Dong chi Vo Chi Cong 

Cuối năm 1939, trước sự khủng bố khốc liệt của thực dân Pháp, tổ chức Đảng ở Quảng Nam bị bể vỡ nặng nề. Toàn bộ Ban Tỉnh ủy bị bắt, Đảng bộ còn lại một số huyện ủy viên và 2 Chi bộ ở Tam Kỳ, một số ít đảng viên ở Duy Xuyên. Bấy giờ, đồng chí Võ Toàn (tên của đồng chí Võ Chí Công trong thời kỳ hoạt động Cách mạng Tháng Tám) đang là Phủ ủy viên Phủ ủy Tam Kỳ. Dựa vào thông tin từ “Ban Bí mật” gồm các đồng chí chủ chốt trong Ban Tỉnh ủy đang bị giam trong nhà lao Hội An gửi ra, đồng chí tích cực tìm bắt liên lạc với các cơ sở cán bộ còn lại và quần chúng cách mạng ở các phủ, huyện để gây dựng tổ chức và phong trào. Cùng với hoạt động của đồng chí Nguyễn Sắc Kim, đến tháng 1 năm 1940 Phủ ủy Tam Kỳ được lập lại, đồng chí Võ Toàn làm Bí thư. Vì là Phủ ủy đầu tiên được lập lại của Đảng bộ Quảng Nam nên Phủ ủy Tam Kỳ làm luôn nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng và phong trào quần chúng cho các phủ, huyện khác trong tỉnh. Đồng chí Võ Toàn trực tiếp phụ trách các phủ, huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Thăng Bình và nhà lao Hội An. Qua những cơ sở chắp nối được, đồng chí tiến đến thành lập Ban liên lạc tỉnh, được cử làm Trưởng ban. Ban liên lạc làm nhiệm vụ của Tỉnh ủy lâm thời, phân công cán bộ đi xây dựng cơ sở, cử người đi tìm bắt liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ. Đến tháng 3 năm 1940, Tỉnh ủy lâm thời chính thức thành lập, do đồng chí làm Bí thư. Vì chưa liên lạc được với Xứ ủy và Trung ương nên gần 10 tháng trời, đồng chí Võ Toàn cùng với Phủ ủy Tam Kỳ, rồi Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam phải tự xoay xở công tác để gây dựng lại tổ chức Đảng, nuôi dưỡng và phát triển phong trào cách mạng tại địa phương. Cuối năm 1940, hệ thống tổ chức của Đảng đã khôi phục lại ở các phủ huyện đồng bằng, Ban Tỉnh ủy Quảng Nam chính thức được thành lập, do đồng chí Hồ Tỵ (phái viên tăng cường của Xứ ủy) làm Bí thư, nhưng sau đó, đồng chí Hồ Tỵ có nhiệm vụ khác, đồng chí Võ Toàn được giao phụ trách công việc chung của Tỉnh ủy Quảng Nam.

Phong trào vừa mới được nhen nhóm thì tháng 11 năm 1940, hai Xứ ủy viên Hồ Tỵ và Nguyễn Đức Dương đều bị bắt, Đảng bộ Quảng Nam lại mất liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ và bị bể vỡ. Cả Tỉnh ủy chỉ còn hai đồng chí Võ Toàn và Nguyễn Sắc Kim. Tuy bị địch truy nã gắt gao, nhưng hai đồng chí vẫn lặn lội hết phủ này đến huyện khác để lãnh đạo tư tưởng, bàn kế hoạch chống khủng bố nhằm giữ vững sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ra báo Cứu Quốc với số lượng in đầu tiên đến 300 bản để qua đó đảng viên, quần chúng biết được đường lối, chủ trương của Đảng. Nhờ tinh thần tự xoay xở đó của hai đồng chí, phong trào cách mạng trong tỉnh vẫn được duy trì, tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng được củng cố từ tỉnh, huyện đến cơ sở. Theo Chỉ thị của Trung ương Đảng, tháng 10 năm 1940, Xứ ủy Trung Kỳ được tái lập, cơ quan đứng chân hoạt động tại Quảng Nam. Đến đầu năm 1942, toàn tỉnh có 6 Ban chấp hành phủ, huyện, 70 chi bộ với khoảng 230 đảng viên.

Từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1942, thực dân Pháp mở đợt khủng bố mới, tổ chức Đảng ở Quảng Nam lại bị bể vỡ trên diện rộng. 942 đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt. Tỉnh ủy Quảng Nam lại chỉ còn 2 tỉnh ủy viên là Võ Toàn và Nguyễn Sắc Kim. Toàn ban Xứ ủy Trung kỳ cũng bị vỡ và đây là lần bể vỡ dài nhất, phải mãi đến sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công mới lập lại được. Đồng chí Võ Toàn phải cùng đồng chí Nguyễn Sắc Kim tạm chuyển vào các tỉnh phía trong, vừa tránh sự truy nã của địch, vừa xây dựng cơ sở ở Phan Thiết và Đà Lạt. Ba tháng sau, hai đồng chí quay về Quảng Nam, lập Ủy ban vận động Việt Minh tỉnh và triệu tập hội nghị Tỉnh ủy. Cuộc họp này đi đến quyết định thành lập liên tỉnh: Thành ủy Quảng Nam - Hội An - Đà Nẵng, do đồng chí Võ Toàn làm Bí thư, không chỉ có nhiệm vụ xây dựng phong trào tại chỗ, sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa, mà còn đẩy mạnh hoạt động ra khắp các tỉnh miền Trung. Khi phong trào cách mạng trong tỉnh phục hồi, Tỉnh ủy mới được tái lập, thay cho liên tỉnh - thành ủy, cũng do đồng chí Võ Toàn làm Bí thư.

Tháng 4 năm 1943, thực dân Pháp lại mở đợt khủng bố kéo dài cho đến cuối năm. Tỉnh ủy cũng chỉ còn 2 đồng chí Võ Toàn và Nguyễn Sắc Kim, phải chuyển lên hoạt động tại huyện Tiên Phước, rồi đến tháng 11 cũng bị địch bắt và đày lên Buôn Ma Thuột.

Sau sự kiện Nhật đảo chính lật Pháp (3 năm 1945) đồng chí Võ Toàn thoát khỏi nhà đày về lại tỉnh nhà. Bấy giờ phong trào cách mạng ở Quảng Nam đã được phục hồi, đồng chí được mời tham gia vào Ủy ban Cứu quốc của Tỉnh và tuy không ở trong Ban Tỉnh ủy lâm thời nhưng đồng chí vẫn được mời họp góp ý kiến vào công tác chỉ đạo chung của Tỉnh ủy. Trong thời gian này đồng chí được Thường vụ Tỉnh ủy giao phụ trách các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, đồng thời dù chưa khôi phục Đảng tịch nhưng vẫn tham gia kiện toàn và trực tiếp lãnh đạo các huyện ủy. Những huyện do đồng chí phụ trách, phong trào phát triển sôi nổi, cơ sở Việt Minh, đoàn thể cứu quốc, tự vệ bí mật phục hồi và phát triển nhanh. Đồng chí còn đóng góp ý kiến với Tỉnh ủy về đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền công khai, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, cô lập huynh hướng sai lầm của một số đảng viên vốn có uy tín nhưng do bị tù lâu ngày, không nắm được tình hình nên chủ trương cải tổ chính phủ Trần Trọng Kim, dùng chính phủ này ban hành Hiến pháp quân chủ lập hiến và lập tổ chức Đoàn Thanh niên Tân lập hiến làm hậu thuẫn đấu tranh đòi thi hành Hiến pháp, hy vọng như thế sẽ giành được độc lập.

Khi nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Tỉnh ủy Quảng Nam căn cứ vào Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, quyết định gấp rút huy động toàn dân kịp thời nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền; chuyển các lực lượng cứu quốc thành lực lượng quần chúng vũ trang làm nòng cốt cho khởi nghĩa; chuyển các Ủy ban Việt Minh, Ủy ban Cứu quốc thành các Ủy ban bạo động. Đồng chí Võ Toàn được cử vào Thường trực Ủy ban bạo động tỉnh. Đồng chí đã cùng các đồng chí trong Thường trực bàn bạc kế hoạch hành động, viết các chỉ thị bổ sung về chủ trương và hướng dẫn cụ thể, đánh máy gửi hỏa tốc cho các ủy ban bạo động các phủ, huyện, thị xã.

Lúc đầu, Thường trực Ủy ban bạo động tỉnh lên kế hoạch khởi nghĩa vào ngày 21 tháng 8 và dự kiến cấp phủ, huyện khởi sự trước, sau đó mới tập trung lực lượng kéo về cướp chính quyền ở tỉnh lỵ. Nhưng khi kiểm tra tình hình tại Hội An vào đêm 17-8-1945, đồng chí Võ Toàn lấy danh nghĩa Thường trực Ủy ban bạo động tỉnh triệu tập khẩn cấp cuộc họp Ủy ban bạo động Hội An. Qua phân tích thấy tình hình ở đây có những chuyển biến thuận lợi (Đồn bảo an đã có cơ sở nội ứng; Tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng thái độ lừng khừng không dám chống đối; quân Nhật đã rút ra Đà Nẵng, chỉ để lại chưa đầy 10 tên) nhưng số phản đế và số chức sắc trong đạo Cao Đài lại đang sắm cờ chuẩn bị tranh cướp chính quyền với Việt Minh, đồng chí khẳng định thời cơ khởi nghĩa ở Hội An đã chín muồi, cần nhanh chóng cướp chính quyền ngay trong đêm 17 tháng 8. Được cuộc họp nhất trí, đồng chí viết thư cử người đi gặp Thường trực Ủy ban bạo động tỉnh đề nghị cho Hội An khởi nghĩa trước, đồng thời đề nghị Tỉnh hướng dẫn lực lượng ở Tam Kỳ và Hòa Vang chặt cây cản đường nội ngay trong đêm 17 rạng ngày 18 tháng 8 nhằm chặn đường xe Nhật từ Quảng Ngãi ra, Đà Nẵng vào để khởi nghĩa cho xong Hội An.

Trong lúc chờ lệnh của Thường trực Ủy ban bạo động tỉnh, đồng chí Võ Toàn cùng Ủy ban khởi nghĩa của Hội An tiếp tục họp bàn kế hoạch cụ thể về cướp đồn lính bảo an và sau đó là cướp tỉnh đường. Đến khi có được lệnh của Tỉnh thì phương án và sự chuẩn bị lực lượng ở Hội An cũng đã chu toàn. Chỉ trong 4 tiếng đồng hồ, rạng sáng ngày 18 tháng 8 cuộc khởi nghĩa ở Hội An giành thắng lợi. Lực lượng khởi nghĩa lần lượt chiếm đồn bảo an rồi đến kho bạc, cơ quan mật thám, bưu điện. Liền sau đó, giao lại việc ổn định trật tự, bảo vệ chính quyền cho Thị ủy và Ủy ban bạo động Hội An, đồng chí Võ Toàn trực tiếp tập hợp lực lượng và tổ chức đoàn xe có trang bị vũ khí đầy đủ (lấy được của địch) tiếp tục đi hỗ trợ cho các huyện. Chỉ trong một ngày, đoàn xe của đồng chí Võ Toàn đã hỗ trợ Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước giành chính quyền thắng lợi.

Diễn biến khởi nghĩa ở Hội An và các phủ huyện phía nam của Quảng Nam cho thấy sự nhạy bén trong việc nắm bắt tình hình, kịp thời xin ý kiến Thường trực ủy ban bạo động tỉnh cho phép Hội An khởi nghĩa trước và trong khi chờ đợi sự đồng ý đã chủ động chuẩn bị mọi mặt để khi được phép thì hành động kịp thời. Từ quyết định của đồng chí Võ Toàn, có thể khẳng định sự ứng biến linh hoạt mà vẫn tuân thủ nghiêm khắc kỷ luật của tổ chức để chớp lấy thời cơ khởi nghĩa ở Hội An có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Nam. Khởi nghĩa ở Hội An cho thấy phương án đề ra khá hoàn hảo, phương thức khởi nghĩa ứng biến linh hoạt theo hướng có lợi nhất, nhờ vậy nên đã giành được thắng lợi quyết định chỉ trong một ngày. Hơn nữa, đối sách của đồng chí với quân Nhật trong lúc khởi nghĩa là bài học kinh nghiệm làm giảm thổn thất cho lực lượng cách mạng: Mặc dù Lệnh khởi nghĩa của Ủy ban bạo động Việt Minh tỉnh có nêu khẩu hiệu “Đánh đổ phát xít Nhật - Pháp”, nhưng khi đoàn xe chở lực lượng tự vệ đến Vĩnh Điện gặp quân Nhật chặn đường, đồng chí Võ Toàn đã nói rõ chủ trương trung lập, không tấn công quân Nhật nên chúng để Đoàn đi qua. Trong khi đó, do không được quán triệt chủ trương trung lập quân Nhật nên ở một số nơi, tự vệ xông vào chặt lốp xe, chém lính Nhật cướp súng (Điện Bàn), nhận chìm sà lan không cho xe Nhật sang sông (Đại Lộc), hoặc lăn cây chặn đường (Tam Kỳ) bị lính Nhật nổ súng bắn chết và bị thương gần 60 người.

Nhìn lại thời kỳ vận động giải phóng dân tộc 1939-1945, mặc dù thực dân Pháp nhiều lần khủng bố, Đảng bộ đến 4 lần bị bể vỡ nhưng Quảng Nam vẫn là tỉnh có phong trào cách mạng diễn ra liên tục, bền bỉ, và đặc biệt, trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Quảng Nam là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước (trước ngày 19-8-1945). Trong sự thành công đó, cùng với vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, của các đồng chí đứng đầu Ban Tỉnh ủy, tinh thần chủ động, linh hoạt công tác của các đảng viên và sự hưởng ứng đường lối cứu nước của Đảng của toàn dân, có dấu ấn của đồng chí Võ Toàn. Dấu ấn đó thể hiện trong việc chủ động xây dựng tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, vạch ra chương trình công tác trong những trường hợp mất liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ, chủ động, linh hoạt trong khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 với vai trò cá nhân của người trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Hội An và chỉ huy lực lượng tự vệ vũ trang đi hỗ trợ cho các huyện, nhưng vẫn đảm bảo được nguyên tắc tập thể lãnh đạo của Tỉnh ủy và Thường trực ủy ban bạo động tỉnh trong giờ phút quyết định của cuộc khởi nghĩa này.

 

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: