, TS.Dương Đình Lập
Theo Báo Quân đội nhân dân
Kim Yến(st)

 

Bài viết khác: