dia danh Lào noi tieng

Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là một quốc gia nằm ở vùng Đông Nam Á, phía Đông giáp Việt Nam, phía Tây giáp Thái Lan, phía Nam giáp Campuchia, phía Bắc giáp Trung Quốc và Myanma.

Lào còn được gọi là đất nước Triệu Voi hay Vạn Tượng; ngôn ngữ chính là tiếng Lào. Nước Lào có tổng diện tích 236.800 km2. Thủ đô là Viêng Chăn. Lào có 17 tỉnh và thành phố trực thuộc, trong đó, có 10 tỉnh chung đường biên giới với Việt Nam với chiều dài 2067 km. Dân số của Lào hiện nay có khoảng 7 triệu người, bao gồm ba bộ tộc chính là Lào Lùm, Lào Thơng và Lào Sủng, ngoài ra còn có khoảng 2-5% là người Việt, người Hoa, người Thái cùng chung sống, tập trung ở các thành phố.

Lào là một quốc gia ở Đông Nam Á không giáp với biển. Rừng núi chiếm 3/4 diện tích, có nhiều lâm sản, động vật và khoáng sản quý hiếm. Khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Có dòng Mê-công chảy từ bắc xuống nam dài 1865 km. Có núi Phu-bia cao 2820m so với mặt nước biển, là đỉnh cao nhất nước Lào. Lào cũng là quốc ga có nhiều động vật quý hiếm trên thế giới sinh sống nổi bật nhất là hổ, voi và bò tót khổng lồ.

Nền văn hóa Lào là nền văn hóa Phật giáo. Đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người Lào, ảnh hưởng này được phản ánh trong ngôn ngữ và nghệ thuật, tạo nên một dân tộc Lào rất riêng. Với dân số khoảng 7 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là nước có tỉ lệ chùa so với dân số cao nhất thế giới. Chùa chiền, đền tháp là nơi gắn bó cả đời với người Lào, cũng là chất keo cộng đồng gắn kết các bộ tộc Lào lại với nhau - chất keo văn hoá Phật giáo. Do đó các công trình văn hóa, lịch sử nổi tiếng đều gắn với đạo Phật.

Văn hoá Lào như một dòng chảy ngọt ngào đời này qua đời khác, hun đúc nên tâm hồn, cốt cách, và văn hoá của người Lào. Qua thời gian năm tháng được kết tinh ở những phong tục văn hoá đẹp đẽ như Tết Té nước để giải trừ mọi lo âu phiền muộn; Buộc chỉ cổ tay chúc phúc người thân, chúc phúc khách quý, bạn bè… đó là mỹ tục rất đẹp đẽ, độc đáo và hiếm có; và hoà cùng với tiếng chiêng, tiếng khèn, điệu Lăm vông mềm mại uyển chuyển làm say đắm lòng người, như mời gọi, như níu giữ bước chân du khách đã đặt chân đến đất nước Lào là không muốn rời xa, là dẫu chỉ một lần mà lưu luyến mãi. Người Lào rất gần gũi và hầu như không gặp trở ngại gì lớn trong văn hóa và giao tiếp. Họ có một cuộc sống bình yên và thơ mộng, rất hiền hòa và mến khách.

Đất nước Lào có nhiều công trình lịch sử văn hoá, có thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều cảnh quan kỳ thú như Thạt Luổng (Viêng Chăn), cố đô Luông Phra-băng (di sản văn hoá thế giới), chùa Vạtxixun (Luông pha băng), núi Phú Xỉ, Cánh Đồng Chum huyền bí (Xiêng Khoảng), thác Khôn, thác Quang Xi, Hang Thẳm tình.v.v. Nhưng trong đó nổi bật nhất là Tháp That Luang (Thạt Luổng) và cố đô Luông Phra-băng, cả hai đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

ThatLuong5
Tháp That Luang (Thạt Luổng)- di sản văn hóa thế giới, biểu tượng văn hóa Phật giáo và hiện được coi là biểu tượng của nước Lào

Tháp That Luang (Thạt Luổng) - Di sản văn hóa thế giới, biểu tượng văn hóa Phật giáo và hiện được coi là biểu tượng của nước Lào. Tọa trên khu đất cao rộng và bằng phẳng ở phía Đông Viêng Chăn, Thạt Luổng là ngôi chùa tháp lớn và đẹp nhất tại Lào; là biểu tượng văn hoá tiêu biểu cho óc sáng tạo của người Lào được xây dựng vào thế kỷ XVI,  khi Vương quốc Lạn Xạng (Triệu Voi) dời đô từ Luong Phrabang về Vientiane.Tương truyền, Thạt Luổng là một trong số ít những chùa chiền đạo Phật trên thế giới được lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mầu Ni khi người nhập Niết Bàn. Các thư tịch cổ của ngôi chùa ghi lại rằng, tại khu vực này vào năm 236 Phật lịch, tức năm 307 trước Công nguyên, người ta đã xây dựng một ngôi chùa. Khi đạo Phật trở thành quốc đạo và Vientiane thành kinh đô mới, cùng với việc xây dựng thành quách, lâu đài, cung điện, chùa chiền, nhà Vua Xệtthảthilạt đã cho tu bổ lại Thạt Luổng bằng cách xây bọc lên ngôi tháp cũ bằng một tháp mới to, đẹp hơn và kiến trúc ấy giữ nguyên cho đến ngày nay. Tháp có bệ hình vuông, phía Bắc và Nam mỗi bề rộng 68m, phía Đông và Tây mỗi bề rộng 69m, xung quanh được trang trí bởi 332 hình lá bồ đề cách điệu. Ngoài tháp chính cao 45m, còn có 30 tháp nhỏ biểu tượng cho Đức Phật Thích ca với 30 năm tu hành gian khổ của người để trở thành Phật. Trên các tháp nhỏ này có đắp những hàng chữ Bali nổi ghi các lời răn của đức Phật. Lễ hội Thạt Luổng diễn ra vào những ngày sát rằm tháng 12 Phật lịch, kéo dài một tuần và kết thúc vào đúng ngày rằm của tháng. 

luong pha bang
Phù điêu trên nóc hoàng cung ở cố đô Luông Pra Băng
 mô tả sự thành kính của người Lào với Phật pháp.

            Luông Pra Băng hay Luông Pha Băng, nghĩa là Phật Vàng Lớn. Luông Pha-băng đã được UNESCO công nhận là Di tích lịch sử và văn hóa của thế giới năm 1995. Nằm bên bờ sông Mekong, cố đô Luông Pha Băng là một trong những thị xã đông vui nhất của nước Lào. Với những khu phố cổ, những ngôi nhà cổ kính, ôm trọn trong lòng cố đô là những danh lam thắng cảnh mê hoặc lòng người như Chùa Mới, Hoàng cung - nay là Bảo tàng quốc gia với hàng ngàn hiện vật, núi Phú Xỉ … Luông Pha Băng quanh năm ngày tháng luôn nườm nượp khách du lịch. Lịch sử hình thành cố đô Luông Pha Băng là cả một câu chuyện dài thu hút sự khám phá tìm hiểu của du khách. Đại loại sau nhiều binh biến, thăng trầm kéo dài đằng đẵng hàng trăm năm, đến năm 1707 Luông Pha Băng chính thức trở thành Thủ đô Vương quốc Luông Pha Băng độc lập. Khi sáp nhập Lào, Pháp công nhận Luông Pha Băng là nơi ngụ cư của Hoàng gia Lào. Sau khi giành độc lập, vua Luông Pha Băng - Sivasang Vong trở thành nhà lãnh đạo quốc gia của Vương quốc Lào.

            Đến Luông Pha Băng hiện nay, hoàng cung Luông Pha Băng xưa đã trở thành Bảo tàng quốc gia. Vẫn còn đó hàng trăm hiện vật quý lưu giữ quá khứ vàng son và nhiều thăng trầm của đất nước, văn hoá Lào. Bức tượng Sivasang Vong - vị vua Luông Pha Băng, nhà lãnh đạo quốc gia Lào được đặt bề thế ngay trong khuôn viên Bảo tàng quốc gia cũng là một điểm đến hấp dẫn, hằng ngày có hàng trăm du khách đến đây thưởng lãm, chụp ảnh. Nét cổ kính, những bức phù điêu chạm trổ tinh xảo bằng mạ vàng, pha lê… mang đậm bản sắc văn hoá Lào vẫn còn được lưu giữ khá nhiều trên nơi ở của Hoàng gia Lào xưa.

            Đặc biệt, leo qua 329 bậc thang len lỏi giữa rừng Champa cổ thụ lên chùa Phousi nằm chót vót trên đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm toàn bộ khung cảnh Luông Pha Băng. Xa xa dòng sông Mekong tươi mát như ôm lấy thị xã, khu phố cổ rêu phong yên bình chen lẫn những ngọn cây, hoàng cung Luông Pha Băng cung kính nằm tựa lưng bên sông Mekong, những ngôi chùa, tượng Phật lấp lánh loé lên màu vàng trầm mặc như tô điểm thêm cho cố đô nét tĩnh mịch, uy nghiêm… Luông Pha Băng

Đất nước, con người và nền văn hoá Lào quả là đang mang trong mình nguốn sức mạnh vô biên, ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu, đó chính là tiềm năng và là nguồn nội lực to lớn. Tiềm năng và nguồn lực to lớn đó đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào trân trọng, giữ gìn, bồi đắp và phát huy trong thời đại mới, thời đại hội nhập và phát triển.

                                                                                    Kim Yến

Bài viết khác: