Cộng đồng người Việt ở Lào hình thành cách đây khoảng 100 năm và hiện có khoảng 25 – 30 nghìn người Lào gốc Việt và người Việt Nam đang định cư và làm ăn tại Lào. Phần lớn bà con tập trung sống ở Thủ đô Viêng Chăn và các thành phố lớn như Champasak, Savannakhet, Khăm Muộn...

chua long van o Lao
Chùa Long Vân ở Pak
se (Lào)

Kiều bào ta ở Lào hiện có được một mái nhà chung là Tổng hội Người Việt Nam tại Lào, đặt dưới sự quản lý của Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước. Những năm qua, cộng đồng người Việt tại Lào luôn phát huy bản chất cần cù, khéo léo vốn có trong sản xuất, đồng thời thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Ở một số địa phương có đông người Việt, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều doanh nghiệp của kiều bào ta đã trở thành những đơn vị kinh tế chủ lực của một số tỉnh, thành phố, có nhiều hoạt động xã hội giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo, được các cấp chính quyền tin cậy và hoan nghênh. Bên cạnh việc giúp nhau phát triển kinh tế, tạo cầu nối thu hút các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào, kiều bào ta còn thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên nhau hoặc chung tay góp vốn giúp đỡ những gia đình khó khăn có cuộc sống ổn định, nhằm chấp hành tốt chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước Lào. Chẳng hạn, bà con luôn động viên nhau giữ gìn thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt, giữ gìn tiếng nói và chữ viết mẹ đẻ. Điển hình của các cộng đồng người Việt ở Lào làm tốt những công tác này là Câu lạc bộ Đồng hương Xiêng Khoảng, Thành hội Người Việt ở Thủ đô Viêng Chăn, Hội Người Việt tỉnh Khăm Muộn, tỉnh Savanakhet và thị xã Pakse. Cần biết thêm, hiện nay trên toàn nước Lào, kiều bào ta đã xây được tổng cộng 12 Trường Tiểu học và Trung học. Cụ thể như tại Viêng Chăn có Trường Nguyễn Du, Luông Prabang có Trường Hùng Vương, Savanakhet có Trường Lạc Hồng, Trường Thống Nhất, Trường Hoàng Anh và Pakse có Trường Hữu Nghị... riêng ở các địa phương có ít người Việt như tỉnh Xiêng Khoảng thì bà con cho mở các lớp dạy tiếng Việt tại nhà.

Người Việt ở Lào vốn rất nặng lòng với quê hương, luôn tự hào về nền văn hóa truyền thống dân tộc nên ngoài việc xây nhiều Trường Việt, duy trì sinh hoạt trong gia đình theo tập quán Việt Nam, họ còn xem chùa chiền là điểm văn hóa tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Đại đức Thích Minh Quang - Trụ trì chùa Phật Tích (Viêng Chăn) tâm sự: "Chùa Việt ở Lào có giá trị bảo tồn và phát huy văn hoá Việt trên đất khách quê người, giúp cho bà con Phật tử nói riêng, bà con trong cộng đồng người Việt nói chung có thêm một điểm sinh hoạt văn hoá tinh thần, gặp gỡ nhau...”. Còn theo ông Hoàng Diểu - Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại Lào cho biết: trong việc xây dựng phong trào bà con hướng về Tổ quốc, Tổng hội rất xem trọng việc chăm lo đời sống tinh thần cho bà con. Chùa chiền là nơi giáo dục truyền thống yêu thương đùm bọc nhau, làm việc thiện, hướng về Tổ quốc rất hiệu quả, nhất là với lớp trẻ. Thống kê cho thấy hiện ở Lào có 11 ngôi chùa Việt, tập trung ở Thủ đô Viêng Chăn, Luông Prabang, Savannakhet và Champasak. Có thể kể ra những cái tên như chùa Bảo Quang, chùa Diệu Giác ở Savannakhet; chùa Long Vân, chùa Trang Nghiêm ở Pak Sế, Champasak; chùa Bàng Long, chùa Phật Tích ở Viêng Chăn..

Đặc biệt, từ đầu năm 2012, kế hoạch xây trụ sở Tổng hội Người Việt Nam tại Lào đã được thông qua và đang trong quá trình triển khai. Ông Hoàng Diểu cho biết thêm: "Sau khi hoàn thành, đây là một công trình đặc biệt có ý nghĩa, là mái nhà chung của bà con trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào. Trụ sở sẽ giúp bà con có nơi sinh hoạt thuận lợi, nhất là việc phục vụ các sự kiện có ý nghĩa hướng về cội nguồn, giáo dục thế hệ con cháu giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đoàn kết cùng nhau xây dựng cộng đồng ngày càng vững mạnh, tiến bộ, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước…”

Trung Nguyên

Theo Báo Đại đoàn kết

Kim Yến (st)

Bài viết khác: