Trong thời gian ở thăm và làm việc trên nước bạn Lào, chúng tôi đã đến trung tâm Pakse (tỉnh Champasak), thành phố lớn thứ hai của Lào. Nơi đây đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp về tình cảm của người Lào và người Việt.

Chầm chậm phong cách Lào

Người Lào bắt đầu một ngày mới khá muộn. Hầu hết các công sở đều mở cửa lúc 8 giờ sáng. Khoảng 9 giờ, các cửa hàng, cửa hiệu mới mở cửa và đến khoảng 16-17 giờ là đóng cửa, khép lại một ngày làm việc. Đặc biệt, vào các ngày lễ, ngày Tết, người dân nơi đây tạm gác hầu hết các công việc để dành thời gian vui chơi. Các nhà hàng, quán ăn mà chúng tôi vào đều có chung phong cách phục vụ: Thủng thẳng, không vội vàng, cho dù khách có đông. Cũng vì thế mà khi gặp những “thượng đế” nóng vội, thường cửa hàng dễ mất lòng. Tuy nhiên, nhà hàng lại rất chu đáo và tươm tất trong việc phục vụ. Các món ăn Lào, như gà rán sốt chanh được chiên giòn cùng với mùi cơm nếp thơm phức để sẵn trong giỏ mây có nắp, rồi lạp xưởng thịt gà, rau xào xanh mượt và những ly bia Lào bọt trắng vàng tràn qua miệng ly... trông rất hấp dẫn. Dù khó tính đến mấy, quý khách cũng cảm thấy hài lòng.



a1 chăm pa sac
Du khách mua sắm ở một góc phố người Việt tại tỉnh Chăm-pa-sắc.

Điều chúng tôi thấy ấn tượng từ lúc đặt chân sang nước bạn Lào là người dân tham gia giao thông rất nghiêm túc. Người Lào đi lại từ tốn, trật tự, không có tình trạng người đi bộ, đi xe máy hay ô tô đột ngột chạy tắt qua đường. Cùng với tính tự giác và ý thức chấp hành Luật Giao thông của người Lào, thì hệ thống biển báo, biển hiệu ở Lào khá rõ ràng, chuẩn xác, cũng đã giúp cho người lái xe chủ động xử lý. Ở những khúc quanh, trước khi qua cầu, tại ngã ba, ngã tư… đều có biển báo từ xa. Rồi khi chúng tôi bước vào chợ cũng không nghe tiếng lao xao, không có sự ồn ã mời chào. Thích là cứ thoải mái xem, không mua thì thôi. Anh Lưu Văn Thiết, Phó trưởng phòng tổ chức Công ty Cổ phần Cao su Thành phố Hồ Chí Minh bảo tôi: “Nếu muốn phân biệt ai là người bán ở đây và ai là người Thái Lan sang, anh không thể nghe tiếng nói, bởi họ nói gần giống hệt nhau, đồng thời sử dụng ngôn ngữ của nhau một cách thuần thục. Cách duy nhất là nhìn vào cách nói chuyện, cách cư xử, và cả cách chào nhau trên phố”. Thật thế, người Thái sôi nổi bao nhiêu, thì người Lào lại hiền hòa bấy nhiêu.

Không biết tiếng Lào, nhưng những ngày trên đất nước Triệu Voi, dù đi bất cứ nơi đâu chúng tôi cũng không sợ bị lạc đường. Bởi ở đâu cũng có thể gặp đồng hương hoặc người Lào nói được tiếng Việt. Anh Nguyễn Minh Nhựt, Chánh Văn phòng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh nói vui: “Đi công tác ở nước ngoài, sướng nhất là đi Lào. Người dân Lào luôn xem Việt Nam là người anh em đặc biệt, thủy chung. Nhiều người nói tiếng Việt rất trôi chảy nên mình có  thể giao tiếp thoải mái”.

            Rộn ràng thương hiệu Việt

            Ông Nguyễn Quang Tín, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Lào khẳng định, trong số các quốc gia láng giềng đầu tư vào Lào như Trung Quốc, Thái Lan thì hàng hóa Việt Nam chiếm được cảm tình hơn cả trong cộng đồng người Lào. Cách đây 5 năm, thị trường Lào chủ yếu hàng Thái thì nay hàng hóa Việt đã có mặt hầu khắp các bản làng của bạn. Một thuận lợi đặc biệt mà khó quốc gia nào cạnh tranh được là rất nhiều trí thức Lào biết tiếng Việt; đại học quốc gia Lào hằng năm trao đổi hàng trăm học sinh Việt Nam sang đào tạo, đa số đều có nghề nghiệp tốt khi ra trường. Theo ông Tín, nhiều người Việt làm ăn sinh sống trên đất Lào tuy không giàu có, nhưng cuộc sống cũng khá sung túc. Với bản tính cần cù, chịu khó, lại đặt chữ tín lên hàng đầu, nên người Việt được người Lào tin tưởng, quý mến. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt ở Lào còn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Chính phủ Lào, nên ngày càng phát huy được bản chất thông minh, cần cù vốn có.

Qua câu chuyện với những đồng hương nơi đất khách, chúng tôi đã cảm nhận một “hồn Việt” ở nơi đây. Ở chợ Đào Hương - Trung tâm thương mại của thành phố Pakse, gần một nửa quầy hàng là của những chủ nhân gốc Việt. Người Việt sinh sống ở các tỉnh Nam Lào khá đông. Hầu như ở bất cứ tỉnh nào trên đất nước Lào cũng đã hình thành nên những quán cơm Việt, phở Việt, phục vụ các món ăn truyền thống của người Việt Nam. Tôi bắt gặp trên các đường phố Pakse nhiều bảng hiệu viết bằng tiếng Việt. Người Việt ở đây chủ yếu là lao động tự do hoặc công nhân làm theo các dự án. Nam Lào có gần 6000 Việt kiều, có gia đình 4 đến 5 thế hệ, hình thành các xóm Việt như: Tân An, Tân Phước, Xóm Đá, Sân Bay…. Trong những ngày làm việc tại các tỉnh Nam Lào, đến bất cứ nơi đâu, chúng tôi cũng nhận được sự đón tiếp trọng thị và chân tình. Những cái bắt tay nồng ấm nghĩa tình của chủ nhà đã làm cho mọi người trong Đoàn công tác đều xúc động. Người Lào hiền hậu, thật thà lắm. Người Việt mình sang đây làm ăn cũng rất nhiều người tốt, thành đạt, sống hòa thuận với người dân sở tại.

Đêm cuối cùng, chúng tôi đề nghị ông Liêm đưa đến một nhà hàng bên bờ sông Mê Công để ăn tối và ngắm sông, ngắm cầu. Mất ba lần dừng hỏi đường, với vốn tiếng Lào hơn 5 năm sống và làm việc ở Pakse của ông Liêm, cuối cùng chúng tôi cũng vào trúng nhà hàng Lào Đeng - lớn nhất, đẹp nhất bên bờ sông Mê Công. Bập bềnh trên sóng nước, thưởng thức món cá nướng bắt từ sông Mê Công hùng vĩ thật hấp dẫn vô cùng.

Hấp dẫn Đền Wat Phou

Đến Pakse, sẽ thật là thiếu sót nếu bỏ qua kỳ quan đền Wat Phou. Vượt 50km về phía Nam từ thành phố Pakse thuộc tỉnh Chăm-pa-sắc mới đến được ngôi đền Di sản văn hóa thế giới thứ hai của Lào. Đền được các vương triều Khơ-me xây dựng từ thế kỷ thứ V và kéo dài đến thế kỷ XIII. Wat Phou theo tiếng Lào có nghĩa là Chùa trên núi (Temples on the Mountains) nằm gần giáp với hai nước Cam-pu-chia và Thái Lan. Wat Phou tọa lạc trên diện tích 15.000km2, được xây dựng theo phong cách Ấn giáo (Hindu) trên một đỉnh núi và kề bên có một thác nước trong xanh. Đỉnh núi giống với biểu tượng Lin-ga. Đây là một công trình lộng lẫy và rất biệt lập trong khu thung lũng Mê Công.

Bước qua cổng Di tích là hai hàng trụ Lin-ga cao ngang ngực người, hơn cả trăm cái, dẫn du khách thẳng đến lối lên đền thờ chính. Cuối con đường là hai đền thờ lớn (còn gọi là hai cung điện) với những khối sa thạch nặng cả tấn được lắp vào nhau nhờ các lỗ mộng, phỏng theo lối nhà dài. Các bức tường của hành lang cung điện phía Bắc làm bằng đá ong. Cung điện phía Bắc còn khá nguyên vẹn nếu so với cung điện phía Nam. Theo lời người hướng dẫn viên, các công trình có giá trị chủ yếu nhờ vào các bức phù điêu chạm trên tường và đà cửa với kiểu dáng cùng thời với nền văn hóa Ăng-co. Dưới bóng những cây sứ trắng cả ngàn năm tuổi là những lối đi lát đá dẫn lên đền chùa chính nằm trên cùng của một dốc đá cao 77 bậc hun hút.

Khu vực tôn nghiêm của Wat Phou là một nền đất cao có một đền nhỏ thờ Nandin được xây dựng muộn hơn so với hai cung điện phía trước. Ở đây, người dân lấy hoa Chăm-pa kết thành những đài hoa nhỏ bằng lá chuối, hương trầm thì được kết thành bó nhỏ chừng chục nén, bao quanh cũng bằng hoa Chăm-pa, mỗi bó giá 5000 kíp cho người hành hương đến đây cầu nguyện, xin quẻ sâm may mắn. Phía sau khu đền chính này có các mạch nước ngầm chảy từ trên núi mà từ xa xưa, người ta cho rằng đây là dòng nước thánh. Leo đến đây, ai cũng thấm mệt, hứng lấy một cốc nước thánh, uống mát lạnh, thoải mái đến lạ thường như muốn thoát tục, quên đi mọi phiền muộn trong cuộc sống hằng ngày.

nguoi viet o Champa sắc a2
Du khách tham quan đền Wat Phou đều hứng nước thánh cầu mong an lành.

Cũng như Di sản Mỹ Sơn ở Việt Nam, Wat Phou hiện đứng trước nguy cơ hư hỏng nặng. Bây giờ, Wat Phou chỉ còn sót lại vài cây thốt nốt đứng trơ trọi và buồn bã giữa cái nắng mênh mông, mấy cây hoa sứ đã già cỗi nhọc nhằn ra hoa ở hai bên trục đường dẫn đến nơi còn để sót lại bệ thờ của Lin-ga ở khu trung tâm. Theo thời gian, nhiều bức tường của hai cung điện Bắc - Nam đã đổ xuống. Có lẽ, nơi được người dân địa phương và du khách chú ý nhất là ngôi đền chính lúc nào cũng nghi ngút khói hương, nhiều người cầu nguyện và có dòng nước thiêng chảy không ngừng nghỉ hơn 1000 năm.

Cho đến bây giờ, cảm giác được bước lên những bậc đá thẳng đứng, ngắm nhìn sự hùng vĩ của những đền đài nơi đây, được rửa mặt với dòng nước thánh là trải nghiệm đáng nhớ của tôi mỗi khi nhắc đến Wat Phou, cũng như đất nước Triệu Voi.

Bài và ảnh: Lê Hùng Khoa
Theo Báo Quân đội nhân dân
Kim Yến(st)

 

Bài viết khác: