* Tháng 3 - 1964

Trong tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của nhà báo Cuba Banđômêrô Anvarê Riôt. Người nói rõ lập trường của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về đề nghị sáu điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; về những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, Người khẳng định: "Dù đế quốc Mỹ có ném thêm bao nhiêu đôla, vũ khí và quân lính cũng chẳng ăn thua gì". Nhân dân Việt Nam sẽ chiến thắng vì rất quyết tâm, vì tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến và vì nhân dân miền Nam được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

Trả lời câu hỏi về ảnh hưởng của cách mạng Cuba đối với Châu Á, Người nói đó là tấm gương cách mạng sáng ngời cho nhân dân Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh. Nhân dân Việt Nam luôn luôn đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ Latinh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Theo gương sáng của cách mạng Cuba, nhân dân Mỹ Latinh nhất định sẽ giành thắng lợi.

- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng nghe báo cáo về dự thảo cải cách giáo dục. Người chỉ rõ, học làm sao để phục vụ, để lao động. Nhất là đối với con em cán bộ. Con thì hăng hái muốn xin đi lao động nhưng bố không muốn, chỉ  muốn con mình  học để ra làm quan. Giáo dục đức dục có làm nhưng làm chưa tốt. Lúc đầu chưa đi sâu nhưng đức dục phải làm cơ sở. Học phình ra nhiều, chất lượng yếu đi. Trước đây dạy văn Hồ Xuân Hương. Nay có còn dạy không? Ra trường ăn lương hơn người ta nhưng lại làm không được việc. Học ở nước ngoài có khi về không dùng được vì mình chưa có ngành ấy. Không phân bổ ngành đúng mức, thích hợp. Về bổ túc văn hoá, chỉ học môn gì người ta cần, có những cái học không thiết thực, quên ngay. Nhất là những đồng chí có tuổi.

Cần chú ý lương của giáo viên dân lập. Đối với các cháu không lên được lớp (vì không có trường, không phải vì các cháu không muốn lên). Nhất là ở các thành phố, chỉ học một buổi, số không được đi học dễ hỏng. Lên lớp trên, từ cấp I lên cấp II học sinh ít đi; hai triệu còn 50 vạn, phải có trường cho hai triệu. Có hợp lý không? Có làm được không? Làm kế hoạch trong mấy năm làm sao đủ hai triệu? Phải bàn toàn diện, bàn cẩn thận.

- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về vấn đề quân sự ở Lào. Tại Hội nghị, Người thông báo cuối tháng 3 đầu tháng 4, Hoàng thân Xuvana Phuma sẽ sang thăm Trung Quốc và Việt Nam.  Vấn đề người dân tộc Mẹo ở Lào, nên giúp bạn huấn luyện để công tác. Ta phải giúp bạn về kinh tế, giải quyết vấn đề thuốc phiện.

- Ngày 8: Bài viết Gửi chị em phụ nữ Hoa Kỳ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 3631.

Bài báo vạch trần những tội ác dã man của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đối với nhân dân, phụ nữ và trẻ em Việt Nam; nêu rõ những thiệt hại về người và của mà giới cầm quyền Hoa Kỳ đã gây ra đối với nhân dân, phụ nữ và trẻ em nước này. Bài báo khẳng định: "Nhân dân hai nước chúng ta không hề có thù oán gì nhau. Chúng ta, nhất là chị em phụ nữ chúng ta, đều muốn chung sống trong hoà bình và hữu nghị". Bài báo kêu gọi chị em phụ nữ Mỹ cần kiên quyết đấu tranh để chặn tay Chính phủ hiếu chiến Hoa Kỳ.

- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về công tác phòng không, chống địch tổ chức hoạt động gián điệp và đánh phá miền Bắc.

Tại Hội nghị, Người phát biểu ý kiến: Trong không khí hoà bình hiện nay, nhân tình hình này ta làm tốt công tác phòng không nhân dân thì cũng có nhiều mặt lợi. Địch không hy vọng đánh chiếm miền Bắc, chỉ nhằm làm cho nhân dân ta xao xuyến. Nếu ta vững vàng là thắng. Phải chú trọng những thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên. Đề phòng cùng một lúc địch đánh phá nhiều nơi, nhiều mặt. Phải bảo vệ cầu cống, nhất là loại lớn, quan trọng. Phải có kế hoạch bảo vệ của cải của nhân dân như khi chạy báo động. Phải chuẩn bị giải quyết hậu quả khi có ném bom. Phải theo dõi bọn chỉ điểm khi có máy bay địch hoạt động. Đề phòng thuốc độc, bọn phá hoại. Phải giải quyết người phụ trách và tiền chi phí cần thiết.

Địch nhằm đánh ta về tinh thần thì ta phải có kế hoạch giữ được tinh thần nhân dân. Ta phải biến đề phòng tiêu cực thành tích cực, đề phòng khi địch hoạt động để gây căm thù, đẩy mạnh các mặt công tác.

- Ngày 19: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi đang họp tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Người biểu dương những đóng góp của phụ nữ miền núi trong cách mạng, trong kháng chiến và căn dặn: Muốn xứng đáng là người chủ nước nhà, chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước; xung phong trong việc xây dựng đời sống mới; đoàn kết; cố gắng học tập văn hóa, chính trị và nghề nghiệp. Người yêu cầu các cấp ủy Đảng ở miền núi chú ý phát triển Đảng, Đoàn trong phụ nữ; chú ý đào tạo, bồi dưỡng và giúp đỡ cán bộ phụ nữ các dân tộc.

Cùng ngày, bài viết Tổ chức tốt hơn nữa các đội thuỷ lợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 3642. Bài báo biểu dương những địa phương đã làm tốt và phê phán một số địa phương còn thiếu sót trong việc xây dựng các đội thuỷ lợi chuyên trách và nêu rõ: "Đội chuyên làm thủy lợi có tác dụng quyết định đối với phong trào hai năm làm thủy lợi. Nó là đội quân chủ lực để thực hiện kế hoạch xây dựng thuỷ lợi vô cùng to lớn của chúng ta. Các cấp ủy Đảng và các hợp tác xã cần phải vượt mọi khó khăn và thành lập cho tốt và cho kịp thời. Muốn vậy, lãnh đạo phải đi sát quần chúng; cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải xung phong gương mẫu".

- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng để thảo luận về kế hoạch Nhà nước năm 1964. Người đề nghị mỗi vấn đề phải có một kế hoạch cụ thể, phải đi thật sâu để giải quyết cho kỳ được. Thí dụ vấn đề thủ công nghiệp rất quan trọng, đề ra cũng đã lâu nhưng giải quyết rất chậm. Chất lượng hàng hoá rất kém, phải giao cho ai phụ trách nghiên cứu cụ thể vấn đề này. Bây giờ phải chịu khó đi sâu vào từng vấn đề và có người phụ trách giải quyết rất cụ thể.

Việc thực hiện kế hoạch mọi năm kém, bây giờ muốn thực hiện được kế hoạch 5 năm thì kế hoạch đặt phình ra, liệu có khả năng thực hiện được không? Đừng có tình trạng mình lại lừa mình.

- Ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn tiếp về kế hoạch Nhà nước năm 1964. Người chỉ rõ quần chúng rất tốt, phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa khá. Ta đã có tới hàng nghìn hợp tác xã tiên tiến. Nông dân, công nhân tốt. Hiện thời cũng không có khó khăn lớn, thế thì tại sao công việc như vậy? Vì lãnh đạo có một cái sức ỳ lớn, tổ chức chưa chặt chẽ, phối hợp chưa tốt, chỉ đạo chưa thống nhất. Nói tóm lại: tổ chức cho hợp lý, làm việc cho tập thể, phân công cho rõ ràng, kiểm tra cho chặt chẽ thì công việc có thể chạy được.

Về lương thực: Phải cố gắng để giải quyết cho tốt.

Về nguyên liệu: Phải cố gắng giải quyết. Ta đã bị mắc cái xiềng ba sào, bây giờ lại vướng cái xiềng nguyên liệu nữa. Nhiều vấn đề ta có thể giải quyết được, tại sao không cố gắng giải quyết?

Về thủ công nghiệp: Phải giao cho ai phụ trách, phải có kế hoạch chống việc làm xấu, làm ẩu. Vấn đề này trong công nghiệp quốc doanh cũng vậy.

Vấn đề kém nhất là quản lý, năm nào ta cũng nói xã hội chủ nghĩa gì mà năm nào cũng thấy nói phải ăn thiếu, ăn đắt và hàng xấu. Vấn đề biên chế thừa cũng thấy nói nhiều rồi, v.v., nhưng không có người chịu trách nhiệm cụ thể giải quyết. Việc này cần phải có tổ chức, có người chịu trách nhiệm rõ ràng.

Phải đẩy mạnh công tác thanh niên, chỗ nào thanh niên mạnh thì làm tốt. Phải đẩy mạnh công tác công đoàn làm những việc thiết thực hơn nữa. Nhưng chốt lại là phải làm sao cho chi bộ tốt, phải chỉnh chi bộ, phải làm dần dần, nhưng phải cố gắng. Chúng ta đã có đường lối chính sách, có hướng rõ ràng, nhưng đang có một sức ỳ, ta có khen thưởng, nhưng chưa có phạt nghiêm minh, lần sau phải chú ý tới vấn đề này.

- Ngày 26: Bài viết Thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 3649.

Bài báo giới thiệu khái quát cuộc đời hoạt động cách mạng và tấm gương hy sinh của người thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng. Lý Tự Trọng đã sớm gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, một trong những tổ chức tiền thân của Đảng và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó. Đầu năm 1931, trong dịp kỷ niệm một năm cuộc bạo động Yên Bái, Lý Tự Trọng đã tiêu diệt tên mật thám Pháp để bảo vệ người cán bộ đang diễn thuyết. Lý Tự Trọng bị bắt và đã anh dũng hy sinh. Bài báo nêu rõ: "Đồng chí Lý Tự Trọng đã nêu gương chân chính cách mạng cho chúng ta noi theo. Ngày nay, được Đảng giáo dục, có Đoàn dìu dắt, thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động; phải thực hiện khẩu hiệu "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên". Bài báo đã đính chính một số điểm thiếu chính xác của một vài cuốn sách khi viết về Lý Tự Trọng.

- Ngày 27: Đọc báo cáo tại Hội nghị Chính trị đặc biệt họp tại Hà Nội, Người nêu lên những thành tích to lớn của nhân dân miền Bắc trong 10 năm kể từ khi hoà bình lập lại; những nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam và nội dung cơ bản đường lối của Đảng và Chính phủ. Báo cáo của Người nêu khái quát quá trình đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam, những tội ác mà chúng đã gây ra nhất là trong "Chiến tranh đặc biệt" và khẳng định: " Tội ác tày trời của chúng làm cho cả loài người văn minh sục sôi căm giận. Chính vì vậy mà 14 triệu đồng bào miền Nam ta kiên quyết đứng dậy kháng chiến đến cùng. Đồng bào miền Bắc ta vì máu chảy ruột mềm mà không một giờ phút nào không nhớ đến miền Nam anh dũng và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà".

Sau khi điểm lại những thành tích về mọi mặt trong công cuộc xây dựng miền Bắc, một số khuyết điểm và nhược điểm cần khắc phục, Người kêu gọi: "Toàn thể đồng bào miền Bắc phải luôn luôn nhớ rằng: trong lúc chúng ta đang sinh hoạt và xây dựng trong hoà bình, thì đồng bào miền Nam ta đang hy sinh, anh dũng chiến đấu chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Vì vậy, mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt".

Về tình hình thế giới, báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khoá III) và nêu rõ trong cuộc đấu tranh để thực hiện những ý tưởng cao đẹp của C.Mác và V.I.Lênin, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc đã thu được những thắng lợi quan trọng. Đó là nguồn cổ vũ lớn lao đối với nhân dân ta trong cuộc đấu tranh vì hoà bình và thống nhất Tổ quốc. Người đề ra năm nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện để thiết thực xây dựng hậu phương miền Bắc và chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở miền Nam.

- Ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ trì Hội nghị Chính trị đặc biệt.

Chiều, Người phát biểu bế mạc Hội nghị. Sau khi tóm tắt diễn biến và thắng lợi của Hội nghị, khẳng định niềm tin và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, Người đề nghị: "Các cụ và các đồng chí sẽ đem tinh thần nhất trí, ý chí cách mạng và lòng tin tưởng quyết tâm của tất cả chúng ta ở Hội nghị này đến nhân dân cả nước ta, biến thành một sức mạnh vĩ đại, một sức phấn khởi mới, hăng hái tiến lên!".

* Tháng 3 - 1965

- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Quốc vương Campuchia Nôrôđôm Xihanúc và Hội nghị nhân dân Đông Dương cảm ơn Hội nghị đã kịch liệt lên án đế quốc Mỹ về hành động khiêu khích mới hết sức nghiêm trọng của chúng đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đoàn kết hơn nữa trước nguy cơ mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ. Đó là một bằng chứng tỏ rõ ý chí thống nhất của nhân dân ba nước Đông Dương kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ và ra sức bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

- Ngày 8: Bài viết "Sách trắngcủa Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 3992.

Bằng những dẫn chứng cụ thể, bài báo phê phán thái độ của đế quốc Mỹ "vừa ăn cắp vừa la làng" khi họ đưa ra cuốn sách trắng về vấn đề chiến tranh Việt Nam. Bài báo nêu rõ: Sách trắng của Mỹ là một văn kiện đen tối xấu xa, nằm che giấu tội ác tày trời của đế quốc Mỹ; vu cáo Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; lừa bịp nhân dân Mỹ và thế giới để mở rộng chiến tranh ở Việt Nam.

Bài báo vạch trần những âm mưu, thủ đoạn và chỉ ra những thất bại nặng nề của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và kết luận: "Đế quốc Mỹ chỉ có thể chọn một trong hai con đường: Hoặc là chuẩn bị tinh thần chờ đón một trận Điện Biên Phủ, hoặc là thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954, tức là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam và đình chỉ khiêu khích miền Bắc, rút hết quân đội và vũ khí về Mỹ để nhân dân miền Nam tự giải quyết việc nội bộ của mình. Nếu đế quốc Mỹ khôn hồn theo con đường thứ hai, nhân dân Việt Nam sẽ sẵn sàng hoan tống họ một cách lịch sự".

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Dệt 8-3 nhân dịp nhà máy chuẩn bị khánh thành và chính thức bước vào sản xuất. Nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy, Người nhắc phải luôn ra sức học tập kỹ thuật, văn hoá, chính trị; nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật lao động, giữ gìn của công, chống tham ô, lãng phí. Người căn dặn muốn sản xuất tốt phải có sức khoẻ tốt, vì vậy phải giữ chỗ ăn, chỗ ở luôn sạch sẽ, vệ sinh; cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong học tập, sản xuất; toàn bộ cán bộ, công nhân phải đoàn kết thành một khối, v.v..

- Trước ngày 12: Họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về cách mạng miền Nam, về việc tổ chức Hội nghị quốc tế ủng hộ Việt Nam, về công tác đối ngoại và công tác tổ chức, nhân sự. Về công tác đối ngoại với Liên Xô và Trung Quốc, Người nói: "Làm việc phải thật khéo, thận trọng, để Trung Quốc đừng hiểu lầm, Liên Xô đừng hiểu lầm, Trung Quốc và Liên Xô đừng hiểu lầm nhau".

- Ngày 12: Bài viết Đế quốc Mỹ cút đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 3996.

Với những dẫn chứng cụ thể từ các nguồn tin của chính giới và báo chí phương Tây, bài báo cho biết đế quốc Mỹ đang đưa thêm quân Mỹ và quân chư hầu vào miền Nam Việt Nam. Đó là một bước leo thang nguy hiểm nhằm mở rộng chiến tranh. Điều đó cũng tỏ rõ quân đội Sài Gòn đã mất tinh thần, Mỹ yếu chứ không mạnh. Bài báo khẳng định: Mỹ có đưa bao nhiêu quân vào miền Nam Việt Nam thì họ cũng nhất định thất bại, nhân dân Việt Nam nhất định thắng.

- Ngày 12 và 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định về âm mưu của Mỹ và kế hoạch đối phó của ta.

Về âm mưu và hành động của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Người nói: "Miền Bắc có chiến tranh (bằng máy bay). Phải động viên đảng viên, đoàn viên biết mình phải quyết tâm chiến thắng, phải hy sinh chịu đựng". Người đề nghị phương thức tổ chức chỉ đạo chiến tranh là triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt hoặc Hội đồng quốc phòng tối cao. Người nói:

"- Vấn đề mở rộng chiến tranh, nó đã nói từ 2-1964, mình nghiên cứu yếu.

- Mình phải có quyết tâm từ Nam chí Bắc, hy sinh hết; một chết, hai thắng lợi. Phải có tổ chức.

- Phải làm cho toàn Đảng, toàn dân hiểu, phải quyết tâm.

- Kế hoạch làm phải từng bước, nhưng phải đạt trong hoàn cảnh thật gay gắt. Địch sẽ dùng cả tàu bay, tàu thủy. Đề phòng nghiêng ngả.

- Phải có tổ chức mạnh có quyền, có tiền mà làm.

- Phòng không nhân dân: Chú ý giải quyết đời sống của những gia đình khó khăn. Các cháu bé quý hơn nhà máy.

- Cách sống của mình còn hòa bình. Phải chuyển sang nửa chiến tranh".

Về ngoại giao, Người chỉ rõ: Cần nghĩ trước đến việc vận động mở lại Hội nghị Giơnevơ để tranh thủ dư luận, đồng thời nên tổ chức các hoạt động tuyên truyền chống chiến tranh ở nhiều nước, nhiều tổ chức khác trên thế giới. Phải thấy trong quá trình tiến hành chiến tranh chống Mỹ, phải vừa kiên quyết, vừa khéo léo. Lúc nào Mỹ muốn đi ra thì tạo điều kiện cho Mỹ rút.

- Ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Nôrôđôm Xihanúc chúc mừng thắng lợi của Hội nghị nhân dân Đông Dương. Người khẳng định thành công của Hội nghị đánh dấu một bước tiến lớn trong sự nghiệp đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược, là một đòn mạnh mẽ đánh vào chính sách can thiệp và xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng ở Đông Dương.

- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng tiếp tục bàn về những nhiệm vụ cấp bách trước mắt ở cả hai miền Nam - Bắc.

Cùng ngày, bài viết Lễ cưới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 4009. Người kể lại câu chuyện đám cưới của anh Dương Thắng. Đám cưới đang được chuẩn bị thì có báo động máy bay địch tới. Anh Thắng đến gặp đại đội trưởng dân quân xin tham gia chiến đấu và hoãn đám cưới lại. Người khen:

"Việc công trước, việc tư sau.

Chữ duyên càng đượm, càng sâu chữ tình".

Người phê phán một đám cưới khác linh đình trong ba ngày, chi phí tốn kém:

"Cô cán bộ, cậu sinh viên,

Xa hoa lãng phí không phiền lòng ru?".

- Từ ngày 25 đến ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá III bàn về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt của cách mạng Việt Nam.

Đánh giá về kết quả Hội nghị, Người nói: " Hội nghị Trung ương đặc biệt lần này cũng là một chuyển biến lớn vì họp gọn, các đồng chí nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ bổ sung một số điểm. Đây là kế hoạch cơ bản của chúng ta, cho nên phải giữ tuyệt đối bí mật. Những đồng chí đã ghi chép thì phải hủy đi. Về việc hoãn Đại hội, các đồng chí tán thành cả. Cán bộ, các ngành phải có kế hoạch chuyển hướng".

Người yêu cầu phải triển khai tinh thần Nghị quyết tới các cấp, các ngành. Về nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn trước mắt, Người nêu rõ: "Tất cả mọi việc đều phải phục vụ việc đánh Mỹ, thắng Mỹ. Nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang, vinh quang cho dân tộc ta, con cháu ta, vì làm gương cho các nước khác chống Mỹ".

- Ngày 29: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về tình hình cách mạng miền Nam.

Sau khi nghe Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn trình bày những diễn biến chính của phong trào cách mạng miền Nam; việc bố trí lực lượng của ta trên các chiến trường, tình hình đấu tranh chính trị, v.v.. Người nêu ra những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác đấu tranh chính trị ở các thành phố như phải cung cấp tài chính và tài liệu cho bộ phận hoạt động công khai trên báo chí Sài Gòn để bác bỏ luận điệu tuyên truyền của địch cho là miền Bắc xâm lược miền Nam... Về đấu tranh ngoại giao và công tác đối ngoại, phải kiên trì đấu tranh bảo vệ những điều khoản đã được ký kết trong Hiệp định Giơnevơ. Phải nêu cao vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên trường quốc tế. Về những cuộc họp Quốc hội, vì hoàn cảnh thời chiến, nên tổ chức ngắn gọn.

* Tháng 3 - 1966

- Ngày 11: Bài viết Tin mừng cho lính Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 4357.

- Ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng nghe báo cáo về tình hình chiến sự miền Nam, đặc biệt là Khu V. Phát biểu kết luận phiên họp, Người đồng ý tuyển 50.000 quân đợt 3 và đợt 4 năm 1966, không tuyển người đứng tuổi, con em những gia đình đã có nhiều con vào bộ đội và cho tuyển 5.000 nữ (hoặc hơn) nhập ngũ đợt này; tuyển thanh niên ở các nông trường, công trường nhưng không huy động những người chủ chốt và có kỹ thuật. Người nhắc nhở cần xem lại cách tổ chức bộ đội, tránh lãng phí và có thể tăng cường các phương tiện kỹ thuật, giảm bớt số người.

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn). Người biểu dương, khen ngợi tinh thần dũng cảm, chịu đựng gian khổ hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và mong muốn anh chị em nêu cao truyền thống quyết chiến, quyết thắng của quân đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ vận chuyển hàng chi viện cho tiền tuyến.

- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chào mừng Đại hội lần thứ XXIII Đảng Cộng sản Liên Xô. Người ca ngợi những thành tựu về kinh tế, quân sự, chính trị mà Đảng và nhân dân Liên Xô đã đạt được; cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình về mọi mặt của nhân dân Liên Xô và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của giai cấp công nhân và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và khẳng định đó là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại hội thi đua ngành giao thông vận tải. Người khẳng định chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, vì vậy giao thông vận tải cũng là giao thông nhân dân. Giao thông vận tải là một mặt trận, mỗi công dân, thanh niên xung phong trong ngành giao thông vận tải là một chiến sĩ. Người phân tích rõ vị trí quan trọng của giao thông vận tải đối với sản xuất, chiến đấu và phục vụ đời sống nhân dân; khen ngợi những thành tích mà ngành giao thông vận tải đã đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; chỉ rõ những khuyết điểm của ngành như cán bộ lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức đời sống công nhân, có nơi bố trí công tác chưa hợp lý nên năng suất lao động thấp, công tác quản lý chưa chặt chẽ, còn chủ quan khinh địch nên chịu nhiều thiệt hại... và yêu cầu ngành giao thông vận tải khắc phục những khuyết điểm đó, cố gắng hơn nữa cùng toàn dân, toàn quân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh kỷ niệm lần thứ 35 Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

Sau khi biểu dương những thành tích của những cá nhân và tập thể thanh niên ở cả hai miền Nam Bắc, Người kêu gọi thanh niên hãy phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, học tập tấm gương chiến đấu hy sinh của Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Chiên, La Văn Cầu, Trần Thị Lý... lập nhiều thành tích trong sản xuất, chiến đấu và căn dặn phải nắm vững khoa học, kỹ thuật, ra sức học tập và sáng tạo, thực hành tiết kiệm, đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau ngày càng tiến bộ.

* Tháng 3 - 1967

- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc nhân kỷ niệm lần thứ hai Hội nghị Đông Dương. Người tỏ lòng chân thành cảm ơn Quốc trưởng đã kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam

- Ngày 6: Người viết thư gửi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, hoan nghênh Cương lĩnh của Mặt trận vừa được công bố. Người tỏ ý vui mừng trước những thắng lợi to lớn mà nhân dân miền Nam đã giành được trong bảy năm qua và nhấn mạnh rằng: “Tổ quốc và nhân dân Việt Nam rất tự hào vì miền Nam Thành đồng Tổ quốc”.

- Ngày 8: Lúc 17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn cán bộ tỉnh Lai Châu do đồng chí Nguyễn Văn Xã, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đến thăm Người.

Sau khi thăm hỏi tình hình sinh hoạt, ăn ở, và sản xuất của đồng bào các dân tộc Lai Châu, Người nhắc các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải chú ý công tác vận động đồng bào nâng cao ý thức cảnh giác trước những thủ đoạn mới của địch. Cán bộ các cấp, các ngành phải biết dựa vào dân, tuyên truyền, giáo dục nhân dân đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, thực hiện dân chủ và chỉ đạo sản xuất cho tốt để đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng no ấm.

- Ngày 9: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Đáng khen và đáng chê, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân, số 4716, nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác chăn nuôi và phê phán những cán bộ lợi dụng “hội hè đình đám” để lạm sát và lãng phí thực phẩm ở một huyện của Thái Bình.

- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình quân sự tuần qua về đấu tranh ngoại giao, vấn đề đồng chí Hà Văn Lâu gặp U Than ở Rănggun và nội dung báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội. Về báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “lần này nói với dân là phải nhấn mạnh thực hành dân chủ”.

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các cháu xã Nam Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), khen ngợi các cháu đã cố gắng thi đua học tập, lao động tốt, góp phần xây dựng quê hương chống Mỹ, cứu nước. Thư có đoạn:“Bác hoan nghênh đồng bào, cấp ủy Đảng, chính quyền, các thầy giáo, cô giáo xã Nam Liên đã chăm lo đến việc dạy và học và đảm bảo tốt phòng không an toàn cho các thầy giáo, cô giáo và các cháu”.

- Ngày 16: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đáng khen và đáng chê, ký bút danh Chiến Sĩ đăng báo Nhân Dân, số 4724, hoan nghênh tinh thần tiết kiệm, chấp hành lối sống văn hóa mới của nhân dân xã Kiến Bái (Thủy Nguyên - Hải Phòng) và phê bình thói lãng phí, bày đặt đình đám, tiêu cực của cán bộ nhân dân một xã khác ở Thủy Nguyên. Tác giả cho rằng sở dĩ còn có tình trạng chưa chấp hành đúng chính sách tiết kiệm của Nhà nước ở một số địa phương, là do cán bộ, đảng viên đoàn viên ở những nơi đó chưa làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục nhân dân và tự mình còn chưa gương mẫu thực hiện tốt chính sách của Nhà nước.

Cùng ngày, Người gửi thư khen ngợi cán bộ và nhân viên Nhà thương Nghệ An và căn dặn mọi người đoàn kết, tiến bộ để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước thắng lợi.

- Ngày 18: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình chiến sự ở miền Trung tuần qua, kế hoạch kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười Nga và về đấu tranh ngoại giao. Về kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, Người lưu ý trong dịp này cần nêu cao ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười; phải viết một cuốn sách về Cách mạng Tháng Mười, về nội chiến và chống phát xít, tinh thần chiến đấu hy sinh của nhân dân Xôviết trong bảo vệ Tổ quốc và Cách mạng Tháng Mười đã giúp nhân dân ta như thế nào....

- Ngày 19:  Lúc 18 giờ, Người cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm một đơn vị bộ đội đặc công luyện tập.

Tại Trường Cán bộ Dân tộc Trung ương ở xã Phùng Khoang, huyện Từ Liêm (Hà Nội), cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 246, đại biểu của Lữ đoàn 305 sau khi tham dự buổi diễn tập chiến thuật, kỹ thuật đã được nghe Người huấn thị: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt...”.

- Ngày 25: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề “Cái chìa khóa vạn năng”, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng Báo Nhân Dân, số 4733 nêu lên tác dụng quan trọng của việc thực hành dân chủ trong mọi nhiệm vụ cách mạng.

Bằng một loạt dẫn chứng, tác giả cho thấy: Ở nơi nào, địa phương nào làm tốt công tác vận động quần chúng, phát huy tinh thần làm chủ tập thể và dân chủ bàn bạc để thống nhất hành động, thì bao giờ cũng thành công. Trái lại, những đơn vị làm việc theo lối chủ quan, độc đoán thì thường phạm phải sai lầm.

Tác giả kết luận: “Vài thí dụ trên đây chứng tỏ rằng thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”.

- Ngày 27: Lúc 7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị tiếp tục bàn về việc đồng chí Phạm Văn Đồng đi làm việc ở Liên Xô, Trung Quốc và một số vấn đề về đấu tranh ngoại giao.

Người phát biểu nhắc nên nói với các nước bạn về âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ đồng thời khẳng định “Dù địch có làm như vậy chúng tôi không sợ, được các đồng chí giúp, chúng tôi càng không sợ”.

- Tháng 3

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi nhân dân Ý (Italia) nhân dịp giáo sư Bátxô, thành viên trong Đoàn điều tra tội ác của Mỹ sang Việt Nam.

Trong bức thư này, Người vạch trần luận điệu giả nhân giả nghĩa của đế quốc Mỹ trong vấn đề gọi là “Tìm kiếm hòa bình” ở Việt Nam, nêu rõ lập trường chính nghĩa của nhân dân ta trong tiến trình dẫn đến hòa bình ở Việt Nam là: “Hễ đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút khỏi đất nước chúng tôi thì hòa bình sẽ lập tức được lập lại ở Việt Nam”.

Nhân dịp này, Người thay mặt nhân dân ta tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ và ủng hộ của những người bạn ý, và hy vọng rằng nhân dân ý sẽ tiếp tục ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược Mỹ.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi điện thoại hỏi thăm tình hình gia đình đồng chí Lê Anh Tài, cán bộ Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, chồng của Anh hùng Quân đội Nguyễn Thị Chiên. Khi được biết chị Chiên đã sinh cháu gái, Người vui vẻ chúc mừng và nói: “Con gái đầu lòng là quý lắm đó”.

* Tháng 3 - 1968

- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn. Trong thư có đoạn:

“Nhớ lại hồi Noel năm ngoái, Chú có ý khuyên B. (Bác) đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. B. rất tán thành.

Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn... Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em... Có lẽ Chú và đồng chí khác e rằng sức khoẻ của B. không cho phép B. đi chơi xa. Nhưng, thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khỏe tiến bộ mau hơn”...

Người còn đề cập tới thời gian chuẩn bị, cách đi và lịch trình chuyến viếng thăm này mà Người rất mong đợi.

- Ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho đồng chí Lê Văn Lương, Bí thư Trung ương Đảng, trao đổi một số vấn đề, trong đó có vấn đề Điều lệ Hợp tác xã cấp cao. Thư có đoạn: “Bác đã xem Điều lệ mẫu Hợp tác xã nông nghiệp cấp cao, có nhiều ý kiến, nhưng Bác chờ xem ý kiến của các xã viên Hợp tác xã”. Người còn hỏi về phong trào “Báo công, bình công” ở các địa phương.

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen quân và dân Hải Phòng đã bắn rơi 200 máy bay Mỹ. Người căn dặn: “Quân và dân Hải Phòng hãy ra sức thi đua với quân và dân miền Nam anh hùng, nâng cao cảnh giác, sản xuất tốt hơn nữa, chiến đấu giỏi hơn nữa, sát cánh cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư nhiệt liệt khen ngợi chiến thắng vẻ vang của bộ đội và đồng bào miền Nam và có mấy lời dặn dò tóm tắt như sau: Ý chí phải thật kiên quyết. Kế hoạch phải thật tỉ mỉ. Kiểm tra phải thật kỹ càng. Phối hợp phải thật ăn khớp. Chấp hành phải thật chu đáo. Cán bộ phải thật gương mẫu. Bí mật phải giữ triệt để.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư bằng chữ Hán gửi Thủ tướng Chu Ân Lai nói rõ ý định quan tâm nhất và bí mật nhất của Người là đi vào miền Nam để thăm và động viên đồng bào, chiến sĩ, đồng thời yêu cầu Thủ tướng Chu Ân Lai giúp đỡ.

- Ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư và Bằng khen tặng đồng bào và cán bộ xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hải Hưng về thành tích chăm sóc người già và trẻ mồ côi ở địa phương. Trong thư, Người viết: “Mỗi hợp tác xã phải như một gia đình, phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau”.

- Ngày 26: Phấn khởi trước thắng lợi to lớn của cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt trên khắp các chiến trường miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc cho đồng chí thư ký chép bài thơ “Không đề” gửi một đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng:

Đã lâu chưa làm bài thơ nào,

Đến nay thử làm xem ra sao.

Lục mãi giấy tờ vẫn chưa thấy,

Bỗng nghe vần thắng vút lên cao.

- Tháng 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài thơ “Vô đề” bằng chữ Hán như sau:

Tam niên bất ngật tửu xuy yên,

Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên.

Hỷ kiến Nam phương liên đại thắng,

Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên

Dịch nghĩa (Bản dịch của Khương Hữu Dụng)

Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,

Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,

Một năm là cả bốn mùa xuân.

* Tháng 3 - 1969

Buổi sáng hằng ngày, các bác sĩ đến thăm và kiểm tra sức khoẻ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Ngày 1: Buổi sáng, Người làm việc với đồng chí Hà Huy Giáp về những gương người tốt, việc tốt và nghe báo cáo về gương người tốt, việc tốt của đồng bào miền Nam. Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần hỏi về tình hình máy bay Mỹ hoạt động trinh sát ở các vùng Khu IV.

- Ngày 2: Buổi chiều, tại Phủ Chủ tịch, Người gặp mặt thân mật chị Huỳnh Thị Kiên, du kích Duy Xuyên bị địch bắt tra tấn dã man, chặt cụt chân nhưng vẫn không khai.

16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Người hỏi thăm tình hình máy bay Mỹ trinh sát và bắn phá các tỉnh Quảng Bình, Vĩnh Linh và căn dặn một số việc phải làm để tránh thiệt hại cho dân.

- Ngày 3: Lúc 16 giờ 30, Người tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm và báo cáo một số công việc. Người hỏi thăm tình hình máy bay địch trinh sát vùng Quảng Bình.

- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam báo tin đã nhận được bức thư đầu xuân của Luật sư gửi Người. Bức điện có đoạn: “...Sự ra đời và những hoạt động tích cực của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do Chủ tịch lãnh đạo là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước”.

- Ngày 11: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tây bức chân dung của Người với hàng chữ: “Khuyên cán bộ một lòng một dạ phục vụ nhân dân, chúc đồng bào các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

- Ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen đồng bào, cán bộ và chiến sĩ miền Nam đánh giỏi thắng to trong dịp đầu Xuân Kỷ Dậu. Nội dung bức điện có đoạn: “Giặc Mỹ đã thua nặng. Nhưng chúng vẫn chưa bỏ dã tâm xâm lược, chưa chịu rút quân ra khỏi nước ta. Vậy ta phải tiếp tục đánh mạnh, đánh đau, đánh cho đến khi Mỹ, ngụy thất bại hoàn toàn, cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng”.

- Ngày 20: Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về tình hình quân sự.

Trong ngày, các bác sĩ hội chẩn, kiểm tra sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và bàn kế hoạch kiểm tra sức khỏe hàng ngày cho Người.

- Trong tháng 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Thủ tướng nước Cộng hòa Cuba Phiđen Caxtơrô Rudơ và gửi biếu đồng chí Phiđen một chiếc gạt tàn thuốc lá làm bằng xác máy bay Mỹ do các chiến sĩ giải phóng miền Đông Nam Bộ đã gửi biếu Người.

Huyền Trang (Tổng hợp)

Bài viết khác: