Chủ nhật, 22/12/2024

 Ở mảnh đất thiêng Trường Sa – mỗi người dân là một thi sĩ, mỗi đơn vị là một... “hội Tao Đàn”. Thơ đến với mỗi công dân trên đảo tự nhiên như hơi thở.

7 truong sa Dat va nguoi  Bai 5 anh 2

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết như vậy. Còn ở mảnh đất thiêng Trường Sa – mỗi người dân là một thi sĩ, mỗi đơn vị là một... “hội Tao Đàn”. Thơ đến với mỗi công dân trên đảo tự nhiên như hơi thở. Làm thơ dường như là nhu cầu tự thân của những ai “chạm” vào Trường Sa. Ra thăm Trường Sa lần này, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp đến với thơ theo những cách khác nhau.

Những vần thơ trong ba lô chiến sĩ

Thượng tá Hồ Xuân Ưng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Đoàn Trường Sa là người đã công tác ở Trường Sa nhiều năm, từng làm “Tổng Biên tập” của hàng trăm tờ báo tường nên anh khích lệ tôi tìm hiểu về đời sống tinh thần của quân và dân trên đảo. Anh nói: “Mỗi năm, quân, dân Trường Sa cho ra đời hơn 100 tờ báo tường, chủ yếu là in thơ tự sáng tác với số lượng lên đến hàng nghìn bài. Thi thoảng, có những câu thơ hay đến... giật mình, nhưng các chàng binh nhất, binh nhì nhà ta vẫn ngượng sau khi làm nên thường giấu trong ba lô, phải chịu khó tỉ tê tâm sự thì họ mới cho xem”.


Thức cho Tổ quốc bình yên.

Biết vậy, nên mỗi lúc lên đảo, tôi thường lùng sục xem các tờ báo tường, rồi hỏi thăm các ban biên tập để tìm cách tiếp cận các... nhà thơ. Trên đảo Song Tử Tây vừa có cuộc thi sáng tác thơ viết về đảo. Nhiều bài không có tiêu đề nhưng đọc lên bỗng thấy lòng xao xuyến: Song Tử mùa này lăn tăn sóng/Ánh bạc từ trăng nhẹ rắc tơ/Anh mong ngày hội làng năm tới/Bên em trong nắng hội hoa xoan.

Ở đảo Đá Nam, Đại úy Lê Thanh Tố, nguyên Đảo trưởng (năm 2008), khi chia tay đảo vào đất liền đã tặng đồng đội bài thơ có tựa đề: “Đảo chìm” được nhiều người chép lại: Đảo chìm không có cửa đâu/Đảo chìm không khép lòng nhau bao giờ/Cho nhau thấu tỏ tâm tư/Nghĩa tình đồng đội giống như sao trời.... Còn Chuẩn úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Kiên, đang công tác ở đảo Đá Nam nhưng trước từng làm nhiệm vụ ở Trường Sa Lớn cũng nhớ về đảo cũ bằng vần thơ mộc mạc: Một lần đến với Trường Sa/Ân tình như đứa con xa trở về/Trường Sa chắn bão từ xa/Đất liền điểm tựa, nhà nhà yên vui/Trường Sa nơi ấy tiền tiêu....

Nỗi nhớ đất liền, nhớ làng quê với bao kỉ niệm thân thương cũng xuất hiện với tần suất cao trong các trang thơ chiến sĩ. Ở đảo Đá Thị, một chiến sĩ xin được giấu tên (vì sợ đồng đội đánh giá là có khuyết điểm vì... nhớ nhà), đã cho tôi xem bài thơ anh viết: Đêm Hè thức với phong ba/Nhìn chùm sao nhớ nơi làng quê xa/Nhớ chùm khế ngọt đầu nhà/Nhớ song thân với tương cà tháng năm/Chuyện quê sợi kén, con tằm/Củ khoai, hạt thóc, sâu đằm nơi đây/Một trang thư nhỏ chuyền tay/Mơ màng mây trắng vơi bay quê nhà/Đêm hè trên đảo san hô/Đảo chìm, sóng vỗ nở thơ giữa trời. Còn trên báo tường của đảo Nam Yết, chúng tôi “nhặt được” một vần thơ viết về nỗi nhớ của tác giả ký tên N.B.T: Cuối năm chưa được phép về/Chao ơi lính đảo nhớ quê quá chừng/Con trai đâu dám rưng rưng/Chỉ nghe bụng dạ bần thần vậy thôi/Chiều ra hóng gió trông trời...

Phần lớn cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đang ở độ tuổi thanh xuân. Vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi tỉ lệ thơ viết về tình yêu của bộ đội Trường Sa chiếm đến 90% số lượng các sáng tác. Trên cụm đảo Đá Lớn, các “hạt nhân thơ” cùng chụm đầu lại, mỗi người góp một câu mà thành bài thơ “Ao ước” khá hay: Lúc vui buồn thường kể chuyện nhau nghe/Rồi xem ảnh cô nào xinh nhất/Có cậu bảo trông cô này xinh thật/Lúm đồng tiền môi chúm chím thêm duyên/Người ước ao có một mảnh tình riêng/Người thì nghĩ đến bao giờ mới tới?

Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Đinh Huy Dũng, nhân viên máy nổ trên đảo Đá Nam, ngay trong buổi gặp gỡ các phóng viên thăm đảo nhân dịp Xuân Canh Dần 2010, cũng ngẫu hứng tặng Đoàn công tác một vần thơ Xuân: Xuân về trên đảo nhỏ/Có lợn và có giò/Bánh chưng và gạo nếp/Từ đất liền gửi ra/Rau xanh tự tăng gia/Chung vui mùa Xuân mới/Tâm hồn luôn phơi phới/Quyết canh giữ biển trời/Để mùa xuân thêm đẹp...

Những bài thơ chiến sĩ sáng tác tặng đoàn công tác, chính là món quà khó quên của những vị khách từng một lần đến với Trường Sa.

“Chạm Trường Sa là có thơ”

Rất nhiều người ra thăm Trường Sa đã để lại những áng thơ hay. Ở đây, tôi không muốn nhắc tới những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng mà những sáng tác của họ về Trường Sa đã được đông đảo bạn đọc biết đến. Điều tôi muốn kể là những bài thơ của những người chưa bao giờ làm thơ, nhất là các đồng chí cán bộ lãnh đạo. Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, trong chuyến ra thăm quần đảo Trường Sa năm 2008 đã viết vào sổ lưu niệm của các đảo những “rung động” của bà về vùng biển đảo thiêng liêng này. Trong đó, bài thơ “Trường Sa” mà bà viết khi cùng các chiến sĩ Trường Sa thức đêm nghe tiếng sóng biển vỗ bờ, được các đảo giữ gìn rất trân trọng: Đêm nay cùng thức với Trường Sa/Hòa vào sâu thẳm bao la đất trời/Nghe hương thơm của cuộc đời/Dậy lên từ đất, từ người Trường Sa.../Trường Sa ơi! Trường Sa/Báu vật muôn đời của ông cha/Sắt son cùng chung tay gìn giữ/Hiên ngang Tổ quốc giữa biển xa.

Hòa thượng Thích Giác Toàn, thành viên Đoàn đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh ra thăm Trường Sa năm 2009, khi tận mắt chứng kiến hình ảnh những anh Bộ đội Cụ Hồ giúp đỡ người dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa trên các hòn đảo đã xúc động viết về mối quan hệ cá nước đặc biệt này: Những mái nhà dân tăng sức dân/Dân thành, dân đảo... nối tình thân/Ngọt bùi san sẻ tình dân tộc/Con cháu Rồng Tiên huyết thống thần.


Báo tường là nơi công bố các sáng tác về Trường Sa của quân dân trên quần đảo.

Một trong những vị khách ra thăm đảo để lại nhiều “giai thoại thi ca” nhất là ông Lại Hồng Khánh, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Thượng tá Hồ Xuân Ưng cho biết: Tháng 4 năm 2009, đi thăm quần đảo Trường Sa, đến đảo nào, ông cũng “tức cảnh, sinh tình”, lấy bút làm thơ tặng đảo. Trong Đoàn cán bộ Thủ đô Hà Nội ra thăm Trường Sa lần đó có nghệ sĩ Quốc Chiêm. Vì thế, mỗi lần "hoàn thành" tác phẩm của mình, ông Khánh lại đưa cho nghệ sĩ Quốc Chiêm ngâm tặng bộ đội và người dân trên đảo, khiến ai cũng rất cảm động. Trong các bài thơ ông tặng Trường Sa, có bài “Cảm xúc Đá Tây” được viết rất nhanh vì thời gian lên thăm đảo chỉ vài tiếng đồng hồ: “Sự yếu mềm không có ở đây/Chỉ những chú cá kình, kiên gan người lính biển/Đảo Đá Tây tàu ta vừa đến/Vườn rau xanh, xanh phong vị quê nhà/Cùng ở đây, tiếng sóng với tiếng gà/Cờ Tổ quốc thắm trên nền biển biếc/Giang sơn cha ông truyền cho ta bất diệt/Bao mồ hôi tiếp nối đời đời/Bền vững muôn đời, Tổ quốc Việt Nam ơi!

Có lẽ, "nhà thơ" Lại Hồng Khánh sẽ rất hạnh phúc khi biết rằng, một trong những bài thơ ông viết trong thời gian thăm Trường Sa, bài “Ghi ở Trường Sa” đã được các đồng chí chính trị viên chép lại, đưa vào trong những bài giảng truyền thống và đọc cho bộ đội nghe trong những đêm thơ trên biển. Tôi đã ghi lại bài thơ này từ sổ tay của chiến sĩ Đặng Vũ Đông (đảo Đá Thị): Trường Sơn xẻ dọc thủa nào/Hôm nay rẽ sóng ta vào Trường Sa/Ngút xanh những rặng phong ba/Nụ cười của đảo mặn mà biển khơi/Đây là Tổ quốc của tôi/Đồng bào, đồng chí rạng ngời niềm tin/Việt Nam đất nước Rồng Tiên/Vững vàng cất cánh trên miền biển Đông.

Mong có một nơi neo đậu bến thơ

Nhắc đến các nhà thơ viết về Trường Sa, chắc chắn phải nhắc đến Trần Đăng Khoa. Năm 2007, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Chính trị (Quân chủng Hải quân) tổ chức Hội thảo về “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”. Trước hôm tổ chức hội thảo, tôi được cơ quan cử đến gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa phỏng vấn về những kỷ niệm khi anh viết tập truyện ngắn “Đảo chìm” và chùm thơ viết về Trường Sa. Dạo đó, nhà thơ đang rất bận rộn với cương vị Trưởng ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi tôi nhắc đến hai chữ Trường Sa, nhà thơ như bỗng chìm vào giấc mơ. Anh ngồi im, như không biết có tôi bên cạnh. Lặng đi một lúc, sau đó anh mới kể về một vài ấn tượng khi sáng tác “Đảo chìm” và những kỉ niệm ở Trường Sa. Anh bảo: “Trường Sa chưa bao giờ khiến tôi hết day dứt, ám ảnh. Đặc biệt là những hòn đảo vẫn còn chìm dưới nước. Nó như cái bào thai. Những người lính đã dựng chòi giữa sóng gió hoang vu để canh giữ bảo vệ. Tôi đã viết đến hàng chục bài thơ về hòn đảo đặc biệt này: “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài”, “Ghi ở đảo Chìm”, “Hát về một hòn đảo”...

Năm 1978, tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết dài, dày hơn 300 trang về Trường Sa nhưng rồi lại ném vào đống giấy lộn vì đọc cứ thấy giả. Nhưng mà khốn khổ, những hòn đảo ấy vẫn không chịu buông tha tôi. Nó cứ ám ảnh tôi mãi. Nhiều đêm, ngồi trong cái lều bạt, giữa trời nước mênh mông ở Trường Sa, tôi cứ ngỡ mình đang ở thời tiền sử; đang chứng kiến cái giây phút sinh thành của Trái đất. Hòn đảo vẫn réo gầm dưới sóng. Nó như đang quẫy đạp, đang giãy giụa, muốn xé toang cái bầu nước âm u vây bọc kia để ra đời. Nhưng theo các tính toán của các nhà khoa học, thì phải hơn một trăm năm nữa nó mới nhô lên khỏi mặt nước để trở thành một hòn đảo bình dị. Vậy mà có bao nhiêu kẻ đã rình rập. Có lẽ vì thế chăng mà nước biển ở đây mặn hơn bất cứ mọi vùng biển nào”.

Cuối buổi trò chuyện, nhà thơ nhắn nhủ: “Trường Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng nhất và cũng đáng thương nhất của Tổ quốc ta, vì nó mong manh, vất vả trước bao nhiêu là sóng gió. Trường Sa vẫn còn có nhiều vấn đề rất hay để khai thác, tạo dựng tác phẩm lớn. Tôi luôn mong nhiều hơn nữa những nhà văn có tài quan tâm đến “vùng đất trắng” này để viết về mảnh đất và con người Trường Sa”.

CHUYÊN ĐỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI (ĐÀI PT&TH CÀ MAU)

Theo http://vovgiaothong.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: