Sinh thời, mặc dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác Hồ vẫn thường xuyên đọc các loại báo, trong đó có Báo Công an nhân dân.

Ngày 1/11/1946, Tờ Công an mới - tiền thân của Báo Công an nhân dân - ra mắt bạn đọc, được phát hành rộng rãi trong nhân dân. Ngay trong những số báo đầu tiên đã dành một phần đưa tin về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như huấn thị công tác của Người.

Trong những năm ở chiến khu Tân Trào, Nội san Rèn  luyện, kế tiếp Báo Công an mới, đã tập trung hướng dẫn, uốn nắn để cán bộ, chiến sỹ thực hiện tốt lời dạy của Bác về sửa đổi lề lối làm việc mà Bác đã viết dưới bút danh X.Y.Z.

Ngày 11/3/1948, tại khu căn cứ địa Việt Bắc, sau khi nhận được tờ Nội san Bạn dân do đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu 12 gửi lên biếu Bác, Bác đã viết thư gửi Công an khu 12, trong đó có đoạn:

"… Trên báo cần làm cho anh chị em công an nhận rõ, công an của ta là công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào dân thì làm việc gì cũng xong.

Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người Công an cách mệnh là:

- Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

- Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

- Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

- Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

- Đối với công việc, phải tận tụy.

- Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Nói tóm lại, là những đạo đức và tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng. Những điều đó chẳng những luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu tại những nơi anh em công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ…). Ngoài ra, công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình. Mỗi cng an viên đóng chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian… dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật, và tự mình phải luôn luôn giữ lễ phép, tránh hách dịch".

“Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa…” Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962.

Thư Bác được anh em trong đơn vị chuyền tay nhau đọc. Các số Báo Rèn luyện của Nha Công an Trung ương đã đăng lại bức thư của Bác và được chuyển về các khu, các tỉnh để học tập, sau đó lực lượng Công an cả nước phát động phong trào học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy.

Trở lại thời gian trước đây, vào giữa năm 1949, một hôm, Nha Công an Trung ương gửi đến Nhà in Rèn luyện một tập bản thảo viết tay, được viết theo thể văn vần, nội dung huấn luyện cán bộ. Nha yêu cầu phải in thật đẹp và hẹn ngày phải có sách để gửi về Nha. Sau đó, Nha mới cho biết đó là tập tài liệu do Bác Hồ viết, vì thế anh em nhà in ai nấy đều cảm thấy phấn khởi vì đó là niềm vinh dự: Sự kiện này đã trở thành một kỷ niệm không bao giờ quên đối với những anh em đã làm việc ở Nhà in Báo Rèn luyện hồi đó.

Báo Công an nhân dân vinh dự được đón nhận một độc giả rất đặc biệt: Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Khi đọc bài "Lực lượng Cảnh sát nhân dân phục vụ tốt công cuộc vận động chống đầu cơ, buôn lậu, lấy cắp vật tư, tài sản của Nhà nước", Bác ghi bằng mực đỏ hai chữ "nên khen" và mở vòng đơn (đã nói với A. Hoàn rồi) - (đồng chí Trần Quốc Hoàn là Bộ trưởng Bộ Công an); khi đọc những bài về gương người tốt, việc tốt: "Dũng cảm cứu dân và cứu tài sản của Nhà nước", "Hết lòng vì dân"… Bác khuyên vòng tròn đỏ trên đầu bài và ghi "Tặng 1 hh" (tức là tặng một Huy hiệu của Người cho chiến sỹ lập công).

Báo Công an nhân dân số 361, ra ngày 4/6/1968 đăng bài "Công an khu phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) vận động quần chúng đấu tranh chống bọn tội phạm hình sự và các tệ nạn xã hội khác". Tờ báo được gửi đến Bác. Bác Hồ xem xong, thấy đây là việc làm tốt, liền viết thư cho đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an lúc bấy giờ để biểu dương và nhắc nhở công an Thủ đô Hà Nội nên học tập gương điển hình này. Bác viết: "Khu phố Hai Bà làm việc này tốt. Nếu đôn đốc các khu phố khác học tập và thi đua với khu phố Hai Bà, thì chắc họ cũng làm được như thế, và toàn Thủ đô Hà Nội có thể triệt được tệ lưu manh, trộm cắp…".

Đó là bút tích của Bác, hiện còn lưu giữ trong Bảo tàng Công an nhân dân.


Bao CAND
 
Bút tích của Bác trên Báo Công an nhân dân số 462

Ngày nay, Báo Công an nhân dân tiếp tục tuyên truyền về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", về các điển hình tiên tiến thực hiện tốt Sáu điều Bác dạy trong cuộc vận động "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ"; tuyên truyền những cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác… Các thế hệ làm báo luôn ghi nhớ và giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ kính yêu.

Theo www.cand.com.vn
Kim Yến(st)

Bài viết khác: